Trung thực mang lại thành công thật
Trung thực mang lại thành công thật
“Dù một người giàu có, của cải cũng không mang lại sự sống cho người ấy”.—Lu-ca 12:15.
Thu nhập là một phần thiết yếu trong đời sống. Chúng ta có trách nhiệm trước mắt Đức Chúa Trời là chu cấp cho gia đình.—1 Ti-mô-thê 5:8.
Nhưng nói sao nếu nhận được một số tiền để có thể mua những thứ vượt quá nhu cầu trong đời sống? Nói sao nếu điều đó trở thành mục tiêu trong đời sống bạn? Những người có mục tiêu chính là giàu sang nhận ra rằng để có điều này, người ta dễ trở nên thiếu trung thực. Họ có thể không nhận ra sự thiếu trung thực chẳng mang lại thành công thật, cho đến khi quá muộn. Hơn nữa, Kinh Thánh nói tham tiền gây nhiều nỗi đau.—1 Ti-mô-thê 6:9, 10.
Hãy xem xét kinh nghiệm của bốn người xác định sự thành công không có nghĩa là tích lũy của cải.
Tự trọng
“Vài năm trước, tôi phỏng vấn một khách hàng tiềm năng muốn mua bảo hiểm nhân thọ trị giá một triệu đô-la. Nếu được, tôi sẽ nhận hàng ngàn đô-la tiền hoa hồng. Ông ấy cho biết nếu muốn làm ăn với ông, tôi phải đưa cho ông phân nửa số tiền ấy. Tôi cho biết đòi hỏi của ông chẳng những không đúng nguyên tắc mà còn bất hợp pháp.
Tôi cố lý luận với ông bằng cách hỏi xem ông có thực sự muốn tiết lộ thông tin cá nhân và thông tin tài chính cho một người thiếu trung thực không. Tôi nói lại quan điểm của mình và bảo ông hãy liên lạc nếu muốn tôi làm người đại lý cho ông. Ông ấy không liên lạc với tôi nữa.
Nếu đồng ý đề nghị của ông, tính chính trực của tôi sẽ bị tổn hại và lòng tự trọng với tư cách là một tín đồ đạo Đấng Ki-tô bị tan vỡ. Tôi sẽ trở thành nô lệ cho người lôi kéo tôi tham gia vào âm mưu bất chính”.—Anh Don, Hoa Kỳ.
Bình an nội tâm
Như được đề cập trong bài mở đầu của loạt bài này, anh Danny được hối lộ một số tiền lớn nếu anh báo cáo sai về khả năng sản xuất của nhà cung cấp tiềm năng. Anh đã phản ứng ra sao?
“Tôi cảm ơn lòng hiếu khách của người quản lý đã mời tôi dùng cơm tối, rồi trả lại phong bì tiền. Ông ấy cố thuyết phục tôi và cho biết nếu công ty ông qua được vụ này thì ông sẽ đưa thêm tiền. Tôi từ chối.
Nếu nhận tiền, tôi sẽ luôn lo sợ bị phát giác. Sau này, không biết bằng cách nào chủ của tôi biết được chuyện, thế nên tôi thật vui và nhẹ nhõm vì mình đã không làm gì thiếu trung thực. Tôi nhớ câu Châm-ngôn 15:27: ‘Người tham lợi làm rối-loạn nhà mình; còn ai ghét của hối-lộ sẽ được sống’”.—Anh Danny, Hồng Kông.
Gia đình hạnh phúc
“Trong ngành xây dựng, tôi là người làm tư và có nhiều cơ hội để lừa đảo khách hàng hoặc trốn thuế. Nhưng việc kiên quyết giữ tính trung thực đã mang lại lợi ích cho tôi và gia đình.
Sự trung thực cần thể hiện trong mọi khía cạnh của đời sống, không chỉ tại nơi làm việc hoặc trong kinh doanh. Khi biết người hôn phối không thỏa hiệp các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về sự trung thực, sự tin cậy trong gia đình sẽ tăng thêm. Người hôn phối cảm thấy an toàn khi biết bạn luôn trung thực dù thuận lợi hay không.
Bạn có thể làm chủ một công ty lớn nhất trên thế giới nhưng không thể giảm bớt những vấn đề trong gia đình. Là một Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi nhận thấy theo các nguyên tắc Kinh Thánh giữ cho đời sống được thăng bằng. Tôi có thì giờ vui vẻ với gia đình, không cuốn theo thế gian bị đồng tiền và sự tham lam kiểm soát”.—Anh Durwin, Hoa Kỳ.
Mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời
“Công việc của tôi gồm mua hàng cho công ty. Đôi khi đại lý bán hàng đề nghị thay vì đưa cho công ty tôi phần chiết khấu trong mức cho phép, họ sẽ đưa cho tôi phần trăm trên tổng số tiền mua hàng. Nhưng làm vậy là một hình thức ăn cắp của công ty.
Mức thu nhập của tôi khiêm tốn và tôi có thể dùng số tiền kiếm thêm ấy. Nhưng không gì có thể sánh bằng một lương tâm trong sạch trước mắt Giê-hô-va Đức Chúa Trời và vị thế được ngài chấp nhận. Vì vậy, trong mọi giao dịch, tôi theo nguyên tắc Kinh Thánh nơi Hê-bơ-rơ 13:18: ‘Chúng tôi muốn sống lương thiện trong mọi việc’”.—Chị Raquel, Philippines.
[Khung/Các hình nơi trang 9]
Nguyên tắc trung thực trong kinh doanh
Tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh được công nhận ở mỗi nơi mỗi khác. Tuy nhiên, các nguyên tắc Kinh Thánh có thể dùng như nền tảng cho các quyết định phù hợp với đạo đức. Trung thực trong kinh doanh có sáu đặc điểm sau:
Chân thật
Nguyên tắc: “Đừng nói dối nhau”.—Cô-lô-se 3:9.
Giữ chữ tín
Nguyên tắc: “Vậy khi anh em nói ‘có’ thì phải là có, ‘không’ thì phải là không”.—Ma-thi-ơ 5:37.
Đáng tin cậy
Nguyên tắc: “Chớ tỏ sự kín-đáo của kẻ khác”.—Châm-ngôn 25:9.
Trung thực
Nguyên tắc: “Đừng nhận hối lộ, vì của hối lộ làm mù mắt người sáng suốt”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 23:8, Bản Dịch Mới.
Công bằng
Nguyên tắc: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ”.—Ma-thi-ơ 7:12.
Hợp pháp
Nguyên tắc: “Hãy trả cho mọi người điều mình phải trả, nộp thuế cho người mình phải nộp thuế”.—Rô-ma 13:7.
[Khung/Các hình nơi trang 9]
Làm sao giữ trung thực trong kinh doanh?
● Xác định điều ưu tiên. Chẳng hạn đối với bạn, đạt được giàu sang quan trọng thế nào so với việc giữ vị thế tốt trước mắt Đức Chúa Trời?
● Quyết định trước. Đoán trước những tình huống sẽ thử thách lòng trung thực của bạn và dự kiến cách phản ứng.
● Cho người khác biết quan điểm. Khi bắt đầu một mối quan hệ kinh doanh, hãy tế nhị cho đối tác biết tiêu chuẩn của bạn.
● Tìm sự ủng hộ của người khác. Khi đương đầu với cám dỗ hoặc vấn đề liên quan đến đạo đức, hãy xin lời khuyên của người có cùng tiêu chuẩn với bạn.
[Hình nơi trang 8]
Nếu trung thực, bạn sẽ có bình an nội tâm