Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tin ai được?

Tin ai được?

Tin ai được?

Ông được xem là người tiên phong trong ngành gây mê giảm đau. Tuy nhiên, trong suốt hơn 10 năm, kể từ năm 1996, bác sĩ gây mê danh tiếng này đã ngụy tạo các số liệu trong những công trình nghiên cứu được đăng trên các tập san y khoa có uy tín.

“Tôi không hiểu nổi tại sao một người có thể làm như thế”, bác sĩ Steven L. Shafer nói trên báo Anesthesiology News.

Nguyên nhân nào khiến một chuyên gia danh tiếng lừa gạt người khác? Có thể là một trong bốn nguyên nhân dưới đây:

Tham tiền. Trong tờ New York Times, bác sĩ Jerome Kassirer, cựu biên tập tập san The New England Journal of Medicine giải thích: “Khi phần lớn thu nhập của các nhà nghiên cứu là do các công ty [dược phẩm] trả, họ sẽ khó cưỡng lại khuynh hướng đưa ra kết quả thuận lợi cho công ty”.

Thành công bằng mọi giá. Trong các trường đại học ở Đức, nhiều sinh viên ngành khoa học bị nghi là đã hối lộ các giáo sư hàng ngàn euro để có bằng tiến sĩ vì ở nước này, bằng ấy là dấu hiệu của sự thành công. Theo một cuộc nghiên cứu được đăng trên báo The New York Times, trong số những sinh viên bóp méo tiêu chuẩn đạo đức, nhiều người nói rằng “họ sẽ nghiêm túc giữ tiêu chuẩn đạo đức” sau khi thành đạt.

Thiếu gương mẫu. Về học sinh phổ thông trung học, một giáo sư nhận xét trong tờ The New York Times: “Chúng ta dễ cho rằng các em không còn lương tri... Đúng hơn là ngay từ ban đầu, nhà trường và xã hội không rèn lương tri cho các em cũng như không giúp các em vận dụng lương tri”.

Lời nói không đi đôi với việc làm. Trong một cuộc khảo sát 30.000 học sinh, 98% các em tin rằng sự trung thực là điều thiết yếu trong các mối quan hệ. Tuy nhiên, trong 10 học sinh thì có 8 em thừa nhận là đã nói dối cha mẹ, và 64% các em thú nhận đã gian lận trong kỳ thi năm trước.

Tiêu chuẩn đạo đức cao

Như được đề cập ở khung bên cạnh, tin nơi người khác là bản tính của con người. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết một thực tế là “tâm-tánh loài người vẫn xấu-xa từ khi còn tuổi trẻ” (Sáng-thế Ký 8:21). Vậy, làm thế nào bạn có thể cưỡng lại khuynh hướng làm điều xấu và sự không trung thực đang phổ biến ngày nay? Những nguyên tắc Kinh Thánh sau đây có thể giúp bạn:

“Chớ lập mưu hại kẻ lân-cận con, vì người ăn-ở bình-yên bên con”.—Châm-ngôn 3:29.

Tình yêu thương thúc đẩy chúng ta làm điều tốt cho người khác, chứ không lợi dụng lòng tin của họ. Nếu áp dụng nguyên tắc này thì sẽ không còn ai lừa đảo để mưu lợi, như việc buôn lậu thuốc giả được đề cập trong bài đầu.

“Môi chân-thật được bền-đỗ đời đời; song lưỡi giả-dối chỉ còn một lúc mà thôi”.—Châm-ngôn 12:19.

Ngày nay, nhiều người cho rằng sống trung thực sẽ bị thua thiệt. Nhưng bạn hãy tự hỏi: “Điều nào giá trị hơn, lợi ích trước mắt hay lợi ích lâu dài, bao hàm cả lòng tự trọng?”. Khi gian lận trong thi cử, một sinh viên có thể lừa dối người khác về kiến thức và kỹ năng của mình, nhưng sau này đi làm, người ấy sẽ ra sao?

“Người công-bình ăn-ở cách thanh-liêm; những con-cháu người lấy làm có phước thay!”.—Châm-ngôn 20:7.

Nếu là cha mẹ, bạn hãy “ăn-ở cách thanh-liêm” để nêu gương cho con. Hãy giúp con thấy bạn nhận được lợi ích thế nào khi sống ngay thẳng. Khi thấy cha mẹ có lối sống trung thực thì rất có thể chính con cũng sẽ chọn lối sống đó.—Châm-ngôn 22:6.

Những nguyên tắc Kinh Thánh trên có thực tế không? Ngày nay, còn có người đáng tin cậy không?

[Câu nổi bật nơi trang 4]

Theo báo Le Figaro, ngày càng nhiều người dân Pháp “nghĩ rằng những khuôn mặt uy tín trong giới chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa không có phẩm chất đạo đức, nên chẳng có lý do gì mà mình phải sống đạo đức”.

[Khung nơi trang 5]

TIN NGƯỜI CÓ PHẢI LÀ DO BẢN TÍNH?

Qua những cuộc thử nghiệm, ông Michael Kosfeld, giáo sư khoa quản trị kinh doanh tại trường đại học Frankfurt ở Đức kết luận rằng tin nơi người khác là “đặc tính sinh học của con người”. Ông khám phá ra rằng khi hai người tiếp xúc với nhau, não tiết ra chất oxytocin, một loại nội tiết tố kích thích lòng tin lẫn nhau. Ông khẳng định: “[Lòng tin] là đặc trưng của con người... Nếu lòng tin mất đi, chúng ta phần nào cũng không còn tính người”.