Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những câu chuyện về thành công—Phần một

Những câu chuyện về thành công—Phần một

Những câu chuyện về thành công​—Phần một

Như tạp chí Tỉnh Thức! số đặc biệt này đã đề cập, những gia đình hạnh phúc và thành công đôi lúc cũng gặp vấn đề. Điều đó không có gì ngạc nhiên vì chúng ta sống trong giai đoạn mà Kinh Thánh miêu tả là “thời-kỳ khó-khăn” (2 Ti-mô-thê 3:1). Các gia đình không gặp vấn đề này cũng gặp vấn đề khác.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng thành công không tùy thuộc vào hoàn cảnh “lý tưởng”. Ngược lại, Chúa Giê-su nói: “Phúc cho ai biết tâm linh mình nghèo khổ” (Ma-thi-ơ 5:3, Bản Diễn Ý). Gia đình nào đáp ứng nhu cầu tâm linh qua việc làm theo các nguyên tắc Kinh Thánh thì tìm được bí quyết để thành công, hoàn cảnh của họ không thuận lợi. Hãy xem vài trường hợp.

Chăm sóc con bị khuyết tật. Theo Kinh Thánh, việc chăm sóc các thành viên trong gia đình rất quan trọng, kể cả những người cần được chăm sóc đặc biệt. Kinh Thánh cho biết: “Ví bằng có ai không săn-sóc đến bà-con mình, nhứt là không săn-sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa”.—1 Ti-mô-thê 5:8.

Nơi trang 15, anh Victor, một người cha ở Nam Phi kể lại làm thế nào vợ chồng anh chăm sóc đứa con bị khuyết tật trong hơn bốn mươi năm.

Được nhận làm con nuôi. Về lòng tự trọng, các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp một người có sự cân bằng, ngay cả khi người đó bị cha mẹ ruột từ bỏ. Thật vậy, Kinh Thánh nói rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời là “Đấng giúp-đỡ” những người mồ côi.—Thi-thiên 10:14.

Nơi trang 16, một thiếu nữ ở Hoa Kỳ là Kenyatta cho biết làm sao cô đã học được cách đối phó với cảm xúc chưa từng biết mặt cha mẹ ruột.

Đương đầu với nỗi đau mất cha. Cha hoặc mẹ qua đời có lẽ để lại vết thương lòng khó nguôi ngoai. Nhưng Kinh Thánh có thể giúp ích vì Tác giả của sách này là Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”.—2 Cô-rinh-tô 1:3.

Nơi trang 17, một thiếu nữ ở Úc là Angela nói về mối quan hệ với Đức Chúa Trời đã giúp cô đối phó với nỗi đau mất người thân như thế nào.

Mọi gia đình đều đối phó với một số thử thách. Như những câu chuyện nơi các trang sau, những ai áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh đều tìm được bí quyết giúp họ vượt qua thử thách.

[Khung/Hình nơi trang 15]

Chăm sóc con bị khuyết tật

Do Victor Maynes, ở Nam Phi, kể lại

“Từ khi chào đời, Andrew phải tuỳ thuộc vào chúng tôi trong việc tắm rửa, thay đồ và thậm chí có những lúc chúng tôi phải cho cháu ăn. Đến nay, cháu đã 44 tuổi”.

Chúng tôi nghi có điều gì không ổn vì cháu Andrew không đi được sau khi lên một tuổi. Cũng trong khoảng thời gian ấy, cháu lên cơn co giật. Chúng tôi vội vã đưa Andrew đến bệnh viện, tại đây chúng tôi được biết cháu bị bệnh động kinh. Nhưng không chỉ có thế. Những lần xét nghiệm sau đó khẳng định Andrew bị thiểu năng trí tuệ.

Sau khi thử qua nhiều phương cách điều trị, chúng tôi mới có thể kiểm soát được cơn động kinh của cháu. Trong một thời gian, Andrew phải uống thuốc ba lần một ngày, mỗi lần bốn loại. Dĩ nhiên, căn bệnh này không khả quan hơn nhờ uống thuốc. Ngay cả cho đến bây giờ, ở tuổi 44, khả năng trí tuệ của Andrew chỉ bằng đứa bé năm hoặc sáu tuổi.

Bác sĩ khuyên chúng tôi đưa Andrew vào trung tâm chăm sóc người khuyết tật, nhưng chúng tôi không làm thế. Chúng tôi có khả năng đáp ứng các nhu cầu của Andrew. Thế nên, chúng tôi quyết định cho cháu ở nhà, dù biết rằng chắc chắn sẽ có khó khăn.

Thế là cả gia đình chúng tôi đều chăm sóc Andrew. Ba cháu lớn (hai gái, một trai lúc ấy còn sống chung nhà) giúp ích rất nhiều, tôi thật sự biết ơn chúng! Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời từ các anh chị trong hội thánh. Đôi lúc họ đem đồ ăn đến cho chúng tôi, chăm sóc Andrew khi chúng tôi đi giúp người khác tìm hiểu Kinh Thánh hay làm những việc khác.

Chúng tôi luôn ghi tạc trong lòng những lời nơi Ê-sai 33:24, trong đó có lời Đức Chúa Trời hứa một ngày kia “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”. Chúng tôi hoàn toàn tin rằng Đức Chúa Trời sẽ thực hiện ý định là đem đến một thế giới mới và loại bỏ mọi bệnh tật (2 Phi-e-rơ 3:13). Vì thế, chúng tôi mong mỏi ngày Andrew không còn bệnh nữa. Cho tới lúc đó, chúng tôi tin nơi lời của Chúa Giê-su là nếu đặt việc phụng sự Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống, chúng tôi sẽ được cung cấp những gì mình cần (Ma-thi-ơ 6:33). Chúng tôi luôn cảm nghiệm được điều đó và chưa bao giờ thiếu thốn gì.

Thật ra không phải ai cũng có khả năng chăm sóc đứa con khuyết tật ở nhà. Đối với những ai làm thế, tôi có lời khuyên: Trước nhất, hãy cầu nguyện thường xuyên và chân thành (1 Phi-e-rơ 5:6, 7). Thứ nhì, hãy quan tâm chăm sóc và đồng cảm với con bạn, đừng bao giờ xem nhẹ việc chúng có thể vun trồng tình yêu thương với Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 6:4). Thứ ba, hãy chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con với cả nhà. Thứ tư, hãy nhớ rằng gia đình bạn là nơi con cái được yêu thương nhiều nhất. Dĩ nhiên, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Riêng chúng tôi chưa bao giờ hối tiếc việc quyết định cho Andrew ở nhà. Đối với tôi, cháu là đứa trẻ đáng yêu nhất, người đàn ông dễ thương nhất trên đời!

[Khung/Hình nơi trang 16]

Được nhận làm con nuôi

Do Kenyatta Young, ở Hoa Kỳ, kể lại

“Nếu là con riêng, bạn có mối quan hệ huyết thống với cha hoặc mẹ ruột mình. Nhưng là con nuôi, tôi không có được mối quan hệ đó. Thậm chí tôi còn không biết mình giống cha hay mẹ”.

Tôi không biết cha mình là ai, và chưa bao giờ gặp mẹ ruột. Khi mang thai tôi, mẹ là người nghiện rượu, ma túy. Lúc vừa chào đời, tôi bị bỏ vào nhà nuôi trẻ mồ côi và sau đó phải chuyển đến nhiều nhà khác trước khi được nhận làm con nuôi lúc chưa đầy hai tuổi.

Cha nuôi nói khi nhân viên chính phủ cho cha xem hình của tôi, ông đồng ý nhận tôi ngay. Tôi mến người mẹ mới của mình ngay lần gặp đầu tiên. Tôi nói với bà rằng bà là mẹ tôi và tôi muốn theo bà về nhà.

Dù vậy, tôi nhớ khi còn nhỏ, tôi sợ mình sẽ làm điều sai rồi bị trả lại nhà nuôi trẻ mồ côi. Tôi nghĩ mình không được “lúc mưa lúc nắng” hoặc cho biết mình bị bệnh, như những đứa trẻ khác hay làm. Ngay cả tôi cố gắng không để mình bị cảm! Cha mẹ luôn dỗ dành tôi là họ yêu thương và sẽ không từ bỏ tôi.

Thậm chí lúc trưởng thành, thỉnh thoảng tôi phải đấu tranh với cảm giác mình không có giá trị như những đứa có cha mẹ ruột. Khi không còn nghĩ như thế nữa, một số người nói với tôi: “Chắc là em biết ơn lắm vì em có cha mẹ thật tuyệt vời, sẵn lòng nhận nuôi em!”. Tôi vẫn biết ơn chứ, nhưng những lời ấy khiến tôi cảm thấy mình có gì không ổn và những người yêu thương tôi hẳn phải cố gắng rất nhiều.

Tôi cũng khó chấp nhận việc mình có lẽ không bao giờ biết cha ruột là ai. Đôi lúc, tôi đau lòng vì mẹ ruột không bỏ thói hư tật xấu để nuôi nấng tôi, như thể là tôi không đáng để bà phải cố gắng. Những lúc khác, tôi cảm thấy tội nghiệp bà. Tôi thường nghĩ nếu được gặp mặt, tôi muốn bà biết rằng tôi thành công trong đời sống và bà không cần phải buồn lòng vì đã bỏ rơi tôi.

Cha mẹ nuôi của tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va và một trong những món quà tốt nhất mà tôi nhận được từ họ là sự hiểu biết về Kinh Thánh. Tôi luôn tìm được sự an ủi nơi Thi-thiên 27:10: “Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp-nhận tôi”. Đối với tôi, câu này rất đúng. Có một số điều tích cực từ việc được nhận làm con nuôi. Chẳng hạn, tôi rất chú ý đến người ta, gốc gác và đời sống của họ, có lẽ vì tôi không biết gia đình máu mủ của mình. Tôi yêu mến người ta, điều này thật sự quan trọng trong việc giúp người khác tìm hiểu Kinh Thánh. Việc trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va và nói về Kinh Thánh đã cho tôi lòng tự trọng, có mục đích trong đời sống. Khi nản lòng, tôi đi ra ngoài, giúp đỡ người khác. Bằng cách hướng dẫn người khác học Kinh Thánh, tôi có thể tạo dựng mối quan hệ tốt với họ. Thật vậy, mỗi người đều có một câu chuyện thú vị về đời mình.

[Khung/Hình nơi trang 17]

Đương đầu với nỗi đau mất cha

“Khi cha qua đời, tôi cảm thấy mình không còn được bảo bọc chở che nữa. Người biết mọi điều và có thể chỉnh lại mọi thứ trong đời tôi đã không có mặt trên đời này nữa”.

Do Angela Rutgers, ở Úc, kể lại

Cha đã qua đời mười năm rồi, lúc ấy tôi còn là một thiếu nữ. Sáu tháng trước đó, cha bị phẫu thuật và khi ông còn ở trong phòng hồi sức, bác sĩ bảo là không thể cứu vãn được nữa. Mẹ tôi rất muốn biết thêm thông tin, anh trai ngất xỉu, còn tôi thì ngổn ngang với bao cảm xúc mà không thể thoát ra được. Sáu tháng sau, cha tôi ra đi.

Tôi trải qua một giai đoạn với cảm xúc lẫn lộn. Tôi mong muốn bạn bè hiểu những gì tôi đã trải qua, nhưng không muốn được thương hại. Do đó, tôi cố gắng che giấu cảm xúc của mình. Mặt khác, tôi vui vẻ hòa đồng với bạn bè để cho thấy mọi thứ đều bình thường, nhưng thực tế thì không. Nhìn lại cách cư xử của mình lúc đó, tôi nghĩ bạn bè kiên nhẫn với tôi biết bao!

Tôi có cảm thấy có lỗi về cái chết của cha không? Có chứ! Ước gì tôi nói với ông “con yêu cha” thường xuyên hơn. Ước gì cha con tôi ôm ấp nhau nhiều hơn hoặc tôi dành nhiều thời gian hơn ở bên cha. Dù tôi tự nhủ với bản thân rất nhiều là “cha không muốn con nghĩ như thế”, nhưng mặc cảm tội lỗi cứ ám ảnh tôi.

Là Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi được an ủi rất nhiều nhờ hy vọng dựa trên Kinh Thánh về sự sống lại (Giăng 5:28, 29). Tôi cố tưởng tượng cha chỉ đi du lịch nước ngoài và một ngày nào đó mà tôi không biết, ông sẽ trở về. Kỳ lạ thay, khi cha mới qua đời, người ta nói với tôi: “Cha em sẽ sống lại”, tôi không cảm thấy được khích lệ. Tôi nghĩ: “Mình muốn cha trở về ngay!”. Nhưng việc hình dung cha đi du lịch nước ngoài đã giúp ích. Nó nhắc đến sự sống lại trong tương lai và giúp tôi đối phó với nỗi mất mát trong hiện tại.

Anh em đồng đạo hỗ trợ rất nhiều. Tôi nhớ một người nói riêng với tôi rằng anh rất ngại khi nói về cái chết của cha tôi, nhưng cho biết anh luôn nghĩ đến tôi và gia đình. Tôi vẫn nghĩ về những lời ấy. Nó giúp tôi vượt qua những ngày mà không có ai nói với tôi lời nào về cha, vì nó khiến tôi nhận thấy rằng ngay cả nếu không nói ra, họ vẫn nhớ đến tôi và gia đình. Điều này vô cùng có ý nghĩa đối với tôi!

Bốn tháng sau khi cha qua đời, mẹ tham gia nhiều hơn vào việc chia sẻ Kinh Thánh và tôi thấy mẹ rất vui. Vì thế, tôi muốn bắt chước mẹ. Thật bất ngờ, qua việc giúp người khác, bạn cũng được giúp đỡ để đương đầu với khó khăn. Nhờ thế, đức tin của tôi nơi Kinh Thánh và lời hứa của Ngài được củng cố, hiện nay công việc ấy cũng giúp tôi có cái nhìn sâu rộng hơn, chứ không tập trung vào nỗi đau của mình.