Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Ba điều người ta muốn hỏi Thượng Đế

Ba điều người ta muốn hỏi Thượng Đế

Lúc bảy tuổi, bà Susan đã có những thắc mắc về Thượng Đế hay Đức Chúa Trời khi bạn thân của bà là Al nhập viện do bệnh bại liệt và phải nằm trong lồng phổi nhân tạo. Bà Susan kể lại kinh nghiệm của mình trong tờ The New York Times ngày 6-1-2013.

Sau khi thăm bạn Al ở bệnh viện, Susan đã hỏi mẹ: “Tại sao Chúa lại đối xử như thế với một cậu bé?”.

Mẹ của bà đã đáp: “Linh mục thường nói hẳn Chúa có lý do, chỉ có điều mẹ không biết là lý do gì”.

Hai năm sau, vào năm 1954, vắc-xin bại liệt của Jonas Salk được công bố. Mẹ của Susan cho rằng có lẽ Thiên Chúa đã giúp ông nghiên cứu để tạo ra loại vắc-xin này.

Susan trả lời: “Lẽ ra Chúa nên giúp các bác sĩ từ lâu rồi để Al không phải nằm trong lồng phổi”.

Susan kết thúc câu chuyện của bà bằng một câu vắn tắt: “Chỉ tám năm sau, [Al] qua đời và lúc đó, tôi trở thành người vô thần”.

Như Susan, nhiều người từng trải qua hoặc chứng kiến thảm họa đã không thể tìm được lời giải đáp thỏa đáng cho những thắc mắc của họ về Đức Chúa Trời. Một số trở thành người vô thần. Số khác dù không hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, nhưng lại hoài nghi về điều đó.

Không phải những người vô thần và hoài nghi không biết gì về tôn giáo. Ngược lại, thường những trải nghiệm của họ về tôn giáo lại khiến họ mất đức tin. Có lẽ họ cho rằng các tôn giáo không giải đáp được những câu hỏi quan trọng trong đời sống. Những câu hỏi nào? Trớ trêu thay, đó chính là những câu hỏi mà các tín đồ tuyên xưng mình có đức tin nơi Đức Chúa Trời cũng không biết lời giải đáp. Mời bạn xem ba điều mà nhiều người muốn hỏi Đức Chúa Trời nếu có cơ hội, đồng thời hãy xem lời giải đáp trong Kinh Thánh.

1 “TẠI SAO ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỂ CHO CÓ ĐAU KHỔ?”

Tại sao người ta nêu câu hỏi này?

Nhiều người kết luận: “Nếu Đức Chúa Trời yêu thương thì ngài không để cho những thảm họa xảy ra”.

HÃY THỬ NGHĨ: Có lẽ chúng ta nhận thấy phong tục tập quán của các nước khác rất kỳ lạ, thậm chí gây sửng sốt. Chúng ta dễ hiểu lầm những việc họ làm. Chẳng hạn, văn hóa của nước này xem việc nhìn thẳng vào mắt người đối diện là biểu lộ sự chân thành; còn nước khác thì xem là bất kính. Ngay cả trong những trường hợp trái ngược như thế, không có lý do gì để nói rằng phong tục của nước khác là sai. Thay vì thế, chúng ta chỉ cần hiểu rõ hơn về các phong tục đó.

Tương tự thế, việc hiểu rõ về Đức Chúa Trời thì sao? Nhiều người tin rằng Đức Chúa Trời không hiện hữu vì thấy có quá nhiều đau khổ. Trong khi đó, khi biết được lý do ngài để cho có đau khổ thì một số người khác đã tin chắc Đức Chúa Trời hiện hữu.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI: Tư tưởng và đường lối của Đức Chúa Trời khác với tư tưởng và đường lối của chúng ta (Ê-sai 55:8, 9). Vì vậy, có lẽ lúc đầu chúng ta thấy kỳ lạ trước cách ngài hành động cũng như lý do ngài chờ đợi và chưa hành động.

Dù vậy, Kinh Thánh không buộc chúng ta phải chấp nhận những câu trả lời rỗng tuếch như “Công việc của Thiên Chúa mầu nhiệm lắm!”. Thay vì thế, sách này khuyến khích chúng ta tìm hiểu về Đức Chúa Trời, giúp chúng ta biết được tại sao và khi nào ngài hành động. * Hơn nữa, sách này còn giúp chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời.—Gia-cơ 4:8.

2 “TẠI SAO TÔN GIÁO ĐẦY SỰ GIẢ HÌNH?”

Tại sao người ta nêu câu hỏi này?

Một số người có lẽ lý luận: “Nếu Đức Chúa Trời thích sự thành thật, hẳn đã không có quá nhiều sự giả hình trong vòng những tín đồ tuyên xưng mình thờ phượng ngài”.

HÃY THỬ NGHĨ: Hãy hình dung một con trai không nghe lời cha dạy dỗ, bỏ nhà ra đi và sống sa đọa. Dù người cha không tán thành nhưng cho phép con tự lựa chọn. Nếu sau này có ai đó gặp người con này, liệu có đúng không khi họ vội kết luận rằng anh ta có một người cha tồi tệ, hoặc anh ta không có cha? Dĩ nhiên là không! Tương tự thế, sự giả hình trong tôn giáo chỉ chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời cho phép con người tự lựa chọn hướng đi của mình.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI: Đức Chúa Trời ghét sự giả hình trong tôn giáo (Giê-rê-mi 7:29-31; 32:35). Tuy nhiên, ngài cho phép con người có quyền quyết định. Nhiều người tuyên xưng mình tin nơi Đức Chúa Trời đã chọn làm theo những dạy dỗ của loài người và tự lập ra các tiêu chuẩn đạo đức riêng.—Ma-thi-ơ 15:7-9.

Ngược lại, tôn giáo mà Đức Chúa Trời chấp nhận thì không giả hình. * Chúa Giê-su nói: “Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em” (Giăng 13:35). Tình yêu thương này “phải chân thật” (Rô-ma 12:9). Phần lớn các tôn giáo đều không làm theo tiêu chuẩn này. Chẳng hạn, trong nạn diệt chủng năm 1994 ở Rwanda, hàng chục ngàn người có đạo đã sát hại những người đồng đạo với mình, chỉ vì họ khác bộ tộc. Trong khi đó, Nhân Chứng Giê-hô-va không dính líu đến các vụ thảm sát và nhiều Nhân Chứng đã bảo vệ anh em đồng đạo cũng như người khác, dù nguy hiểm đến tính mạng. Những hành động bất vị kỷ như thế chứng tỏ không phải mọi tôn giáo đều giả hình.

3 “TẠI SAO CHÚNG TA HIỆN HỮU?”

Tại sao người ta nêu câu hỏi này?

Một số người có lẽ thắc mắc: “Sao con người chỉ sống 80 hoặc 90 năm rồi chết? Sống ngắn ngủi như thế để làm gì?”.

HÃY THỬ NGHĨ: Nhiều người không tin nơi Đức Chúa Trời vẫn thừa nhận rằng sự phức tạp, tinh vi và trật tự của thế giới tự nhiên hẳn phải có nguyên nhân. Họ thấy hành tinh của chúng ta, mặt trăng và các hành tinh khác được sắp xếp cách chính xác để duy trì sự sống trên trái đất. Họ cho biết rằng các định luật tự nhiên chi phối vũ trụ được tính toán cách hoàn hảo đến mức một chút thay đổi nhỏ cũng ảnh hưởng đến sự sống trên trái đất.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI: Dù nhiều người xem tuổi thọ con người tương đối ngắn ngủi là bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời không hiện hữu, nhưng thế giới tự nhiên lại cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy có một Đấng Tạo Hóa (Rô-ma 1:20). Ngài tạo ra vạn vật là có mục đích và sự hiện hữu của chúng ta có liên quan chặt chẽ đến ý định của ngài. Đức Chúa Trời tạo ra con người để sống mãi mãi trên đất, và ngài không từ bỏ ý định của mình.—Thi-thiên 37:11, 29; Ê-sai 55:11.

Dù chúng ta có thể cảm nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và một số đức tính của ngài qua thế giới tự nhiên, nhưng Đức Chúa Trời không muốn chúng ta phải suy đoán ý định của ngài theo cách này. Để hiểu ý định của Đức Chúa Trời cũng như ý nghĩa của việc chúng ta hiện hữu, chúng ta cần được ngài tiết lộ. Ngài đã làm thế qua những lời đơn giản và cụ thể trong Kinh Thánh. * Nhân Chứng Giê-hô-va khuyến khích bạn cởi mở xem xét những lời giải đáp trong Kinh Thánh.

^ đ. 17 Để biết tại sao Đức Chúa Trời để cho có đau khổ, xem chương 11 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Cũng có trên www.pr418.com/vi.

^ đ. 23 Để biết thêm thông tin, xem chương 15 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Cũng có trên www.pr418.com/vi.

^ đ. 29 Để biết thêm thông tin, xem chương 3 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Cũng có trên www.pr418.com/vi.