Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

QUAN ĐIỂM KINH THÁNH

Lòng biết ơn

Lòng biết ơn

Bày tỏ lòng biết ơn mang lại nhiều lợi ích về thể chất lẫn tinh thần. Vì thế, chúng ta nên bày tỏ lòng biết ơn hàng ngày.

Lòng biết ơn mang lại hạnh phúc và có lợi cho sức khỏe của bạn như thế nào?

ĐIỀU Y KHOA NÓI:

Một bài trong tờ Sức khỏe tâm thần của đại học Harvard (Harvard Mental Health Letter) có viết: “Lòng biết ơn liên kết chặt chẽ với hạnh phúc. Lòng biết ơn giúp người ta có cảm xúc tích cực, cảm nhận được những trải nghiệm tốt đẹp, cải thiện sức khỏe, đối phó với nghịch cảnh và xây dựng các mối quan hệ vững chắc”.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

Kinh Thánh khuyến khích chúng ta vun đắp tinh thần biết ơn. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hãy tỏ lòng biết ơn”, và ông đã nêu gương tốt về điều này. Ví dụ, ông “không ngừng cảm tạ Đức Chúa Trời” khi thấy người khác tích cực hưởng ứng thông điệp mà ông chia sẻ (Cô-lô-se 3:15; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Hạnh phúc lâu dài không đến từ việc thỉnh thoảng nói lời cám ơn nhưng đến từ việc có tinh thần biết ơn. Thái độ này bảo vệ chúng ta khỏi khuynh hướng ích kỷ, ghen tị hoặc oán giận, là những cảm xúc làm người khác xa lánh mình và cướp đi niềm vui trong đời sống.

Chính Đấng Tạo Hóa của chúng ta nêu gương tuyệt vời trong việc bày tỏ lòng quý trọng, ngay cả với loài người nhỏ bé! Hê-bơ-rơ 6:10 cho biết: “Đức Chúa Trời chẳng phải là không công chính mà quên công việc và tình yêu thương anh em đã thể hiện đối với danh ngài”. Quả thật, Đấng Tạo Hóa xem việc thiếu lòng quý trọng là điều không công chính hay bất công.

“Hãy luôn vui mừng. Hãy cảm tạ về mọi điều”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16, 18.

Lòng biết ơn cải thiện mối quan hệ với người khác như thế nào?

KINH NGHIỆM CUỘC SỐNG:

Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn cách chân thành khi nhận được một món quà, lời tử tế hay sự giúp đỡ thiết thực. Khi chúng ta làm thế, người ban cho sẽ cảm thấy được quý trọng và cảm kích. Ngay cả một người lạ cũng rất vui khi chúng ta cám ơn họ về hành động tử tế của họ, chẳng hạn như việc họ giữ cửa cho chúng ta đi qua.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

Chúa Giê-su khuyến khích: “Hãy cho, người ta sẽ cho anh em. Họ sẽ đong đầy, nén, lắc và thêm cho tràn rồi đổ vào ngực áo anh em” (Lu-ca 6:38). Hãy xem kinh nghiệm của em gái khiếm thính tên là Rose ở Vanuatu, một quốc đảo thuộc Nam Thái Bình Dương.

Dù tham dự các buổi nhóm của Nhân Chứng Giê-hô-va nhưng Rose không nhận được nhiều lợi ích vì cả em và các thành viên trong hội thánh đều không biết ngôn ngữ ký hiệu. Một cặp vợ chồng là thông dịch viên thành thạo trong ngôn ngữ ký hiệu đã đến thăm hội thánh. Khi nhận ra vấn đề, họ mở một lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu. Rose rất cảm kích. Em nói: “Em rất vui vì có nhiều người bạn yêu thương em”. Cặp vợ chồng ấy rất hạnh phúc khi em gái này bày tỏ lòng biết ơn và giờ đây có thể góp phần vào các buổi nhóm họp. Ngoài ra, Rose cũng biết ơn các anh chị khác đã nỗ lực học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với em.—Công vụ 20:35.

“Kẻ nào dâng của lễ do lòng biết ơn là người biết tôn kính [Đức Chúa Trời]”.Thi-thiên 50:23, Đặng Ngọc Báu.

Làm sao bạn có thể vun trồng tinh thần biết ơn?

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

Cảm xúc gắn liền với tư tưởng. Một người viết Kinh Thánh là Đa-vít nói trong lời cầu nguyện của mình: “Tôi... tưởng đến mọi việc Chúa đã làm, và suy-gẫm công-việc của tay Chúa” (Thi-thiên 143:5). Đúng thế, Đa-vít không phải là người hời hợt, nông cạn. Tinh thần biết ơn của ông xuất phát từ việc suy ngẫm về đường lối Đức Chúa Trời, một thói quen mà ông vun trồng trong suốt cuộc đời.​—Thi-thiên 71:5, 17.

Kinh Thánh đưa ra lời khuyên tuyệt vời: ‘Hễ điều gì chân thật, đáng yêu quý, có tiếng tốt, đạo đức và đáng khen ngợi thì hãy tiếp tục nghĩ đến’ (Phi-líp 4:8). Một lần nữa, cụm từ “hãy tiếp tục nghĩ đến” cho thấy suy ngẫm là điều thiết yếu để có tinh thần biết ơn.

“Sự suy-gẫm lòng tôi sẽ là sự thông-sáng”.—Thi-thiên 49:3.