Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Không quá trễ để trở thành bạn Đức Chúa Trời

Không quá trễ để trở thành bạn Đức Chúa Trời

Không quá trễ để trở thành bạn Đức Chúa Trời

Do Olavi J. Mattila kể lại

Một Nhân Chứng Giê-hô-va đã hỏi tôi: “Anh có bao giờ nghĩ rằng anh có thể hiểu biết chính xác về Đấng Tạo Hóa không?”. Câu hỏi ấy khiến tôi suy nghĩ. Lúc đó, tôi đã hơn 80 tuổi và cũng quen biết nhiều người có tiếng tăm, ngay cả giới lãnh đạo chính trị. Tuy nhiên ở độ tuổi này, tôi có thể biết về Đức Chúa Trời và trở thành bạn của ngài không?

Tôi chào đời vào tháng 10 năm 1918 tại Hyvinkää, Phần Lan. Từ khi còn nhỏ, tôi đã làm nhiều việc ở nông trại. Gia đình tôi nuôi gia súc, gà và ngỗng. Tôi tập làm việc siêng năng và hãnh diện với công việc của mình.

Khi lớn lên, cha mẹ khuyến khích tôi tập trung vào việc học hành. Thế nên, lúc đã đủ tuổi, tôi xa nhà để đi học đại học. Tôi cũng tham gia các hoạt động thể thao và quen với chủ tịch Hiệp hội Thể thao Phần Lan là ông Urho Kekkonen. Tôi không ngờ rằng sau này ông Kekkonen trở thành thủ tướng rồi làm tổng thống. Ông đã ở hai vị trí này trong khoảng 30 năm. Ngoài ra, tôi không thể tưởng tượng được sự ảnh hưởng của ông đối với cuộc đời tôi sau này.

Nổi tiếng và quyền lực

Năm 1939, giữa Phần Lan và Liên bang Xô Viết nảy sinh thù nghịch. Vào tháng 11 năm đó, tôi bị gọi gia nhập lực lượng vũ trang. Lúc đầu, tôi làm công tác huấn luyện trong đội quân dự bị và sau này làm chỉ huy của trung đội bắn súng máy. Chiến trường nằm tại Karelia, một vùng ở biên giới giữa Phần Lan và Liên bang Xô Viết. Vào mùa hè năm 1941, khi đang chiến đấu gần thị trấn Vyborg, tôi bị mảnh bom văng vào người và bị thương nặng, rồi được đưa đến bệnh viện quân đội. Vết thương ấy khiến tôi không thể ra trận được nữa.

Vào tháng 9 năm 1944, tôi được giải ngũ và học tiếp đại học. Tôi lại tham gia các hoạt động thể thao. Ba lần tôi đoạt giải vô địch quốc gia, trong đó có hai lần đoạt giải chạy tiếp sức và một lần chạy vượt rào. Tôi cũng nhận được bằng đại học về kỹ thuật và về kinh tế.

Trong thời gian đó, ông Urho Kekkonen trở thành nhân vật chính trị có quyền lực. Năm 1952, khi còn làm thủ tướng, ông đề nghị tôi làm nhà ngoại giao tại Trung Quốc. Ở đây, tôi gặp gỡ vài viên chức chính phủ, trong đó có Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, người quan trọng nhất mà tôi gặp ở Trung Quốc là một phụ nữ đáng yêu tên Annikki, làm việc trong bộ ngoại giao Phần Lan. Chúng tôi kết hôn vào tháng 11 năm 1956.

Năm sau, tôi được chuyển đến đại sứ quán Phần Lan tại Argentina. Khi sống trong nước này, chúng tôi có hai con trai. Vào tháng Giêng năm 1960, chúng tôi trở lại Phần Lan và không lâu sau có thêm một cháu gái.

Giữ vị trí cao trong chính phủ

Dù chưa bao giờ gia nhập một đảng phái chính trị, nhưng vào tháng 11 năm 1963, tổng thống Kekkonen mời tôi làm bộ trưởng bộ ngoại thương. Suốt 12 năm sau đó, tôi giữ sáu vị trí quan trọng trong nội các chính phủ, trong đó có hai lần làm bộ trưởng bộ ngoại giao. Trong thời gian này, tôi vững tin rằng với sự khéo léo của con người, các vấn đề trên thế giới có thể được giải quyết. Nhưng không lâu sau, tôi thấy rõ con người khao khát quyền lực. Tôi tận mắt chứng kiến những hậu quả của sự nghi ngờ và đố kỵ.—Truyền-đạo 8:9.

Dĩ nhiên, tôi cũng nhận thấy có nhiều người chân thành, cố gắng cải thiện vấn đề. Nhưng rồi ngay cả những nhà lãnh đạo có ý tốt cũng không đạt được mục tiêu của họ.

Vào mùa hè năm 1975, lãnh đạo của 35 quốc gia đã đến Helsinki để tham dự Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu. Khi ấy, tôi đang làm bộ trưởng bộ ngoại giao và cố vấn thân cận cho tổng thống Kekkonen. Tôi được giao nhiệm vụ tổ chức hội nghị đó nên đã gặp gỡ các vị lãnh đạo quốc gia tham dự hội nghị.

Trong vài ngày đó, tôi đã phải vận dụng tối đa khả năng ngoại giao của mình. Chỉ việc thuyết phục các vị lãnh đạo này đồng ý ngồi vào chỗ đã được sắp đặt trước là cả một thử thách! Tuy nhiên, tôi thấy hội nghị đó, cùng với hàng loạt cuộc họp theo sau, góp phần cải thiện nhân quyền và gìn giữ mối quan hệ giữa các nước hùng mạnh.

Ý thức nhu cầu tâm linh

Năm 1983, tôi về hưu và chuyển đến Pháp, con gái tôi sống tại đây. Sau đó bi kịch ập đến. Vào tháng 11 năm 1994, Annikki bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Cũng năm ấy, tôi quyết định tham gia một kế hoạch đầu tư mà sau này bị phát hiện là gian trá. Cả cuộc đời, tôi cố gắng gìn giữ thanh danh của mình. Nhưng chỉ vì quyết định sai lầm này, danh tiếng của tôi đã hoen ố.

Tôi đã nhiều lần gặp Nhân Chứng Giê-hô-va. Dù quý những lần họ đến thăm và nhận tạp chí, nhưng tôi rất bận rộn và không có thời gian chú ý đến vấn đề tâm linh. Vào năm 2000, Annikki chiến đấu với căn bệnh ung thư nên tôi phải chăm sóc cô ấy. Vào một ngày tháng 9 năm 2002, tôi được một Nhân Chứng Giê-hô-va đến thăm. Anh ấy hỏi câu hỏi như được đề cập ở đầu bài. Tôi thắc mắc: “Có thể nào biết được sự thật về Đức Chúa Trời sao? Có thể trở thành bạn của ngài không?”. Tôi lục lọi để lấy Kinh Thánh ra, nó dính đầy bụi. Sau đó, tôi bắt đầu đều đặn thảo luận Kinh Thánh với Nhân Chứng.

Tháng 6 năm 2004, vợ yêu dấu của tôi qua đời, bỏ lại tôi một mình. Tất nhiên, các con an ủi tôi rất nhiều. Nhưng tôi vẫn thắc mắc về điều gì xảy ra khi chúng ta chết. Tôi hỏi hai mục sư đạo Lutheran về điều đó. Họ chỉ trả lời: “Đây là câu hỏi khó”. Tôi không thỏa mãn với câu trả lời của họ. Thế nên, tôi càng ý thức hơn về nhu cầu tâm linh của mình.

Khi tiếp tục thảo luận Kinh Thánh với các Nhân Chứng, tôi càng có thêm sự hiểu biết chính xác mà mình khao khát bấy lâu. Chẳng hạn, Kinh Thánh nói người chết ở trong tình trạng vô thức, như một giấc ngủ, họ có triển vọng được sống lại trên đất (Giăng 11:25). Điều này cho tôi hy vọng và an ủi tôi rất nhiều.

Chẳng bao lâu sau, tôi đọc hết cuốn Kinh Thánh. Một câu Kinh Thánh khiến tôi ấn tượng là Mi-chê 6:8: “Cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhân-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?”. Ý tưởng khôn ngoan và đơn giản đó đã cuốn hút tôi. Nó cũng cho thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời là một đấng đầy yêu thương và công chính.

Hy vọng cho tương lai

Khi học biết sự thật về Đức Chúa Trời, tôi càng có đức tin và lòng tin cậy nơi ngài. Tình bạn giữa tôi và Đấng Tạo Hóa được vun đắp. Tôi ấn tượng bởi những lời nơi câu Ê-sai 55:11 (Bản Dịch Mới): “Lời đã ra từ miệng Ta, sẽ không trở về cùng Ta vô hiệu quả, nhưng sẽ làm điều Ta đã định và hoàn thành việc Ta đã sai khiến nó”. Thật vậy, Đức Chúa Trời luôn thực hiện những lời ngài hứa, ngài cũng sẽ làm thế trong tương lai. Ngài sẽ thực hiện mục tiêu mà các chính phủ loài người và nhiều hội nghị chính trị không đạt được. Chẳng hạn, Thi-thiên 46:9 nói: “Ngài dẹp yên giặc cho đến đầu-cùng trái đất”.

Tôi cũng nhận được nhiều lợi ích khi tham dự các buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tại đấy, tôi tận mắt thấy tình yêu thương chân thành và đó là dấu hiệu để nhận diện môn đồ chân chính của Chúa Giê-su (Giăng 13:35). Tình yêu thương này vượt qua lòng ái quốc, trong cơ cấu chính trị và thương mại của thế gian chưa từng có tình yêu thương như thế.

Đặc ân quý giá nhất

Hiện nay tôi đã ngoài 90 tuổi và nhận thấy đặc ân quý giá nhất mà tôi từng có là trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhu cầu tâm linh của tôi đã được thỏa mãn. Tôi có đặc ân biết được mục đích đời sống và sự thật về Đức Chúa Trời.

Tôi cũng vui vì ở tuổi này tôi vẫn có thể tích cực tham gia các hoạt động của đạo Đấng Ki-tô. Dù đã gặp nhiều người có quyền lực và tôi giữ nhiều trách nhiệm quan trọng, nhưng không gì có thể so sánh bằng đặc ân được biết đến Đấng Tạo Hóa là Giê-hô-va Đức Chúa Trời và được trở thành bạn ngài. Tôi rất biết ơn Đức Giê-hô-va và muốn ngợi khen ngài về cơ hội được “là bạn cùng làm việc” với ngài (1 Cô-rinh-tô 3:9). Quả là không quá trễ để trở thành bạn của Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời!

[Hình nơi trang 28]

Với tổng thống Kekkonen và tổng thống Hoa Kỳ Ford trong hội nghị Helsinki, năm 1975

[Hình nơi trang 28]

Với tổng thống Kekkonen và nhà lãnh đạo Liên Bang Xô Viết Brezhnev

[Hình nơi trang 29]

Tôi tích cực tham gia các hoạt động của đạo Đấng Ki-tô

[Nguồn tư liệu nơi trang 28]

Lower left: Ensio Ilmonen/Lehtikuva; lower right: Esa Pyysalo/Lehtikuva