Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Cỗ máy học hỏi tốt nhất vũ trụ”

“Cỗ máy học hỏi tốt nhất vũ trụ”

“Cỗ máy học hỏi tốt nhất vũ trụ”

Não bộ của em bé từng được một cuốn sách gọi là “cỗ máy học hỏi tốt nhất vũ trụ”. Thật hợp lý khi nói thế, vì một bé thơ mới chào đời sẵn sàng tiếp nhận mọi điều xảy ra xung quanh qua các giác quan của bé.

Điều khiến em bé chú ý nhất là người xung quanh. Chúng thích nhìn gương mặt, nghe giọng nói và cảm nhận sự âu yếm, vuốt ve của họ. Cuốn Babyhood, của tác giả Penelope Leach, cho biết: “Người ta tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu về những cảnh vật bé yêu thích nhất, âm thanh thu hút chúng lâu, cảm giác chúng ưa thích và muốn có hoài. Tất cả những điều ấy, người nuôi nấng chúng có thể đáp ứng tốt nhất”. Như vậy, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ.

“Tôi nói như con trẻ”

Cả cha mẹ và các bác sĩ nhi khoa đều sửng sốt về việc trẻ sơ sinh có khả năng tiếp thu ngôn ngữ chỉ bằng cách lắng nghe. Các nhà nghiên cứu nhận thấy chỉ vài ngày sau khi sinh, em bé quen giọng nói của mẹ và thích nghe giọng mẹ hơn người lạ; sau vài tuần, bé có thể nhận ra sự khác biệt giữa ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ khác; và trong vài tháng, bé có thể nhận biết khi nào kết thúc một từ, do đó phân biệt được lời nói bình thường và âm vô nghĩa.

Một người viết Kinh Thánh là Phao-lô nói: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ” (1 Cô-rinh-tô 13:11). Trẻ sơ sinh nói như thế nào? Thường là những tiếng không rõ ràng. Có phải chỉ là tiếng ồn không? Hoàn toàn không. Trong cuốn sách nói về sự phát triển não bộ của trẻ dưới 5 tuổi (What’s Going On in There?—How the Brain and Mind Develop in the First Five Years of Life), tác giả là tiến sĩ Lise Eliot nhắc chúng ta rằng nói là “kỹ năng vận động rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhanh của hàng chục cơ chi phối môi, lưỡi, vòm miệng và thanh quản”. Bà nói thêm: “Dù có vẻ tiếng nói của bé chỉ là cách dễ thương để bé gây sự chú ý, nhưng lại là cách cần thiết để bé luyện tập kỹ năng phức tạp này”.

Cha mẹ đáp lại con bằng những lời ngộ nghĩnh và điều này cũng có mục đích. Những tiếng nói cường điệu kích thích bé đáp lời. Nhờ đó bé học được những yếu tố cơ bản trong giao tiếp, một kỹ năng cần đến suốt đời.

Vai trò thay đổi

Cha mẹ của trẻ sơ sinh luôn bận rộn đáp ứng những nhu cầu thường ngày của con. Khi bé khóc, phải có người cho ăn. Khi bé khóc, phải có người thay tã. Khi bé khóc, phải có người bồng ẵm. Sự chăm sóc kỹ lưỡng như thế là phù hợp và cần thiết. Đây là một cách chính để cha mẹ thực hiện vai trò người chăm sóc.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7.

Như vậy, không ngạc nhiên nếu bé nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ, và người lớn, đặc biệt là cha mẹ, có mặt trên đời chỉ để phục vụ bé. Suy nghĩ đó là sai nhưng hoàn toàn có thể hiểu được. Hãy nhớ rằng, điều đó có thật với bé trong hơn một năm. Bé nghĩ rằng mình là vua một vương quốc mà thường dân là người lớn, có mặt để hầu hạ bé. Nhà tư vấn gia đình là ông John Rosemond viết: “Chỉ cần dưới hai năm để hình thành lối suy nghĩ không tưởng này, nhưng phải mất 16 năm hay hơn để điều chỉnh nó! Và đây là việc tất yếu của các bậc cha mẹ: Khiến bé ‘mơ mộng’ rồi kéo bé trở về ‘thực tại’”.

Khi bé khoảng hai tuổi, cha mẹ thay đổi vai trò từ người chăm sóc sang người dạy dỗ. Giờ đây, bé bắt đầu hiểu rằng suy nghĩ bấy lâu của mình chỉ là hão huyền. Cha mẹ không phải để bé sai khiến, trái lại phải nghe lời cha mẹ. Ngôi vị của bé đã bị phế bỏ và có lẽ bé không vui về sự “cải tổ” này. Tức giận, bé tìm mọi cách để cố giữ vương quyền. Như thế nào?

Đối phó với cơn lôi đình

Lúc khoảng hai tuổi, nhiều bé biểu hiện sự thay đổi lớn về nhân cách, thường bao gồm những cơn lôi đình. Lứa tuổi này thường làm cha mẹ căng thẳng. Bỗng dưng, bé thích nói những từ như là “không” hoặc “không muốn”! Bé hay cáu giận với cha mẹ và chính mình khi phải đấu tranh với những cảm xúc mâu thuẫn của bản thân. Có lúc bé muốn tránh xa cha mẹ, lúc khác lại muốn ở gần họ. Điều này làm cha mẹ bối rối, hoang mang và không biết phải làm gì. Chuyện gì xảy ra vậy?

Hãy xem xét sự thay đổi lớn trong độ tuổi này. Trước đây, bé chỉ cần khóc thút thít là người lớn bổ nhào tới. Giờ đây, bé bắt đầu nhận ra “triều đại” của mình đã chấm dứt và bé phải tự làm một số việc. Càng ngày bé càng hiểu rõ bổn phận của mình là vâng lời, đúng như Kinh Thánh khuyên: “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng-phục cha mẹ mình”.—Cô-lô-se 3:20.

Trong suốt giai đoạn khó khăn này, cha mẹ phải giữ vững quyền của người cầm cương. Nếu họ làm thế một cách kiên quyết và yêu thương, con sẽ thích ứng dần với hoàn cảnh mới. Điều này giúp lập nền tảng cho trẻ trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Phẩm chất đạo đức

Con vật, ngay cả máy móc, có thể nhận ra từ và bắt chước theo, nhưng chỉ con người có khả năng tự xét bản thân. Vì thế, khi khoảng hai hay ba tuổi, bé có thể có những cảm xúc như hãnh diện, xấu hổ, thấy có lỗi và ngượng. Đây là những bước đầu để sau này bé trở thành người có phẩm chất đạo đức, có thể kiên quyết làm điều đúng, ngay cả khi người khác làm điều sai.

Trong giai đoạn này, cha mẹ phấn khởi chứng kiến một điều kỳ diệu khác, đó là con trẻ nhận ra cảm xúc của người xung quanh. Khi hai tuổi bé chỉ chơi bên cạnh người khác, bây giờ bé bắt đầu chơi chung với họ. Bé nhận ra lúc cha mẹ vui và có lẽ còn muốn làm họ vui. Nhờ thế, bé có thể trở nên dễ dạy bảo hơn.

Hơn hẳn trước đây, các bé ba tuổi bắt đầu học nhận ra điều đúng và sai, tốt và xấu. Rõ ràng, đây là thời điểm tốt để cha mẹ huấn luyện con trở thành người có trách nhiệm.

[Câu nổi bật nơi trang 5]

Chỉ vài ngày sau khi sinh, em bé quen giọng nói của mẹ và thích nghe giọng mẹ hơn người lạ

[Câu nổi bật nơi trang 6]

Hơn hẳn trước đây, các bé ba tuổi bắt đầu học nhận ra điều đúng và sai, tốt và xấu.

[Khung nơi trang 6]

SAO CON CỨ NỔI CƠN LÔI ĐÌNH?

Trong sách New Parent Power, ông John Rosemond viết: “Một số cha mẹ nghĩ rằng con nổi cơn lôi đình là do mình đã sai trong việc đáp ứng những đòi hỏi của con. Vì thế, họ thấy điều hợp lý là phải sửa sai càng sớm càng tốt. Trước họ đã nói không được, bây giờ nói được; hoặc họ đã đánh đòn, giờ lại cho nhiều hơn con đòi hỏi để khỏi phải áy náy. Cách này thật hiệu quả! Cơn lôi đình chấm dứt, cha mẹ được nhẹ nhõm. Con thì đắc chí vì thấy cơn lôi đình chính là cách hữu hiệu để đạt được điều mình muốn, lần sau chỉ việc xuất chiêu này, thậm chí còn làm dữ dội hơn”.