Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ý kiến của vài bậc cha mẹ

Ý kiến của vài bậc cha mẹ

Ý kiến của vài bậc cha mẹ

Khi con đến tuổi dậy thì, cha mẹ gặp nhiều thử thách mới. Con cái cũng cảm thấy bối rối trong giai đoạn này. Làm sao bạn có thể giúp con? Hãy xem ý kiến của một số bậc cha mẹ trên khắp thế giới.

SỰ THAY ĐỔI

“Khi còn nhỏ, con trai tôi nghe lời khuyên của ba mà không một chút thắc mắc. Nhưng đến tuổi dậy thì, dường như cháu không còn tin tôi như trước. Cháu hay nghi ngờ điều tôi nói và không thích cách nói của tôi”.—Anh Frank, Canada.

“Con trai tôi không nói chuyện nhiều như trước đây. Thay vì đợi cháu nói, tôi phải hỏi han cháu trước. Để cháu đáp lại thì không dễ chút nào. Cháu sẽ trả lời, nhưng không phải ngay lúc đó”.—Chị Francis, Úc.

“Sự kiên nhẫn rất quan trọng. Đôi khi chúng tôi muốn to tiếng với các con, nhưng tốt hơn là bình tĩnh và trò chuyện với chúng!”.—Chị Felicia, Hoa Kỳ.

TRÒ CHUYỆN

“Thỉnh thoảng, con gái tôi dựng hàng rào phòng thủ và nghĩ là tôi cứ kiếm chuyện với cháu. Tôi phải nhắc con là tôi thương cháu, chúng tôi cùng một đội và tôi đang ủng hộ cháu!”.—Chị Lisa, Hoa Kỳ.

“Khi còn nhỏ, các con thoải mái nói chuyện với tôi. Muốn chúng thổ lộ suy nghĩ không có gì khó. Bây giờ, tôi phải cố gắng hiểu con và cho con thấy tôi tôn trọng chúng. Đó là cách duy nhất để các con giãi bày nỗi lòng”.—Chị Nan-hi, Hàn Quốc.

“Ở tuổi này, chỉ cấm con làm một điều nào đó thì chưa đủ. Chúng tôi phải lý luận và trò chuyện cởi mở cho con hiểu. Để làm thế, chúng tôi cần sẵn sàng lắng nghe khi con nói, dù có những điều khó nghe”.—Chị Dalila, Brazil.

“Nếu phải sửa sai con, tôi tránh làm điều đó trước mặt người khác”.—Chị Edna, Nigeria.

“Có lúc, khi đang nói chuyện với con trai, tôi bắt đầu bị phân tâm vì những công việc trong nhà và không để ý lắng nghe. Cháu biết điều này và tôi nghĩ đó là một lý do cháu không muốn nói chuyện nhiều với mẹ nữa. Tôi cần chú ý lắng nghe hơn để cháu có thể cởi mở tâm sự với tôi”.—Chị Miriam, Mexico.

TỰ DO

“Trước đây, tôi luôn ngại cho các con thêm tự do, và đôi khi điều này khiến bố con tôi bất đồng. Tôi đã trò chuyện thẳng thắn với các con. Tôi cho chúng biết tại sao tôi lo, sau đó các con giải thích lý do muốn có thêm tự do. Tôi thỏa thuận với con là chúng sẽ được tự do hơn nhưng chỉ trong giới hạn hợp lý tôi đặt ra”.—Anh Edwin, Ghana.

“Con trai tôi muốn mua xe máy phân khối lớn. Tôi phản đối kịch liệt đến nỗi đã nặng lời và đưa ra mọi điều bất lợi để bác bỏ ý cháu mà không cho cháu cơ hội giải thích. Điều đó làm cháu tức giận và càng muốn mua cho được! Tôi đã thử cách khác. Tôi khuyến khích con xem xét mọi khía cạnh của vấn đề, bao gồm mối nguy hiểm, chi phí, điều kiện lấy và giữ được bằng lái. Tôi cũng khuyên cháu hỏi ý kiến những anh chị chín chắn trong hội thánh. Tôi dần nhận ra thay vì áp đặt, tốt hơn là khuyến khích con thoải mái nói lên ước muốn của mình. Bằng cách đó, tôi có thể động đến lòng con”.—Chị Hye-young, Hàn Quốc.

“Vợ chồng tôi đặt ra giới hạn nhưng cũng dần cho con thêm tự do. Nếu dùng tự do hợp lý, các con càng có thêm tự do. Chúng tôi tạo cơ hội để các con chứng tỏ mình xứng đáng được tự do hơn, và cũng cho chúng biết là chúng tôi muốn chúng có được điều đó. Tuy nhiên, chúng cũng biết sẽ bị phạt nếu phụ lòng tin của ba mẹ”.—Chị Dorothée, Pháp.

“Tôi không bao giờ hạ thấp tiêu chuẩn của mình. Nhưng khi con biết vâng lời, tôi sẽ nhân nhượng hơn. Chẳng hạn, có khi tôi cho phép con về nhà trễ hơn bình thường. Tuy nhiên, nếu cứ về trễ mà không xin phép thì con sẽ bị phạt”.—Chị Il-hyun, Hàn Quốc.

“Nhân viên càng nghe lời và có trách nhiệm thì càng được chủ đối xử tốt. Tương tự, con trai tôi thấy càng vâng lời và có trách nhiệm, không vượt quá các giới hạn bố mẹ đặt ra, thì càng có thêm tự do. Giống như nhân viên bị phạt nếu không hoàn thành trách nhiệm, cháu biết có thể mất tự do nếu không sử dụng tự do đúng cách”.—Anh Ramón, Mexico.

[Câu nổi bật nơi trang 22]

“Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó”.—Châm-ngôn 22:6

[Khung/​Hình nơi trang 23]

KINH NGHIỆM GIA ĐÌNH

“Nuôi dạy con ở tuổi thanh thiếu niên thật tuyệt vời”

Anh Joseph: Hai con gái đầu của tôi đang ở tuổi mới lớn. Tôi thấy điều quan trọng là lắng nghe con và cho con thấy tôi hiểu quan điểm của chúng. Thành thật nhận lỗi và biểu lộ sự tôn trọng khi nói với con giúp bố con tôi trò chuyện thân tình với nhau. Nhờ sự hướng dẫn từ Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh, tôi thấy nuôi dạy con ở tuổi thanh thiếu niên thật tuyệt vời.

Chị Lisa: Khi con gái lớn của tôi đến tuổi dậy thì, cháu cần tôi quan tâm nhiều hơn. Tôi nhớ nhiều lần tôi đã dành thời gian lắng nghe, trò chuyện và trấn an cháu. Vợ chồng tôi cho các con biết là chúng có thể thoải mái nói lên suy nghĩ và chúng tôi tôn trọng cảm xúc của chúng. Tôi cố gắng áp dụng lời khuyên khôn ngoan nơi Gia-cơ 1:19 là “phải mau nghe mà chậm nói”.

Victoria: Mẹ là bạn thân nhất của em. Em chưa thấy ai dễ thương và quan tâm đến mọi người như thế. Nếu phải dùng một từ để miêu tả về mẹ, em nghĩ không từ nào tốt hơn là “chân thành”. Mẹ là người có một không hai trên đời.

Olivia: Bố em rất chu đáo và rộng rãi. Bố luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác dù nhà em không mấy dư giả. Khi cần thiết thì bố nghiêm túc, nhưng bố cũng biết cách giúp cả nhà vui vẻ. Bố là người cha trên cả tuyệt vời. Em cảm thấy thật hạnh phúc!

“Cả nhà tôi không có thời gian để buồn chán!”

Anh Sonny: Nếu hai con gái gặp vấn đề, cả nhà tôi sẽ cùng thảo luận với nhau. Chúng tôi luôn thoải mái nói lên suy nghĩ, và quyết định dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh. Tôi và Ynez cố gắng giúp các con có được những người bạn tốt và chín chắn. Bạn chúng tôi là bạn các cháu, và bạn các cháu cũng là bạn chúng tôi.

Chị Ynez: Gia đình tôi năng động và làm nhiều điều cùng nhau. Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng tôi bận rộn đi chia sẻ Kinh Thánh cho người khác, học Kinh Thánh một mình và với gia đình, cũng như làm công tác tình nguyện, chẳng hạn như cứu trợ và xây nơi nhóm họp. Chúng tôi cũng tham gia các hoạt động giải trí bổ ích. Cả nhà tôi không có thời gian để buồn chán!

Kellsie: Ba em là người biết lắng nghe và luôn hỏi ý kiến cả nhà trước khi đưa ra một quyết định quan trọng. Mẹ thì luôn ở bên em bất cứ lúc nào em cần giúp đỡ, hoặc chỉ cần tâm sự.

Samantha: Mẹ làm em cảm thấy mình là người vô cùng đặc biệt, quan trọng và được yêu thương, dù có khi mẹ không nhận ra điều đó. Mẹ luôn lắng nghe và quan tâm em. Em sẽ không bao giờ đánh đổi tình bạn này với bất cứ điều gì trên đời.

[Hình]

Cả gia đình: Joseph, Lisa, Victoria, Olivia và Isabella

Cả gia đình: Kellsie, Ynez, Sonny và Samantha

[Hình nơi trang 22]

Cha mẹ có thể cho con tự do ở mức nào đó, nhưng cũng cần đặt ra các giới hạn hợp lý