Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 BÀI TRANG BÌA

Làm sao để làm hòa?

Làm sao để làm hòa?

Phong và Dũng có quan hệ xóm giềng thân thiện *. Nhưng vào ngày nọ, Dũng tổ chức một bữa tiệc đến tận khuya. Khi Phong phàn nàn về sự ồn ào, Dũng rất bực bội. Hai người lời qua tiếng lại. Kể từ đó, họ tránh mặt nhau.

Vấn đề của Phong và Dũng không phải hiếm gặp. Khi hai người nảy sinh mâu thuẫn, thường thì cả hai giận nhau và có lẽ đổ lỗi cho nhau. Nếu không ai chịu nhường, vết rạn nứt có thể lớn dần.

Có lẽ bạn cũng từng trải qua tình huống tương tự. Lúc ấy, hẳn bạn không thích thú chút nào! Thật vậy, hầu hết chúng ta đều muốn sống hòa thuận với bạn bè và hàng xóm. Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể làm thế, dù đôi khi có xích mích? Chúng ta có thể gạt đi những suy nghĩ tiêu cực và cảm xúc bị tổn thương không? Chúng ta có thể dàn xếp bất đồng một cách êm thấm không?

Hãy cùng xem xét tình huống phức tạp giữa Phong và Dũng. Về cơ bản, tình bạn giữa hai người bắt đầu rạn nứt vì một loạt các bước sai lầm sau: (1) Dũng đã không nghĩ đến người khác, (2) cách Phong thể hiện sự khó chịu khiến Dũng bực bội, (3) cả hai đã mất bình tĩnh, và (4) cả hai đều không ai nhường ai.

Tuy nhiên, với thời gian, cả hai bình tâm trở lại và phải lẽ hơn. Họ bỏ qua bất đồng và làm hòa với nhau. Điều gì đã giúp họ thành công? Cả hai đều áp dụng một số nguyên tắc thực tiễn—những nguyên tắc đã giúp nhiều tình bạn không chỉ tồn tại qua những thời điểm sóng gió mà còn trở nên bền chặt hơn sau đó.

Chúng ta có thể tìm thấy những nguyên tắc như thế trong cuốn sách được phân phát rộng rãi nhất trên thế giới—Kinh Thánh. Sách này khuyến khích chúng ta trau dồi các đức tính và khía cạnh giúp đẩy mạnh sự hòa thuận và hàn gắn vết thương lòng—chẳng hạn như biết suy xét, thấu hiểu, tử tế, yêu thương và kiên nhẫn.—Châm-ngôn 14:29; 1 Cô-rinh-tô 13:4, 5.

 Trường hợp của Phong và Dũng chỉ là một ví dụ cho thấy Kinh Thánh có quyền lực cải thiện đời sống con người. Còn nhiều ví dụ khác, trong đó có những người đã bỏ được các tính xấu từng ăn sâu vào lòng. Chẳng hạn, anh Robert ở Úc đã chiến thắng được bản tính nóng giận. Anh Nelson ở Đông Timor đã loại bỏ được mối thù oán lâu năm và kết thân với một người trước đây từng là kẻ thù của mình. Kinh Thánh đã giúp anh Robert và anh Nelson như thế nào? Tạp chí Tỉnh Thức! phỏng vấn hai anh để tìm ra lời giải đáp.

PHỎNG VẤN 1

Chào anh Robert, xin anh chia sẻ đôi điều về bản thân được không?

Tôi lớn lên trong một gia đình bất hạnh. Cha tôi rất hung bạo và thường xuyên đánh tôi. Có những lần, tôi bị đánh đến mức bất tỉnh và chảy máu đầm đìa. Vì vậy, tôi ngày càng nóng tính và hung hãn. Khi ở tuổi thiếu niên, tôi phải sống hai năm trong trường giáo dưỡng. Sau đó, tôi dính líu vào một vụ hành hung dã man nên bị giam trong nhà tù được canh phòng cẩn mật. Khi ra tù, tôi chuyển đến Úc với hy vọng làm lại từ đầu.

Trước đây anh Robert rất nóng tính và hung bạo, thậm chí từng ở tù

Việc chuyển chỗ ở có giúp anh thay đổi không?

Việc chuyển chỗ ở không thay đổi được gì nhiều, nhưng chính Kinh Thánh—cuốn sách tôi được học với Nhân Chứng Giê-hô-va—đã giúp tôi thay đổi. Tuy vậy, tôi vẫn phải đấu tranh để kiềm chế tính nóng nảy, có những lúc tôi rất nản lòng và cảm thấy mình vô dụng. Rồi đến một ngày, tôi suy ngẫm câu Châm-ngôn 19:11, câu này nói: “Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận”. Vì mong muốn vun trồng sự khôn ngoan như thế, tôi bắt đầu nghĩ đến những điều nằm sau cảm xúc, lời nói và hành động của mình cũng như của người khác. Kết quả là dần dần tôi trở nên thấu hiểu, kiên nhẫn và khoan dung hơn.

Anh có thể cho biết một ví dụ được không?

Có lần tôi vô tình khiến một người bạn bực bội, thế là anh ấy giận đùng đùng và nói tôi trước mặt người khác. Lúc ấy tôi vô cùng bẽ mặt! Nhưng vì nhớ lại một lời khuyên trong Kinh Thánh là “đừng lấy ác trả ác cho ai” nên tôi lập tức xin lỗi anh ấy (Rô-ma 12:17). Khi người bạn ấy dịu xuống, tôi đến gặp riêng anh ấy và biết được là anh đang gặp vấn đề gia đình. Chúng tôi làm hòa và sau đó anh ấy tặng tôi một chiếc áo khoác rất đẹp. Tôi rùng mình khi nghĩ đến điều có thể đã xảy ra nếu tôi xử sự như trước đây.

Anh đối phó ra sao với những vấn đề trong gia đình?

Vợ chồng tôi có một con trai 20 tuổi, và như các gia đình khác, chúng tôi cũng có những bất đồng. Nhưng tôi đã học được rất nhiều điều từ Kinh Thánh, trong đó có tầm quan trọng của việc nói “Xin lỗi”. Thật ngạc nhiên là việc chân thành nói ra câu này có thể ngăn chặn hoặc làm cho mâu thuẫn lắng xuống.

PHỎNG VẤN 2

 Chào anh Nelson, anh là người rất thân thiện và có nụ cười nồng ấm. Nhưng có một thời gian anh từng nuôi lòng hận thù đúng không?

Đúng vậy! Hồi trẻ, tôi tham gia một nhóm chính trị chống đối chính quyền. Tôi cũng rất ghét đảng phái chính trị đối địch đang tranh đua để giành quyền kiểm soát khu vực tôi sống lúc ấy. Ngoài ra, tôi còn học võ và đánh bất cứ ai chọc giận mình.

Hồi trẻ, anh Nelson tham gia một nhóm phản động

Điều gì đã thúc đẩy anh thay đổi?

Tôi bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh và áp dụng những sự dạy dỗ của sách này, trong đó có hai lời khuyên đã đặc biệt tác động đến lòng tôi. Lời khuyên thứ nhất là: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ” (Ma-thi-ơ 7:12). Lời khuyên thứ hai là: “Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình” (Ma-thi-ơ 22:39). Tôi đã tận mắt chứng kiến các Nhân Chứng dạy tôi Kinh Thánh thể hiện tình yêu thương như thế với mọi người bất kể chủng tộc hay gốc gác. Tôi cũng muốn trở nên giống như họ. Và tôi đã thành công, bằng chứng là những người quen trước đây rất ngạc nhiên và không còn sợ hãi tôi nữa.

Có khi nào anh bị lặp lại những tính xấu không?

Khi ở nơi công cộng thì không. Nhưng khi ở nhà, có những lúc tôi phải đấu tranh để kiềm chế tính nóng nảy của mình. Thật ra, có một lần tôi giận dữ và đánh vợ. Tôi vô cùng hối hận. Nhưng cô ấy đã nhân từ tha thứ cho tôi, điều này khiến tôi càng quyết tâm kiểm soát cảm xúc của mình.

Anh nói rằng người khác không còn sợ anh nữa. Xin anh kể một ví dụ được không?

Vâng. Một ngày nọ, tôi gặp Augusto, thành viên chủ chốt của nhóm chính trị đối địch mà lúc nãy tôi nhắc đến. Đầu tiên, anh ấy tỏ ra rất dè chừng. Nhưng tôi đã ân cần chào hỏi anh ấy và đề nghị xóa bỏ mọi thù oán giữa hai người, đồng thời mời anh ấy đến nhà. Anh ấy nhận lời mời và ngạc nhiên về sự thay đổi của tôi đến mức bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh. Giờ đây Augusto và tôi không chỉ là bạn thân mà còn là anh em đồng đạo.

 “Hòa thuận với mọi người”

Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn thường phức tạp và mỗi trường hợp mỗi khác, đồng thời không phải ai cũng hưởng ứng nỗ lực của bạn để làm hòa. Do đó, Kinh Thánh đưa ra lời khuyên thực tế sau: “Nếu có thể được, hãy gắng hết sức hòa thuận với mọi người”.—Rô-ma 12:18.

Các kinh nghiệm được đề cập trong bài này là những minh chứng sống động cho thấy sự khôn ngoan trong Kinh Thánh thật sự có hiệu lực. Nếu chúng ta làm phần của mình, sự khôn ngoan ấy sẽ giúp chúng ta loại bỏ ngay cả những thái độ sai trái ăn sâu trong lòng (2 Cô-rinh-tô 10:4). Liên quan đến sự khôn ngoan này, Châm-ngôn 3:17, 18 nói: “Các nẻo nó vốn là nẻo khoái-lạc, và các lối nó cả đều bình-an. Nó là cây sự sống cho ai nắm lấy nó; người nào cầm-giữ nó đều được phước-hạnh”.

Giờ đây, anh Nelson và anh Augusto là bạn tốt của nhau

Bạn có muốn trở thành người hạnh phúc và hiếu hòa hơn không? Bạn có mong muốn có được những tình bạn vững bền, bất kể sóng gió không? Nếu thế, bạn sẽ không thất vọng khi để Kinh Thánh hướng dẫn.

^ đ. 3 Các tên đã được thay đổi.