Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những câu chuyện về thành công—Phần hai

Những câu chuyện về thành công—Phần hai

Những câu chuyện về thành công​—Phần hai

Như đã đề cập trong “Những câu chuyện về thành công—Phần 1”, các nguyên tắc Kinh Thánh có thể củng cố gia đình trong những lúc khó khăn *. Đối với những ai sống theo tiêu chuẩn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Ngài hứa: “Ta sẽ dạy-dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt ta sẽ chăm-chú ngươi mà khuyên-dạy ngươi”.—Thi-thiên 32:8.

Đối phó với khó khăn tài chính. Vấn đề tiền bạc thường là nguyên nhân gây ra những cuộc tranh cãi gay gắt giữa vợ chồng. Tuy nhiên, các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp gia đình đặt vấn đề tài chính ở đúng chỗ. Chúa Giê-su từng nói: “Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân-thể mình mà lo đồ mặc... Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi”.—Ma-thi-ơ 6:25, 32.

Nơi trang 23, anh Issachar ở Hoa Kỳ, kể lại làm thế nào anh và gia đình đối phó với sự khó khăn về tài chính sau khi căn nhà của họ bị cơn bão Katrina phá hủy.

Khi bệnh tật tấn công người nhà. Sự thật là ai cũng bị bệnh. Thường thì chỉ mắc bệnh tạm thời và nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, nói sao nếu trong nhà có người bị bệnh mãn tính? Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va nâng đỡ những ai đau bệnh (Thi-thiên 41:1-3). Làm thế nào gia đình là phương cách Đức Giê-hô-va dùng để chăm sóc người bệnh?

Nơi trang 24, anh Hajime, một người chồng ở Nhật, kể lại làm sao anh cùng các con gái chăm sóc chị Noriko, vợ anh, sau khi chị được chẩn đoán mắc bệnh mãn tính.

Khi mất con. Cái chết của một đứa con là một trong những bi kịch thê thảm nhất cho gia đình. Đức Giê-hô-va hứa sẽ lau ráo những giọt lệ đau buồn do sự mất mát to lớn đó gây ra (Khải-huyền 21:1-4). Ngay cả trong hiện tại, Ngài ban sự an ủi cho tang quyến.—Thi-thiên 147:3.

Nơi trang 25, anh Fernando và chị Dilma ở Hoa Kỳ, cho biết Kinh Thánh giúp họ đương đầu với cái chết của đứa con gái sơ sinh như thế nào.

Kinh Thánh là một nguồn hướng dẫn đáng tin cậy cho những gia đình đang đương đầu với nghịch cảnh, như những câu chuyện ở các trang sau cho thấy.

[Chú thích]

^ đ. 2 Xem trang 14-17 của tạp chí này.

[Khung/Hình nơi trang 23]

Đối phó với khó khăn tài chính

Do Issachar Nichols, ở Hoa Kỳ, kể lại

“Cơn bão Katrina đã phá hủy căn nhà của chúng tôi, chỉ còn lại cái nền. Trường tôi bị ngập khoảng một tháng rưỡi”.

Suốt mùa hè năm 2005, tôi và vợ là Michelle cùng với đứa con gái hai tuổi tên Sydney sống ở thị trấn Bay St. Louis, bang Mississippi, Hoa Kỳ. Là Nhân Chứng Giê-hô-va, vợ chồng tôi có mục tiêu cố gắng dành càng nhiều thời gian càng tốt để giúp người khác tìm hiểu Kinh Thánh. Tôi là giáo viên dạy nghề, trường tôi ở gần thành phố New Orleans, bang Louisiana. Tôi làm việc ba ngày một tuần và dành phần lớn thời gian còn lại để giúp người khác học Kinh Thánh. Chúng tôi cảm thấy rất thoải mái với nếp sống của mình. Nhưng rồi tin tức đăng tải cơn bão Katrina có thể ập đến vùng chúng tôi. Thế là chúng tôi chuẩn bị di tản ngay.

Khi cơn bão đã quét qua, căn nhà của chúng tôi ở thị trấn Bay St. Louis cùng ngôi trường nơi tôi dạy ở New Orleans bị hư hại. Công ty bảo hiểm và chính phủ cho chúng tôi tiền để mua nhà, nhưng tôi thấy khó tìm được nguồn thu nhập ổn định. Hơn nữa, vợ tôi bị nhiễm trùng vì nước bẩn. Hệ miễn dịch của cô ấy rất yếu, sau đó cô ấy bị nhiễm vi rút West Nile do muỗi đốt. Trong khi đó, chi phí bảo hiểm và giá cả cứ leo thang.

Để thích nghi với hoàn cảnh mới, chúng tôi học cách chi tiêu tằn tiện hơn, ngay cả với những thứ cần thiết. Với sự khó khăn như thế, tôi ít kén chọn công việc hơn.

Phải thừa nhận rằng việc mất tài sản không dễ dàng đối với chúng tôi. Nhưng chúng tôi rất biết ơn vì mình còn sống. Ngoài ra, tất cả những gì chúng tôi trải qua cho thấy vật chất chỉ có giá trị giới hạn. Thật vậy, chúng tôi ghi nhớ lời của Chúa Giê-su: “Sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật đâu”.—Lu-ca 12:15.

Chúng tôi cũng nhận ra rằng cho dù mình buồn phiền về những mất mát của bản thân, nhưng có nhiều người còn bị thiệt hại nhiều hơn chúng tôi. Thậm chí một số người đã mất mạng. Đó là một lý do mà tôi lập tức đến giúp công tác cứu trợ, an ủi những người khác.

Suốt cơn nguy khốn này, câu Thi-thiên 102:17 đặc biệt an ủi chúng tôi. Câu này nói rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời “sẽ nghe lời cầu-nguyện của kẻ khốn-cùng, chẳng khinh-dể lời nài-xin của họ”. Cả gia đình chúng tôi cảm nghiệm được sự giúp đỡ của Ngài.

[Khung nơi trang 23]

Sau khi cơn bão Katrina và Rita quét qua toàn bộ vùng Gulf Coast của Hoa Kỳ vào năm 2005, Nhân Chứng Giê-hô-va nhanh chóng thiết lập 13 điểm cứu trợ, 9 nhà kho và 4 kho nhiên liệu. Gần 17.000 Nhân Chứng từ Hoa Kỳ và 13 nước khác tình nguyện góp sức trong công tác cứu trợ. Họ đã sửa chữa hàng ngàn ngôi nhà.

[Khung/Hình nơi trang 24]

Khi bệnh tật tấn công người nhà

Do Hajime Ito, ở Nhật Bản, kể lại

“Trước khi Noriko ngã bệnh, chúng tôi thích nấu nướng chung với nhau. Giờ đây, cô ấy không thể ăn uống qua đường miệng hoặc ngay cả không nói chuyện được. Cô ấy phải ngồi xe lăn và thở bằng máy”.

Vào tháng 5-2006, vợ tôi là Noriko nói năng khó khăn. Mùa hè năm đó, cô ấy gặp vấn đề trong việc ăn uống. Vào tháng 9, bác sĩ chẩn đoán vợ tôi bị bệnh teo cơ sơ cứng bên (ALS)—là căn bệnh mà sự tiến triển của nó ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh trong não và dây cột sống. Chỉ trong bốn tháng, cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn thay đổi. Nhưng các vấn đề của vợ tôi chỉ mới bắt đầu.

Dần dần, lưỡi của Noriko bị liệt, sau đó đến cánh tay phải. Qua quá trình mở thông dạ dày, cô ấy có thể ăn được nhờ một ống dẫn, tiếp đến là mở thông khí quản * nhưng lại khiến cô ấy không nói được. Tôi không thể tưởng tượng được mức độ ảnh hưởng của điều này đến Noriko vì trước đây cô ấy rất năng động. Chúng tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va, Noriko và các con gái dành trọn thời gian giúp người khác tìm hiểu Kinh Thánh. Nhưng giờ đây, vợ tôi phải nhờ vào máy để thở và hầu như cô ấy nằm liệt giường.

Tuy nhiên, điều đó không khuất phục được Noriko! Thí dụ, cô ấy vẫn tham dự buổi họp của hội thánh trên chiếc xe lăn cùng với máy thở. Vì thính giác giảm sút, nên suốt buổi họp con gái tôi ghi chú bằng nét chữ lớn để cô ấy tiếp thu được chương trình. Ngay dù Noriko không còn dành trọn thời gian để giúp người khác tìm hiểu Kinh Thánh nữa, cô ấy vẫn viết thư, dạy người ta về hy vọng trong Kinh Thánh nhờ sử dụng thiết bị đặc biệt được cài đặt vào máy vi tính.—2 Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 21:1-4.

Gia đình chúng tôi cùng hợp tác để giúp Noriko. Cả hai cô con gái tìm việc mới để có nhiều thời gian hơn ở nhà giúp mẹ. Ba cha con tôi làm nhiều việc lặt vặt hằng ngày, những việc trước đây Noriko thường làm.

Thỉnh thoảng vào buổi sáng, khi ngắm nhìn Noriko, tôi thấy cô ấy có vẻ mệt. Tôi tự nhủ: “Anh muốn nói với em rằng hôm nay hãy thư thả”. Nhưng Noriko muốn chia sẻ thông điệp trong Kinh Thánh với người khác. Khi tôi chuẩn bị máy vi tính cho Noriko, mắt cô ấy sáng ngời! Bệnh trạng của cô ấy khả quan hơn khi được viết thư cho người khác. Tôi thấy được giá trị của việc “làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn”.—1 Cô-rinh-tô 15:58.

Kinh nghiệm của anh Jason Stuart bị mắc bệnh giống như vợ tôi được đăng trong tạp chí Tỉnh Thức! (Anh ngữ) tháng 1-2006 giúp Noriko rất nhiều để tránh bị nản lòng. Thật vậy, khi các nhân viên trong bệnh viện thắc mắc tại sao Noriko có thái độ tích cực như thế, cô ấy kể về bài Tỉnh Thức! ấy, rồi chúng tôi phát cho họ tạp chí đó. Nhờ hướng dẫn người khác biết về niềm tin của mình, vợ tôi được nâng đỡ rất nhiều.

Noriko và tôi cưới nhau đã 30 năm rồi, nhưng trong suốt ba năm qua, tôi quý trọng nhiều điều nơi cô ấy mà trước đây mình không chú ý. Tôi rất sung sướng được cưới cô ấy làm vợ!

[Chú thích]

^ đ. 29 Mở thông khí quản là thao tác phẫu thuật tạo một lỗ trong khí quản qua cổ để đưa không khí vào.

[Khung/Hình nơi trang 25]

Khi mất con

Do anh Fernando và chị Dilma Freitas, ở Hoa Kỳ, kể lại

“Mất con để lại một vết thương lòng mà không điều gì có thể giải thích được. Không có nỗi đau nào sánh bằng”.

Con gái chúng tôi là Precious (có nghĩa là “quý báu”) đã qua đời vào ngày 16-4-2006. Bé chỉ được mười ngày tuổi. Khi mang thai cháu ba tháng, bác sĩ chẩn đoán thai nhi có vấn đề nghiêm trọng về tim. Càng gần đến ngày sinh nở, chúng tôi càng chắc chắn là nếu chào đời, cháu chẳng sống được bao lâu. Chấp nhận điều này vô cùng khó khăn đối với chúng tôi. Vì có ba đứa con khỏe mạnh, nên chúng tôi không thể tin rằng đứa con này sẽ chết.

Sau khi Precious chào đời, một bác sĩ giỏi chuyên trị về rối loạn nhiễm sắc thể đã chẩn đoán cháu mắc chứng bệnh hiếm gặp gọi là “nhiễm thể tam đồng 18”. Trong 5.000 trẻ sơ sinh chỉ có một em mắc bệnh này. Thật rõ ràng, con gái chúng tôi không thể sống lâu. Chúng tôi hoàn toàn vô vọng vì hầu như không thể giúp gì cho con mình. Nhưng, một điều chúng tôi có thể làm là ở bên cạnh cháu trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại. Và chúng tôi đã làm thế.

Chúng tôi rất quý mười ngày được ở bên Precious. Trong những ngày đó, vợ chồng tôi và ba con gái gần gũi với Precious. Chúng tôi bồng ẵm, chuyện trò, ôm ấp và hôn cháu cũng như cố gắng chụp càng nhiều hình càng tốt. Thậm chí, chúng tôi bàn luận cháu giống ai trong nhà nhất. Vị chuyên gia từng chẩn đoán bệnh cho Precious đến thăm chúng tôi mỗi ngày ở bệnh viện. Ông cùng khóc với chúng tôi và nói rằng ông rất tiếc về điều này. Khi nói chuyện với chúng tôi, ông vẽ Precious để nhớ đến cháu. Ông cho chúng tôi bản sao bức tranh ấy.

Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng tôi hoàn toàn tin rằng theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời sẽ khôi phục địa đàng trên trái đất này và Ngài mong mỏi làm người chết sống lại, trong đó có những trẻ sơ sinh như bé Precious (Gióp 14:14, 15; Giăng 5:28, 29). Chúng tôi mong chờ đến ngày mình sẽ lại được ẵm bồng Precious. Mỗi khi nghe từ “địa đàng”, hy vọng ấy sưởi ấm lòng chúng tôi! Từ giờ cho đến lúc đó, chúng tôi được an ủi nhờ biết rằng bé Precious đang nằm trong trí nhớ của Đức Chúa Trời và không còn đau đớn gì nữa.—Truyền-đạo 9:5, 10.