Bệnh nướu răng—bạn có nguy cơ mắc phải không?
Đây là một trong những bệnh răng miệng phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, bệnh hầu như không có triệu chứng rõ ràng. Sự diễn tiến thầm lặng này là đặc điểm của bệnh nướu răng và rất nguy hiểm. Tạp chí International Dental Journal liệt kê bệnh nướu răng vào hạng những chứng bệnh răng miệng “đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng”. Tạp chí này cũng cho biết thêm là các bệnh răng miệng ảnh hưởng “đáng kể đến cá nhân người bệnh và cộng đồng. Bệnh gây đau đớn, làm giảm khả năng ăn uống và chất lượng cuộc sống của người bệnh”. Bài này sẽ thảo luận về bệnh nướu răng hầu giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh này.
Những điều cần biết về bệnh nướu răng
Bệnh nướu răng thường diễn biến qua một vài giai đoạn. Giai đoạn đầu được gọi là viêm nướu. Chảy máu nướu có thể là dấu hiệu của giai đoạn này. Nướu có thể bị chảy máu trong khi đánh răng, khi vệ sinh răng bằng chỉ nha khoa hoặc tự nhiên chảy máu. Nướu bị chảy máu khi khám nha khoa cũng có thể là biểu hiện của viêm nướu.
Giai đoạn nặng hơn của bệnh nướu răng được gọi là viêm nha chu. Ở giai đoạn này, các cấu trúc nâng đỡ răng, như xương và mô nướu, bắt đầu bị phá hủy. Giai đoạn này có thể không biểu hiện thành triệu chứng cho đến giai đoạn viêm nha chu tiến triển. Một số dấu hiệu của viêm nha chu tiến triển là: xuất hiện những hốc trống dưới nướu răng, răng lung lay hoặc thưa ra, hơi thở hôi, nướu bị tụt làm thân răng trông dài hơn và chảy máu nướu.
Nguyên nhân và tác hại của bệnh nướu răng
Có nhiều yếu tố có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng. Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra bệnh nướu răng là mảng bám răng—màng mỏng chứa vi khuẩn thường xuyên bám vào răng. Nếu không loại bỏ màng này, vi khuẩn có thể khiến nướu bị sưng. Nếu quá trình này tiếp diễn, nướu sẽ bắt đầu tách rời khỏi răng, tạo điều kiện cho mảng bám răng chứa đầy vi khuẩn phát triển dưới viền nướu. Một khi vi khuẩn thâm nhập được đến đây, tình trạng viêm sẽ tiến triển, phá hủy xương và mô nướu. Mảng bám răng, trên hoặc dưới viền nướu, cứng dần và trở thành vôi răng (hoặc thường được gọi là cao răng). Vôi răng cũng chứa rất nhiều vi khuẩn, và vì cứng cũng như bám chặt vào răng nên không dễ loại bỏ như mảng bám răng. Do đó, vi khuẩn tiếp tục hủy hoại nướu trầm trọng.
Ngoài ra, còn có những yếu tố khác có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng như: vệ sinh răng miệng kém, dùng những loại thuốc làm giảm hệ miễn dịch, bị nhiễm trùng do vi-rút gây ra, thay đổi hoóc-môn trong quá trình thai nghén, căng thẳng, bệnh tiểu đường không được kiểm soát, dùng quá độ thức uống có cồn, hút thuốc lá.
Bệnh nướu răng có thể tác động rất lớn đến bạn. Khả năng nhai và thưởng thức đồ ăn có thể bị giảm do miệng đau hoặc mất răng. Vẻ bề ngoài hoặc việc giao tiếp của bạn có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy sức khỏe răng miệng liên hệ chặt chẽ với sức khỏe tổng thể.
Khám và điều trị bệnh nướu răng
Làm sao để biết mình có mắc bệnh nướu răng hay không? Có thể bạn nhận thấy mình có một số triệu chứng được đề cập trong bài. Nếu vậy, tốt hơn là nên đến nha sĩ để khám.
Bệnh nướu răng có thể chữa khỏi không? Nếu ở giai đoạn đầu, bệnh nướu răng có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu đã đến giai đoạn viêm nha chu thì việc điều trị sẽ ngăn chặn bệnh tiến triển, không cho phá hủy xương và mô xung quanh răng. Các nha sĩ sẽ dùng các dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ mảng bám và vôi răng ở cả trên lẫn dưới viền nướu.
Nếu nơi bạn sống không có hoặc hiếm nha sĩ thì bí quyết để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm này là phòng ngừa. Việc vệ sinh răng miệng đúng cách và đều đặn là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh nướu răng.