Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | PHẢI CHĂNG KHÔNG CÒN SỰ SỬA PHẠT CON?

Loại sửa phạt mang lại kết quả

Loại sửa phạt mang lại kết quả

Chắc chắn vai trò làm cha mẹ rất khó nhọc. Nhưng nếu không sửa phạt khi cần thì nhiệm vụ của cha mẹ sẽ trở nên khó khăn hơn. Tại sao? Vì nếu không sửa phạt thì (1) con trẻ tiếp tục ngang bướng, là điều làm cha mẹ mệt mỏi, và (2) cha mẹ không dạy dỗ cách nhất quán, là điều khiến con trẻ hoang mang.

Mặt khác, việc sửa phạt cách yêu thương, thăng bằng có thể uốn nắn lối suy nghĩ và điều chỉnh nhân cách đạo đức của con. Điều này cũng giúp con cảm thấy an tâm khi trở thành người trưởng thành có trách nhiệm. Nhưng bạn có thể tìm đâu sự hướng dẫn đáng tin cậy để sửa phạt con?

Giá trị của các nguyên tắc trong Kinh Thánh

Nhà xuất bản tạp chí này, Nhân Chứng Giê-hô-va, tin rằng Kinh Thánh “hữu ích cho việc dạy dỗ, khiển trách, uốn nắn, sửa trị” (2 Ti-mô-thê 3:16). Kinh Thánh không chỉ là một cẩm nang dành cho cha mẹ mà các nguyên tắc trong đó còn cung cấp sự hướng dẫn thực tế dành cho gia đình. Hãy xem vài thí dụ.

KINH THÁNH NÓI: “Sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ”.—Châm-ngôn 22:15.

Dù con trẻ có thể cư xử tử tế và biết nghĩ đến người khác, nhưng chúng cũng có khuynh hướng làm điều dại dột. Vì thế, con trẻ cần được sửa phạt (Châm-ngôn 13:24). Biết được điều này sẽ giúp bạn chu toàn trách nhiệm làm cha làm mẹ.

KINH THÁNH NÓI: “Chớ tha sửa-phạt trẻ-thơ”.—Châm-ngôn 23:13.

Đừng sợ việc sửa phạt cách chừng mực sẽ gây hại cho con hoặc khiến chúng oán giận bạn về sau. Việc sửa phạt cách yêu thương sẽ giúp con khiêm nhường chấp nhận sự uốn nắn, một kỹ năng chúng cần ngay cả khi trưởng thành.—Hê-bơ-rơ 12:11.

KINH THÁNH NÓI: “Ai gieo gì sẽ gặt nấy”.—Ga-la-ti 6:7.

Dĩ nhiên cha mẹ muốn bảo vệ con cái, đó là điều hợp lý. Nhưng việc thăng bằng là cần thiết. Bạn đừng “làm ơn” cho con bằng cách “cứu” chúng thoát khỏi những hậu quả do chúng gây ra hoặc bênh vực chúng khi một giáo viên hay người khác lưu ý bạn về hành vi sai trái rõ ràng của con mình. Thay vì thế, hãy xem những người này là đồng minh của bạn. Qua đó, bạn dạy con biết tôn trọng uy quyền, trong đó có uy quyền của bạn.Cô-lô-se 3:20.

KINH THÁNH NÓI: “Đứa con luôn được nuông chiều sẽ làm cho mẹ nó xấu hổ”.—Châm-ngôn 29:15, Đặng Ngọc Báu.

Hãy yêu thương, kiên định và phải lẽ

Dù không bao giờ cay nghiệt, cha mẹ cũng không nên vướng vào thái cực khác, đó là quá nuông chiều. Sách The Price of Privilege cho biết: “Trẻ con được cha mẹ nuông chiều không ý thức rằng người lớn trong nhà là người có quyền”. Nếu bạn không thi hành uy quyền của mình thì có lẽ con cái nghĩ rằng nó là người nắm quyền. Chắc chắn, sớm muộn gì con cái sẽ có những lựa chọn thiếu khôn ngoan khiến chúng lẫn bạn đều đau lòng.—Châm-ngôn 17:25; 29:21.

KINH THÁNH NÓI: “Người nam sẽ... gắn bó với vợ mình, và hai người sẽ trở nên một”.—Ma-thi-ơ 19:5.

Theo Kinh Thánh, người nam và nữ nên kết hôn trước khi có con và tiếp tục gắn bó nhau khi con cái trưởng thành và ra ở riêng (Ma-thi-ơ 19:5, 6). Theo nghĩa này, trước tiên bạn là người hôn phối, thứ hai là cha mẹ. Nếu thứ tự ưu tiên này bị đảo lộn thì con bạn có thể “nghĩ cao quá về mình” (Rô-ma 12:3). Một gia đình cứ chăm chăm vào con trẻ cũng làm mối quan hệ vợ chồng bị suy yếu.

Trợ giúp cho cha mẹ

Để hoàn thành trách nhiệm làm cha mẹ, bạn nên làm theo những nguyên tắc sau đây để sửa phạt con.

Yêu thương. “Đừng làm cho con bực tức, hầu chúng không bị ngã lòng”.—Cô-lô-se 3:21.

Kiên định. “Anh em nói ‘có’ thì phải là có, ‘không’ thì phải là không”.—Ma-thi-ơ 5:37.

Phải lẽ. “Ta sẽ sửa-phạt ngươi có chừng-mực”.—Giê-rê-mi 30:11. *

^ đ. 21 Để biết thêm thông tin, hãy truy cập jw.org/vi. Vào mục KINH THÁNH GIÚP BẠN > VỢ CHỒNG & CHA MẸ. Bạn có thể xem những bài như “Dạy dỗ và sửa trị con cái”, “Làm sao đối phó với cơn cáu giận”, “Dạy con chuẩn mực đạo đức” và “Trò chuyện với con ở tuổi thanh thiếu niên—Không tranh cãi”.