XÂY ĐẮP TỔ ẤM | HÔN NHÂN
Làm sao để ngừng tranh cãi?
VẤN ĐỀ
Bạn có thấy khó bàn bạc với người hôn phối cách điềm tĩnh không? Bạn có cảm thấy như mình băng qua một bãi mìn, mỗi bước có thể gây nguy cơ bùng nổ không?
Nếu có, hãy tin rằng điều này có thể được cải thiện. Nhưng trước tiên, bạn cần tìm ra nguyên nhân khiến bạn và người hôn phối cãi nhau nhiều đến thế.
TẠI SAO?
Hiểu lầm.
Một người vợ tên Jillian * thừa nhận: “Đôi khi tôi nói một điều gì đó với chồng nhưng không cố ý nói như thế. Hoặc tôi tin chắc mình đã nói gì đó với anh nhưng thật ra tôi chỉ nghĩ như thế thôi. Điều này thật sự xảy ra rồi!”.
Khác biệt.
Dù bạn và người hôn phối hợp nhau đến mức nào nhưng quan điểm của cả hai về một số vấn đề sẽ khác nhau. Tại sao? Vì không có hai người giống hệt nhau. Đây là điều góp phần làm cho hôn nhân phong phú hoặc căng thẳng. Đối với nhiều cặp vợ chồng chỉ là căng thẳng.
Gương xấu.
Một người vợ tên Rachel cho biết: “Cha mẹ tôi cãi vã rất nhiều và nói những lời lăng mạ nhau nên khi lập gia đình, tôi nói chuyện với chồng giống như cách mẹ nói chuyện với cha. Tôi đã không biết cách thể hiện lòng tôn trọng”.
Căn nguyên.
Cuộc tranh cãi nảy lửa thường bắt nguồn từ một vấn đề khác. Chẳng hạn, cuộc tranh cãi bắt đầu bằng câu “Anh/Em luôn luôn trễ giờ!” có thể không phải về vấn đề đúng giờ mà là người hôn phối cảm thấy không được quan tâm đúng mức.
Dù là căn nguyên nào, việc thường xuyên tranh cãi có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và thậm chí dẫn đến nạn ly dị. Vậy, bạn có thể làm gì để ngừng tranh cãi?
BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?
Bí quyết để không cãi nhau là nhận ra các vấn đề cốt lõi. Khi hai vợ chồng hòa thuận, hãy thử những bước sau:
1. Mỗi người viết ra giấy đề tài của cuộc tranh cãi gần đây. Chẳng hạn, người chồng có thể viết: “Em đi cả ngày với bạn và không gọi điện để báo cho anh biết em ở đâu”. Người vợ có thể viết: “Anh bực mình vì em dành thời gian cho các bạn”.
2. Với tinh thần cởi mở, hãy bàn bạc những điểm sau: Vấn đề đó có thật sự nghiêm trọng không? Lúc đó có thể bỏ qua không? Trong một số trường hợp, để giữ sự hòa thuận, tốt hơn bạn chấp nhận việc mình có ý kiến khác với người hôn phối, “bỏ qua lầm lỗi, tìm kiếm sự thương mến nhau”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 17:9, Bản Dịch Mới.
Nếu bạn và người hôn phối kết luận rằng vấn đề chỉ là nhỏ nhặt, hãy xin lỗi và xem như đã giải quyết ổn thỏa.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Cô-lô-se 3:13, 14.
Nếu vấn đề dường như nghiêm trọng hơn đối với một hoặc cả hai, hãy làm bước kế tiếp.
3. Viết ra cảm xúc của bạn trong cuộc tranh cãi đó và người hôn phối cũng làm thế. Ví dụ, người chồng có thể viết: “Anh cảm thấy em thích đi với bạn hơn là với anh”. Người vợ có thể viết: “Em cảm thấy anh đối xử với em như một đứa bé phải xin phép cha mình”.
4. Trao đổi giấy cho nhau, rồi đọc lời nhận xét. Điều gì thật sự là nguyên nhân khiến người hôn phối cãi như vậy? Thảo luận điều mà cả hai lẽ ra nên làm lúc đó để giải quyết các căn nguyên thay vì cãi nhau.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 29:11.
5. Bàn bạc những điều mà cả hai học được khi làm các bước kể trên. Làm thế nào bạn có thể dùng những điều ấy để giải quyết hoặc tránh cãi vã sau này?
^ đ. 7 Các tên đã được thay đổi.