Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời ban sự yên ủi

Đức Chúa Trời ban sự yên ủi

Đức Chúa Trời ban sự yên ủi

Ông Đa-vít, một vị vua được nói đến trong Kinh Thánh, là người có nhiều nỗi sầu khổ và lo âu. Tuy nhiên, ông tin chắc rằng Đấng Tạo Hóa thấu hiểu mỗi người chúng ta. Ông viết: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò-xét tôi, và biết tôi. Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; từ xa Chúa hiểu-biết ý-tưởng tôi. Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, kìa, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi”.—Thi-thiên 139:1, 2, 4, 23.

Chúng ta cũng có thể chắc chắn rằng Đấng Tạo Hóa hiểu chúng ta, cũng như những thiệt hại về tinh thần và thể xác mà bệnh trầm cảm gây ra. Ngài biết nguyên nhân của bệnh và cách tốt nhất mà hiện tại chúng ta có thể đối phó. Hơn nữa, Đức Chúa Trời cũng cho biết Ngài sẽ chữa trị triệt để bệnh này. Không có sự giúp đỡ nào bằng sự giúp đỡ từ ‘Đức Chúa Trời là Đấng yên-ủi người ngã lòng’, đầy lòng thương xót.—2 Cô-rinh-tô 7:6.

Tuy nhiên, có lẽ chúng ta thắc mắc: Đức Chúa Trời giúp mình như thế nào trong lúc đau khổ về tinh thần do trầm cảm?

▪ Đức Chúa Trời có gần người trầm cảm không?

Đức Chúa Trời ở cùng những tín đồ bị trầm cảm, Ngài “nâng đỡ, an ủi các tâm hồn đau khổ buồn phiền” (Ê-sai 57:15, Trịnh Văn Căn). Thật ấm lòng khi biết rằng “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương”!—Thi-thiên 34:18.

▪ Làm sao để được Đức Chúa Trời yên ủi?

Người thờ phượng Đức Chúa Trời có thể cầu nguyện với Ngài bất cứ lúc nào. Ngài là “Đấng nghe lời cầu-nguyện” và giúp chúng ta đối phó với hoàn cảnh lẫn cảm xúc đau buồn (Thi-thiên 65:2). Kinh Thánh khuyến khích chúng ta trút nỗi lòng cho Ngài: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”.—Phi-líp 4:6, 7.

▪ Nói sao nếu có ý nghĩ Đức Chúa Trời không nghe lời cầu nguyện vì chúng ta không xứng đáng?

Bệnh trầm cảm có thể khiến một người nghĩ rằng những nỗ lực của mình hầu làm Đức Chúa Trời hài lòng là không đáng kể gì. Tuy nhiên, Cha trên trời biết chúng ta dễ bị mất tinh thần, Ngài “nhớ lại rằng [chúng ta] bằng bụi-đất” (Thi-thiên 103:14). Hãy tự nhủ là dù “lòng mình cáo-trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự” (1 Giăng 3:19, 20). Vì thế trong lời cầu nguyện, một người có thể mượn lời lẽ của các câu Kinh Thánh từng đọc qua, chẳng hạn Thi-thiên 9:9, 10; 10:12, 14, 17; 25:17.

▪ Nếu chúng ta không thể nói nên lời vì quá đau buồn thì sao?

Khi cảm xúc đau buồn tràn ngập đến mức khó diễn đạt được bằng lời, đừng bỏ cuộc! Hãy tiếp tục cầu nguyện với “Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi” vì biết chắc Ngài hiểu cảm xúc và nhu cầu của chúng ta (2 Cô-rinh-tô 1:3). Chị Maria được đề cập trong bài đầu tiên tâm sự: “Đôi khi tâm trí rối loạn, tôi không biết phải cầu nguyện về điều gì nữa. Nhưng tôi tin chắc Đức Chúa Trời hiểu và giúp tôi”.

▪ Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện như thế nào?

Kinh Thánh không nói là Đức Chúa Trời xóa mọi vấn đề của chúng ta ngay bây giờ. Tuy nhiên, Ngài ban sức cho chúng ta để đối phó với “mọi sự”, kể cả bệnh trầm cảm (Phi-líp 4:13). Chị Mai thừa nhận: “Lúc mới lâm bệnh, tôi cầu xin Đức Giê-hô-va chữa lành ngay cho tôi vì nghĩ mình không thể chịu đựng hơn nữa. Nhưng bây giờ, tôi cầu nguyện Ngài ban sức mỗi ngày”.

Kinh Thánh là nguồn sức mạnh về tinh thần giúp người bệnh đối phó với trầm cảm. Chị Xuân chống chọi với bệnh này suốt 35 năm qua, cảm nghiệm việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày mang lại lợi ích thực tiễn. Chị cho biết: “Tôi thật sự quý trọng sự giúp đỡ từ phía y khoa. Nhưng trên hết, tôi nhận thấy lợi ích tinh thần và thực tế mà Lời Đức Chúa Trời đem lại. Tôi đã tập thói quen đọc Kinh Thánh”.

Bệnh trầm cảm sẽ vĩnh viễn không còn!

Khi sống trên đất, Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời ban quyền năng chữa lành đủ thứ bệnh tật gây đau khổ cho con người. Chúa Giê-su rất tận tâm cứu chữa những người đau bệnh. Hơn thế, chính ngài từng trải qua nỗi lo lắng và đau buồn. Vào đêm trước khi chết một cách đau đớn, ngài “kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài-xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết” (Hê-bơ-rơ 5:7). Tuy Chúa Giê-su phải trải qua tình trạng đau khổ như thế, nhưng điều đó đem lại lợi ích cho chúng ta ngày nay vì ngài “có thể cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta”.—Hê-bơ-rơ 4:15; 1 Giăng 2:1, 2.

Kinh Thánh cho biết ý định của Đức Chúa Trời là xóa bỏ những tình trạng xấu góp phần gây ra bệnh trầm cảm. Ngài hứa: “Ta sẽ dựng trời mới đất mới; những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa. Thà các ngươi hãy mừng-rỡ và vui-vẻ đời đời trong sự ta dựng nên” (Ê-sai 65:17, 18). “Trời mới” là một chính phủ mới tức Nước Đức Chúa Trời. “Đất mới” là xã hội do Nước này lập nên, chỉ gồm những người công bình được khôi phục sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Mọi bệnh tật sẽ mãi mãi không còn nữa.

[Câu nổi bật nơi trang 9]

“Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi từ nơi ngục tối rất sâu kêu-cầu danh Ngài. Ngài chắc đã nghe tiếng tôi, xin đừng bịt tai khỏi... lời kêu-van tôi. Ngày tôi cầu Ngài, Ngài đã đến gần tôi, đã phán cùng tôi: Chớ sợ-hãi chi!”.​—Ca-thương 3:55-57

[Khung/​Hình nơi trang 7]

‘YÊN-ỦI NHỮNG NGƯỜI NGÃ LÒNG’

Khi cơn trầm cảm và cảm giác vô dụng vượt quá sức chịu đựng của chị Barbara, vợ chồng chị gọi điện cho một người bạn là anh Gerard. Anh là người có trách nhiệm trong hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh luôn kiên nhẫn lắng nghe dù chị Barbara khóc nức nở và lặp đi lặp lại những điều lo lắng mà chị từng kể trước đây.

Anh Gerard đã tập lắng nghe mà không chỉ trích, cãi lý hoặc kết tội (Gia-cơ 1:19). Anh học cách ‘yên-ủi những người ngã lòng’, như lời khuyên của Kinh Thánh (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Qua điện thoại, anh kiên nhẫn trấn an Barbara rằng chị rất quý giá đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, gia đình và bạn bè của chị. Anh thường đọc một hoặc hai câu Kinh Thánh khích lệ, dù những câu này anh từng đọc cho chị trước đây. Sau cùng, anh không quên đề nghị cầu nguyện với vợ chồng chị, điều luôn làm họ thấy được an ủi.—Gia-cơ 5:14, 15.

Anh Gerard ý thức rằng mình không phải là bác sĩ và cũng không bao giờ chiếm vai trò của bác sĩ điều trị cho chị Barbara. Tuy nhiên, anh hỗ trợ cho việc điều trị qua các câu Kinh Thánh và lời cầu nguyện đầy an ủi, điều mà đa số bác sĩ không làm được.

Để ‘yên-ủi những người ngã lòng’

Hãy thử nói: “Tôi muốn bạn biết tôi luôn nghĩ đến bạn. Tôi biết bạn không khỏe lắm. Dạo này bạn thế nào?”

Lưu ý: Hãy nói một cách chân thành và lắng nghe với sự đồng cảm, ngay cả khi người trầm cảm nói cùng một điều mà anh hay chị ấy đã nói trước đây.

Hãy thử nói: “Tôi rất phục bạn vì những gì bạn làm được (hoặc “về những tính tốt mà bạn thể hiện”) dù gặp vấn đề về sức khỏe. Có lẽ bạn nghĩ mình chưa làm được bao nhiêu, nhưng chắc chắn Đức Giê-hô-va yêu thương cũng như quý mến bạn, và chúng tôi cũng thế”.

Lưu ý: Hãy tỏ lòng thương xót và tử tế.

Hãy thử nói: “Tôi mới đọc qua câu Kinh Thánh khích lệ này” hoặc “Tôi nghĩ đến bạn khi đọc lại câu Kinh Thánh này mà tôi rất thích”. Rồi đọc hay trích câu đó.

Lưu ý: Tránh nói giọng thuyết giáo.

[Khung nơi trang 9]

Niềm an ủi từ Kinh Thánh

Chị Lorraine được thêm sức nhờ lời hứa của Đức Giê-hô-va nơi Ê-sai 41:10: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh-khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp-đỡ ngươi, lấy tay hữu công-bình ta mà nâng-đỡ ngươi”.

Anh Álvaro cho biết các câu nơi Thi-thiên 34:4, 6 đã an ủi anh: “Tôi đã tìm-cầu Đức Giê-hô-va, Ngài đáp lại tôi, giải-cứu tôi khỏi các điều sợ-hãi. Kẻ khốn-cùng nầy có kêu-cầu, Đức Giê-hô-va bèn nhậm lời người, giải-cứu người khỏi các điều gian-truân”.

Anh Naoya luôn được khích lệ khi đọc Thi-thiên 40:1, 2: “Tôi nhịn-nhục trông-đợi Đức Giê-hô-va, Ngài nghiêng qua nghe tiếng kêu-cầu của tôi. Ngài... làm cho bước tôi vững-bền”.

Chị Naoko được trấn an bởi câu Thi-thiên 147:3 nói rằng Đức Giê-hô-va “chữa lành người có lòng đau-thương, và bó [vết] của họ”.

Lời của Chúa Giê-su được ghi lại nơi Lu-ca 12:6, 7 đã giúp chị Eliz tin cậy rằng Đức Giê-hô-va thật sự quan tâm: “Người ta há chẳng bán năm con chim sẻ giá hai đồng tiền sao? Nhưng Đức Chúa Trời không quên một con nào hết. Dầu đến tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm cả rồi. Đừng sợ chi, vì các ngươi trọng hơn nhiều chim sẻ”.

Những câu Kinh Thánh khác:

Thi-thiên 39:12: “Đức Giê-hô-va ôi! xin hãy nghe lời cầu-nguyện tôi, lắng tai nghe tiếng kêu-cầu của-tôi; xin chớ nín-lặng về nước mắt tôi”.

2 Cô-rinh-tô 7:6, Bản Dịch Mới: [Đức Chúa Trời] an ủi kẻ nản lòng”.

1 Phi-e-rơ 5:7: “Hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho [Đức Chúa Trời], vì Ngài hay săn-sóc anh em”.