Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | DẠY CON

Khi con hỏi về cái chết

Khi con hỏi về cái chết

THÁCH THỨC

Đứa con sáu tuổi của bạn hỏi: “Có phải mai mốt ba mẹ sẽ chết không?”. Giật mình trước câu hỏi ấy, bạn thắc mắc: “Không biết con mình đủ lớn để hiểu câu trả lời chưa? Làm thế nào mình có thể nói chuyện với con về cái chết?”.

BẠN NÊN BIẾT ĐIỀU GÌ?

Con trẻ cũng nghĩ về cái chết. Ngay cả một số còn chơi những trò trong đó có người giả vờ chết. Vậy, thay vì xem cái chết là đề tài cấm kỵ, bạn nên hoan nghênh bất cứ câu hỏi nào của con. Khi thỉnh thoảng nói chuyện cởi mở về cái chết, bạn giúp con biết cách đương đầu với việc mất người thân.

Nói chuyện về cái chết không làm con trẻ bị ám ảnh, nhưng giúp chúng bớt sợ hãi. Tuy nhiên, có lẽ bạn cần điều chỉnh một số suy nghĩ sai lầm của con. Chẳng hạn, vài chuyên gia nói rằng nhiều trẻ dưới sáu tuổi không xem cái chết là cuối cùng. Trong các trò chơi của chúng, một đứa trẻ sẽ “chết” một lúc rồi sau đó “sống lại”.

Nhưng khi lớn hơn, trẻ con bắt đầu hiểu được mức độ nghiêm trọng của cái chết, sự thật có lẽ khiến chúng thắc mắc, lo lắng hay ngay cả sợ hãi, nhất là khi người thân qua đời. Vì thế, thảo luận với con về đề tài này là điều rất quan trọng. Chuyên gia sức khỏe tâm thần là bà Marion Haza cho biết: “Con trẻ sẽ hoang mang về cái chết nếu chúng cảm thấy mình không được phép nói đến đề tài đó ở nhà”.

Bạn không cần quá lo lắng về những điều sẽ nói. Theo một cuộc nghiên cứu, trẻ con chỉ muốn “nghe sự thật qua những lời tử tế”. Hãy an tâm, thường thì trẻ con sẽ không hỏi trừ phi chúng đã sẵn sàng lắng nghe câu trả lời.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Tận dụng cơ hội để nói về cái chết. Nếu con bạn thấy một con chim chết bên đường hoặc một con thú cưng chết, hãy dùng những câu hỏi đơn giản để khuyến khích con nói chuyện. Chẳng hạn như: “Con vật này có đang đau đớn không? Nó có lạnh hay đói không? Làm sao con biết con vật hoặc người nào đó đã chết?”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Truyền-đạo 3:7.

Đừng che giấu sự thật. Khi một người quen hoặc người thân qua đời, tránh nói những câu khó hiểu như: “Người đó đã đi xa”. Con bạn có thể hiểu lầm là người chết sẽ sớm trở về nhà. Thay vì thế, hãy nói những lời đơn giản và thẳng thắn như: “Khi chết, cơ thể bà không còn hoạt động nữa. Chúng ta không thể nói chuyện với bà nhưng chúng ta sẽ không bao giờ quên bà”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Ê-phê-sô 4:25.

Vì con trẻ có thể nghĩ là cái chết sẽ lây, hãy trấn an là con vẫn an toàn

Trấn an con. Con trẻ có thể nghĩ rằng tại mình mà người nào đó phải chết. Thay vì chỉ nói đó không phải là lỗi của con, bạn có thể hỏi: “Tại sao con nghĩ là do lỗi của con?”. Hãy lắng nghe kỹ, đừng xem thường cảm xúc của con. Vì con trẻ có thể nghĩ là cái chết sẽ lây, hãy trấn an là con vẫn an toàn.

Khuyến khích con nói. Hãy nói chuyện cởi mở về người thân đã khuất, kể cả những người mà con chưa bao giờ gặp. Bạn có thể gợi lên những kỷ niệm đáng nhớ về cô dì, chú bác hoặc ông bà, cũng như kể lại những chuyện hài hước về họ. Khi nói chuyện thoải mái như thế, bạn giúp con hiểu rằng chúng không cần tránh nói hay nghĩ về người thân đã khuất. Đồng thời, đừng ép con phải nói. Bạn có thể nhắc đến đề tài đó sau này khi cảm thấy thích hợp.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 20:5.

Chương 34 và 35 của sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại có thể giúp con biết những điều Kinh Thánh dạy về cái chết. Vào mục ẤN PHẨM > SÁCH & SÁCH MỎNG