Gian lận để đạt điểm cao có sai không?
Gian lận để đạt điểm cao có sai không?
Bạn là học sinh hay sinh viên? Nếu thế, rất có thể bạn biết một số bạn học gian lận để đạt điểm cao. Thật vậy, vấn đề này rất phổ biến. Năm 2008, Học viện Josephson khảo sát gần 30.000 học sinh trung học phổ thông ở Hoa Kỳ, và 64% em đã thừa nhận rằng họ gian lận trong kỳ kiểm tra năm ấy. Tuy nhiên, một số người khác ước tính con số đó còn cao hơn nhiều, hơn 75%.
Ở châu Âu, sự gian lận cũng là một vấn nạn nghiêm trọng, đặc biệt về việc ăn cắp ý tưởng của người khác. Tạp chí Digithum trên trang web, có một bài viết: “Việc những trang web bán các bài tiểu luận của học sinh, luận án thạc sĩ, tiến sĩ là một vấn nạn mới, và ngày càng trầm trọng”.
Tại sao việc gian lận đã trở thành một mối quan tâm chính? Sự gian lận có thật sự mang lại lợi ích không? Có phải sự trung thực, dù bị điểm thấp hơn, vẫn là thượng sách?
Tại sao gian lận quá phổ biến?
Suy đồi đạo đức. Tạp chí American School Board Journal viết: “Nhiều nhà giáo dục nói rằng ngày nay nạn gian lận gia tăng vì người ta chỉ nghĩ đến mình nên không còn giữ nguyên tắc đạo đức cao nữa. Liên quan đến các bạn trong lớp chuyên, một học sinh thừa nhận: “Tất cả chúng em... đã gian lận; chúng em cần điểm cao để vào trường chuyên. Chúng em là người tốt, không phải là người sống trái đạo đức... Chúng em chỉ cần điểm cao để được vào trường đại học danh tiếng”. Thậm chí, giờ đây một số phụ huynh cũng nghĩ như thế. Muốn thấy con cái “thành công”, cha mẹ đồng tình với việc gian lận hoặc nhắm mắt làm ngơ. Như vậy, họ khiến con bị suy đồi đạo đức hơn.
Áp lực để thành công. Theo ông Donald McCabe, người sáng lập trung tâm quốc tế về tính chính trực trong nhà trường (International
Center for Academic Integrity), thì những học sinh, sinh viên gian lận tin rằng tính trung thực đặt họ vào tình thế bất lợi so với các học sinh gian lận mà không bị phát hiện.Sự hỗ trợ của kỹ thuật hiện đại. Học sinh, sinh viên gian lận một cách dễ dàng và tinh vi hơn nhờ sự hỗ trợ của kỹ thuật hiện đại. Họ có thể lên Internet tải các bài tiểu luận, đáp án cho bài tập ở nhà và chia sẻ với người khác. Thông thường thì chỉ một số ít bị phát hiện, và điều này khuyến khích người khác bạo dạn hơn.
Ảnh hưởng từ các gương xấu. Việc gian lận đã trở nên phổ biến trong thế giới người lớn— các công ty lớn, chính trị, thể thao và thậm chí thường xảy ra trong gia đình khi cha mẹ gian lận trong việc khai thuế thu nhập hay các yêu sách đòi bồi thường bảo hiểm. Ông David Callahan, tác giả sách Văn hóa gian lận (The Cheating Culture) viết: “Nếu người có địa vị hoặc được xem là gương mẫu mà gian lận, tôi nghĩ điều đó khiến người trẻ cho rằng gian lận chẳng có gì là sai”. Nhưng có phải vậy không? Việc muốn được điểm cao có thật sự bào chữa cho sự gian lận không?
Tại sao không nên gian lận?
Hãy tự hỏi: “Mục tiêu của nền học vấn tốt là gì?”. Chẳng phải để trang bị cho học sinh về nhiều trách nhiệm trong đời sống, chẳng hạn như xem xét và giải quyết các vấn đề tại nơi làm việc sao? Người có thói quen gian lận có thể không học được những kỹ năng nói trên. Vì thế, người thường gian lận che giấu những khuyết điểm, mất cơ hội để chứng tỏ mình có thể thành công trong nhiều khía cạnh của đời sống.
Hơn nữa, ông David Callahan nói: “Ngay từ nhỏ, người chọn cách dễ nhất để thoát khỏi vấn đề trong cuộc sống, chẳng hạn như thường
xuyên gian lận ở trường, thì sau này có thể giữ thói quen đó tại nơi làm việc”. Có thể nói, những người như thế giống như quần áo hoặc đồng hồ đeo tay mang nhãn hiệu giả, trông có vẻ thật nhưng cuối cùng gây thất vọng.Dĩ nhiên, những người gian lận cũng có nguy cơ bị phát hiện và gánh lấy hậu quả. Ít nhất, điều này có thể khiến họ ngượng ngùng và hổ thẹn. Sự gian lận cũng có thể dẫn đến việc bị đuổi học, thậm chí còn bị kỷ luật nặng hơn. Kinh Thánh thẳng thắn cảnh báo: “Ai gieo gì sẽ gặt nấy” (Ga-la-ti 6:7). Tuy nhiên, lo sợ bị phát hiện không nên là lý do chính để sống trung thực. Có những lý do chính đáng hơn.
Tính trung thực—Bí quyết để thành công
Người trẻ nào khôn ngoan cố phát huy các đức tính sẽ mang lại lợi ích trong tương lai, không những trong các kỳ thi mà còn suốt cuộc đời. Vì thế, các em học hành chăm chỉ ở trường và vun trồng những giá trị đạo đức đề cao lòng tự trọng. Những đức tính ấy sẽ giúp các em nhận được sự cảm kích của người chủ tương lai và mang lại hạnh phúc lâu dài.
Các giá trị đạo đức như đã đề cập ở trên được tìm thấy trong Kinh Thánh, và những người trẻ sống phù hợp với các tiêu chuẩn ấy không có nghĩa họ chịu thiệt thòi. Ngược lại, như 2 Ti-mô-thê 3:16, 17 cho biết, họ “có đủ khả năng, được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành”. Một thanh thiếu niên là Jorge, nói: “Các bạn cùng lớp gian lận vì muốn có điểm cao mà không cần gắng sức. Nhưng em thì muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời. Câu Kinh Thánh nơi Châm-ngôn 14:2 cho biết: ‘Ai đi theo sự ngay-thẳng kính-sợ Đức Giê-hô-va; còn ai ăn-ở tà-vạy khinh-bỉ Ngài’. Em biết chúng ta không thể giấu Đức Chúa Trời điều gì. Vì vậy, em không gian lận và cũng không giúp người khác gian lận”.
Những học sinh, sinh viên cố gắng sống phù hợp với các nguyên tắc Kinh Thánh có thể hoặc không thể là người giỏi nhất trong lớp. Tuy nhiên, họ là những người khôn ngoan nhất, vì đang xây một nền đá để thành công lâu dài trong đời sống (Thi-thiên 1:1-3; Ma-thi-ơ 7:24, 25). Ngoài ra, họ có thể tin chắc mình được Đấng Tạo Hóa chấp nhận và hỗ trợ.
[Khung/Hình nơi trang 12]
CÁC NGUYÊN TẮC NÊN NGHĨ ĐẾN
● “Môi chân-thật được bền-đỗ đời đời; song lưỡi giả-dối chỉ còn một lúc mà thôi”.—Châm-ngôn 12:19.
● “Người thành-thực sẽ được phước-lành nhiều”.—Châm-ngôn 28:20.
● “Đức Chúa Trời sẽ đem đoán-xét các công-việc, đến nỗi việc kín-nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy”.—Truyền-đạo 12:14.
● ‘Chúng tôi muốn sống lương thiện trong mọi việc’.—Hê-bơ-rơ 13:18.
[Hình nơi trang 10, 11]
Học sinh, sinh viên gian lận một cách dễ dàng và tinh vi hơn nhờ sự hỗ trợ của kỹ thuật hiện đại
[Hình nơi trang 12]
Người gian lận giống như đồng hồ đeo tay mang nhãn hiệu giả, chỉ trông có vẻ thật