Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để hết buồn bã?

Làm sao để hết buồn bã?

Giới trẻ thắc mắc

Làm sao để hết buồn bã?

“Bất cứ lúc nào bạn tôi có vấn đề, tôi đều giúp và làm cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng khi về nhà, tôi vào phòng và khóc, đây là điều ít ai biết.”—Kellie *.

“Khi buồn bã, tôi không muốn nói chuyện với ai. Nếu được mời đi đâu, tôi đều viện cớ để từ chối. Với gia đình, tôi rất giỏi che giấu nỗi buồn của mình. Họ cứ nghĩ tôi vẫn ổn.”—Liêm.

Đã bao giờ bạn nghĩ giống như Kellie hay Liêm chưa? Nếu có, đừng vội kết luận rằng bạn đang gặp vấn đề. Trên thực tế, ai cũng có lúc cảm thấy buồn. Ngay cả những người thờ phượng Đức Chúa Trời vào thời Kinh Thánh cũng thế.

Một số trường hợp, có lẽ bạn biết tại sao mình buồn, còn những trường hợp khác thì không. Bạn gái tên Anna, 19 tuổi, nói: “Không phải ở trong hoàn cảnh ghê gớm bạn mới cảm thấy buồn. Cảm xúc ấy ập đến bất cứ lúc nào, ngay cả khi đời sống bạn không có vấn đề. Thật kỳ lạ!”.

Khi bị nỗi buồn bao vây, dù nguyên nhân nào hoặc không có lý do, bạn có thể làm gì?

Lời khuyên 1: Hãy nói ra. Kinh Thánh viết: “Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”.—Châm-ngôn 17:17.

Kellie: “Sau khi nói chuyện với một ai đó, tôi thấy vô cùng khuây khỏa. Ít ra cũng có người biết những gì tôi đang đương đầu. Điều đó như thể họ thòng dây xuống và kéo tôi ra khỏi hố—rốt cuộc tôi đã thoát nạn!”.

Gợi ý: Hãy viết ra bên dưới tên của người bạn thân mà bạn có thể giãi bày khi nỗi buồn lấn át.

․․․․․

Lời khuyên 2: Hãy viết ra. Khi nỗi buồn ảnh hưởng đến cái nhìn của bạn về cuộc sống, bạn hãy thử viết ra ý nghĩ của mình. Trong các bài Thi-thiên, Đa-vít có lúc bày tỏ nỗi buồn sâu xa (Thi-thiên 6:6). Viết ra những cảm xúc như thế có thể giúp bạn “giữ lấy sự khôn ngoan và suy xét”.—Châm-ngôn 3:21, Bản Dịch Mới.

Hương: “Viết ra ý nghĩ giúp tôi giải tỏa sự rối rắm trong trí do nỗi buồn chất chứa lâu ngày. Khi viết ra cảm xúc và cố gắng hiểu tại sao tôi cảm thấy như thế, nỗi buồn vơi đi phần nào”.

Gợi ý: Một số người viết nhật ký. Nếu cũng viết nhật ký, bạn có thể ghi lại điều gì? Khi buồn, hãy diễn tả cảm xúc của bạn và lý do nào khiến bạn buồn. Một tháng sau, hãy xem lại những gì bạn đã viết. Cái nhìn của bạn về vấn đề đó có thay đổi không? Nếu có, hãy viết ra điều gì đã giúp bạn.

Lời khuyên 3: Hãy cầu nguyện. Kinh Thánh cho biết nếu bạn cầu nguyện về những mối lo lắng của mình, thì ‘sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng bạn’.—Phi-líp 4:7.

Xuân Thảo: “Tôi cố tìm ra nguyên do khiến mình buồn nản, nhưng không thành. Tôi rất chán chường vì cứ buồn mà không có lý do. Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp tôi cảm thấy vui vẻ. Cuối cùng, tôi đã thoát được nỗi buồn. Vì thế, bạn đừng bao giờ xem nhẹ tác dụng của lời cầu nguyện!”.

Gợi ý: Hãy cầu nguyện với Đức Giê-hô-va dựa trên những lời ghi nơi Thi-thiên 139:23. Hãy trút nỗi lòng và xin Ngài giúp bạn biết được lý do khiến mình buồn.

Ngoài những gợi ý nêu trên, bạn có thể tìm nguồn an ủi quý báu trong Lời Đức Chúa Trời (Thi-thiên 119:105). Hãy lấp đầy tâm trí bằng những ý tưởng tích cực từ Kinh Thánh. Điều này có thể tác động tốt đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động của bạn (Thi-thiên 1:1-3). Chẳng hạn, sách Công-vụ có nhiều câu chuyện thú vị và hào hứng. Hơn nữa, bạn có thể tìm được những lời gợi ý về cách đọc Kinh Thánh sao cho hiệu quả bằng cách xem xét chín “Gương xuất sắc” trong sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, tập 2 (chưa có trong tiếng Việt), do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Trong số đó có gương mẫu của ông Giô-sép, Ê-xê-chia, bà Ly-đi và vua Đa-vít. Nơi trang 227, bạn sẽ thấy cách sứ đồ Phao-lô vượt qua cảm xúc tiêu cực mà đôi lúc ông gặp phải vì bất toàn.

Nếu bạn đã cố gắng mà nỗi buồn vẫn không vơi đi thì sao?

Khi nỗi buồn không vơi đi

Bạn Ryan nói: “Có những buổi sáng tôi chỉ muốn nằm lì trên giường còn hơn là thức dậy rồi đối mặt với một ngày tẻ nhạt”. Bạn Ryan bị bệnh trầm cảm và nhiều người khác cũng mắc phải căn bệnh này. Các cuộc nghiên cứu ở một số nước cho thấy cứ bốn người trẻ thì có một người mắc bệnh trầm cảm trước khi đến tuổi trưởng thành.

Làm sao biết bạn có bị trầm cảm hay không? Một số dấu hiệu của bệnh này là: thay đổi rõ rệt về tính tình lẫn hành vi, tự cô lập, hầu như không còn thích thú với bất cứ việc gì, thay đổi đáng kể trong thói quen ăn uống cũng như giấc ngủ, và cảm thấy vô dụng hoặc tội lỗi mà không có lý do.

Hầu như ai cũng có lúc bị một trong những triệu chứng kể trên. Nhưng nếu các triệu chứng này kéo dài vài tuần thì bạn nên nói với cha mẹ để được đưa đi khám bệnh. Bác sĩ sẽ cho bạn biết tâm trạng buồn bã của bạn có phải là do bệnh lý hay không *.

Nếu bạn bị trầm cảm thì không có gì phải hổ thẹn. Nhờ điều trị y khoa, nhiều người cảm thấy dễ chịu hơn—thậm chí lâu rồi họ mới cảm thấy dễ chịu như thế! Vậy, dù nỗi buồn của bạn có phải là do bệnh trầm cảm hay không, hãy ghi nhớ những lời đầy an ủi nơi Thi-thiên 34:18: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương”.

[Chú thích]

^ đ. 3 Một số tên trong bài đã được đổi.

^ đ. 23 Khi nỗi buồn kéo dài, một số bạn trẻ đã nghĩ đến việc tự tử. Nếu bạn cũng có ý nghĩ đó, hãy nói ngay với một người lớn mà bạn tin cậy.—Xin xem sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, tập 1, chương 13; hoặc Tỉnh Thức! (Anh ngữ) tháng 5-2008, trang 26-28.

VÀI ĐIỀU ĐỂ SUY NGHĨ

Khóc có lợi không?

“Tôi không phải là người mau nước mắt, nhưng tôi thấy trong những lúc buồn chán, khóc là cần thiết. Khóc giúp chúng ta giải tỏa cảm xúc và cân bằng lại. Nhờ thế, tôi bắt đầu suy nghĩ sáng suốt và có thể hướng tới tương lai với sự lạc quan”. —Lan.

Người khác có thể giúp bạn đối phó với nỗi buồn như thế nào?

“Khi buồn, tôi tránh tự cô lập. Có lúc tôi cần ở một mình để suy nghĩ và cố gắng hiểu cảm xúc của bản thân hoặc khóc. Nhưng sau đó, tôi biết mình cần tiếp xúc với người khác hầu tâm trí không nghĩ đến chuyện buồn nữa”.—Cát Tường.

[Khung/​Hình nơi trang 21]

Ý KIẾN CỦA VÀI BẠN TRẺ

“Khi chỉ nghĩ đến mình, tôi dễ đâm ra buồn nản. Mỗi khi giúp đỡ người khác, tôi bớt chú ý đến bản thân và thấy vui trở lại.”

“Khi thường xuyên tập thể dục, tôi ít buồn bã hơn vì cảm thấy hài lòng với bản thân. Việc tập thể dục giúp cơ thể tiêu hao năng lượng. Sau đó, tôi quá mệt và không còn tâm trí để nghĩ đến nỗi buồn nữa!”

[Hình]

Drenelle

Rebekah

[Hình nơi trang 22]

Với sự giúp đỡ và nỗ lực bản thân, bạn có thể ra khỏi hố sâu u buồn