Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

QUAN ĐIỂM KINH THÁNH

Bạo lực

Bạo lực

Lịch sử loài người đầy dẫy bạo lực. Liệu thực trạng đáng buồn này có diễn ra mãi không?

Đức Chúa Trời có quan điểm thế nào về bạo lực?

ĐIỀU NGƯỜI TA NÓI:

Nhiều người, kể cả những người có đạo, cảm thấy bạo lực là phản ứng chính đáng trước sự khiêu khích. Hàng triệu người cho rằng chương trình bạo lực trên phương tiện truyền thông là hình thức giải trí có thể chấp nhận được.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

Gần thành phố Mosul thuộc phía bắc I-rắc, có tàn tích của một thành phố uy nghi—Ni-ni-ve, thủ đô của đế quốc A-si-ri thời xưa. Khi thành phố này còn là một thủ đô hưng thịnh, Kinh Thánh báo trước Đức Chúa Trời sẽ “làm cho Ni-ni-ve hoang-vu” (Sô-phô-ni 2:13). Đức Chúa Trời cho biết Ni-ni-ve sẽ “làm trò cho mọi người xem”. Tại sao? Vì Ni-ni-ve là “thành đổ máu” (Na-hum 1:1; 3:1, 6). Sách Thi-thiên 5:6 nói: “Đức Giê-hô-va gớm-ghiếc người đổ huyết”. Tàn tích của Ni-ni-ve chứng minh Đức Chúa Trời làm đúng với lời hứa của ngài.

Bạo lực bắt nguồn từ kẻ thù chung của Đức Chúa Trời và loài người, tức Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt. Chúa Giê-su gọi hắn là “kẻ giết người” (Giăng 8:44). Hơn nữa, vì “cả thế gian nằm dưới quyền của Kẻ Ác”, nên các đặc tính của hắn được phản ánh qua những thái độ phổ biến về bạo lực, kể cả việc thế gian mê đắm phương tiện truyền thông mang tính bạo lực (1 Giăng 5:19). Để làm hài lòng Đức Chúa Trời, chúng ta phải ghét bạo lực và yêu những điều Đức Chúa Trời yêu. * Có thể làm được điều này không?

‘Đức Giê-hô-va ghét kẻ ưa sự hung-bạo’.Thi-thiên 11:5.

Người hung bạo có thể thay đổi không?

ĐIỀU NGƯỜI TA NÓI:

Bạo lực là bản chất tự nhiên của con người và sẽ không thay đổi.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

Hãy lột bỏ ‘thịnh nộ, giận dữ, xấu xa, lăng mạ và lời tục tĩu’. Câu kế tiếp cũng nói: “Hãy lột bỏ nhân cách cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy nhân cách mới” (Cô-lô-se 3:8-10). Đức Chúa Trời có đòi hỏi quá đáng nơi chúng ta không? Không. Con người có thể thay đổi. * Bằng cách nào?

Bước đầu tiên là cần có sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời (Cô-lô-se 3:10). Khi một người có lòng thành tìm hiểu về những đức tính cao quý và tiêu chuẩn cao của Đấng Tạo Hóa, thì người ấy sẽ yêu thương Đức Chúa Trời, muốn đến gần và làm ngài vui lòng.—1 Giăng 5:3.

Bước thứ hai liên quan đến việc chúng ta chọn lựa bạn bè. “Chớ làm bạn với người hay giận; chớ giao tế cùng kẻ cường-bạo, e con tập theo đường-lối nó, và linh-hồn con bị bẫy hãm hại chăng”.—Châm-ngôn 22:24, 25.

Bước thứ ba liên quan đến sự sáng suốt. Hãy nhận ra khuynh hướng bạo lực là gì, đó là một nhược điểm lớn cho thấy tính thiếu tự chủ. So với người bạo lực thì người hiếu hòa có sức mạnh nội tâm. Câu Châm-ngôn 16:32 nói: “Người chậm nóng-giận thắng hơn người dõng-sĩ”.

“Hãy gắng sức hòa thuận với mọi người”.Hê-bơ-rơ 12:14.

Bạo lực có bao giờ chấm dứt?

ĐIỀU NGƯỜI TA NÓI:

Bạo lực đã luôn tồn tại với chúng ta và sẽ luôn là như thế.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

“Một chút nữa kẻ ác không còn... Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật” (Thi-thiên 37:10, 11). Thật vậy, để bảo vệ người hiền từ và yêu chuộng hòa bình, Đức Chúa Trời sẽ trừng phạt những kẻ thích bạo lực như ngài đã làm với thành Ni-ni-ve thời xưa. Sau đó, trái đất sẽ không bao giờ có bạo lực!—Thi-thiên 72:7.

‘Những ai có tính ôn hòa sẽ được thừa hưởng trái đất’.—Ma-thi-ơ 5:5

Thế nên, đây là lúc để tìm kiếm ân huệ của Đức Chúa Trời bằng cách vun trồng tính hiếu hòa. Câu Kinh Thánh 2 Phi-e-rơ 3:9 cho biết: ‘Đức Giê-hô-va kiên nhẫn với anh em vì chẳng muốn ai bị diệt, mà muốn mọi người đều ăn năn’.

“Họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi-cày, lấy giáo rèn lưỡi-liềm”.Ê-sai 2:4.

^ đ. 7 Đức Chúa Trời đã cho phép dân Y-sơ-ra-ên xưa chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ (2 Sử-ký 20:15, 17). Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi Đức Chúa Trời chấm dứt giao ước với dân Y-sơ-ra-ên và lập giao ước với hội thánh tín đồ đạo Đấng Ki-tô, một hội thánh không có biên giới.

^ đ. 11 Kinh nghiệm của những người đã thay đổi lối sống được đăng trong loạt bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống” của tạp chí Tháp Canh.