Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 PHỎNG VẤN | ANH STEPHEN TAYLOR

Một giáo sư ngành kế toán tài chính giải thích niềm tin

Một giáo sư ngành kế toán tài chính giải thích niềm tin

Giáo sư Stephen Taylor giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Kỹ thuật ở Sydney, Úc. Anh học chuyên ngành thị trường tài chính và cách quản lý hiệu quả thị trường này. Tạp chí Tỉnh Thức! phỏng vấn anh để biết việc nghiên cứu ảnh hưởng thế nào đến niềm tin của anh.

Xin anh chia sẻ đôi điều về bản thân.

Tôi lớn lên trong một gia đình có cha mẹ là những người sùng đạo, siêng năng và lương thiện. Họ khuyến khích tôi học lên cao, vì thế tôi học ngành thương mại tại trường Đại học New South Wales. Tôi nhận ra mình thích ngành nghiên cứu nên quyết định theo đuổi sự nghiệp này.

Anh theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu nào?

Tôi đặc biệt muốn tìm hiểu cách hoạt động của thị trường chứng khoán *. Thị trường này cho phép người ta mua bán cổ phiếu của các công ty, rồi công ty dùng quỹ đó để vận hành công việc kinh doanh. Ngoài ra, tôi còn nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của công ty.

Anh có thể cho ví dụ không?

Các công ty được yêu cầu phải thường xuyên báo cáo doanh thu. Các nhà đầu tư xem xét những báo cáo ấy khi cố gắng nắm bắt tình hình tài chính của một công ty. Nhưng một số cách thức báo cáo lại không theo tiêu chuẩn đưa ra. Các nhà phê bình cho rằng đây là khe hở để các công ty che giấu giá trị và lợi nhuận thật của họ. Làm sao các nhà đầu tư có được những thông tin chính xác và đầy đủ? Các nhà quản lý thị trường cần những dữ kiện nào để đảm bảo thị trường tài chính hoạt động một cách công bằng? Tôi và đồng nghiệp đang cố gắng tìm lời giải đáp cho những câu hỏi đó.

 Xin anh cho biết sơ qua về niềm tin của mình.

Trước đây tôi thường tham dự hội thánh của Giáo hội Trưởng lão (thuộc Tin Lành) cùng với cha mẹ, nhưng tôi bị trôi dạt từ thời thanh thiếu niên. Tôi tin vào Đấng Tạo Hóa và tôn trọng Kinh Thánh, nhưng không tin là tôn giáo có liên quan đến các vấn đề trong đời sống. Lúc đó tôi cho rằng các tôn giáo chẳng khác gì những câu lạc bộ xã hội. Khi sống ở châu Âu, tôi đã thăm nhiều nhà thờ lớn và thắc mắc tại sao họ luôn giàu có, trong khi sự nghèo đói diễn ra trên khắp thế giới. Vì thấy khó chấp nhận sự tương phản này nên tôi rất nghi ngờ tôn giáo.

Điều gì làm anh thay đổi quan điểm?

Vợ tôi, là Jennifer, bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và tham dự các buổi nhóm họp của họ. Vì thế, tôi nghĩ rằng mình nên đi cùng vợ đến đó xem sao. Không lâu sau, tôi nhận ra mình chẳng biết gì về Kinh Thánh. Đó quả là một cú sốc! Vì thế, tôi bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va.

Cách học của các Nhân Chứng thật sự gây ấn tượng với tôi. Họ nêu câu hỏi, thu thập và phân tích các bằng chứng, rồi rút ra kết luận hợp lý. Đó chính là những cách mà tôi đã dùng trong ngành nghiên cứu! Năm 1999, sau khi Jennifer làm báp-têm được vài năm, tôi cũng làm báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Sự hiểu biết về kinh tế có giúp anh tin cậy Kinh Thánh hơn không?

Chắc chắn có. Chẳng hạn, Luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên giúp họ giải quyết những vấn đề kinh tế mà cho đến nay vẫn làm các chuyên gia kinh tế phải đau đầu. Luật pháp đó đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên để lại một phần sản vật cho người nghèo (một hình thức của thuế và bảo hiểm), cho người thiếu thốn vay không lấy lãi (đảm bảo có vốn tín dụng) và hoàn lại đất thừa kế cho nguyên chủ sau mỗi 50 năm (bảo vệ quyền sở hữu đất) (Lê-vi Ký 19:9, 10; 25:10, 35-37; Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:19-21). Mọi điều ấy và những sự cung cấp khác về kinh tế đã giúp người ta qua ba cách quan trọng: (1) hỗ trợ họ trong lúc khó khăn về kinh tế, (2) giúp họ thoát khỏi sự đói nghèo lâu dài và (3) giảm bớt tình trạng bất bình đẳng kinh tế. Tất cả những điều đó đã có cách đây hơn 3.000 năm, trước khi ngành kinh tế ra đời!

Kinh Thánh cũng nhấn mạnh những thái độ và hành vi giúp đẩy mạnh sự ổn định kinh tế. Chẳng hạn, sách ấy dạy người ta phải trung thực, đáng tin cậy, có lòng trắc ẩn và rộng rãi (Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:7-11; 25:15; Thi-thiên 15). Điều đáng chú ý là sau các cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, một số trường học và tổ chức kinh doanh bắt đầu thúc giục các chuyên gia về kinh tế và tài chính thề giữ một số chuẩn mực đạo đức. Theo tôi, các tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh vượt trội những chuẩn mực đó.

Đức tin ảnh hưởng đến anh như thế nào?

Học Kinh Thánh là “sự đầu tư” khôn ngoan nhất của tôi!

Jennifer nói rằng tôi trở nên phải lẽ hơn. Trước đây, tôi có khuynh hướng cầu toàn và nghĩ mọi việc phải trắng đen rõ ràng. Có lẽ đó là lý do tôi đã tuân thủ tốt các nguyên tắc trong ngành kế toán! Việc sống theo các nguyên tắc Kinh Thánh thật sự giúp tôi trở nên thăng bằng hơn. Bây giờ, tôi hạnh phúc hơn rất nhiều và gia đình tôi êm ấm hơn. Chúng tôi cũng thích chia sẻ sự khôn ngoan thực tiễn của Kinh Thánh cho người khác. Học Kinh Thánh là “sự đầu tư” khôn ngoan nhất của tôi!

^ đ. 7 Cũng được gọi là thị trường cổ phiếu.