Thay đổi tôn giáo có gì sai không?
Quan điểm của Kinh Thánh
Thay đổi tôn giáo có gì sai không?
Gia đình chị Avtar theo đạo Sikh của Ấn Độ. Việc chị bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh đã gây xôn xao cho cả họ hàng của chị. Chị giải thích: “Ở nước tôi, một người thay đổi tôn giáo sẽ bị cộng đồng tẩy chay. Ngay cả họ tên cũng mang ý nghĩa tôn giáo. Do đó, người ta nghĩ thay đổi tôn giáo không khác gì chối bỏ chính mình và bất kính với gia đình”.
Chị Avtar tiếp tục tìm hiểu Kinh Thánh và trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Chị làm vậy có gì sai không? Có lẽ bạn có cùng cảm nghĩ như gia đình của chị. Bạn nghĩ là tôn giáo gắn chặt với truyền thống gia đình và văn hóa cộng đồng, vì thế không nên thay đổi.
Kính trọng gia đình là điều tất yếu. Kinh Thánh dạy: “Hãy nghe lời cha đã sanh ra con” (Châm-ngôn 23:22). Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là tìm hiểu về Đấng Tạo Hóa và ý muốn của Ngài (Ê-sai 55:6). Điều này có thể được không? Nếu có, cuộc tìm hiểu đó quan trọng đến mức nào?
Đi tìm chân lý
Các tôn giáo trên thế giới dạy những giáo lý mâu thuẫn nhau. Điều hợp lý là những dạy dỗ này không thể đều đúng hết. Thế thì rõ ràng, nhiều người “sốt-sắng về Đức Chúa Trời, nhưng không phải là theo tri-thức đầy-đủ” (Rô-ma 10:2, Ghi-đê-ôn). Tuy nhiên, Kinh Thánh khẳng định ý muốn của Đấng Tạo Hóa hay Đức Chúa Trời là “mọi người được... hiểu-biết lẽ thật” (1 Ti-mô-thê 2:4). Vậy làm sao tìm được lẽ thật, tức chân lý?
Hãy xem xét một số lý do mà chúng ta nên tìm hiểu Kinh Thánh. Ông Phao-lô, một trong những người được Đức Chúa Trời soi dẫn viết Kinh Thánh, nói: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ” (2 Ti-mô-thê 3:16). Khi đi tìm chân lý, bạn hãy nghiên cứu những chứng cứ cho thấy Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Hãy trực tiếp tìm hiểu sự khôn ngoan tột bậc, tính chính xác về lịch sử, những lời tiên tri được ứng nghiệm của Kinh Thánh.
Kinh Thánh không dạy rằng mọi tôn giáo đều là những con đường dẫn đến Đức Chúa Trời. Đúng hơn, Kinh Thánh khuyên đừng vội tin mọi lời mà “hãy thử các lời nói soi dẫn để xem có quả thật đến từ Đức Chúa Trời không” (1 Giăng 4:1, NW). Bất kỳ sự dạy dỗ nào thật sự đến từ Đức Chúa Trời phải phù hợp với đức tính của Ngài, mà nổi bật là tình yêu thương.—1 Giăng 4:8.
Kinh Thánh khẳng định rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta “tìm cho được” Ngài (Công-vụ 17:26, 27). Đấng Tạo Hóa muốn chúng ta đi tìm chân lý. Vì thế, nếu tìm được chân lý cùng đầy đủ bằng chứng thì hẳn là không có gì sai khi bạn quyết định phù hợp với chân lý ấy, cho dù phải thay đổi tôn giáo. Nhưng nói sao về những vấn đề bạn có thể gặp phải khi quyết định vậy?
Thái độ phải lẽ
Khi thay đổi niềm tin, thông thường một người quyết định không tham dự một số ngày lễ hay nghi thức tôn giáo trước kia. Tất nhiên, điều này có thể khiến gia đình không đồng tình. Chúa Giê-su biết trước điều đó nên ngài nói với các môn đồ: “Ta đến để phân-rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia” (Ma-thi-ơ 10:35). Phải chăng Chúa Giê-su có ý nói sự dạy dỗ của Kinh Thánh luôn gây chia rẽ, không thể tránh được? Không phải vậy. Ngài chỉ đơn giản báo trước những gì có thể xảy ra khi gia đình phản đối việc một người kiên quyết làm theo niềm tin khác.
Một người có nên giữ hòa khí trong gia đình bằng mọi giá không? Kinh Thánh dạy rằng con cái phải vâng lời cha mẹ, vợ phải tôn trọng chồng (Ê-phê-sô 5:22; 6:1). Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng dạy rằng những ai yêu mến Đức Chúa Trời phải ‘vâng lời Ngài hơn là vâng lời người ta’ (Công-vụ 5:29). Do đó, muốn trung thành với Đức Chúa Trời, có lúc bạn sẽ làm những việc mà gia đình không hài lòng.
Đành rằng, Kinh Thánh vạch rõ sự khác biệt giữa chân lý và sự dạy dỗ sai lầm, nhưng Đức Chúa Trời cho mọi người quyền tự do lựa chọn (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20). Không nên ép buộc ai theo niềm tin mà họ thấy không phù hợp, hoặc bắt họ chọn giữa niềm tin và gia đình. Vậy, việc học Kinh Thánh có gây sự đổ vỡ trong gia đình không? Không. Thật ra, Kinh Thánh khuyến khích vợ chồng tiếp tục chung sống dù không cùng tín ngưỡng.—1 Cô-rinh-tô 7:12, 13.
Vượt qua nỗi sợ
Có lẽ bạn lo sợ cộng đồng sẽ phản ứng nếu bạn tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Chị Mariamma nói: “Gia đình lo là tôi sẽ không tìm được một người chồng có thể đảm bảo đời sống cho tôi. Vì thế, họ ngăn cản tôi học Kinh Thánh”. Tuy nhiên, chị tin cậy Giê-hô-va Đức Chúa Trời và tiếp tục học (Thi-thiên 37:3, 4). Bạn cũng có thể làm như thế. Thay vì lo sợ điều sẽ xảy ra, hãy nghĩ đến lợi ích nhận được. Kinh Thánh giúp người ta thay đổi đời sống và cải thiện nhân cách. Nhờ Kinh Thánh, nhiều người biết yêu thương gia đình một cách bất vị kỷ. Họ cũng từ bỏ những thói xấu như lời nói và hành vi thô bạo, việc lạm dụng rượu và nghiện ma túy (2 Cô-rinh-tô 7:1). Kinh Thánh đề cao những đức tính như trung thành, lương thiện và siêng năng (Châm-ngôn 31:10-31; Ê-phê-sô 4:24, 28). Hãy tìm hiểu Kinh Thánh, bạn sẽ nghiệm được nhiều lợi ích từ sự dạy dỗ này!
CÓ BAO GIỜ BẠN THẮC MẮC:
▪ Tại sao nên xem xét niềm tin của mình?—Châm-ngôn 23:23; 1 Ti-mô-thê 2:3, 4.
▪ Làm sao chúng ta tìm được chân lý?—2 Ti-mô-thê 3:16; 1 Giăng 4:1.
▪ Nếu gia đình kiên quyết ngăn cản chúng ta tìm hiểu Kinh Thánh thì sao?—Công-vụ 5:29.
[Câu nổi bật nơi trang 23]
Kinh Thánh giúp người ta thay đổi đời sống và cải thiện nhân cách
[Hình nơi trang 23]
Chị Mariamma cùng chồng