Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tuổi mới lớn—Chuẩn bị bước vào đời

Tuổi mới lớn—Chuẩn bị bước vào đời

Tuổi mới lớn​—Chuẩn bị bước vào đời

Hãy hình dung bạn từ một hòn đảo nhiệt đới đến Bắc Cực. Vừa xuống máy bay, bạn liền nhận ra mình đang ở trong vùng khí hậu băng giá. Bạn có thể thích nghi không? Có. Nhưng phải có một vài điều chỉnh.

Bạn cũng đứng trước một hoàn cảnh tương tự khi con cái đến tuổi dậy thì. Điều đó giống như chỉ qua một đêm mà khí hậu thay đổi. Đứa con trai thơ dại ngày nào còn muốn bên bạn không rời, giờ chỉ thích chơi chung với bạn đồng lứa. Đứa con gái bé bỏng trước kia luôn tíu tít trò chuyện với bạn, giờ chỉ đáp lại bằng những câu cụt lủn.

“Hôm nay đi học có gì vui không con?”, bạn hỏi.

“Bình thường”, con đáp.

Im lặng.

“Có chuyện gì vậy con?”, bạn hỏi.

“Không có gì”, con đáp.

Lại im lặng.

Chuyện gì đã xảy ra? Theo sách Breaking the Code thì không lâu trước đây, “dường như bạn được phép vào ‘hậu trường’ của cuộc sống con. Giờ đây, may lắm thì bạn được một chỗ ngồi ở ‘khán phòng’ nhưng chưa chắc là chỗ tốt”.

Bạn phải cam chịu sự xa cách đó không? Chắc chắn không. Khi con đến tuổi dậy thì, bạn vẫn có thể gần gũi với con. Dù vậy, trước tiên bạn cần hiểu điều gì xảy ra trong giai đoạn kỳ diệu nhưng cũng đầy sóng gió này.

Bước chuyển tiếp từ trẻ con đến người lớn

Các nhà nghiên cứu từng nghĩ rằng đến năm tuổi, não bộ của trẻ gần như phát triển hoàn thiện. Hiện nay, họ tin rằng sau độ tuổi đó, dù kích cỡ của não chỉ thay đổi ít nhưng chức năng của nó vẫn tiếp tục phát triển. Đến tuổi dậy thì, lượng hormon trong cơ thể bắt đầu có sự thay đổi lớn, dẫn đến cách suy nghĩ cũng thay đổi. Chẳng hạn, trong khi trẻ nhỏ thường nhìn sự việc một cách cụ thể, trắng đen rõ ràng thì các em ở tuổi mới lớn có xu hướng suy nghĩ trừu tượng và cân nhắc kỹ vấn đề (1 Cô-rinh-tô 13:11). Tuổi mới lớn bắt đầu có quan điểm riêng và không ngại nói lên suy nghĩ của mình.

Anh Paolo, ở Ý, nhận xét về sự thay đổi của đứa con trai ở tuổi mới lớn: “Khi nhìn con, tôi nghĩ trước mặt mình là một người đàn ông trẻ, chứ không phải là một cậu bé. Đó không chỉ là sự thay đổi về thể chất. Điều làm tôi sửng sốt nhất là lối suy nghĩ của cháu. Cháu không hề sợ bày tỏ và bảo vệ quan điểm của mình!”.

Bạn có thấy điều tương tự ở con mình không? Có lẽ khi còn nhỏ, con răm rắp nghe lời bạn. Con thắc mắc, bạn chỉ cần nói: “Vì bố mẹ nghĩ thế”. Giờ đây, đến tuổi dậy thì, con muốn biết lý do, và có lẽ còn nghi ngờ các tiêu chuẩn đạo đức của gia đình. Đôi lúc, sự quyết liệt của con có vẻ như sự bất trị.

Nhưng đừng vội kết luận rằng con cái muốn bác bỏ các tiêu chuẩn của bạn. Có thể con chỉ thấy khó để biến những tiêu chuẩn của cha mẹ thành tiêu chuẩn của chính mình. Để minh họa, hãy hình dung bạn chuyển nhà và phải đem theo tất cả đồ đạc. Có dễ để sắp xếp mọi món đồ trong nhà mới không? Chắc không. Nhưng điều chắc chắn là bạn sẽ không bỏ đi bất cứ món đồ quý giá nào.

Các em ở tuổi mới lớn cũng đối mặt với tình huống tương tự khi sắp đến lúc “lìa cha mẹ” để ở riêng (Sáng-thế Ký 2:24). Thật ra, có lẽ ngày đó còn xa và con bạn chưa phải là người trưởng thành. Dù thế, con bạn đang chuẩn bị sống tự lập rồi. Trong tuổi này, con đang xem xét lại các chuẩn mực được cha mẹ dạy từ nhỏ, và quyết định sẽ sống theo chuẩn mực nào khi trưởng thành. *

Có lẽ bạn lo sợ không biết con sẽ quyết định ra sao về những vấn đề như thế. Tuy nhiên, bạn có thể chắc chắn là khi trưởng thành, con cái chỉ giữ lại những tiêu chuẩn mà chúng quý trọng. Vì thế, lúc này, khi còn ở chung với gia đình, con cần xem xét cẩn thận những chuẩn mực mà mình sẽ sống theo.—Công-vụ 17:11.

Thật ra, làm thế sẽ mang lại lợi ích cho con bạn. Suy cho cùng, nếu bây giờ con chấp nhận tiêu chuẩn của bạn cách thụ động, có thể sau này chúng cũng chấp nhận tiêu chuẩn của người khác mà không nghi ngờ gì (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:2). Kinh Thánh miêu tả một người trẻ như thế dễ bị cám dỗ vì “không trí hiểu”; một nghĩa của cụm từ này là thiếu sáng suốt (Châm-ngôn 7:7). Người không có niềm tin chắc chắn có thể “bị sóng đánh trôi giạt và cuốn theo mọi luồng gió đạo lý của những người bịp bợm”.—Ê-phê-sô 4:14, Bản Dịch Mới.

Làm sao bạn có thể ngăn điều đó xảy ra với con? Hãy chắc chắn là con được trang bị ba điều quý báu sau:

1 KHẢ NĂNG NHẬN THỨC

Sứ đồ Phao-lô viết: “Những người đã trưởng thành... nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ” (Hê-bơ-rơ 5:14, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Có thể bạn sẽ nói: “Nhưng tôi đã dạy con biết đúng, sai từ lâu rồi”. Dĩ nhiên, sự dạy dỗ ấy đã giúp ích cho con trước đây và là hành trang cho giai đoạn này (2 Ti-mô-thê 3:14). Tuy vậy, Phao-lô nói mọi người cần rèn luyện khả năng “phân biệt điều lành điều dữ”, tức khả năng nhận thức. Khi còn nhỏ, có lẽ con đã biết phân biệt đúng sai, nhưng khi đến tuổi dậy thì, con cần “trưởng thành trong sự suy nghĩ” (1 Cô-rinh-tô 14:20, BDM; Châm-ngôn 1:4; 2:11). Bạn không muốn con vâng lời như một cái máy nhưng muốn chúng vận dụng khả năng lý luận (Rô-ma 12:1, 2). Bạn có thể giúp con làm thế bằng cách nào?

Một cách là cho con cơ hội bày tỏ quan điểm. Đừng ngắt lời con; hãy cố gắng không phản ứng mạnh, ngay cả khi con nói những điều bạn thấy chướng tai. Kinh Thánh khuyên: “Phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19; Châm-ngôn 18:13). Hơn nữa, Chúa Giê-su nói: “Do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Ma-thi-ơ 12:34). Nếu lắng nghe, bạn có thể hiểu những mối quan tâm thật sự của con.

Còn khi bạn nói với con, hãy hỏi han thay vì khẳng định thẳng thừng. Đôi lúc, Chúa Giê-su hỏi “các ngươi nghĩ làm sao?” để khuyến khích các môn đồ hoặc ngay cả những kẻ ngoan cố nói lên suy nghĩ (Ma-thi-ơ 21:23, 28). Bạn có thể làm thế với con, dù quan điểm của con trái ngược với bạn. Chẳng hạn:

Nếu con nói: “Con không chắc là mình có tin Đức Chúa Trời hay không”.

Thay vì đáp: “Ba mẹ đã dạy con. Tất nhiên là con tin Đức Chúa Trời rồi!”.

Bạn có thể nói: “Sao con nghĩ như vậy?”.

Tại sao cần khuyến khích con bày tỏ ý kiến? Dù đã nghe con nói nhưng bạn cần biết con nghĩ gì (Châm-ngôn 20:5). Có lẽ điều này chủ yếu liên quan đến tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời chứ không phải là sự hiện hữu của Ngài.

Ví dụ, khi bị áp lực không vâng theo tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời, có lẽ một người trẻ thấy tốt nhất là gạt bỏ Ngài ra khỏi tâm trí (Thi-thiên 14:1). Em có thể lý luận: “Nếu Đức Chúa Trời không có thật thì tôi đâu cần sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh”.

Nếu con bạn cũng nghĩ thế, có thể cháu cần lý luận: “Tôi có thật sự tin tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời mang lại lợi ích cho mình không?” (Ê-sai 48:17, 18). Nếu con tin vậy, hãy giúp con nhận ra việc sống theo những tiêu chuẩn đó thật đáng công.—Ga-la-ti 5:1.

Nếu con nói: “Đây là đạo của ba mẹ chứ đâu phải của con”.

Thay vì đáp: “Đạo của ba mẹ cũng là của con. Ba mẹ bảo theo thì con phải theo”.

Bạn có thể nói: “Con cũng thẳng thắn đó chứ. Nếu con không tin giống ba mẹ thì chắc con đã tin cái khác. Vậy con tin vào điều gì? Con nghĩ mình phải sống sao mới đúng?”.

Tại sao cần khuyến khích con bày tỏ ý kiến? Vì lý luận với con theo cách này sẽ giúp con xem lại suy nghĩ của mình. Có thể con ngạc nhiên khi biết mình tin giống cha mẹ và thật ra điều mình lo lắng là hoàn toàn khác.

Chẳng hạn, có lẽ con bạn không biết làm sao giải thích niềm tin với người khác (Cô-lô-se 4:6; 1 Phi-e-rơ 3:15). Hoặc con để ý đến một bạn khác phái không cùng đức tin. Hãy nhận ra gốc rễ vấn đề và giúp con cũng thấy điều đó. Càng sử dụng khả năng nhận thức, con bạn càng được chuẩn bị tốt cho cuộc sống khi trưởng thành.

2 SỰ HƯỚNG DẪN CỦA NGƯỜI LỚN

Có những nhà tâm lý học khẳng định “bão tố và căng thẳng” sẽ xảy ra trong những năm dậy thì, nhưng trong một số nền văn hóa ngày nay, có rất ít hoặc không có dấu hiệu cho thấy điều đó. Các nhà nghiên cứu thấy rằng trong những nền văn hóa đó, giới trẻ hòa nhập với cuộc sống của người lớn rất sớm. Họ làm việc với người lớn, giao tiếp với người lớn và được giao trách nhiệm của người lớn. Những cụm từ như “văn hóa trẻ”, “trẻ vị thành niên phạm pháp” và thậm chí “tuổi mới lớn” hoàn toàn không có.

Ngược lại, tại nhiều xứ, học sinh bị dồn lại trong những lớp chật cứng, ít có cơ hội giao tiếp với giáo viên nên chỉ có thể nói chuyện với bạn bè. Khi về nhà thì không có ai, cha mẹ đều đi làm, họ hàng lại ở xa. Nhóm người họ dễ tiếp xúc nhất là bạn đồng trang lứa *. Bạn có thấy mối nguy hiểm không? Đó không chỉ là nguy cơ giao du với bạn bè xấu. Các nhà nghiên cứu thấy ngay cả những người trẻ gương mẫu cũng dễ có những hành vi thiếu suy nghĩ nếu tách biệt với người lớn.

Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, người trẻ không sống tách biệt với người lớn. Chẳng hạn, Kinh Thánh cho biết vua Ô-xia đã làm vua nước Giu-đa khi mới ở tuổi thanh thiếu niên. Điều gì đã giúp vua thi hành trọng trách này? Một phần là nhờ ảnh hưởng của Xa-cha-ri, người đã trưởng thành, được Kinh Thánh miêu tả là “người dạy vua kính sợ Đức Chúa Trời”.—2 Sử-ký 26:5, BDM.

Con bạn có “người cố vấn” nào ở tuổi trưởng thành mà có cùng tiêu chuẩn đạo đức với gia đình không? Đừng cảm thấy đố kỵ khi con có được tình bạn tốt như thế. “Người cố vấn” có thể giúp con bạn làm điều đúng. Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan”.—Châm-ngôn 13:20.

3 Ý THỨC TRÁCH NHIỆM

Tại vài nước, luật pháp không cho phép trẻ vị thành niên làm quá số giờ qui định trong tuần hay làm một loại công việc nào đó. Những lệnh cấm ấy là kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 18 và 19, đã bảo vệ trẻ em khỏi những hoàn cảnh làm việc nguy hiểm.

Dù luật về lao động trẻ em giúp các em tránh nguy hiểm và không bị bóc lột sức lao động, vài chuyên gia cho rằng những lệnh cấm ấy cũng mở đường cho các em thoát khỏi trách nhiệm. Theo cuốn sách Escaping the Endless Adolescence, hậu quả là nhiều em thiếu niên “cho rằng mình có quyền hưởng thụ và xứng đáng được hưởng những gì mình muốn mà không cần phải làm việc vất vả”. Tác giả lưu ý rằng thái độ này “dường như là phản ứng tự nhiên khi sống trong một thế giới thường mang lại thú vui cho giới trẻ hơn là đòi hỏi điều gì nơi các em”.

Trái lại, Kinh Thánh nói về những người trẻ sớm nhận lãnh trách nhiệm. Hãy xem trường hợp của Ti-mô-thê. Dường như ông còn ở tuổi thiếu niên khi gặp sứ đồ Phao-lô, một người có ảnh hưởng lớn đến ông. Lúc ấy, Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Hãy nhen lại ơn của Đức Chúa Trời ban cho” (2 Ti-mô-thê 1:6). Có lẽ ở độ tuổi 20, Ti-mô-thê rời gia đình để cùng đi với Phao-lô giúp thành lập các hội thánh và làm vững mạnh anh em đồng đạo. Sau khoảng mười năm làm việc với Ti-mô-thê, Phao-lô đã nói với các tín đồ ở thành Phi-líp: “Tôi không có ai như người đồng-tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em”.—Phi-líp 2:20.

Tuổi mới lớn thường háo hức nhận lãnh trách nhiệm, đặc biệt là khi các em ý thức được việc mình làm có ý nghĩa. Điều đó không chỉ huấn luyện các em trở thành người có trách nhiệm trong tương lai mà còn mang lại sự thỏa nguyện cho chúng ngay bây giờ.

Thích nghi với “vùng khí hậu” mới

Như được đề cập ở đầu bài, nếu có con ở tuổi dậy thì, hẳn bạn thấy mình đang trong “vùng khí hậu” khác hẳn với vài năm trước. Dù vậy, bạn có thể thích nghi, như đã làm trong những giai đoạn phát triển trước của con.

Hãy xem những năm dậy thì của con là cơ hội để bạn (1) giúp con rèn luyện khả năng nhận thức, (2) cung cấp sự hướng dẫn của người lớn và (3) dạy con có ý thức trách nhiệm. Khi làm thế, bạn sẽ trang bị cho con bước vào đời.

[Chú thích]

^ đ. 17 Thật thích hợp khi một sách tham khảo gọi tuổi dậy thì là “cuộc chia tay bịn rịn”. Để biết thêm thông tin, xin xem Tháp Canh ngày 1-5-2009, trang 10-12, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 38 Những hình thức giải trí dành cho tuổi mới lớn đã đánh vào tâm lý của các em là chỉ thích giao thiệp với bạn đồng lứa, cổ vũ quan điểm là các em phải có “thế giới riêng” mà người lớn không thể hiểu hay xâm phạm.

[Khung/​Hình nơi trang 20]

“TÔI KHÔNG THỂ TƯỞNG TƯỢNG ĐƯỢC CÓ CHA MẸ NÀO TỐT HƠN”

Qua lời nói và gương mẫu, các bậc cha mẹ là Nhân Chứng Giê-hô-va dạy con cái sống theo nguyên tắc Kinh Thánh (Ê-phê-sô 6:4). Dù vậy, họ không ép con phải làm thế. Họ biết khi con đủ lớn, chúng phải tự chọn tiêu chuẩn sống cho mình.

Chị Aislyn, 18 tuổi, đã chọn sống theo tiêu chuẩn mà cha mẹ dạy. Chị nói: “Đối với tôi, đạo không phải là một nghi thức chỉ làm một ngày trong tuần. Đó là cả cuộc sống của tôi. Nó ảnh hưởng đến mọi điều tôi làm và quyết định, từ việc chọn bạn, chọn môn học cho đến việc chọn sách”.

Chị Aislyn vô cùng biết ơn những gì cha mẹ đã dạy. Chị bày tỏ: “Tôi không thể tưởng tượng được có cha mẹ nào tốt hơn. Tôi thấy mình thật có phước vì được cha mẹ gieo vào lòng ước muốn trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Suốt cuộc đời, tôi sẽ luôn cần cha mẹ hướng dẫn”.

[Hình nơi trang 17]

Hãy để con nói lên suy nghĩ

[Hình nơi trang 18]

“Người cố vấn” tuổi trưởng thành có thể ảnh hưởng tốt đến con

[Hình nơi trang 19]

Làm công việc có ý nghĩa giúp các em thiếu niên thành người có trách nhiệm