Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thời tiết làm thay đổi lịch sử—Như thế nào?

Thời tiết làm thay đổi lịch sử—Như thế nào?

Thời tiết làm thay đổi lịch sử—Như thế nào?

Lịch sử ghi lại những trường hợp đáng chú ý cho thấy thời tiết đóng vai trò quan trọng trong kết cục của sự việc. Chúng ta hãy cùng xem xét hai thí dụ.

Khi bão tố nổi dậy

Năm 1588, vua Philip của Tây Ban Nha phái một lực lượng hải quân, được gọi là Hạm đội Tây Ban Nha, đến xâm chiếm Anh Quốc. Nhưng kế hoạch đã bị phá hỏng do thời tiết.

Hạm đội Tây Ban Nha tiến đến eo biển Anh và chạm trán với hạm đội Anh. Đội Anh dùng những chiến hạm linh hoạt để chiến đấu nhưng chỉ làm đối phương hư hại ít. Sau đó, Hạm đội Tây Ban Nha tiến đến gần Calais để tiếp thêm quân cho trận đánh tới với Anh.

Cùng lúc đó, trong bóng đêm, đội quân Anh châm lửa một số tàu của họ. Nhờ gió và hướng thuận lợi của dòng nước, những tàu đó tiến đến các chiến hạm đã thả neo của Tây Ban Nha mà không cần người điều khiển. Nhiều tàu của Tây Ban Nha đã cắt bỏ neo để tránh bị tấn công. Hành động ấy của đội Tây Ban Nha dẫn đến thảm họa cho họ sau đó.

Sau sự việc tại Calais, cả hai đội quân đều tiến đến Biển Bắc do gió đẩy đi. Lúc này, đội quân Anh gần hết thuốc súng nên đành rút lui về bờ biển Anh. Vì bị gió đẩy sai hướng và có Anh đóng quân trên đường về nên Tây Ban Nha buộc phải tiến lên phía bắc, đi vòng qua Scotland, rồi xuống phía nam cho tới khi qua Ai Len để về được Tây Ban Nha.

Lúc ấy, đội quân Tây Ban Nha lâm vào tình cảnh thiếu nước và lương thực trầm trọng. Những tàu hư hại nặng chở nhiều lính bị thương hoặc mắc bệnh scorbut (bệnh do thiếu vitamin C). Vì thế, cả đội quân đều bị cắt giảm gần hết khẩu phần ăn, điều này càng làm lính đuối sức hơn.

Khi đã qua Scotland, một trận bão lớn trên Đại Tây Dương thổi nhiều tàu của họ dạt về phía bờ biển Ai Len. Thường thì người ta tự vệ bằng cách thả neo và đợi gió thuận lợi. Tuy nhiên, vì nhiều neo đã bị cắt trước đó nên 26 tàu Tây Ban Nha bị phá hủy tại bờ biển Ai Len và có khoảng 5.000 đến 6.000 lính thiệt mạng.

Khi Hạm đội Tây Ban Nha trở về nước, có gần 20.000 người đã mất mạng. Hẳn thời tiết là yếu tố chính gây thiệt hại lớn về người và tàu của họ. Dường như Hà Lan, đồng minh của Anh, cũng cho là như thế. Vì sau này, trên huân chương Hà Lan làm để kỷ niệm thất bại của Hạm đội Tây Ban Nha có khắc dòng chữ: “Đức Giê-hô-va thổi và chúng bị tan tành”. Điều đó cho thấy lối suy nghĩ phổ biến là Đức Chúa Trời gây ra các thảm họa thiên nhiên.

Bại trận do mưa

Sự kiện khác, làm thay đổi lịch sử thế giới, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thời tiết là Trận Waterloo vào năm 1815. Lịch sử ghi lại rằng tại chiến trường Waterloo, khoảng 21km về phía nam của thành phố Brussels, Bỉ, có hơn 70.000 người thiệt mạng hoặc bị thương chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Vì được chọn chiến trường nên công tước Wellington của Anh đã lấy nơi cao làm địa điểm. Dù đội quân Pháp của Napoleon đông hơn quân Wellington nhưng ông cần đánh bại quân địch trước khi trời tối, vì Wellington sẽ được đội quân Prussia (Phổ) tiếp viện vào đêm đó. Thế nhưng, một lần nữa thời tiết lại đóng vai trò chính.

Buổi tối trước trận đánh, một cơn mưa dữ dội đổ xuống. Hầu hết quân lính nhớ lại đó là một đêm khủng khiếp nhất trong đời họ. Dù một số người có thể dựng lều nhỏ nhưng một người lính than rằng những cái giường trong đó đẫm nước như chúng được lấy từ đáy hồ lên vậy. Vì bị ngấm nước nên đất trở thành bùn lầy. Để nhanh chóng đánh bại Wellington, Napoleon muốn xuất quân từ sáng sớm. Tuy nhiên, ông không thể làm được cho đến nhiều giờ sau đó.

Nguyên nhân chính của cuộc hoãn binh là do tình trạng của đất, họ phải chờ đất khô mới có thể tấn công. Bùn cũng làm giảm hiệu quả của súng đại bác, loại vũ khí mà Napoleon ưa chuộng. Thứ nhất, phạm vi bắn bị hạn chế do khó di chuyển những cỗ máy lớn trong bùn. Thứ nhì, theo kế hoạch, đạn đại bác được bắn, rơi xuống đất rồi nẩy lên, nhờ thế gây thiệt hại lớn hơn cho quân Wellington. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra vì đất ướt và mềm làm giảm độ nẩy của đạn. Đây là một thảm họa đối với Napoleon và quân của ông. Như vậy, thời tiết khắc nghiệt làm cho quân Napoleon bại trận và ông bị lưu đày.

Rõ ràng, thời tiết là yếu tố quyết định kết cục của hai sự kiện làm rung chuyển thế giới trên. Những kết cục ấy đóng vai trò quan trọng trong sự nổi lên của đế quốc Anh.

[Hình nơi trang 24]

Hạm đội Tây Ban Nha

[Nguồn tư liệu]

© 19th era/Alamy

[Hình nơi trang 25]

Trận Waterloo

[Nguồn tư liệu]

© Bettmann/CORBIS