Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một luật sư xem xét về Nhân Chứng Giê-hô-va

Một luật sư xem xét về Nhân Chứng Giê-hô-va

Một luật sư xem xét về Nhân Chứng Giê-hô-va

“Tôi không biết nhiều về Nhân Chứng Giê-hô-va”, anh Les Civin, một luật sư và là giám đốc văn phòng luật sư ở Nam Phi cho biết. Vậy tại sao anh muốn tìm hiểu về niềm tin của Nhân Chứng? Anh đã kết luận gì? Sau đây là những điều anh chia sẻ với tạp chí Tỉnh thức!.

Trước đây anh đạo gì?

Tôi xuất thân từ Do Thái giáo, nhưng vào đầu thập niên 1970, tôi kết hôn với Carol, thuộc Anh giáo. Vợ tôi không quan tâm đến tôn giáo và lúc ấy tôn giáo không ảnh hưởng cuộc sống của chúng tôi. Tuy nhiên, khi con trai chúng tôi là Andrew được 8 tuổi, Carol cảm thấy chúng tôi nên làm điều gì đó để con tôi có đạo. Một rabbi (thầy giảng đạo Do Thái) cho biết nếu Carol cải sang đạo Do Thái thì Andrew đương nhiên sẽ thuộc đạo Do Thái và được thụ giới (Bar Mitzvah) khi 13 tuổi. Vì thế, chúng tôi bắt đầu tham dự lớp cải đạo tại nhà hội mỗi tuần.

Anh đã tiếp xúc với Nhân Chứng Giê-hô-va như thế nào?

Khi Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhà, tôi luôn ngắt lời họ và nói: “Tôi theo đạo Do Thái và không tin Tân ước”. Rồi, Carol cho biết một người bạn của cô là Nhân Chứng rất thông thạo Kinh Thánh. Carol đề nghị chúng tôi nên tìm hiểu thêm về Kinh Thánh. Tôi miễn cưỡng nhận lời học Kinh Thánh với Nhân Chứng.

Anh đã phản ứng thế nào khi học Kinh Thánh?

Tôi rất kiêu hãnh. Tôi đã tìm lại được những giá trị của Do Thái giáo và cảm thấy mình thuộc dân được chọn. Tôi nghĩ: “Những người này có thể dạy cho tôi điều gì?”. Trong lần thảo luận đầu tiên, tôi nói với anh Nhân Chứng rằng: “Tôi sinh ra là người Do Thái. Tôi đã tìm thấy tôn giáo của mình rồi và khi chết, tôi cũng sẽ là người Do Thái. Không điều gì anh nói mà có thể thay đổi tôi”. Anh ấy vui vẻ chấp nhận quan điểm của tôi. Vì vậy, vào các tối thứ sáu và thứ hai, vợ chồng tôi đến dự lớp cải đạo của Do Thái giáo, còn vào các sáng chủ nhật (nếu tôi không có cớ để vắng mặt) thì chúng tôi học Kinh Thánh với Nhân Chứng. Nhân đây tôi cũng nói, các buổi học với Nhân Chứng là miễn phí, không như các lớp tại nhà hội.

Tôi thường dùng Kinh Thánh của đạo Do thái vì nghĩ các Nhân Chứng dùng một bản dịch hợp với quan điểm của họ. Nhưng tôi ngạc nhiên khi thấy hai bản Kinh Thánh rất hòa hợp. Điều này càng khiến tôi quyết tâm chứng minh rằng Nhân Chứng không biết họ đang nói gì.

Sau khi tham dự vài buổi học của rabbi, Carol nói với tôi rằng cô nghĩ rabbi không hiểu rõ Kinh Thánh. Carol nói sẽ không đến lớp đó nữa và sẽ không phủ nhận Chúa Giê-su là Đấng Christ. Nghe vậy, tôi rất bàng hoàng và đã nghĩ đến việc ly dị. Tuy nhiên, khi cú sốc đã qua, tôi quyết định dùng chiến thuật khác—sử dụng kiến thức về luật để chứng minh với Carol rằng “giáo phái điên rồ” này sai.

Anh có thành công không?

Ông rabbi cho tôi một cuốn sách có nội dung bác bỏ những lời tiên tri về Đấng Mê-si. Chúng tôi cùng học cuốn sách đó trong 18 tháng. Chúng tôi vẫn tiếp tục học hỏi Kinh Thánh với Nhân Chứng. Tuy nhiên, khi chúng tôi xem xét mỗi lời tiên tri được bàn luận trong cuốn sách của rabbi, tôi cảm thấy ngày càng hoang mang. Trái với cách lập luận trong sách ấy, những lời tiên tri về Đấng Mê-si trong Kinh Thánh luôn chỉ về một người—Chúa Giê-su Christ. Cuối cùng, vấn đề ngã ngũ khi chúng tôi học về lời tiên tri ghi nơi Đa-ni-ên 9:24-27, là lời báo trước Đấng Mê-si sẽ xuất hiện vào năm 29 CN *. Nhân Chứng xuất bản một cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Hê-bơ-rơ, có phần dịch từng chữ bằng tiếng Anh ở dưới mỗi từ. Tôi kiểm tra cách diễn đạt, tự tính toán niên đại học, rồi nói: “Đúng, lời tiên tri này dẫn đến năm 29 CN. Như vậy thì sao?”.

Anh Nhân Chứng đáp: “Đó là năm Chúa Giê-su chịu phép báp-têm”.

Tôi sửng sốt! Tôi cũng vô cùng ấn tượng vì thấy những lời tiên tri thật chính xác và liên kết chặt chẽ với nhau.

Bạn bè phản ứng thế nào trước sự thay đổi quan điểm của anh?

Một số bạn của tôi rất lo và hứa giới thiệu những người sẽ chỉ cho chúng tôi thấy rằng chúng tôi đã bị tẩy não. Nhưng niềm tin của chúng tôi dựa trên việc nghiên cứu kỹ lưỡng và suy luận theo logic—hoàn toàn trái với tẩy não.

Điều gì khiến anh quyết định trở thành một Nhân Chứng?

Lúc đầu, tôi tham dự vài buổi họp tại Phòng Nước Trời cùng với vợ, lúc đó vợ tôi đã trở thành Nhân Chứng *. Tôi cảm kích trước sự thân thiện của Nhân Chứng và tình yêu thương của họ với nhau, không phân biệt chủng tộc. Tôi không thấy điều này trong đạo của mình. Sau ba năm tìm hiểu thêm về Kinh Thánh, tôi làm báp-têm.

Anh cảm thấy thế nào về quyết định trở thành Nhân Chứng?

Tôi rất vinh dự nói rằng: “Tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va”. Nhưng khi nghĩ lại việc mình đã chống cự, không chấp nhận lẽ thật, tôi cảm thấy mình không xứng đáng với những ân phước mà Đức Giê-hô-va đã ban. Tôi không bao giờ hối tiếc về quyết định trở thành Nhân Chứng.

Anh nhận được những ân phước nào?

Rất nhiều. Một trong những ân phước tôi nhận được là đặc ân phụng sự với tư cách trưởng lão, tức người chăn và người dạy dỗ về thiêng liêng, ở hội thánh địa phương. Tôi cũng trợ giúp Ban Pháp lý tại chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Nam Phi. Nhưng ân phước lớn nhất là biết về Đức Giê-hô-va và Con Ngài, hiểu được tầm quan trọng của thời kỳ chúng ta và những biến cố làm chấn động thế giới.

[Chú thích]

^ đ. 12 CN là chữ viết tắt của công nguyên. Để biết thêm lời tiên tri của Đa-ni-ên về Đấng Mê-si, xin xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, trang 197.

^ đ. 18 Chị Carol qua đời vào năm 1994, và anh Les Civin đã tái hôn.

[Câu nổi bật nơi trang 11]

Tôi... vô cùng ấn tượng khi thấy những lời tiên tri thật chính xác và liên kết chặt chẽ với nhau