Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | 5 BÍ QUYẾT GIÚP CẢI THIỆN SỨC KHỎE

Những bí quyết giúp cải thiện sức khỏe

Những bí quyết giúp cải thiện sức khỏe

Không ai muốn bị bệnh cả! Bệnh tật gây bất lợi và tốn kém tiền bạc. Khi bị bệnh, không những bạn cảm thấy mệt mỏi mà còn không thể đi làm, đi học hoặc chăm sóc gia đình. Thậm chí có lẽ bạn cần ai đó chăm sóc mình cũng như phải chi nhiều tiền để mua thuốc và chữa trị.

Người ta thường nói: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Dù có một số bệnh không thể tránh được nhưng bạn có thể làm nhiều điều để giảm bớt hoặc ngay cả ngăn chặn bệnh tật. Hãy xem năm bí quyết giúp cải thiện sức khỏe.

1 GIỮ VỆ SINH

Rửa tay là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa và phòng tránh bệnh tật lây lan. Dùng tay có vi trùng để dụi mũi hoặc mắt là một trong những cách dễ mắc bệnh cảm cúm. Vậy, việc thường xuyên rửa tay là cách tốt nhất để tránh nhiễm khuẩn. Giữ vệ sinh cũng có thể ngăn ngừa việc lây lan những bệnh nặng hơn như viêm phổi và tiêu chảy. Mỗi năm, hai căn bệnh này đã gây tử vong hơn hai triệu trẻ em dưới năm tuổi. Thậm chí căn bệnh chết người Ebola cũng có thể được giảm thiểu chỉ với thói quen đơn giản là rửa tay.

Có những lúc mà việc rửa tay hết sức quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bạn và người khác. Bạn nên rửa tay:

  • Sau khi dùng nhà vệ sinh.

  • Sau khi thay tã hoặc giúp em nhỏ đi vệ sinh.

  • Trước và sau khi chữa trị vết thương.

  • Trước và sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh.

  • Trước khi chế biến, phục vụ thức ăn hoặc dùng bữa.

  • Sau khi hắt hơi, ho hoặc hỉ mũi.

  • Sau khi sờ vào thú vật, xử lý hoặc dính phân thú vật.

  • Sau khi xử lý rác.

Đừng xem nhẹ việc rửa tay đúng cách. Các cuộc nghiên cứu cho thấy phần lớn những người dùng nhà vệ sinh công cộng không rửa tay sau đó hoặc không rửa tay đúng cách. Bạn nên rửa tay như thế nào?

  • Làm ướt tay dưới vòi nước sạch rồi thoa xà phòng vào bàn tay.

  • Xoa hai bàn tay vào nhau để tạo bọt, đừng quên rửa móng tay, ngón cái, mu bàn tay và các kẽ ngón tay.

  • Xoa ít nhất 20 giây.

  • Rửa dưới vòi nước đang chảy.

  • Lau khô bằng khăn sạch hoặc khăn giấy.

Những phương pháp trên tuy đơn giản nhưng có thể giúp chúng ta tránh được bệnh tật và giữ được mạng sống.

2 DÙNG NGUỒN NƯỚC SẠCH

Tại một số quốc gia, việc lấy nước sạch là công việc nhọc nhằn thường ngày của một hộ gia đình. Tuy nhiên, việc có được nước sạch có thể là vấn đề khó khăn đối với bất cứ nơi nào trên thế giới nếu nguồn nước chính bị nhiễm khuẩn vì lũ lụt, bão tố, vỡ đường ống hoặc một số nguyên nhân khác. Nếu nguồn nước không sạch hoặc không được dự trữ đúng cách thì người ta có thể bị nhiễm ký sinh trùng cũng như dịch tả, tiêu chảy nặng, thương hàn, viêm gan và những căn bệnh truyền nhiễm khác. Theo một ước tính, việc uống nước không sạch là một trong những nguyên nhân gây ra khoảng 1,7 tỉ ca tiêu chảy mỗi năm.

Bạn có thể làm nhiều điều để giảm bớt hoặc ngay cả ngăn chặn bệnh tật

Người ta thường dễ bị dịch tả nhất khi uống nước hoặc ăn thực phẩm bị nhiễm phân của người bệnh. Vậy ngay cả khi một thảm họa nào đó vừa xảy ra, bạn có thể làm gì để bảo vệ mình khỏi bệnh dịch tả cũng như các loại nước ô nhiễm khác?

  • Hãy đảm bảo rằng tất cả nguồn nước sinh hoạt, kể cả nước dùng để đánh răng, làm nước đá, rửa chén, rửa thực phẩm hoặc nấu nướng, phải là nước sạch, chẳng hạn như nguồn nước công cộng đạt tiêu chuẩn hoặc nước đóng chai từ công ty có uy tín.

  • Nếu nghi ngờ ống dẫn nước bị nhiễm khuẩn, hãy đun sôi nước trước khi dùng hoặc xử lý bằng hóa chất thích hợp.

  • Khi dùng hóa chất, như clo hoặc viên lọc nước, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

  • Nếu có thể và điều kiện cho phép, hãy dùng các bộ lọc nước chất lượng cao.

  • Nếu không có hóa chất xử lý nước thì hãy dùng thuốc tẩy, nhỏ hai giọt vào một lít nước, lắc đều, rồi chờ 30 phút mới dùng.

  • Luôn dự trữ nước sạch đã qua xử lý trong bình chứa sạch và đậy kín để nước không bị tái nhiễm khuẩn.

  • Đảm bảo rằng bất cứ loại bình hay ca nào dùng để múc nước đều phải sạch.

  • Dùng tay sạch để cầm ca và bình nước, không nhúng bàn tay hoặc ngón tay vào nước uống.

3 XEM CÁCH ĂN UỐNG

Nếu thiếu dinh dưỡng thì bạn sẽ không có sức khỏe tốt. Muốn có dinh dưỡng tốt thì bạn cần có chế độ ăn uống bổ dưỡng và cân bằng. Có lẽ bạn cần xem lại việc ăn muối, chất béo, đường cũng như không ăn quá mức. Nên ăn trái cây, rau, và hãy thay đổi món ăn. Khi mua bánh mì, ngũ cốc, mì ống và gạo, hãy đọc các thành phần được liệt kê trên bao bì để chọn ngũ cốc nguyên hạt. Những loại này giàu chất dinh dưỡng và chất xơ hơn các loại đã qua quá trình tẩy trắng. Đối với chất đạm, nên ăn một lượng nhỏ thịt không mỡ và cố gắng ăn cá vài lần trong tuần, nếu có thể. Trong vài quốc gia, người ta cũng có thể ăn thực phẩm giàu chất đạm từ rau củ quả.

Nếu ăn quá nhiều đường và chất béo, bạn có nguy cơ thừa cân. Để giảm thiểu tình trạng này, hãy uống nước lọc thay vì nước ngọt. Ăn nhiều trái cây thay vì các món tráng miệng nhiều đường. Hạn chế ăn chất béo có trong xúc xích, thịt, bơ, bánh ngọt, phô mai, bánh quy. Thay vì dùng mỡ, bơ để nấu ăn thì tốt hơn hãy dùng dầu ăn chất lượng tốt.

Dùng quá nhiều muối hay natri trong khẩu phần ăn có thể làm tăng huyết áp. Nếu đây là vấn đề của bạn, hãy đọc thông tin trên bao bì để biết cách giảm lượng natri. Thay vì nêm muối, hãy dùng thảo dược và gia vị để tăng hương vị cho bữa ăn.

Việc bạn ăn bao nhiêu cũng quan trọng như việc bạn ăn . Vì thế, bạn có thể thưởng thức món ăn, nhưng đừng ăn thêm khi không còn đói.

Một vấn đề liên quan đến dinh dưỡng là nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Nếu không được chuẩn bị và dự trữ đúng cách thì bất cứ thực phẩm nào cũng có thể khiến bạn bị ngộ độc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm hàng triệu người bị ngộ độc thực phẩm. Hầu hết bệnh nhân sớm hồi phục, không bị biến chứng nào lâu dài nhưng cũng có một số người tử vong do ngộ độc. Bạn có thể làm gì để giảm thiểu nguy cơ này?

  • Những loại rau trồng dưới đất hẳn đã được bón phân, nên hãy rửa kỹ trước khi chế biến.

  • Rửa tay, thớt, dụng cụ nấu ăn, chén bát, mặt bếp bằng nước nóng và xà phòng trước khi dùng.

  • Để tránh nhiễm bệnh từ thực phẩm, đừng bao giờ đặt đồ ăn trong đĩa hoặc mặt bàn mà trước đó đã đặt trứng, thịt gia cầm, thịt hoặc cá sống.

  • Nấu đến đúng nhiệt độ. Đối với thực phẩm mau hỏng, nếu không ăn ngay thì hãy nhanh chóng để trong tủ lạnh.

  • Nếu nhiệt độ trong phòng cao hơn 32°C thì thực phẩm chỉ giữ được một tiếng, còn nếu nhiệt độ trong phòng thấp hơn thì giữ được hai tiếng.

4 THƯỜNG XUYÊN VẬN ĐỘNG

Cho dù ở độ tuổi nào, bạn cần thường xuyên vận động để được khỏe mạnh. Ngày nay, nhiều người không tập thể dục đầy đủ. Tại sao tập thể dục rất quan trọng? Vì thường xuyên vận động có thể giúp bạn:

  • Ngủ ngon.

  • Năng động.

  • Giữ xương, cơ bắp chắc khỏe.

  • Giữ mức cân nặng.

  • Giảm nguy cơ trầm cảm.

  • Giảm nguy cơ chết sớm.

Nếu không thường xuyên vận động, bạn có nguy cơ bị:

  • Bệnh tim mạch.

  • Đái tháo đường tuýp 2.

  • Cao huyết áp.

  • Cholesterol cao.

  • Đột quỵ.

Môn thể dục nên phù hợp với độ tuổi và sức khỏe của bạn. Vì thế, điều khôn ngoan là hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu loại hình thể dục nào. Theo nhiều lời khuyến cáo, mỗi ngày trẻ em và thanh thiếu niên nên tập ít nhất 60 phút ở mức độ vừa phải đến nâng cao. Người lớn nên tập 150 phút vừa phải hoặc 75 phút nâng cao mỗi tuần.

Hãy chọn môn tập vừa vui vừa khỏe. Có thể bạn muốn tham khảo môn bóng rổ, quần vợt, bóng đá, đi bộ nhanh, đạp xe, làm vườn, chẻ củi, bơi lội, chèo xuồng, chạy bộ hoặc thể dục thẩm mỹ. Làm sao bạn có thể biết môn tập nào vừa phải hay nâng cao? Nhìn chung việc tập vừa phải làm bạn ra mồ hôi, nhưng khi tập nâng cao thì bạn không thể vừa tập vừa nói chuyện được.

5 NGỦ ĐỦ

Thời lượng giấc ngủ mỗi người mỗi khác. Phần lớn trẻ sơ sinh ngủ từ 16 đến 18 tiếng mỗi ngày, trẻ mới biết đi thì khoảng 14 tiếng, trẻ mẫu giáo thì khoảng 11 đến 12 tiếng. Trẻ em tới tuổi đi học thường cần ngủ ít nhất 10 tiếng, thanh thiếu niên có lẽ 9 đến 10 tiếng và người trưởng thành thì 7 đến 8 tiếng.

Phải nghỉ ngơi đầy đủ. Theo các chuyên gia, ngủ đủ giấc rất quan trọng cho việc:

  • Tăng trưởng ở trẻ em và thanh thiếu niên.

  • Học hỏi và nhớ thông tin mới.

  • Cân bằng hoóc-mon ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và cân nặng.

  • Tim mạch khỏe.

  • Ngăn ngừa bệnh tật.

Việc ngủ không đủ giấc có liên quan đến bệnh béo phì, trầm cảm, tim mạch, đái tháo đường và các vụ tai nạn thương tâm. Chắc chắn, những điều này thúc đẩy chúng ta nghỉ ngơi đầy đủ.

Vì thế, bạn có thể làm gì nếu nhận thấy mình đang gặp vấn đề về giấc ngủ?

  • Cố gắng đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày.

  • Giữ phòng ngủ yên tĩnh, tối, thoải mái, không quá nóng, quá lạnh.

  • Không nên xem truyền hình hoặc dùng các thiết bị điện tử trên giường ngủ.

  • Giữ giường ngủ càng thoải mái càng tốt.

  • Tránh ăn quá no cũng như dùng thức uống có chất kích thích hoặc rượu bia trước khi ngủ.

  • Nếu sau khi đã áp dụng những phương pháp này mà bạn vẫn bị bệnh mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ, như ngủ li bì ban ngày hoặc nghẹt thở khi ngủ, có lẽ bạn nên gặp một bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.