Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sĩ quan SS trở thành người phụng sự Đức Chúa Trời

Sĩ quan SS trở thành người phụng sự Đức Chúa Trời

Sĩ quan SS trở thành người phụng sự Đức Chúa Trời

Do Gottlieb Bernhardt kể lại

Tôi là một sĩ quan phục vụ trong đội SS của Đức, đội cận vệ ưu tú của Hitler tại pháo đài Wewelsburg. Vào tháng 4-1945, tôi được lệnh giết những tù nhân tại một trại tập trung gần đó. Họ là Nhân Chứng Giê-hô-va. Quân SS đòi hỏi mọi người phải vâng lệnh tuyệt đối. Điều này khiến tôi thật khó xử. Hãy để tôi giải thích tại sao lại như thế.

Tôi sinh năm 1922 tại một ngôi làng gần sông Rhine nước Đức. Dù ở vùng này đạo Công giáo La Mã phát triển rất mạnh, nhưng gia đình tôi theo một nhóm Kiên tín (Pietism), phong trào tôn giáo có từ thế kỷ 17. Năm 1933, khi tôi được 11 tuổi, Hitler lên nắm quyền ở Đức. Vài năm sau, nhờ có học lực và chơi thể thao rất giỏi nên tôi được vào học viện gần thành phố Marienburg, nay là Malbork ở Ba Lan. Nơi đây cách nhà tôi hàng trăm cây số và tôi bị “nhồi sọ” bởi tư tưởng của chế độ độc tài Quốc Xã. Các học viên được dạy những điều như: danh dự, cần cù, trung thành, phục tùng, ý thức trách nhiệm và tôn sùng di sản Đức.

Thế Chiến II và quân SS

Khi Thế Chiến II bùng nổ vào năm 1939, tôi gia nhập quân Leibstandarte SS của Adolf Hitler, một đơn vị vũ trang xuất sắc dưới quyền của Hitler. Đơn vị này cung cấp các cận vệ cho viên chức chính phủ, đồng thời được dùng cho các hoạt động đặc biệt của quân đội. Tôi đã chứng kiến chiến tranh tại Bỉ, Pháp, Hà Lan, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri và Hy Lạp. Khi ở Bun-ga-ri, tôi từng tham dự một buổi lễ tôn giáo do linh mục trong quân đội hướng dẫn. Tôi thắc mắc: “Liệu quân địch có tổ chức những buổi lễ như thế không?”. Tôi cũng tự nhủ: “Đức Chúa Trời có ban phước cho chiến tranh không? Ngài ủng hộ bên nào?”.

Sau đó, tôi được chọn để tham dự trường Junkerschule, một học viện đào tạo binh sĩ trẻ đảm trách những nhiệm vụ ở cấp cao hơn. Rồi tôi được bổ nhiệm vào một đơn vị bảo vệ cho cơ quan đầu não của Đức tại Berlin. Nơi đây có lần tôi thấy Hitler quát tháo một chính trị gia cấp cao. Tôi suy nghĩ: “Hành vi đó thật đáng hổ thẹn”. Nhưng tôi không dám nói lớn!

Tại Berlin, tôi đã gặp Inge, nàng cũng làm việc tại cơ quan đầu não đó. Khi chúng tôi định kết hôn, đột nhiên đơn vị tôi phải bay đến mặt trận Nga mà không được trang bị quần áo mùa đông! Tình huống này khiến những người lính chúng tôi kinh hoàng vì mùa đông năm 1941/1942, nhiệt độ xuống dưới -30°C. Tại đấy, lần thứ hai tôi được nhận huy chương quân đội cao quý nhất của Đức. Sau này, khi bị trọng thương, tôi được đưa trở về Đức. Thế là tôi và Inge kết hôn vào năm 1943.

Nhiệm vụ kế tiếp của tôi là phục vụ trong cơ quan đầu não Obersalzberg của Hitler trên núi Bavaria. Viên chỉ huy cấp cao của quân SS là Heinrich Himmler cũng có mặt tại đây. Ông đã cho Felix Kersten, người xoa bóp cũng là bác sĩ của mình, chăm sóc tôi. Sau này tôi biết rằng ông Kersten sở hữu điền trang Hartzwalde gần Berlin. Vào giai đoạn cuối của chiến tranh, ông xin Himmler cho các Nhân Chứng Giê-hô-va trong một trại tập trung gần đó làm việc tại điền trang của ông. Ông Himmler chấp thuận và ông Kersten đối xử tử tế với các Nhân Chứng. Một Nhân Chứng làm việc cho ông Kersten ở Thụy Điển luôn để một tạp chí Tháp Canh trong va-li của ông cho các Nhân Chứng ở Đức *.

Nhân Chứng Giê-hô-va bước vào đời tôi

Cuối năm 1944, ông Himmler bổ nhiệm tôi làm sĩ quan phục vụ vị tướng của quân SS. Vị tướng này là người chỉ huy Wewelsburg, một pháo đài 400 năm tuổi ở gần thành phố Paderborn. Ông Himmler định biến pháo đài Wewelsburg thành trung tâm đào tạo người ta thành “các tín đồ” theo hệ tư tưởng quân SS. Gần đó là một trại tập trung nhỏ Niederhagen, nơi giam giữ những tù nhân đặc biệt: đó là Nhân Chứng Giê-hô-va, cũng được gọi là Học viên Kinh Thánh.

Một tù nhân tên Ernst Specht nhiều lần đã đến để trị vết thương cho tôi. Anh ta thường nói: “Chào ngài”.

Tôi dọa: “Sao không nói “Heil Hitler!”?” *.

Anh khéo léo đáp lại: “Có phải ông theo Ki-tô giáo từ nhỏ không?”.

Tôi nói: “Đúng thế. Tôi theo phái Kiên tín”.

Anh nói tiếp: “Vậy chắc ông biết rằng Kinh Thánh hứa chỉ qua một người là Chúa Giê-su Ki-tô thì mới có sự giải cứu. Vì vậy mà tôi không thể nói “Heil Hitler!””.

Vừa ngạc nhiên vừa ấn tượng, tôi hỏi lại: “Thế thì tại sao anh ở đây?”.

Anh đáp: “Tôi là Học viên Kinh Thánh”.

Những cuộc nói chuyện với anh Ernst và một Nhân Chứng khác là Erich Nikolaizig, thợ hớt tóc, đã động đến lòng tôi. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận như thế bị cấm và vị chỉ huy ra lệnh tôi không được tiếp tục nữa. Thế nhưng, tôi nghĩ nếu mọi người ở Đức—xứ đạo với hàng triệu tín đồ—có lối cư xử như các Nhân Chứng thì sẽ không có chiến tranh. Tôi nghĩ: “Lẽ ra họ phải được khen chứ không chịu ngược đãi”.

Trong thời gian ấy, một quả phụ quẫn trí, có người con ở trong tình trạng nguy cấp cần cắt bỏ ruột thừa, đã điện thoại cho tôi nhờ chuyển con bà đi gấp. Tôi ra lệnh chuyển em ấy đi ngay, nhưng viên chỉ huy của tôi lạnh lùng bác bỏ. Tại sao thế? Vì chồng của bà thuộc nhóm ám sát Hitler bất thành vào tháng 7 năm 1944 nên ông đã bị xử tử. Thế là con của bà đã chết và tôi không thể làm gì được. Sự việc ấy dằn vặt tôi cho đến tận ngày nay.

Dù chỉ hơn 20 tuổi nhưng tôi bắt đầu nhìn cuộc sống thực tế hơn—không như những gì quốc xã đã tuyên truyền. Đồng thời tôi càng cảm phục Nhân Chứng Giê-hô-va và những điều họ dạy. Vì thế, tôi đã đi đến quyết định lớn nhất trong đời.

Tháng 4-1945, quân Đồng minh kéo đến và vị chỉ huy của tôi trốn khỏi Wewelsburg. Sau đó, một đơn vị theo lệnh của ông Himmler đến hủy phá pháo đài này và giết các tù nhân. Vị chỉ huy của trại tập trung gần đó trao cho tôi danh sách các tù nhân phải bị hành quyết, họ là tất cả các Nhân Chứng. Tại sao? Người ta nói các Nhân Chứng biết địa điểm của những tác phẩm nghệ thuật có giá trị bị cướp vào thời Đệ Tam Quốc Xã, dường như các tác phẩm ấy được giấu trong một số tòa nhà. Và bí mật này không nên được tiết lộ! Vậy, tôi nên làm gì đối với lệnh hành hình này?

Tôi đến nói với viên chỉ huy của trại: “Lính Mỹ sắp đến rồi. Ông không nghĩ ông và người của mình rời khỏi đây là khôn ngoan sao?”. Thế là chẳng cần nói thêm gì với ông ấy nữa! Rồi tôi làm một điều mà sĩ quan SS khó có thể tin được, tôi không làm theo lệnh và các Nhân Chứng được sống sót.

Vinh dự được làm anh em của họ

Sau chiến tranh, tôi và Inge liên lạc với Nhân Chứng Giê-hô-va và bắt đầu sốt sắng học Kinh Thánh. Một chị Nhân Chứng tên Auguste cùng những anh chị khác giúp chúng tôi. Vết thương thời chiến và giai đoạn khắc nghiệt sau chiến tranh khiến đời sống khốn đốn. Tuy nhiên, tôi cùng vợ đã dâng cuộc đời mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp-têm. Tôi báp-têm năm 1948 còn Inge năm 1949.

Vào thập niên 1950, nhiều Nhân Chứng từng ở Wewelsburg trong thời chiến đã trở lại đó để họp mặt. Trong số họ có anh Ernst Specht, Erich Nikolaizig và một tù nhân trung thành khác là anh Max Hollweg. Tôi xem việc được gọi là anh em của họ là một vinh dự to lớn vì những người can đảm này của Đức Chúa Trời đã liều mạng rao giảng cho tôi. Tại cuộc họp mặt đó cũng có chị Martha Niemann, một thư ký làm việc tại Wewelsburg. Chị cũng rất ấn tượng về hạnh kiểm của các Nhân Chứng và đã dâng đời sống mình phụng sự Đức Giê-hô-va.

Khi nhìn lại những năm đã qua, tôi thấy vô số bằng chứng rằng “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”, một điều mà tôi không hiểu được khi còn là một chàng thanh niên ngây thơ, mơ mộng hão huyền (1 Giăng 5:19). Tôi cũng thấy rõ sự khác biệt rất lớn giữa việc phục vụ các chế độ bạo ngược như của Hitler với việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Chế độ trước đây đòi hỏi người ta phục tùng cách mù quáng, còn Đức Giê-hô-va muốn chúng ta phụng sự Ngài vì tình yêu thương dựa trên sự hiểu biết chính xác về cá tính và ý định Ngài, như được tiết lộ trong Kinh Thánh (Lu-ca 10:27; Giăng 17:3). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va là Đấng mà tôi sẽ phục vụ trong suốt quãng đời còn lại của mình.

[Chú thích]

^ đ. 9 Xin xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-7-1972, trang 399.

^ đ. 13 “Heil Hitler!” là một lời chào có tính chất bắt buộc trong suốt thời gian Hitler nắm quyền ở Đức. Nó có nghĩa là “sự giải cứu thuộc về Hitler”.

[Hình nơi trang 19]

Hình cưới của chúng tôi vào tháng 2-1943

[Hình nơi trang 19]

Pháo đài Wewelsburg được dự kiến trở thành trung tâm hệ tư tưởng của quân SS

[Hình nơi trang 20]

Với Inge ngày nay