3. Chuẩn bị và giữ thức ăn một cách cẩn thận
3. Chuẩn bị và giữ thức ăn một cách cẩn thận
Một người nấu ăn bất cẩn vào thời Y-sơ-ra-ên xưa đã hái dưa dại, mặc dù “chẳng biết nó là thứ gì”. Ông đem thứ thực phẩm lạ đó về và cho vào nồi hầm. Những người dùng bữa sợ rằng thức ăn có thể bị nhiễm độc nên đã la lên: “Sự chết ở trong nồi nầy!”.—2 Các Vua 4:38-41.
Như thí dụ trên cho thấy, chúng ta phải cảnh giác với những thức ăn được chuẩn bị một cách bất cẩn vì chúng có thể rất tai hại, thậm chí gây chết người. Để tránh các bệnh từ thực phẩm nhiễm bẩn, chúng ta phải học cách chuẩn bị và giữ thức ăn một cách cẩn thận. Hãy xem xét bốn đề nghị sau:
● Không để thịt đông lạnh tan ở nhiệt độ trung bình.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nói rằng khi để miếng thịt đông lạnh tan ở nhiệt độ trung bình, dù phần giữa của miếng thịt có thể vẫn còn đông lạnh nhưng “lớp ngoài của nó đang ở trong ‘vùng nguy hiểm’, tức là từ 4°C đến 60°C. Đó là nhiệt độ thích hợp cho các vi khuẩn sinh sôi rất nhanh”. Vì thế, hãy làm tan thực phẩm đông lạnh trong tủ lạnh, trong lò vi ba hoặc cho vào túi kín rồi ngâm trong nước lạnh.
● Nấu chín.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì “nấu đúng cách sẽ giết hầu hết các vi sinh vật nguy hiểm”. Khi nấu thức ăn, đặc biệt là món canh và món hầm, ít nhất nhiệt độ phải đạt đến 70°C *. Vì khó để biết được nhiệt độ bên trong của một số món nên nhiều đầu bếp dùng một dụng cụ đo nhiệt độ thực phẩm. Những người khác thì dùng đũa hay nĩa đâm vào miếng thịt, hoặc dùng dao cắt ở giữa miếng thịt để xem đã chín chưa.
● Ăn sớm.
Thức ăn đã nấu không nên để quá lâu ở nhiệt độ trung bình, nên ăn sớm, thậm chí là ăn ngay để tránh bị hư. Hãy giữ thức ăn lạnh ở nhiệt độ thấp và thức ăn nóng ở nhiệt độ cao. Bạn có thể giữ thịt còn nóng trong lò nướng ở nhiệt độ khoảng 93°C. Nếu không có lò nướng thì bạn có thể giữ thức ăn trên bếp và để lửa riu riu.
● Xử lý thức ăn thừa một cách khôn ngoan.
Anita, một người mẹ ở Ba Lan, thường dọn thức ăn ra ngay sau khi nấu. Nếu có thức ăn thừa thì chị làm như sau: “Ngay sau khi chuẩn bị, tôi chia thức ăn thành những phần nhỏ và đông lạnh chúng để dễ xả đông sau này”. Nếu bạn giữ thức ăn thừa trong tủ lạnh thì hãy ăn chúng trong vòng ba hoặc bốn ngày.
Tại nhà hàng, bạn buộc phải tin tưởng người chuẩn bị thức ăn cho mình. Vậy thì làm sao bạn có thể bảo vệ gia đình khi ăn ở ngoài?
[Chú thích]
^ đ. 7 Một số thực phẩm, chẳng hạn như thịt gia cầm, cần phải nấu ở nhiệt độ cao hơn.
[Khung nơi trang 6]
HUẤN LUYỆN CON: “Khi con cái nấu ăn, tôi nhắc chúng phải đọc và làm theo hướng dẫn trên bao bì”.—Yuk Ling, Hồng Kông