BÀI TRANG BÌA
Kiệt sức—Làm sao đối phó?
Anh Anil cảm thấy mệt nhoài. Anh đã nhận công việc mới vì nó hứa hẹn mang lại danh tiếng và nhiều tiền bạc hơn. Thế nhưng, bây giờ anh phải làm việc đến khuya và cả cuối tuần, đôi khi phải làm tới 80 tiếng mỗi tuần. Anh nói: “Môi trường làm việc rất hỗn độn và mọi trách nhiệm đều đổ dồn lên đầu tôi. Tôi tự nhủ: ‘Mình đã làm gì thế này? Nếu không thay đổi thì chắc mình chết mất!’”. Anh bị kiệt sức nhanh chóng.
Kiệt sức vì công việc không chỉ đơn thuần là sự mệt mỏi hoặc căng thẳng từ công việc thường ngày, mà là tình trạng mệt mỏi kéo dài đi kèm với cảm giác vô cùng thất vọng và bất lực. Những người bị kiệt sức có khuynh hướng lãnh đạm với công việc, mất động lực làm việc và giảm năng suất lao động. Theo các cuộc nghiên cứu, tình trạng kiệt sức có liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.
Điều gì dẫn đến tình trạng kiệt sức? Một yếu tố thường gặp là công việc quá tải. Do áp lực kinh tế mà một số người chủ bắt nhân viên làm việc tăng ca, đôi khi còn bị giảm lương. Công nghệ tân tiến hiện nay khiến một số người luôn gắn liền với công việc nên không thể phân biệt rạch ròi giữa công việc và đời tư. Số khác thì bị kiệt sức vì công ăn việc làm không ổn định, không có quyền trong công việc hoặc cảm thấy bị đối xử bất công. Một vài nguyên nhân nữa là do thứ tự ưu tiên không rõ ràng hoặc mâu thuẫn với bạn đồng nghiệp.
Tình trạng kiệt sức cũng có thể do chính mình gây ra. Vì muốn theo đuổi sự nghiệp và có thu nhập cao hơn mà một số người cố làm thêm việc. Có thể vì ôm đồm quá nhiều việc nên họ nhận ra mình có dấu hiệu kiệt sức.
Nếu đang bị kiệt sức vì công việc, làm sao bạn có thể hồi phục? Đành rằng thay đổi dường như là điều không thể khi bạn cảm thấy mình rơi vào hoàn cảnh bế tắc, bất lực. Dù vậy, xem xét bốn bước sau đây sẽ giúp bạn đối phó với tình trạng kiệt sức. Có thể bạn có nhiều lựa chọn hơn là mình tưởng.
1. XEM XÉT THỨ TỰ ƯU TIÊN.
Điều gì là quan trọng nhất với bạn? Có lẽ nhiều người đặt mối quan hệ gia đình và sức khỏe lên hàng ưu tiên. Rất có thể những điều ấy sẽ bị tổn hại nếu bạn kiệt sức.
Khi xác định thứ tự ưu tiên là bạn đang chuẩn bị tinh thần để đi đến những quyết định khó và chấp nhận đánh đổi. Chẳng hạn, có thể bạn thấy công việc hiện tại đang vắt kiệt sức của mình nhưng vẫn lý luận: “Mình không thể đổi việc hoặc làm ít hơn vì mình cần thu nhập!”. Thật ra ai cũng cần thu nhập, nhưng cần bao nhiêu và phải đánh đổi những điều quý nhất đến mức nào?
Hãy cảnh giác trước áp lực khiến bạn đặt thứ tự ưu tiên giống người khác. Hẳn thứ tự ưu tiên của chủ khác với thứ tự ưu tiên của bạn. Có thể người khác chọn đặt công việc lên hàng đầu trong đời sống, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải làm như họ.
NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “DÙ MỘT NGƯỜI GIÀU CÓ, CỦA CẢI CŨNG KHÔNG MANG LẠI SỰ SỐNG CHO NGƯỜI ẤY”.—LU-CA 12:15
2. ĐƠN GIẢN HÓA ĐỜI SỐNG.
Để giảm bớt căng thẳng và có thời gian cho điều mình thật sự quý trọng, bạn có thể nghĩ đến việc giảm giờ làm, thuyết phục chủ rút bớt những đòi hỏi trong công việc hoặc xác định là mình phải đổi việc. Dù quyết định thế nào đi nữa, hẳn bạn cần điều chỉnh cách chi tiêu và thay đổi lối sống. Điều này không phải là không thể và có lẽ không khó như bạn tưởng.
Tại nhiều nước, thế giới tiêu dùng đưa ra thông điệp “hạnh phúc đi đôi với tài sản và mức thu nhập”. Nhưng đó không phải là sự thật. Khi sống đơn giản hơn, bạn có thể được tự do và thỏa nguyện hơn. Để chuẩn bị cho thay đổi này, hãy giảm các khoản chi tiêu và tiết kiệm tiền, trả bớt hoặc thanh toán nợ. Hãy thảo luận điều này với các thành viên trong gia đình và xin họ hợp tác.
NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “HÃY THỎA LÒNG KHI ĐÃ CÓ THỨC ĂN, ÁO MẶC VÀ CHỖ Ở”.—1 TI-MÔ-THÊ 6:8
3. CẦN BIẾT KHI NÀO PHẢI NÓI “KHÔNG” VỚI CÔNG VIỆC.
Khi bạn đứng trước khối lượng công việc không hợp lý hoặc một vấn đề dai dẳng khác tại sở làm, hãy trình bày với chủ. Nếu được, hãy đưa ra giải pháp có thể đáp ứng được nhu cầu của bạn lẫn của chủ. Hãy đảm bảo với chủ rằng bạn sẽ làm tròn trách nhiệm được giao và giải thích điều bạn sẵn sàng làm, nhưng cũng phải nói rõ ràng và kiên quyết về những điều bạn không thể làm.
Hãy thực tế và vận dụng khả năng nhìn xa. Nếu bạn muốn làm ít giờ hơn, có thể chủ sẽ cắt giảm lương của bạn. Hãy lường trước những tình huống có thể xảy ra, chẳng hạn như mất việc, và chuẩn bị để ứng phó. Hãy nhớ rằng khi còn đang làm việc, bạn sẽ dễ tìm việc khác hơn.
Ngay cả khi đã thỏa thuận được với chủ về công việc, có lẽ trong tương lai bạn vẫn gặp áp lực làm thêm việc. Vậy điều gì có thể giúp bạn giữ vững lập trường? Đó là thực hiện đúng lời bạn đã cam kết. Nhờ vậy, bạn có cơ sở để yêu cầu chủ cũng làm thế, kể cả việc giữ lượng công việc ở mức đã thỏa thuận.
NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “KHI ANH EM NÓI ‘CÓ’ THÌ PHẢI LÀ CÓ, ‘KHÔNG’ THÌ PHẢI LÀ KHÔNG”.—MA-THI-Ơ 5:37
4. LẤY LẠI SỨC.
Dù công việc của bạn không gặp trở ngại lớn nhưng bạn vẫn có thể bị căng thẳng, đương đầu với những người khó tính và rơi vào hoàn cảnh không như mong muốn. Vì thế, hãy dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ và giải trí hợp lý. Hãy nhớ rằng không nhất thiết phải tốn nhiều tiền cho giải trí thì bạn và gia đình mới cảm thấy khoan khoái.
Ngoài công việc, hãy dành thời gian cho bạn bè và những sở thích, đồng thời đừng đánh giá mình dựa trên thể loại hay số lượng công việc. Tại sao? Sách Your Money or Your Life (Tiền bạc hay đời sống) nhận xét: “Bạn là ai quan trọng hơn bạn làm gì để kiếm sống”. Nếu chỉ dựa vào công việc để đánh giá bản thân, bạn sẽ khó giảm bớt vai trò của công việc trong đời sống mình.
NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “THÀ ĐẦY MỘT LÒNG BÀN TAY MÀ BÌNH-AN, HƠN LÀ ĐẦY CẢ HAI MÀ BỊ LAO-KHỔ, THEO LUỒNG GIÓ THỔI”.—TRUYỀN-ĐẠO 4:6
Có thật là bạn có thể thực hiện những thay đổi cần thiết để đối phó thành công với tình trạng kiệt sức không? Có. Anh Anil, người được đề cập ở đầu bài, đã làm được điều đó. Anh nói: “Tôi liên lạc với chủ cũ để hỏi xem ông ấy có nhận lại tôi không, và ông ấy đã đồng ý. Tôi ngượng khi gặp lại đồng nghiệp cũ vì trước đây tôi đã nói là sẽ chuyển đến ‘đồng cỏ xanh hơn’. Ngoài ra, lương của tôi cũng giảm đáng kể, nhưng tôi được sự bình an tâm trí và có nhiều thời gian hơn cho gia đình cũng như những điều khác mà tôi thật sự quý trọng”.