Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một mình nuôi con—Bạn có thể thành công!

Một mình nuôi con—Bạn có thể thành công!

Một mình nuôi con—Bạn có thể thành công!

Thời nay, người ta cho rằng gia đình có đủ cả cha lẫn mẹ là điều hiếm thấy. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, có hơn 13 triệu người một mình nuôi con, trong đó đa số là phụ nữ. Một cuộc nghiên cứu cho biết khoảng phân nửa trẻ em của nước này sẽ sống trong gia đình chỉ có cha hay mẹ, ít nhất vài năm trong thời niên thiếu.

Nếu bạn là cha hoặc mẹ đơn thân nuôi con, hãy tin rằng cuộc sống gia đình bạn có thể thành công. Hãy thử áp dụng những lời đề nghị sau.

Tránh suy nghĩ tiêu cực. Kinh Thánh nói: “Người khốn khổ thấy mỗi ngày đều là hoạn nạn, nhưng tấm lòng vui mừng dự tiệc luôn luôn” (Châm-ngôn 15:15, Bản Dịch Mới). Đúng là đời sống không phải lúc nào cũng như yến tiệc. Nhưng câu này cho thấy lòng vui mừng tùy thuộc lối suy nghĩ chứ không phải hoàn cảnh của bạn (Châm-ngôn 17:22). Nghĩ rằng tương lai con cái bạn mờ mịt hoặc đời sống gia đình là vô vọng thì không mang lại ích lợi gì. Những suy nghĩ tiêu cực ấy chỉ làm bạn thêm nản lòng, và cản trở bạn làm tròn trách nhiệm của cha mẹ.—Châm-ngôn 24:10.

Đề nghị: Hãy ghi ra những câu tiêu cực mà bạn dùng để miêu tả hoàn cảnh của mình, và kế bên đó hãy ghi những câu tích cực. Chẳng hạn, hãy thay câu “Thật quá sức chịu đựng của tôi” bằng câu “Tôi có thể làm tròn trách nhiệm một mình nuôi con, và có thể nhờ người khác giúp khi cần”.—Phi-líp 4:13.

Lập ngân sách. Đối với những người một mình nuôi con, đặc biệt là người mẹ, tiền bạc là vấn đề đau đầu nhất. Nhưng trong một số trường hợp, nếu khéo lập ngân sách thì có thể giảm bớt những áp lực về tài chính. Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình” (Châm-ngôn 22:3). Để tránh “tai-vạ”, điều thiết yếu là phải suy nghĩ và lên kế hoạch trước.

Đề nghị: Hãy lập ngân sách trên giấy. Ghi lại những chi tiêu trong tháng để biết mình đã chi tiền cho những khoản nào. Xem lại thói quen chi tiêu của mình. Bạn có lệ thuộc vào các khoản vay nợ hoặc thẻ tín dụng không? Bạn có mua sắm cho con để đền bù việc chúng thiếu cha/mẹ không? Nếu con bạn đủ lớn, hãy cùng chúng suy nghĩ cách tiết kiệm tiền cho gia đình. Đó cũng là phương pháp tốt để rèn luyện con. Và có thể chúng sẽ nêu lên những đề nghị thiết thực!

Đối xử tử tế với người hôn phối trước. Nếu cả hai được quyền giám hộ, đừng nói xấu vợ/chồng trước của bạn, cũng không nên lợi dụng con để biết về đời sống riêng của người đó. Làm thế sẽ rất tai hại *. Tốt hơn là nên hợp tác với vợ/chồng trước trong việc dạy dỗ con hoặc trong những vấn đề liên quan đến lợi ích của con. Kinh Thánh khuyên: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người”.—Rô-ma 12:18.

Đề nghị: Lần tới khi có bất đồng, hãy đối xử với vợ/chồng trước như một bạn đồng nghiệp. Hẳn bạn cố gắng hòa thuận với mọi người tại sở làm, ngay cả với người bạn không thích. Cũng hãy làm vậy với người hôn phối trước của bạn. Dù không phải lúc nào hai người cũng đồng ý với nhau, nhưng đừng để chuyện bé xé ra to.—Lu-ca 12:58.

Nêu gương tốt. Hãy tự hỏi: “Tôi muốn con tôi vun trồng những thái độ và giá trị đạo đức nào? Tôi có biểu lộ những điều đó trong đời sống không?”. Chẳng hạn, bạn có thường vui vẻ dù phải một mình nuôi con không? Hay bạn cho rằng đời sống mình toàn là nỗi bất hạnh? Bạn có nuôi lòng oán giận về cách người hôn phối đã đối xử với bạn không? Hay bạn kiên trì chịu đựng những bất công mà mình không giải quyết được? (Châm-ngôn 15:18). Đành rằng những vấn đề nêu trên không phải là dễ, và bạn không thể giải quyết chúng một cách thỏa đáng. Nhưng rất có thể con cái sẽ nhận thấy thái độ tích cực của bạn trong đời sống và noi gương bạn.

Đề nghị: Ghi ra ba đức tính mà bạn muốn con cái có khi trưởng thành *. Kế bên mỗi đức tính, hãy ghi những gì bạn có thể làm ngay bây giờ để nêu gương và giúp con bạn vun trồng đức tính ấy.

Chăm sóc bản thân. Với nhịp sống hối hả ngày nay, rất dễ để bạn quên chăm sóc sức khỏe và cảm xúc của mình. Nhưng đừng để điều ấy xảy ra! Chăm sóc nhu cầu “tâm linh” là điều quan trọng (Ma-thi-ơ 5:3, Bản Diễn Ý). Một chiếc xe không có nhiên liệu thì không thể đi xa. Hãy nhớ là bạn cũng thế!

Kinh Thánh cho biết “có kỳ cười” và “có kỳ nhảy-múa” (Truyền-đạo 3:4). Giải trí không lãng phí thời gian. Nó mang lại sự sảng khoái và sức lực để bạn có thể tiếp tục chăm sóc cho con, dù chỉ một mình.

Đề nghị: Hãy nói chuyện với những người cũng nuôi con một mình, và hỏi cách họ đã chăm sóc bản thân thế nào. Dù phải làm ‘điều quan trọng’, nhưng mỗi tuần ít nhất bạn có thể dành thời gian để làm điều mình thích không? (Phi-líp 1:10, An Sơn Vị, cước chú). Ghi ra những điều bạn muốn làm và khi nào bạn có thể thực hiện.

[Chú thích]

^ đ. 8 Để biết thêm thông tin, xin xem bài “Gia đình đổ vỡ—Ly hôn ảnh hưởng đến trẻ vị thành niên” nơi trang 18-21 của tạp chí này.

^ đ. 11 Một số đức tính được thảo luận nơi trang 6-8 của tạp chí này là “tôn trọng”, “phải lẽ”“tha thứ”.