Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Gia đình đổ vỡ—Ly hôn ảnh hưởng đến trẻ vị thành niên

Gia đình đổ vỡ—Ly hôn ảnh hưởng đến trẻ vị thành niên

Gia đình đổ vỡ—Ly hôn ảnh hưởng đến trẻ vị thành niên

Các chuyên gia thường nghĩ rằng lời khuyên của họ là khôn ngoan. Họ khuyên các bậc cha mẹ đang gặp vấn đề trong hôn nhân: “Ông/Bà nên nghĩ đến hạnh phúc của mình. Đừng lo lắng về bọn trẻ. Chúng sẽ nhanh chóng vượt qua cú sốc. Thà ông/bà ly hôn còn hơn để cho con sống với cha mẹ thường xuyên bất hòa!”.

Tuy nhiên, một số nhà tư vấn từng xem việc ly hôn là giải pháp tối ưu, nay đã thay đổi quan điểm. Giờ đây, họ thừa nhận: “Ly hôn là một cuộc chiến, trong đó không bên nào ra đi mà không mang thương tích, kể cả con cái”.

Đời sống dễ dàng hơn sau ly hôn?

Một chương trình hài kịch trên truyền hình được nhiều người ưa chuộng có nội dung như sau: Cha mẹ ly hôn. Người mẹ được quyền giám hộ các con và rồi tái hôn với một người đàn ông góa vợ có con riêng. Tuần này sang tuần khác, gia đình ấy trải qua nhiều tình huống lố bịch buồn cười, nhưng đều được giải quyết một cách dí dỏm chỉ trong vòng 30 phút.

Có lẽ chương trình truyền hình nói trên chỉ để giải trí. Nhưng trên thực tế việc ly hôn không hài hước như thế, ngược lại là một chuyện đau lòng. Trong cuốn sách giúp cải thiện hôn nhân (Emotional Infidelity), tác giả M. Gary Neuman viết: “Việc ly hôn liên quan đến pháp lý. Người này đưa người kia ra tòa. Vào giây phút quyết định ly hôn, bạn đã mất quyền trên con cái. Bạn cũng mất quyền quản lý tài chính và có lẽ ngay cả nơi cư ngụ. Những vấn đề của bạn có thể được giải quyết tại tòa, mà cũng có thể không. Cuối cùng, thẩm phán là một người xa lạ sẽ phán quyết bạn có thể gặp con mình bao nhiêu lần và được quản lý bao nhiêu tiền. Thật không may, vị thẩm phán xa lạ đó có thể đưa ra phán quyết không như bạn nghĩ”.

Thường thì việc ly hôn chỉ là chuyển từ vấn đề này sang vấn đề khác. Thật vậy, tất cả những sắp đặt trong đời sống cũng như tình trạng tài chính của bạn đều bị thay đổi, và dường như không khả quan hơn. Ngoài ra, việc ly hôn cũng tác động đến con cái.

Cha mẹ ly hôn và trẻ vị thành niên

Ly hôn có thể gây tổn thương cho con cái, dù chúng ở độ tuổi nào. Một số người cho rằng trẻ vị thành niên sẽ chịu đựng tốt hơn. Họ lý luận rằng dù sao đi nữa, chúng đã chín chắn hơn và trước sau gì cũng rời xa cha mẹ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã thấy được mặt trái của vấn đề. Họ nhận ra rằng cha mẹ ly hôn là một cú sốc tinh thần lớn đối với trẻ vị thành niên *. Hãy xem một số yếu tố sau:

▪ Vì đang tiến đến tuổi trưởng thành, trẻ vị thành niên có thể cảm thấy rất hoang mang. Có lẽ còn hoang mang hơn nhiều so với khi còn bé. Bề ngoài chúng có vẻ độc lập, nhưng chớ để điều đó lừa bạn. Hơn bao giờ hết, trẻ vị thành niên cần sự bảo vệ và hướng dẫn của một gia đình hợp nhất.

▪ Ở độ tuổi này, trẻ vị thành niên đang học cách thiết lập tình bạn chân chính. Nhưng việc ly hôn của cha mẹ khiến chúng nghi ngờ giá trị của lòng tin cậy, sự chung thủy và tình yêu thương. Sau này, khi trưởng thành, chúng có thể không muốn tạo dựng những mối quan hệ mật thiết.

▪ Thông thường trẻ con ở mọi độ tuổi đều biểu hiện rõ ràng nỗi buồn của chúng. Nhưng đặc biệt trẻ vị thành niên dường như lại thể hiện bằng những hành động nguy hiểm như phạm pháp, say rượu và dùng ma túy.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ vị thành niên có cha mẹ ly hôn đều bị tổn thương về tâm lý và không thể thành công trong đời sống. Chúng có thể thành công, đặc biệt nếu có mối quan hệ tốt với cả cha lẫn mẹ *. Nhưng đừng nghĩ rằng việc ly hôn, như vài người nói, sẽ luôn “tốt hơn cho con” hoặc chấm dứt mọi căng thẳng giữa hai vợ chồng. Thật ra, một số người nhận thấy sau khi ly hôn họ phải đối phó với người hôn phối “không thể chịu đựng nổi” nhiều hơn trước. Ngoài ra, họ gặp nhiều vấn đề bất ổn như phải chu cấp tài chính hoặc giám hộ con. Vì thế khi ly hôn, các vấn đề trong gia đình không chấm dứt mà trở thành những vấn đề liên quan đến pháp lý.

Lựa chọn thứ ba

Nói sao nếu bạn đang gặp vấn đề trong hôn nhân và đang nghĩ đến việc ly hôn? Cách thứ nhất là ly hôn, nhưng đó không là giải pháp tối ưu cho mọi đau khổ trong hôn nhân. Bài này trình bày một số lý do để bạn xem xét lại.

Nói vậy không có nghĩa là bạn phải chọn cách thứ hai: chịu đựng một hôn nhân bế tắc. Có một lựa chọn thứ ba: Nếu hôn nhân đang gặp vấn đề, sao bạn không nỗ lực cải thiện?. Đừng vội cho rằng điều này không thực hiện được vì các vấn đề của bạn đã vô phương cứu chữa. Hãy tự hỏi:

▪ “Lúc ban đầu, những đức tính nào của vợ/chồng tôi đã thu hút tôi? Chẳng phải vợ/chồng tôi vẫn còn những đức tính ấy sao?”.—Châm-ngôn 31:10, 29.

▪ “Tôi có thể nhen nhóm lại cảm xúc đã có trước khi kết hôn không?”.—Nhã-ca 2:2; 4:7.

▪ “Dù vợ/chồng tôi đã hành động thế nào đi nữa, tôi có thể làm gì để áp dụng những lời gợi ý nơi trang 3 đến 9 của tạp chí này?”.—Rô-ma 12:18.

▪ “Tôi có thể giải thích với vợ/chồng mình (nói chuyện trực tiếp hoặc ghi ra giấy) về cách tôi muốn cải thiện cuộc hôn nhân của chúng tôi không?”.—Gióp 10:1.

▪ “Chúng tôi có thể ngồi nói chuyện với một người bạn chín chắn, là người có thể giúp chúng tôi đặt ra những mục tiêu thực tế để cải thiện hôn nhân không?”.—Châm-ngôn 27:17.

Kinh Thánh khuyên: “Người khôn-khéo xem-xét các bước mình” (Châm-ngôn 14:15). Chúng ta có thể áp dụng lời khuyên này khi chọn bạn đời và cả khi hôn nhân có chiều hướng đổ vỡ. Thật vậy, như được trình bày nơi trang 9 của tạp chí này, gia đình hạnh phúc cũng có vấn đề—nhưng điểm khác biệt là họ biết cách đối phó.

Hãy xem một minh họa. Giả sử bạn lái xe đi chơi xa. Chắc chắn bạn sẽ gặp một số trở ngại trên đường đi, chẳng hạn thời tiết xấu, kẹt xe và gặp đoạn đường cấm. Thậm chí đôi khi bạn bị lạc. Lúc ấy bạn sẽ làm gì? Quay về nhà hay tìm cách vượt qua các trở ngại để tiếp tục chuyến đi? Tương tự, vào ngày cưới, bạn bắt đầu một cuộc hành trình chắc chắn có nhiều vấn đề, vì Kinh Thánh cho biết ai lập gia đình sẽ gặp “những nỗi gian truân khốn khổ” (1 Cô-rinh-tô 7:28, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Vấn đề không phải là khó khăn hay không nhưng là cách bạn giải quyết những khó khăn đó. Bạn có thể tìm cách vượt qua trở ngại và tiếp tục cuộc hành trình không? Ngay cả nếu bạn cảm thấy cuộc hôn nhân của mình vô phương cứu chữa, sao không tìm sự giúp đỡ?—Gia-cơ 5:14.

Sắp đặt của Đức Chúa Trời

Hôn nhân là sự sắp đặt của Đức Chúa Trời nên không thể xem nhẹ (Sáng-thế Ký 2:24). Khi gặp những vấn đề dường như không thể vượt qua, bạn hãy nhớ những điểm đã bàn trong bài.

1. Hãy cố nhen lại tình yêu lúc ban đầu.—Nhã-ca 8:6.

2. Hãy quyết định điều bạn có thể làm để cải thiện hôn nhân và thực hiện điều đó.—Gia-cơ 1:22.

3. Một cách rõ ràng và tử tế, hãy cho người hôn phối biết bạn cảm thấy cần cải thiện điều gì trong hôn nhân. Bạn có thể nói chuyện trực tiếp hoặc ghi ra giấy.—Gióp 7:11.

4. Hãy tìm sự giúp đỡ. Bạn không cần đơn phương cứu vãn hôn nhân của mình!

[Chú thích]

^ đ. 9 Bài này tập trung bàn về trẻ vị thành niên, nhưng việc cha mẹ ly hôn cũng ảnh hưởng đến con cái còn nhỏ. Để biết thêm thông tin xin xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ) số ra ngày 8-12-1997, trang 3-12 và ngày 22-4-1991, trang 3-11.

^ đ. 13 Phải thừa nhận rằng điều này không luôn khả thi, đặc biệt nếu cha hay mẹ bỏ rơi gia đình, thiếu trách nhiệm hoặc gây nguy hiểm cho gia đình.—1 Ti-mô-thê 5:8.

[Khung/Hình nơi trang 19]

LẦN NÀY TÔI SẼ THÀNH CÔNG!”

Các cuộc nghiên cứu cho thấy tái hôn lần thứ nhất có tỉ lệ thất bại cao hơn cuộc hôn nhân đầu, và tái hôn lần thứ hai thì càng tệ hơn. Trong cuốn sách giúp cải thiện hôn nhân (Emotional Infidelity), ông M. Gary Neuman cho biết một lý do. Ông viết: “Nếu bạn gặp khó khăn trong hôn nhân, đó không phải vì bạn đã chọn lầm người. Nguyên nhân là bạn. Bạn đã yêu người ấy. Bạn đã cùng người ấy xây dựng hạnh phúc cũng như góp phần gây ra những khó khăn”. Ông Neuman kết luận: “Giũ bỏ vấn đề và giữ lại người hôn phối thì tốt hơn là bỏ người hôn phối và giữ lại vấn đề”.

[Khung nơi trang 21]

KHI HÔN NHÂN THẤT BẠI

Kinh Thánh công nhận có những trường hợp nghiêm trọng dẫn đến ly hôn *. Nếu gia đình bạn rơi vào hoàn cảnh đó, bạn có thể giúp con cái đang ở tuổi vị thành niên đối phó thế nào?

Hãy cho con biết vấn đề. Nếu được, cả hai cha mẹ nên làm điều này. Hãy cho con biết cha mẹ đã quyết định ly hôn. Hãy bảo đảm với con việc đó hoàn toàn không do lỗi của chúng, và hai bạn vẫn yêu thương chúng.

Hãy rời khỏi chiến trường vì chiến tranh đã kết thúc. Sau khi ly hôn, một số bậc cha mẹ vẫn tiếp tục bất hòa trong một thời gian dài. Một nhà tâm lý học cho biết: “Về mặt pháp lý, họ đã ly hôn nhưng về mặt tình cảm họ vẫn là những chiến sĩ không thể tiến đến thỏa hiệp hòa bình”. Vì dường như cha mẹ luôn đối đầu nhau, cuộc chiến này không những cướp đi con cái khỏi tay họ mà còn tạo cơ hội để chúng lợi dụng cha mẹ nhằm đạt được điều chúng muốn. Chẳng hạn, một em trai có thể nói với mẹ: “Cha cho con đi chơi đến khuya. Tại sao mẹ không cho?”. Vì không muốn con mình về phe “đối phương” nên người mẹ chiều ý con.

Hãy để con nói lên cảm nghĩ. Trẻ vị thành niên có thể lý luận: “Nếu cha mẹ không còn yêu nhau nữa, hẳn cha mẹ cũng không còn thương tôi” hoặc “Nếu cha mẹ vi phạm luật thì tôi cũng làm được chứ sao”. Để con cái bớt lo lắng và thay đổi lối suy nghĩ sai lầm, hãy cho con nhiều cơ hội để nói lên cảm nghĩ. Nhưng bạn phải cẩn thận, đừng đổi vai trò của mình với con và đừng trông mong con sẽ là chỗ dựa tinh thần của mình. Chúng là con cái, không phải bạn tâm tình.

Khuyến khích con có mối quan hệ tốt với người hôn phối trước. Người mà bạn ly hôn không còn là người hôn phối của bạn nữa nhưng vẫn là cha/mẹ của con bạn. Nói xấu về người đó là điều tai hại. Cuốn sách về thanh thiếu niên và gia đình (Teens in Turmoil—A Path to Change for Parents, Adolescents, and Their Families) nói: “Nếu cha mẹ dùng con cái làm vũ khí trên chiến trường ly hôn, họ phải gánh lấy hậu quả”.

Chăm sóc chính mình. Đôi khi bạn cảm thấy không thể chịu đựng được, nhưng đừng bỏ cuộc. Hãy duy trì thói quen tốt. Nếu là môn đồ Chúa Giê-su, bạn hãy tham gia vào các hoạt động của tôn giáo. Khi làm thế, bạn và con cái vị thành niên sẽ giữ được thăng bằng trong đời sống.—Thi-thiên 18:2; Ma-thi-ơ 28:19, 20; Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

[Chú thích]

^ đ. 38 Theo Kinh Thánh, chỉ có việc ngoại tình là lý do để ly hôn và có thể tái hôn (Ma-thi-ơ 19:9). Nếu một người hôn phối không chung thủy thì người hôn phối vô tội, chứ không phải người trong gia đình hoặc ai khác, có quyền quyết định ly hôn hay không.—Ga-la-ti 6:5.

[Hình nơi trang 20]

Hãy quyết tâm gìn giữ lời thề ước của vợ chồng bạn trong ngày cưới

[Hình nơi trang 21]

Nếu cả hai được quyền giám hộ, hãy giúp con có mối quan hệ tốt với người hôn phối trước