Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bề mặt cánh bướm

Bề mặt cánh bướm

Một sự thiết kế?

Bề mặt cánh bướm

● Màu sắc lộng lẫy và sáng lấp lánh của cánh một số loài bướm thay đổi tùy theo góc nhìn của chúng ta. Đặc biệt, có một loài bướm mà màu sắc của đôi cánh sáng chói đến mức người ta có thể nhìn thấy chúng cách xa 805 mét. Điều gì khiến cánh các loài bướm nổi bật đến thế?

Hãy suy nghĩ điều này: Cánh của loài bướm phượng xanh (Papilio blumei) gồm những mặt lõm nhỏ xíu xếp thành hàng, phản xạ ánh sáng theo nhiều cách. Chẳng hạn, phần trung tâm của mỗi mặt lõm phản xạ ánh sáng vàng xanh, còn phần rìa mặt lõm phản xạ ánh sáng xanh da trời. Ánh sáng chiếu vào phần trung tâm mặt lõm thì phản xạ ngay trở lại, nhưng ánh sáng chiếu vào phần rìa mặt lõm trước hết xuyên qua bề mặt gồm nhiều lớp của phần này rồi mới phản xạ lại. Bề mặt này gia tăng cường độ ánh sáng và làm ánh sáng phân cực một phần, hoặc thay đổi sóng ánh sáng. Các quá trình phức tạp trên tạo ra màu sắc tổng hợp gọi là màu sắc cấu trúc.

Các nhà nghiên cứu phải mất mười năm để tạo ra một mẫu thí nghiệm mô phỏng gần đúng bề mặt cánh bướm. Họ hy vọng khám phá này sẽ chống được việc làm giả tiền và thẻ tín dụng, cũng như giúp thiết kế pin mặt trời hấp thu năng lượng ánh sáng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc mô phỏng chính xác bề mặt cánh bướm vẫn là một thách thức. Giáo sư Ullrich Steiner của trung tâm khoa học nghiên cứu về nano thuộc Đại học Cambridge (Cambridge University’s Nanoscience Centre) viết: “Dù chúng ta đã có sự hiểu biết sâu sắc về ngành quang học, nhưng màu sắc trong thiên nhiên đa dạng đến mức đáng kinh ngạc thường vượt trội những hiệu ứng quang học do công nghệ tạo ra”.

Bạn nghĩ sao? Bề mặt cánh bướm có phải tự nhiên mà có? Hay đó là một sự thiết kế?

[Hình nơi trang 10]

Loài bướm phượng xanh

[Hình nơi trang 10]

Cánh bướm qua kính hiển vi

[Nguồn tư liệu nơi trang 10]

Butterfly: Faunia, Madrid; microscopic view: © Eye of Science/Photo Researchers, Inc.