Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | GIỚI TRẺ

Khi phải trở về mái nhà xưa

Khi phải trở về mái nhà xưa

VẤN ĐỀ

Họ được gọi là “thế hệ boomerang”, tức những người trưởng thành rời khỏi nhà, cố tạo lập cuộc sống riêng tư nhưng không kham nổi vì thiếu hụt tài chính và phải trở về “mái nhà xưa”. Bạn có ở trong hoàn cảnh này không?

Dù yêu thương cha mẹ, nhưng việc bạn trở về nhà có lẽ cũng khó khăn. Chẳng hạn, một thiếu nữ trẻ tên Sarah * cho biết: “Việc sống tự lập giúp tôi tự tin vì không phải dựa dẫm vào ai cả. Nhưng khi trở về nhà, tôi như đứa con nít”. Một thanh niên tên Sơn cũng nghĩ như thế. Anh bộc bạch: “Tôi không muốn quay về nhà nhưng vì không tài nào lo liệu nổi cho bản thân nên đành phải về. Tôi cảm thấy mình là kẻ thất bại”.

Nếu bạn gặp tình cảnh tương tự, bài này có thể giúp bạn tiếp tục đứng vững trên đôi chân của mình.

TẠI SAO ĐIỀU NÀY XẢY RA?

Vấn đề tiền bạc. Nhiều người trẻ bàng hoàng khi lần đầu tiên đối mặt với giá sinh hoạt đắt đỏ. Anh Sơn, được đề cập ở trên, cho biết: “Khoản tiền tiết kiệm của tôi đã ‘đội nón ra đi’”. Chị Shaina cũng như thế. Rời khỏi nhà lúc 24 tuổi và một năm rưỡi sau quay về nhà, chị thừa nhận: “Lẽ ra tôi phải biết cách quản lý tiền bạc. Rời nhà không đồng xu dính túi, trở về thì nợ nần chồng chất”. *

Vấn đề việc làm. Dù lên nhiều kế hoạch tỉ mỉ để sống tự lập nhưng khi bị mất việc thì người ta có thể hoang mang, đây là trường hợp của chị Shaina. Chị nói: “Tôi tốt nghiệp ngành y và nhờ trung tâm giới thiệu việc làm giúp tôi tìm việc. Nhưng khi bị mất việc, tôi chới với. Lúc đó tôi đang sống dưới quê, ở đây không còn việc nào phù hợp với chuyên ngành của tôi!”.

Kỳ vọng thiếu thực tế. Một số người trẻ bắt đầu ra đời làm việc, nhưng không hình dung được nó khó khăn như thế nào. Công việc của họ thường khó hơn họ tưởng. Trong sự ngỡ ngàng, họ khám phá rằng sự độc lập mình từng mong đợi không còn thú vị nữa. Hẳn họ không nghĩ là việc trưởng thành lại có nhiều thách thức đến thế.

ĐIỀU BẠN CÓ THỂ LÀM

Bàn bạc với cha mẹ việc trở về “mái nhà xưa”. Thảo luận các vấn đề như: “Bạn cần ở nhà trong bao lâu? Bạn sẽ phụ bao nhiêu tiền để cha mẹ trang trải chi phí trong nhà? Bạn sẽ làm những việc nhà nào? Bạn cần thực hiện các bước nào để có thể tự lo liệu tiền bạc như trước kia?”. Dù ở độ tuổi nào đi nữa, hãy nhớ rằng bạn đang quay về “cái ngày xưa ấy” và phải tuân theo quy tắc của cha mẹ.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12.

Học cách quản lý tiền bạc. Một sách hướng dẫn cách quản lý tiền bạc dành cho giới trẻ (The Complete Guide to Personal Finance: For Teenagers and College Students) ghi: “Cách bạn tiêu tiền có liên quan nhiều đến cách bạn thành công trong việc quản lý tiền bạc... Điều cơ bản phải biết là không tiêu tiền vào những thứ mình không cần”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Lu-ca 14:28.

Nhận lời khuyên hữu ích. Cha mẹ hoặc những người trưởng thành khác có thể giúp bạn học những kỹ năng thực tế như lập ngân sách, gửi tiền ngân hàng và thanh toán hóa đơn. Một thiếu nữ tên Marie nói: “Tôi phải học lại từ đầu. Một người bạn giúp tôi liệt kê những chi phí cần thiết và không cần thiết. Thật không thể tin nổi, phần lớn chi phí của tôi hoàn toàn không cần thiết! Tôi cũng học cách vun trồng một đức tính cần thiết để sống tự lập, đó là sự tự chủ”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 13:10.

Hãy nhớ rằng điều quan trọng không phải là mình làm việc gì, mà là mình làm giỏi việc gì

Tìm việc làm. Tận dụng thời gian bạn đang thất nghiệp để xin việc làm khác. Hãy thận trọng: Khi nói đến việc làm, một số người có lẽ bảo: “Hãy theo đuổi giấc mơ”. Nhưng mong đợi một cái “nghề như mơ” khiến một người dễ kén chọn công việc và bỏ qua những cơ hội có việc làm tốt ngay trước mặt mình! Thay vì lãng phí thời gian tập trung vào một công việc nào đó, hãy đón nhận các công việc khác. Hãy nhớ rằng điều quan trọng không phải là mình làm việc gì, mà là mình làm giỏi việc gì. Trên thực tế, người ta công nhận rằng nhân viên nào càng có kinh nghiệm và kỹ năng, thì càng yêu thích công việc của mình. Không nhất thiết phải làm việc mình thích thì mới thích công việc mình đang làm!

^ đ. 5 Các tên trong bài này đã được thay đổi.

^ đ. 8 Sinh viên đại học ở Hoa Kỳ thường đối mặt với hoàn cảnh khó khăn như thế. Theo báo cáo của tờ The Wall Street Journal, một sinh viên tốt nghiệp mắc khoản nợ trung bình là 33.000 đô la.