Lưỡi chim ruồi
Một sự thiết kế?
Lưỡi chim ruồi
● Các nhà nghiên cứu phân tích máu, ADN và chất khác với những lượng rất nhỏ trên bề mặt kính có kích cỡ như bàn tay. Khi cố gắng tạo ra một thiết bị có thể di chuyển những giọt nhỏ của các chất lỏng ấy, họ thử dùng dụng cụ hút hoặc bơm, nhưng những cách này thường không có hiệu quả. Có cách nào hiệu quả hơn không? Theo ông John Bush, tiến sĩ của Học viện Công nghệ Massachusetts, “thiên nhiên đã giải quyết những vấn đề này”.
Hãy suy nghĩ điều này: Chim ruồi không lãng phí sức cho việc hút mật hoa. Vì lực kết dính khiến nước trên mặt phẳng luôn dồn lại nên chim ruồi tận dụng điều này. Khi lưỡi của chim ruồi chạm vào mật hoa, bề mặt của mật hoa khiến hai bên lưỡi của nó cuộn lại như một ống và mật hoa được đưa lên, bất chấp trọng lực. Về căn bản, chim ruồi tránh tiêu hao năng lượng không cần thiết bằng cách để mật hoa tự di chuyển vào “ống” rồi lên miệng. Trong khi ăn, những con chim ruồi có thể làm mật hoa vào đầy lưỡi đến 20 lần một giây!
Người ta cũng thấy một số loài chim sống ven biển dùng “ống tự tạo” này để uống nước theo cách tương tự. Nhận xét về bản năng này, giáo sư Mark Denny của trường Đại học Stanford tại California, Hoa Kỳ cho biết: “Thật kỳ diệu khi thấy cách phối hợp ba lĩnh vực: kỹ thuật, vật lý và toán học ứng dụng... Nếu bạn nhờ bất cứ kỹ sư hoặc nhà toán học ứng dụng nào thiết kế một cách cho con chim uống nước bằng mỏ, họ sẽ không có ý tưởng như vậy”.
Bạn nghĩ sao? Có phải cái lưỡi nhỏ của chim ruồi—với bản năng lấy mật hoa nhanh và hiệu quả—tự nhiên mà có? Hay đó là một sự thiết kế?
[Nguồn tư liệu nơi trang 23]
© Richard Mittleman/Gon2Foto/Alamy