Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

Constantine

Constantine

Constantine là hoàng đế La Mã đầu tiên tuyên xưng mình theo Ki-tô giáo. Nhờ thế, ông gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến lịch sử thế giới. Ông chấp nhận tôn giáo từng bị ngược đãi và giúp tôn giáo này trở thành khối Ki-tô giáo. Vì vậy, theo Bách khoa từ điển Anh Quốc (The Encyclopædia Britannica), điều được gọi là Ki-tô giáo trở thành “thế lực xã hội và chính trị mạnh nhất” đã ảnh hưởng đến lịch sử.

Tại sao bạn nên quan tâm đến một vị hoàng đế La Mã thời xưa? Nếu chú ý đến khối Ki-tô giáo, bạn nên biết rằng các phương kế liên quan chính trị và tôn giáo của Constantine đã ảnh hưởng niềm tin và thực hành của nhiều giáo hội cho đến ngày nay. Chúng ta hãy xem điều này xảy ra như thế nào.

CÁC GIÁO HỘI—ĐƯỢC HỢP PHÁP HÓA RỒI BỊ LỢI DỤNG

Năm 313 CN, Constantine cai trị khắp đế quốc La Mã phương Tây, trong khi đó Licinius và Maximinus cai trị phía Đông. Constantine và Licinius mang đến quyền tự do tín ngưỡng cho mọi người, kể cả các tín đồ Ki-tô giáo. Constantine bảo vệ Ki-tô giáo, tin rằng tôn giáo này có thể giúp đế quốc của ông không bị chia rẽ *.

Thế nên, Constantine giận khi thấy các giáo hội không hợp nhất vì những cuộc tranh cãi. Do nóng lòng đi đến thống nhất, ông tìm cách thiết lập và sau đó thực thi giáo lý “đúng”. Để nhận được ân huệ của ông, các giám mục phải thỏa hiệp điều gì đó trong tôn giáo của họ, và những người làm thế thì được miễn thuế và nhận nhiều tiền tài trợ. Sử gia Charles Freeman cho biết: “Việc chấp nhận giáo lý ‘đúng’ về Ki-tô giáo không chỉ giúp [các nhà lãnh đạo tôn giáo] lên thiên đàng mà còn giúp họ nhận được tài sản khổng lồ trên đất”. Thế nên, hàng giáo phẩm trở thành những người có quyền lực trong các việc liên quan đến thế giới. Sử gia A.H.M. Jones cho biết: “Giáo hội nhận một người bảo vệ nhưng cũng nhận một người chủ”.

“Giáo hội nhận một người bảo vệ nhưng cũng nhận một người chủ”.—Sử gia A.H.M. Jones

KI-TÔ GIÁO THEO NGHĨA NÀO?

Vì Constantine thông đồng với các giám mục nên có một tôn giáo gồm những giáo lý, phần đến từ Ki-tô giáo, phần đến từ ngoại giáo. Phải làm như vậy vì mục tiêu của hoàng đế là đa nguyên về tôn giáo, chứ không phải tìm kiếm chân lý. Suy cho cùng, ông là nhà cai trị đế quốc ngoại giáo. Một sử gia cho biết để làm hai bên đẹp lòng, ông “cố ý mập mờ trong cách hành động cũng như trong chính quyền nói chung”.

Trong khi tự nhận mình bảo vệ Ki-tô giáo, Constantine vẫn dính líu đến ngoại giáo. Chẳng hạn, ông thực hành chiêm tinh, bói toán, những thực hành Kinh Thánh lên án (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12). Trên Vòm khải hoàn của Constantine ở Rome, có hình ông dâng tế lễ cho các vị thần ngoại giáo. Ông tiếp tục tôn sùng thần mặt trời qua việc khắc vị thần ấy trên đồng tiền và khuyến khích người ta thờ thần mặt trời. Cuối đời, Constantine còn cho phép một thị trấn nhỏ ở Umbria, Ý, xây đền thờ cho ông cùng gia đình, và bổ nhiệm thầy tế lễ phụng sự ở đấy.

Constantine trì hoãn việc làm báp-têm trong “Ki-tô giáo”, cho đến năm 337 CN, không lâu trước khi ông qua đời. Nhiều học giả tin rằng ông làm thế để nhận sự ủng hộ về chính trị của cả hai thành phần trong đế quốc của ông—Ki-tô giáo và ngoại giáo. Chắc chắn, cuộc đời của ông và việc làm báp-têm trễ nêu lên nghi vấn về lòng thành thật trong việc tuyên xưng theo Đấng Ki-tô. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: Giáo hội được Constantine hợp pháp đã trở thành thể chế mạnh mẽ về chính trị và tôn giáo, một thể chế chối bỏ Đấng Ki-tô và hùa theo cả thế giới. Chúa Giê-su nói với Cha ngài về các môn đồ: “Họ không thuộc về thế gian, như con không thuộc về thế gian” (Giăng 17:14). Từ giáo hội này—thuộc thế gian thời bấy giờ—mọc lên vô số tôn giáo khác.

Những điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Có nghĩa không dễ dàng chấp nhận sự dạy dỗ của bất kỳ giáo hội nào, nhưng chúng ta nên so sánh những dạy dỗ ấy với Kinh Thánh.—1 Giăng 4:1.

^ đ. 6 Sự thành thật của Constantine đối với các niềm tin của Ki-tô giáo gây ra nhiều tranh cãi, một phần là vì ông cho phép người ta thờ tà giáo.