Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đề phòng nhiễm độc chì!

Đề phòng nhiễm độc chì!

Đề phòng nhiễm độc chì!

Trong những năm gần đây, nhiều chính phủ cho thu hồi sản phẩm đang được tiêu thụ như đồ chơi và trang sức. Tại sao? Vì họ phát hiện ra lượng chì ở mức độc hại trong một số sản phẩm ấy mà trẻ thường mút hoặc nhai. Nhiễm độc chì đặc biệt gây nguy hiểm cho trẻ dưới sáu tuổi, vì hệ thần kinh trung ương của trẻ còn đang phát triển.

Theo nghiên cứu của Trường Sức khỏe Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg, chì ức chế một loại protein quan trọng cho sự phát triển não bộ và trí năng. Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em hấp thu đến 50% lượng chì mà chúng nuốt vào, trong khi người lớn thường chỉ hấp thu từ 10 đến 15%.

Nghiên cứu gần đây cho biết ngay cả một lượng chì thấp hơn mức an toàn mà một số chính phủ cho phép vẫn có thể gây hại. Theo một tổ chức bảo vệ sức khỏe cộng đồng của Hoa Kỳ (National Safety Council), những tác hại mà chì gây ra cho trẻ gồm có “khiếm khuyết khả năng học tập, giảm tập trung, rối loạn hành vi, chậm lớn, giảm thính lực, suy thận”. Phụ nữ muốn có con phải hết sức đề phòng vì chì ảnh hưởng đến thai nhi. *

Đồ ăn và thức uống cũng có thể bị nhiễm độc khi được chế biến trong vật dụng bằng đất nung tráng men, mà lớp men này có chứa chì. Những vật dụng này phổ biến ở một số nước châu Á và châu Mỹ La-tinh. Đôi khi, người ta dùng ấm bằng gốm để giữ nước lạnh, và uống đồ nóng trong cốc tráng men. Một cuộc nghiên cứu về trẻ em dưới năm tuổi ở thành phố Mexico cho thấy gần phân nửa trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên có nồng độ chì cao trong máu. Người ta cho rằng tác nhân gây nhiễm độc là thức ăn được chế biến trong vật dụng bằng sành sứ. Chì có công dụng làm bóng các vật dụng bằng gốm, nhưng nó có thể thoát ra, đặc biệt khi bát đĩa được hâm nóng hoặc đựng một số loại trái cây và rau quả.

Nguyên nhân khác gây nhiễm độc chì

Trong những năm gần đây, dù đa số các nước phát triển không còn dùng xăng pha chì, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cho biết gần 100 nước vẫn đang dùng. Chì không phân hủy hay thiêu hủy được. Vì thế, những hạt chì li ti thải ra từ khói xe làm ô nhiễm những bãi đất dọc đường xa lộ. Sau đó, người đi đường hít phải bụi chì hoặc mang về nhà giày dép có dính chì.

Nguyên nhân khác thường gặp là trong thời gian dài khi chưa có luật kiểm soát lượng chì, thì người ta đã dùng loại sơn chứa chì. Theo ước tính, chỉ riêng ở Hoa Kỳ có khoảng 38 triệu nhà dùng loại sơn này, chiếm 40% tổng số nhà. Khi sửa chữa nhà, những mảng tróc sơn hoặc bụi chì có thể là mối đe dọa cho sức khỏe.

Nhiều thành phố và nhà lâu năm có ống dẫn nước bằng chì hoặc ống bằng đồng nhưng được hàn bằng chì. Bệnh viện Mayo nổi tiếng của Hoa Kỳ khuyên trước khi uống nước lạnh từ vòi, phải xả nước khoảng 30 đến 60 giây. Nước nóng từ vòi thì dứt khoát không được uống hoặc dùng để nấu nướng, càng không nên dùng để làm đồ ăn cho trẻ.

Lượng chì trong máu giảm rõ rệt khi nguồn gây nhiễm độc được loại bỏ. Người nào nghĩ mình bị nhiễm độc chì thì nên đi xét nghiệm máu. Nếu lượng chì trong máu ở mức nguy hiểm, người ấy cần phải chữa trị.

Cả cộng đồng cần ý thức đề phòng

Người ta có thể bị nhiễm độc sau một thời gian tích lũy chì trong cơ thể. Nhưng chỉ cần một lần ăn phải lượng chì lớn cũng có thể gây tử vong. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, năm 2006 có một bé trai trong tuổi mẫu giáo đã chết vì nuốt một món đồ trang sức bằng kim loại chứa lượng chì cao.

Nhấn mạnh việc cộng đồng cần ý thức đề phòng, một cuốn bách khoa tự điển y học cho biết hiện tại ở Hoa Kỳ cứ 20 trẻ độ tuổi mẫu giáo, thì 1 trẻ có nồng độ chì cao trong máu. Nếu ở một nước có luật kiểm soát hàm lượng chì còn xảy ra chuyện đó, thì nói sao đến những nước chưa có luật? Vậy, mọi người hãy hết sức đề phòng!

[Chú thích]

^ đ. 4 Người lớn cũng có thể bị nhiễm độc chì, thường dẫn đến rối loạn thần kinh, đau nhức cơ và khớp xương hoặc giảm trí nhớ và sự tập trung.

[Khung/​Hình nơi trang 11]

MỘT SỐ TRIỆU CHỨNG CỦA NHIỄM ĐỘC CHÌ Ở TRẺ EM

Đau bụng, hung hăng, thiếu máu, giảm tập trung, táo bón, mệt mỏi, đau đầu, cáu kỉnh, thiểu năng trí tuệ, biếng ăn, thiếu linh hoạt và chậm lớn.—MEDLINE PLUS MEDICAL ENCYCLOPEDIA.