XÂY ĐẮP TỔ ẤM | CHA MẸ
Giúp con đối diện với tuổi dậy thì
VẤN ĐỀ
Tưởng chừng như chỉ mới hôm qua bạn còn ẵm bồng con trên tay. Giờ đây con đã đến tuổi thiếu niên. Dù vẫn còn trẻ con nhưng chúng sắp bước vào tuổi dậy thì, là ngưỡng cửa trưởng thành.
Làm thế nào bạn có thể giúp con trai, con gái mình đối diện với sự biến đổi vừa ngỡ ngàng vừa gây hoảng sợ trong giai đoạn này?
BẠN NÊN BIẾT ĐIỀU GÌ?
Dậy thì sớm hay muộn tùy mỗi người. Dậy thì có thể bắt đầu sớm lúc 8 tuổi hoặc trễ đến khoảng 15 tuổi, thậm chí trễ hơn. Một sách dành cho cha mẹ có con trong tuổi vị thành niên (Letting Go With Love and Confidence) cho biết “độ tuổi dậy thì của trẻ rất đa dạng”.
Tuổi dậy thì có thể gây lo lắng. Những em mới lớn có thể rất nhạy cảm trước suy nghĩ của người khác về mình. Một thanh niên tên Bằng * nhớ lại: “Tôi bắt đầu để ý đến vẻ bề ngoài và hành vi của mình. Khi gặp người khác, tôi thắc mắc họ có nghĩ tôi hơi kỳ cục không”. Khi bị nổi mụn trên mặt thì các em có thể càng tự ti hơn. Em Ngọc 17 tuổi cho biết: “Em có cảm giác mặt mình bị mụn tấn công! Em nhớ là em đã khóc và tự gọi mình là cô gái xấu xí”.
Dậy thì sớm có thể gây khó khăn. Điều này đặc biệt đúng đối với các em gái. Các em có thể bị trêu chọc khi ngực bắt đầu to lên hoặc xuất hiện đường cong cơ thể. Một cuốn sách về nuôi dạy con (A Parent’s Guide to the Teen Years) cho biết: “Những cậu con trai lớn tuổi hơn, có thể từng làm ‘chuyện ấy’, cũng dễ chú ý đến các em gái này”.
Dậy thì không có nghĩa là trưởng thành. Câu Kinh Thánh Châm-ngôn 22:15 nói: “Sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ”. Dậy thì không thay đổi được điều này. Một em trẻ trông có vẻ trưởng thành, nhưng cuốn sách về tuổi mới lớn (You and Your Adolescent) nói điều đó “không có nghĩa là em ấy có thể đưa ra quyết định khôn ngoan, cư xử có trách nhiệm, có tính tự chủ hoặc những biểu hiện trưởng thành khác”.
BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?
Nói chuyện trước khi con đến tuổi dậy thì. Hãy cho con bạn biết điều gì sẽ xảy ra, đặc biệt về kinh nguyệt (em gái) và xuất tinh vào ban đêm (em trai). Khác hẳn với những biến đổi từ từ của tuổi dậy thì, những điều này đột ngột xuất hiện và có thể gây bối rối, sợ hãi. Khi nói chuyện với con về tuổi dậy thì, hãy có cái nhìn tích cực. Hãy giúp con hiểu đây là những biến chuyển cần thiết để có thể bước vào tuổi trưởng thành.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Thi-thiên 139:14.
Hãy giải thích tường tận. Một thanh niên tên Dũng nhớ lại: “Khi giải thích về ‘chuyện ấy’, cha mẹ tôi đã nói vòng vo. Ước gì họ thẳng thắn hơn một chút”. Một bạn khác là Thảo, 17 tuổi, cũng cảm thấy như thế: “Mẹ giúp em hiểu chuyện gì đang xảy ra trên cơ thể. Nhưng ước gì mẹ khích lệ tinh thần em nhiều hơn”. Chúng ta rút ra bài học gì? Có thể là khó xử, nhưng hãy nói cho con biết mọi khía cạnh liên quan đến tuổi dậy thì.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Công vụ 20:20.
Nêu câu hỏi để khuyến khích con nói chuyện. Để giúp con cảm thấy thoải mái hơn, hãy nói về chuyện dậy thì ở những người khác. Chẳng hạn, bạn có thể hỏi con gái: “Các bạn gái trong lớp của con đã bắt đầu xôn xao về chuyện có kinh chưa?”, “Các bạn khác có chọc ghẹo những bạn phát triển hơi sớm không?”. Bạn có thể hỏi con trai: “Các bạn có chê bai những bạn phát triển chậm hơn không?”. Khi các em bắt đầu cho biết về tuổi dậy thì của những bạn khác, các em sẽ dễ nói lên cảm xúc và chuyện riêng của mình hơn. Khi các em bắt đầu nói, bạn hãy làm theo lời khuyên của Kinh Thánh: “Mau nghe, chậm nói”.—Gia-cơ 1:19.
Giúp con phát triển “sự khôn ngoan thiết thực và khả năng suy xét” (Châm-ngôn 3:21, NW). Dậy thì không chỉ là thay đổi về cơ thể và cảm xúc. Suốt giai đoạn này con bạn cũng phát huy khả năng lý luận, điều này sẽ giúp các con đưa ra những quyết định khôn ngoan khi đến tuổi trưởng thành. Hãy nắm lấy cơ hội đó để ghi tạc vào lòng con những tiêu chuẩn đạo đức tốt.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ 5:14.
Đừng bỏ cuộc. Nhiều em trẻ dường như không muốn nói chuyện với cha mẹ về vấn đề dậy thì, nhưng đừng nên hiểu lầm con. Sách You and Your Adolescent cho biết: “Dù giả vờ không quan tâm, chán, thấy ghê hoặc giả điếc, nhưng các em lại nhớ hết mọi lời bạn nói”.
^ đ. 8 Các tên trong bài này đã được thay đổi.