Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

Joseph Priestley

Joseph Priestley

“Sự uyên bác, say mê, năng nổ và lòng nhân ái; tính ham hiểu biết về rất nhiều lĩnh vực như thế giới vật chất, đạo đức hay xã hội; chỗ đứng trong khoa học, thần học, triết học và chính trị; vai trò quan trọng trong Cách mạng [Pháp] và câu chuyện bi thương về những bất công ông phải chịu—tất cả có thể khiến ông trở thành người hùng của thế kỷ thứ mười tám”.—Triết gia Frederic Harrison.

Joseph Priestley đã đạt được những thành quả rất đáng chú ý nào? Những khám phá và tác phẩm của ông đã ảnh hưởng đến quan điểm của người ta về vai trò của chính phủ, bản thể của Đức Chúa Trời và ngay cả không khí chúng ta thở.

Bất kể viết về khoa học hay tôn giáo, Priestley đều bác bỏ các học thuyết và truyền thống, nhưng ủng hộ những điều là sự thật và chân lý. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

TÌM KIẾM CHÂN LÝ KHOA HỌC

Sau khi tiếp xúc với một khoa học gia người Mỹ là Benjamin Franklin vào năm 1765, Joseph Priestley—trước đây chỉ tìm hiểu khoa học như một sở thích—bắt đầu thực hiện những cuộc thí nghiệm với điện. Năm sau đó, các khoa học gia làm chung ấn tượng trước những khám phá của ông đến mức đề cử ông vào Hội Hoàng Gia Luân Đôn.

Sau đó, Priestley chuyển sang quan tâm đến hóa học. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông phát hiện ra nhiều loại khí mới, trong đó có khí amoniac và nitơ oxyt (khí cười). Thậm chí, ông còn pha chế nước với cacbon đioxyt, kết quả là nước có ga ra đời.

Vào năm 1774, trong khi đang làm thí nghiệm ở miền nam Anh Quốc, Priestley đã chiết xuất được một khí kỳ  lạ có thể làm nến cháy sáng hơn. Ông cho khoảng 60ml khí này và một con chuột vào một bình thủy tinh. Con chuột trong bình này sống lâu gấp đôi so với con chuột trong bình chứa không khí thường! Priestley cũng thử hít thở khí này và nói rằng ông “cảm thấy khoan khoái và dễ chịu một lúc lâu”.

Joseph Priestley đã phát hiện ra khí oxy *. Tuy nhiên, ông cho rằng khí này là loại không khí nguyên thủy thiếu một chất được giả thuyết là gây cháy. Dù kết luận của Priestley không chính xác vì chất này không hiện hữu, nhưng nhiều người vẫn xem phát hiện này là “đỉnh cao trong sự nghiệp của ông”.

TÌM KIẾM CHÂN LÝ TRONG TÔN GIÁO

Như đã tin rằng những học thuyết vô căn cứ che khuất chân lý khoa học, Priestley cũng kết luận rằng truyền thống và một số tín điều che khuất chân lý trong tôn giáo. Nhưng đáng buồn là trong cuộc đời nghiên cứu Kinh Thánh, Priestley có một số quan điểm trái ngược với sự thật trong Kinh Thánh. Ví dụ, ông không tin rằng Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hướng dẫn để ghi lại một cách kỳ diệu. Ông cũng bác bỏ sự dạy dỗ của Kinh Thánh là Chúa Giê-su hiện hữu trước khi xuống thế làm người.

“Nếu khoa học là công cuộc tìm kiếm chân lý thì Priestley là một khoa học gia chân chính”.—Nhà sinh học Katherine Cullen

Tuy nhiên, Priestley đã phơi bày những dạy dỗ sai lầm phổ biến từ xưa đến nay trong các tôn giáo chính. Ông cho biết là sự thật, điều mà Chúa Giê-su và các môn đồ dạy, sau này đã bị ô uế bởi những điều sai lầm—bao gồm giáo lý Chúa Ba Ngôi, niềm tin nơi linh hồn bất tử và việc thờ hình tượng, điều Kinh Thánh rõ ràng lên án.

Do có những quan điểm tôn giáo khác biệt đồng thời ủng hộ cách mạng Pháp và Mỹ, Priestley bị dân tộc mình căm ghét. Vào năm 1791, một đám đông hủy phá nhà và phòng thí nghiệm của Priestley, cuối cùng ông phải trốn sang Mỹ. Dù chủ yếu được biết đến với những phát hiện trong lĩnh vực khoa học, Joseph Priestley tin rằng việc tìm hiểu về Đức Chúa Trời và ý định của ngài là điều “có giá trị cao cả và quan trọng hàng đầu”.

^ đ. 10 Trước đó, nhà hóa học người Thụy Điển là Carl Scheele đã chiết xuất ra khí oxy, nhưng ông không công bố phát hiện của mình. Sau này, nhà hóa học người Pháp là Antoine-Laurent Lavoisier đã đặt tên cho khí này là oxy.