Nguyên nhân của bạo lực
Nguyên nhân của bạo lực
Bạo lực có nhiều nguyên nhân. Thông thường, nguyên nhân gây ra bạo lực không thể dựa vào một trong những yếu tố như giao tiếp, giải trí hoặc môi trường xã hội. Bạo lực có thể liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có:
Thất vọng và tuyệt vọng. Thỉnh thoảng người ta có hành vi bạo lực khi bị áp bức, phân biệt đối xử, tách biệt khỏi xã hội, túng quẫn hoặc cảm thấy mình bị dồn vào bước đường cùng.
Hùa theo đám đông. Như thường thấy trong các sự kiện thể thao, đám đông dường như không ngại biểu lộ hành vi xấu. Tại sao? Sách Social Psychology cho biết rằng so với người khác, họ “không ý thức đến tiêu chuẩn đạo đức của mình và phản ứng mạnh hơn trước tình huống khó chịu, khiến họ có hành vi bạo lực hoặc hung hăng”. Một tài liệu khác cho biết những người đó trở thành con rối, cảm thấy không còn “có trách nhiệm với xã hội”.
Hận thù và đố kỵ. Ca-in, người đầu tiên được ghi lại trong lịch sử nhân loại, đã giết người (Sáng-thế Ký 4:1-8). Vì lòng hận thù, đố kỵ sôi sục, Ca-in đã giết em mình, dù Đức Chúa Trời khuyên ông nên kiềm chế cảm xúc. Ngài cũng hứa sẽ ban phước nếu ông làm thế. Những lời của Kinh Thánh thật đúng biết bao: “Nơi nào có sự đố kỵ và tranh cãi, nơi đó cũng sẽ có rối loạn cùng mọi điều đê tiện”!—Gia-cơ 3:16.
Nghiện rượu và ma túy. Lạm dụng những chất gây nghiện không những làm hại thể chất, tinh thần mà còn ức chế những trung tâm điều khiển của não. Dưới ảnh hưởng đó, một người có thể dễ hung bạo và hung hăng hơn khi bị khiêu khích.
Hệ thống pháp lý lỏng lẻo. Câu Kinh Thánh nơi Truyền-đạo 8:11 nói: “Bởi chẳng thi hành ngay án phạt những việc ác, nên lòng con loài người chuyên làm điều ác”. Khi hệ thống pháp lý không nghiêm minh, không đủ khả năng hoặc bại hoại thì trực tiếp hay gián tiếp gây ra bạo lực.
Tôn giáo sai lầm. Tôn giáo thường dính dáng đến bạo lực, kể cả sự bạo lực giữa những giáo phái và nạn khủng bố. Tuy nhiên, không thể chỉ đổ lỗi cho những người phân biệt chủng tộc, cực đoan và cuồng tín. Trong hai cuộc thế chiến, các thành viên của những tôn giáo chính thống, tức tín đồ tự nhận theo đạo Đấng Ki-tô và các đạo khác, tàn sát lẫn nhau. Họ thường được các nhà lãnh đạo tôn giáo ban phước lành. Những hành vi ấy xúc phạm Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—Tít 1:16; Khải huyền 17:5, 6; 18:24.
Với những yếu tố cổ vũ hoặc đề cao bạo lực kể trên, một người có thể thật sự trở thành người hiếu hòa trong thế giới này không? Có. Chúng ta sẽ xem trong bài kế tiếp.
[Khung nơi trang 6]
BẠO LỰC BẮT NGUỒN TỪ BÊN TRONG
Dù bạo lực có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau, nhưng nguồn gốc của nó nằm bên trong con người chúng ta. Tại sao thế? Con một của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Ki-tô là đấng hiểu rõ lòng người, nói rằng: “Từ lòng sinh ra những ý nghĩ xấu xa, hành vi gian dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, hành động gian ác, dối trá, trâng tráo, con mắt đố kỵ, lời nói xúc phạm, ngạo mạn và ngông cuồng” (Mác 7:21, 22). Chúng ta nuôi dưỡng khuynh hướng sai trái như thế khi thường nhìn, nghe hoặc nghĩ về điều xấu.—Gia-cơ 1:14, 15.
Mặt khác, khi nuôi dưỡng tâm trí bằng những điều lành mạnh như đã đề cập nơi trang 8, chúng ta “làm chết” những ham muốn xấu và vun trồng ước muốn tốt (Cô-lô-se 3:5; Phi-líp 4:8). Nếu làm thế, Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta có ‘lòng mạnh mẽ’.—Ê-phê-sô 3:16.
[Khung nơi trang 7]
NẠN BẠO LỰC KHIẾN CÁC CHUYÊN GIA BỐI RỐI
Tại sao báo cáo về nạn giết người ở một số nước tăng gấp 60 lần so với các nước khác? Tại sao từ trước đến nay, chiến tranh và những hình thức bạo lực luôn là đặc điểm của lịch sử loài người? Những câu hỏi gây bối rối thì nhiều, nhưng câu trả lời có sức thuyết phục thì lại ít.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự nghèo nàn và bất bình đẳng gây ra nạn bạo lực. Theo vài thống kê, trong năm 2000, khoảng 90% mọi cái chết vì bạo lực, kể cả việc tự tử, đã xảy ra trong các quốc gia kém phát triển; và những vùng nghèo trong thành phố thường là nơi có nhiều tội ác. Nhưng có phải người nghèo là người hung bạo hơn không? Hay họ phải chịu đựng nạn bạo lực nhiều hơn vì nơi họ sinh sống không có đủ tiền để tuyển dụng nhân viên thi hành luật pháp? Ngược lại, những nơi như Calcutta, Ấn Độ, có hàng triệu người sống trong tình trạng nghèo khổ cùng cực, nhưng đó là một trong những nơi có tỉ lệ giết người thấp nhất thế giới.
Những người khác thì cho rằng việc súng được mua dễ dàng khiến xã hội càng có nhiều nạn bạo lực hơn. Chắc chắn, súng làm cho người hung bạo nguy hiểm hơn. Nhưng tại sao tỉ lệ người hung bạo trong một số vùng lại cao hơn các vùng khác? Các chuyên gia có nhiều ý kiến khác nhau về điều này.