Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tha thứ là thế nào?

Tha thứ là thế nào?

THÁCH THỨC

Khi bạn và người hôn phối tranh cãi, bạn thường đề cập chuyện xưa, nhắc lại nhiều điều bực bội mà lẽ ra được giải quyết dứt điểm từ lâu. Tại sao vậy? Có thể một hoặc cả hai người không biết tha thứ là thế nào.

Bạn có thể biết được. Nhưng trước tiên, hãy xem tại sao vợ chồng có thể cảm thấy khó tha thứ cho nhau.

TẠI SAO?

Ưu thế. Một số người chồng hoặc vợ không chịu tha thứ nhằm giữ ưu thế với người hôn phối. Rồi khi xung đột nảy sinh, họ dùng chuyện đã qua như quân bài chủ để chiếm thế thượng phong.

Oán giận. Có thể mất một thời gian dài để lành vết thương lòng do lỗi trước đây của người kia. Người hôn phối có thể nói “Em tha lỗi cho anh” nhưng vẫn nuôi lòng oán giận về chuyện đã xảy ra, có lẽ thèm muốn trả đũa.

Thất vọng. Một số người bước vào hôn nhân, nghĩ rằng đời sống sẽ giống như chuyện tình cổ tích. Thế nên khi có bất đồng, họ không chịu thay đổi quan điểm, không hiểu sao “bạn đời lý tưởng” lại có cái nhìn khác với mình. Những mong đợi thiếu thực tế có thể khiến một người có khuynh hướng tìm lỗi nhiều hơn và ít tha thứ hơn.

Hiểu sai. Nhiều người hôn phối không chịu tha thứ vì họ nghĩ sai về kết cục của việc này. Chẳng hạn:

Nếu tha thứ, mình làm giảm lỗi lầm.

Nếu tha thứ, mình phải quên chuyện đã xảy ra.

Nếu tha thứ, người hôn phối nghĩ là có thể tiếp tục làm thế.

Thật vậy, sự tha thứ không hàm ý ba điều ghi trên. Nhưng việc tha thứ có thể khó, đặc biệt trong mối quan hệ mật thiết giữa vợ chồng.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Hãy hiểu việc tha thứ bao hàm điều gì. Trong Kinh Thánh, đôi khi từ “tha thứ” có nghĩa “loại bỏ”. Vì vậy, tha thứ không luôn đòi hỏi phải quên chuyện đã xảy ra hoặc làm giảm lỗi lầm. Thỉnh thoảng, bạn chỉ cần loại bỏ vấn đề vì hạnh phúc bản thân và hôn nhân.

Hãy nhận ra hậu quả của việc không tha thứ. Một số chuyên gia nói rằng nuôi lòng oán giận có thể làm tăng nguy cơ về sức khỏe thể chất và cảm xúc, kể cả bệnh trầm cảm, cao huyết áp, ngoài ra nó còn hủy hoại hôn nhân. Vì thế, Kinh Thánh khuyên: “Hãy tử tế với nhau, có lòng trắc ẩn, sẵn lòng tha thứ nhau”.—Ê-phê-sô 4:32.

Hãy nhận ra lợi ích của việc tha thứ. Tinh thần tha thứ giúp cả hai đều tin người kia không có động cơ xấu, thay vì ghi nhớ lỗi lầm. Làm thế cũng giúp bạn chế ngự lòng oán giận và để cho tình yêu nảy nở.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Cô-lô-se 3:13.

Hãy thực tế. Khi chấp nhận con người của bạn đời, kể cả những khuyết điểm, thì bạn dễ tha thứ hơn. Sách viết về việc cứu vãn hôn nhân (Fighting for Your Marriage) cho biết: “Khi chú tâm vào những điều chưa có, thì rất dễ quên những điều bạn đã có. Giờ đây, bạn muốn chú tâm vào điều nào?”. Hãy nhớ rằng, không ai hoàn hảo, kể cả bạn.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Gia-cơ 3:2.

Hãy phải lẽ. Lần sau, khi bạn bực mình vì người hôn phối nói hay làm điều gì đó, hãy tự hỏi: “Tình hình có quan trọng đến thế không? Mình có cần đợi người kia xin lỗi hoặc có thể bỏ qua và hướng đến tương lai?”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: 1 Phi-e-rơ 4:8.

Nếu cần, hãy bàn về vấn đề. Bình tĩnh giải thích điều gì khiến bạn bực mình và tại sao bạn cảm thấy như thế. Đừng gán động lực xấu hoặc khăng khăng theo ý riêng, vì điều này chỉ khiến người hôn phối tìm cách bào chữa. Thay vì thế, hãy giải thích hành động của người hôn phối ảnh hưởng thế nào đến bạn.