Tôi đã tìm thấy sự bình an và tình yêu thương chân thật
Tôi đã tìm thấy sự bình an và tình yêu thương chân thật
Do Egidio Nahakbria kể lại
Tôi lớn lên với cảm giác bị bỏ rơi và thiếu tình yêu thương. Tuy nhiên, giờ đây tôi cảm thấy được yêu thương và có bình an nội tâm thật sự. Làm thế nào có được sự thay đổi này? Hãy để tôi giải thích.
Tôi chào đời vào năm 1976 trên sàn đất của một túp lều tại vùng núi thuộc Đông Timor, lúc đó là một phần của Indonesia. Cha mẹ tôi nghèo xơ xác, và tôi là con thứ tám trong mười người con. Vì không thể nuôi nổi tất cả các con, nên cha mẹ giữ lại đứa em trai song sinh của tôi, và nhờ anh họ tôi nuôi tôi.
Vào tháng 12 năm 1975, ngay trước khi tôi sinh ra, Indonesia đã xâm chiếm Đông Timor, và điều đó châm ngòi cuộc chiến du kích dài hơn hai thập niên. Do đó, những ký ức đầu đời của tôi là bạo lực và đau khổ. Tôi nhớ rõ những người lính tấn công làng mình, buộc tất cả phải bỏ chạy để giữ mạng sống. Anh họ và tôi đã vất vả leo lên một sườn núi hiu quạnh, nơi hàng ngàn người Timor đang ẩn náu.
Tuy nhiên, những người lính đã phát hiện chỗ đó và không lâu sau, kẻ thù dội mưa bom trên chúng tôi. Việc này lưu lại trong tôi những ký ức kinh khủng về sự khiếp sợ, chết chóc và tàn phá. Sau khi chúng tôi trở về làng, tôi luôn sống trong nỗi sợ hãi. Nhiều dân làng mất tích hoặc bị giết, và tôi sợ mình sẽ là người kế tiếp.
Khi tôi mười tuổi, anh họ tôi lâm bệnh và qua đời, nên cha mẹ gửi tôi cho bà ngoại. Bà là một góa phụ cay đắng với đời và xem tôi như một gánh nặng. Bà đối xử với tôi như nô lệ. Một hôm, khi tôi bị bệnh đến nỗi không thể làm việc được, bà đánh tôi và bỏ mặc tôi dở sống dở chết. Thật may mắn là một người chú của tôi đã dẫn tôi về sống cùng gia đình chú ấy.
Đến 12 tuổi, cuối cùng tôi cũng được đi học. Nhưng sau đó không lâu, vợ của chú mắc bệnh và chú rất buồn. Vì không muốn chất thêm gánh nặng trên họ nên tôi bỏ nhà đi và đến ở với một nhóm lính Indonesia đang đóng quân trong rừng. Tôi giúp việc cho họ, giặt quần áo, nấu ăn và dọn trại. Ở cùng họ, tôi được đối xử tốt, và cảm thấy người khác cần mình. Nhưng sau vài tháng, những người họ hàng phát hiện và buộc nhóm lính trả tôi về làng.
Hoạt động chính trị
Sau trung học, tôi chuyển đến Dili, thủ đô của Đông Timor, và vào trường đại học. Ở đó, tôi gặp nhiều người trẻ có hoàn cảnh giống mình. Chúng tôi đều cho
rằng hoạt động chính trị là cách duy nhất để có độc lập quốc gia và sự thay đổi xã hội. Nhóm sinh viên chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình chính trị, hầu hết đều kết thúc trong bạo động. Nhiều người bạn của tôi bị thương, và thậm chí một vài người bị giết.Khi Đông Timor được độc lập vào năm 2002, đất nước bị tàn phá nặng nề, hàng chục ngàn người đã thiệt mạng và hàng trăm ngàn người khác phải rời quê hương. Tôi hy vọng tình trạng sẽ được cải thiện. Nhưng nạn thất nghiệp lan tràn, nghèo đói và bất ổn chính trị cứ tiếp diễn.
Một hướng đi mới
Vào thời gian đó, tôi sống với vài người họ hàng, gồm người em họ hàng xa tên là Andre, lúc ấy đang học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Là người sùng đạo Công giáo, tôi không vui khi bà con của mình dính líu đến tôn giáo khác. Tuy vậy, tôi tò mò về Kinh Thánh và thỉnh thoảng đọc cuốn mà Andre cất trong phòng ngủ. Những điều trong đó làm tôi càng chú ý hơn.
Vào năm 2004, Andre đưa cho tôi giấy mời dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su, và tôi quyết định đến dự. Vì đọc nhầm nên tôi đến chỗ nhóm họp trước hai tiếng. Khi các Nhân Chứng đến, gồm cả người địa phương và nước ngoài, họ nồng nhiệt bắt tay và khiến tôi cảm thấy được chào đón. Tôi rất ấn tượng. Khi nghe bài giảng Lễ Tưởng Niệm, tôi ghi mọi câu Kinh Thánh được nêu vào sổ, để sau đó kiểm tra trong cuốn Kinh Thánh Công giáo của mình xem những gì diễn giả nói có đúng sự thật không. Đó đúng là sự thật!
Vào tuần sau, tôi dự Lễ Mi-sa tại nhà thờ của mình. Vì tôi và vài người khác đến trễ, vị linh mục cầm lấy một miếng gỗ và giận dữ đuổi chúng tôi ra khỏi nhà thờ. Khi chúng tôi đứng bên ngoài, vị linh mục kết thúc buổi lễ bằng cách nói với giáo dân như sau: “Nguyện sự bình an của Chúa Giê-su ở cùng các con”. Một phụ nữ can đảm la lên: “Làm sao ông có thể nói về sự bình an khi vừa mới đuổi những người kia ra khỏi nhà thờ?”. Vị linh mục làm ngơ đi. Tôi rời khỏi nhà thờ và không bao giờ trở lại.
Không lâu sau, tôi bắt đầu học Kinh Thánh và dự các buổi họp của Nhân Chứng cùng với Andre. Họ hàng của chúng tôi rất lo sợ và bắt đầu chống đối. Bà ngoại của Andre cảnh cáo chúng tôi: “Tao sẽ đào hố chôn chúng mày, nếu còn tiếp tục học cái đạo mới đó”. Tuy nhiên, lời dọa nạt đó không làm anh em tôi nản chí. Chúng tôi quyết tâm tiến bộ về tâm linh.
Thay đổi cuộc sống
Khi học Kinh Thánh, tôi thấy mình chưa bao giờ thật sự biết yêu thương là gì. Tôi khô khan, thường đề phòng và thấy khó tin tưởng người khác. Dù thế, các Nhân Chứng đã thành thật quan tâm đến tôi. Khi tôi bị bệnh nặng và người thân bỏ mặc, các Nhân Chứng đến thăm và giúp đỡ tôi. Họ yêu thương không chỉ bằng “đầu môi chót lưỡi” nhưng “yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”.—1 Giăng 3:18, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Bất chấp ngoại hình và tính cách thô lỗ của tôi, các Nhân Chứng đã thể hiện “sự đồng cảm” và “tình huynh đệ” (1 Phi-e-rơ 3:8). Lần đầu tiên trong đời, tôi bắt đầu cảm thấy được yêu thương. Tôi dần mềm mại hơn, và bắt đầu vun đắp tình yêu thương với Đức Chúa Trời và người đồng loại. Kết quả là vào tháng 12 năm 2004, tôi biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua việc làm báp-têm trong nước. Andre cũng làm báp-têm sau đó ít lâu.
Được ban phước trong hoạn nạn
Sau khi làm báp-têm, tôi thấy trong lòng rực cháy mong muốn giúp đỡ những người chưa bao giờ biết tình yêu thương hoặc sự công bằng thật. Vì thế, tôi bắt đầu rao giảng trọn thời gian, tức làm tiên phong, như cách nói của Nhân Chứng Giê-hô-va. Việc chia sẻ thông điệp tích cực của Kinh Thánh mang lại nhiều niềm vui hơn tham gia biểu tình và gây bạo động. Cuối cùng, tôi đã thật sự giúp ích cho người khác!
Vào năm 2006, sự căng thẳng về chính trị và lãnh thổ lại nổ ra ở Đông Timor. Các phe gây chiến vì mối bất hòa lâu đời. Thành phố Dili bị bao vây, và nhiều người miền đông phải bỏ trốn để giữ mạng. Cùng với các Nhân
Chứng khác, tôi trốn đến Baucau, một thị trấn lớn cách Dili khoảng 120km về phía đông. Ở đấy, sự thử thách này trở thành ân phước, vì chúng tôi đã giúp lập một hội thánh mới là hội thánh đầu tiên bên ngoài Dili.Ba năm sau, vào năm 2009, tôi nhận được giấy mời dự một trường đặc biệt cho người truyền giáo trọn thời gian của đạo Đấng Ki-tô ở Jakarta, Indonesia. Các Nhân Chứng ở Jakarta đón tiếp tôi vào nhà bằng cả tấm lòng. Tình yêu thương chân thật của họ làm tôi rất cảm động. Tôi thấy mình là một phần của “đoàn thể anh em” khắp thế giới, một “gia đình” quốc tế thật sự yêu thương tôi.—1 Phi-e-rơ 2:17.
Được bình an như mong đợi!
Sau khi học trường đó, tôi trở lại tiếp tục sống ở Baucau cho đến nay. Ở đây, tôi vui thích giúp người khác về tâm linh, như tôi đã được giúp trước đây. Chẳng hạn, ở một làng hẻo lánh cách xa Baucau, tôi và vài người khác dạy Kinh Thánh cho khoảng 20 người, gồm nhiều người lớn tuổi không biết đọc. Cả nhóm dự các buổi họp hằng tuần, và ba người trong số đó đã làm báp-têm, gia nhập “gia đình” của hội thánh tín đồ đạo Đấng Ki-tô.
Vài năm trước, tôi gặp Felizarda, một cô gái tử tế và thân thiện đã chấp nhận sự thật trong Kinh Thánh và nhanh chóng tiến đến làm báp-têm. Chúng tôi kết hôn vào năm 2011. Tôi rất vui khi được kể rằng người em họ của tôi là Andre đang phục vụ tại văn phòng đại diện cho chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đông Timor. Ngay cả đa phần họ hàng tôi, gồm bà ngoại của Andre là người từng muốn chôn sống chúng tôi, nay tôn trọng niềm tin của tôi.
Trong quá khứ, tôi cảm thấy bực tức, không được yêu thương và không dễ gần. Nhưng nhờ Đức Giê-hô-va, cuối cùng tôi đã tìm thấy sự bình an và tình yêu thương chân thật!
[Hình nơi trang 12]
Egidio thời hoạt động chính trị
[Hình nơi trang 14]
Egidio và Felizarda cùng các thành viên hội thánh Baucau, Đông Timor