Xương—Rắn chắc đến kinh ngạc
Một sự thiết kế?
Xương—Rắn chắc đến kinh ngạc
● Xương được miêu tả là “một tuyệt tác kỹ thuật về độ bền, sức chịu nén và sức đàn hồi”. Tại sao thế?
Hãy suy nghĩ điều này: Bộ xương con người gồm khoảng 206 xương và 68 khớp. Xương dài nhất là xương đùi hay xương ống; xương nhỏ nhất là xương bàn đạp bên trong lỗ tai. Khi vận động viên thể dục dụng cụ lão luyện biểu diễn thì xương, cơ bắp, sụn và khớp của họ cho thấy một cơ thể khỏe mạnh có độ linh động và dẻo dai đáng kinh ngạc. Viện nghiên cứu về y học và sinh học ngoài không gian (National Space Biomedical Research Institute) cho biết: “Chỉ xem xét ngón tay cái thôi cũng đủ thuyết phục bất cứ ai tin rằng kiến trúc sư của cơ thể chúng ta (nhân vật đó là ai thì tùy theo quan điểm mỗi người) là một bậc thiên tài!”.
Xương cũng có thể chịu đựng một lực đáng kể. Viện đó cho biết: “Cấu trúc của [chúng] rất giống cấu trúc của bê tông cốt thép. Thép trong bê tông tạo ra độ bền, trong khi xi măng, cát và đá giúp chịu lực nén. Tuy nhiên, ngay cả loại bê tông cốt thép tốt nhất cũng không có sức chịu lực nén giống như xương”. Ông Robert O. Ritchie, một giáo sư về khoa học vật liệu tại Đại học California, ở thành phố Berkeley, Hoa Kỳ, phát biểu: “Chúng tôi chỉ muốn bắt chước cấu trúc ấy”.
Không như bê tông cốt thép, xương là một phần quan trọng của vô số sinh vật. Và nó có sức sống. Xương có thể tự phục hồi, phản ứng lại các hormon ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển của nó và thậm chí đóng vai trò trọng yếu trong việc sản xuất hồng huyết cầu. Cũng giống như cơ bắp, xương dần dần chắc hơn khi chịu trọng lượng nặng hơn. Vì vậy, các vận động viên có xương chắc hơn những người ít vận động.
Bạn nghĩ sao? Xương tự nhiên mà có? Hay đó là một sự thiết kế?
[Hình nơi trang 26]
Cấu trúc xương (phóng to)
[Nguồn tư liệu nơi trang 26]
Leg bone: © MedicalRF.com/age fotostock; close-up: © Alfred Pasieka/Photo Researchers, Inc.; gymnast: Cultura RF/Punchstock