Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va đã gọi ông là “bạn ta”

Đức Giê-hô-va đã gọi ông là “bạn ta”

“Hỡi Y-sơ-ra-ên, ngươi là tôi-tớ ta, còn ngươi, Gia-cốp, là kẻ ta đã chọn, dòng-giống của Áp-ra-ham, bạn ta”.—Ê-SAI 41:8.

BÀI HÁT: 91, 22

1, 2. (a) Tại sao chúng ta biết rằng con người có thể trở thành bạn của Đức Chúa Trời? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

Từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời, tình yêu thương là điều chúng ta cần nhất. Con người cần và khao khát tình yêu thương, không chỉ là loại tình cảm lãng mạn. Chúng ta khát khao tình bạn và mối quan hệ với người khác. Nhưng có một loại tình yêu thương mà chúng ta cần hơn bất cứ loại tình yêu thương nào khác: Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va. Nhiều người thấy khó tưởng tượng là con người có thể có được tình bạn yêu thương mật thiết với Đức Chúa Trời Toàn Năng, một thần linh vô hình ở trên trời. Chúng ta có sự hoài nghi như thế không? Hoàn toàn không!

2 Kinh Thánh cho thấy có những người bất toàn đã trở thành bạn Đức Chúa Trời. Gương mẫu của họ đáng cho chúng ta suy ngẫm vì việc xây dựng một tình bạn như thế là mục tiêu tốt nhất mà chúng ta có thể theo đuổi trong cuộc đời. Áp-ra-ham là một gương mẫu nổi bật về việc vun trồng tình bạn với Đức Giê-hô-va. (Đọc Gia-cơ 2:23). Làm thế nào Áp-ra-ham có thể gần gũi với Đức Chúa Trời đến thế? Một yếu tố quan trọng của tình bạn ấy chính là đức tin. Kinh Thánh gọi Áp-ra-ham là “cha của tất cả những người có đức tin” (Rô 4:11). Chúng ta hãy xem xét làm thế nào đức tin của Áp-ra-ham giúp ông có tình bạn mật thiết với Đức Chúa Trời. Khi làm thế, mỗi chúng ta có thể tự hỏi: “Bằng cách nào mình có thể noi theo đức tin của Áp-ra-ham và củng cố tình bạn với Đức Giê-hô-va?”.

LÀM THẾ NÀO ÁP-RA-HAM TRỞ THÀNH BẠN CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

3, 4. (a) Hãy miêu tả về điều mà có lẽ là thử thách lớn nhất về đức tin của Áp-ra-ham. (b) Tại sao Áp-ra-ham sẵn lòng dâng Y-sác làm của lễ?

3 Hãy hình dung một ông lão đang chầm chậm leo lên dốc núi. Ông đang thực hiện một cuộc hành trình hẳn là khó khăn nhất trong đời mình. Tuổi tác không phải là điều khiến chuyến đi ấy khó khăn đến thế. Có lẽ lúc đó Áp-ra-ham khoảng 125 tuổi nhưng ông vẫn khỏe mạnh. [1] Theo sau ông là một chàng trai trẻ khoảng 25 tuổi. Đó là Y-sác, con trai ông, người đang mang theo củi. Áp-ra-ham có một con dao và vật dùng để châm lửa. Đức Giê-hô-va đã bảo ông dâng chính con trai mình làm của lễ!—Sáng 22:1-8.

4 Đó có lẽ là thử thách lớn nhất đối với đức tin của Áp-ra-ham. Một số người nói rằng Đức Chúa Trời thật độc ác khi bảo Áp-ra-ham làm một việc như thế. Một số người cũng ám chỉ rằng sự vâng lời của Áp-ra-ham là mù quáng và ông không yêu thương con trai mình. Họ có quan điểm đó vì không có đức tin và không hiểu đức tin là gì (1 Cô 2:14-16). Áp-ra-ham không vâng lời Đức Chúa Trời một cách mù quáng. Thay vì thế, Áp-ra-ham vâng lời vì qua cặp mắt đức tin, ông thấy rằng Cha trên trời là Đức Giê-hô-va không bao giờ yêu cầu những tôi tớ trung thành của ngài làm bất cứ điều gì dẫn đến sự tổn hại lâu dài cho họ. Áp-ra-ham biết rằng nếu ông vâng lời Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của mình, thì ngài sẽ ban phước cho ông và con trai yêu dấu. Đức tin ấy dựa vào điều gì? Dựa vào sự hiểu biết và kinh nghiệm.

5. Có lẽ Áp-ra-ham đã học về Đức Giê-hô-va qua cách nào, và sự hiểu biết đó khiến ông cảm thấy ra sao?

5 Sự hiểu biết. Dù lớn lên tại U-rơ, một thành phố của người Canh-đê phổ biến với việc thờ hình tượng nhưng Áp-ra-ham đã biết về Đức Giê-hô-va. Điều này xảy ra như thế nào khi chính Tha-rê, cha của ông cũng là một người thờ hình tượng? (Giô-suê 24:2). Kinh Thánh không nói cụ thể nhưng sách ấy cho biết rằng Áp-ra-ham là con cháu thuộc thế hệ thứ chín của Sem, một trong những con trai của Nô-ê và là người có đức tin mạnh. Sem đã sống đến khi Áp-ra-ham khoảng 150 tuổi. Chúng ta không biết chắc có phải Áp-ra-ham học về Đức Giê-hô-va từ Sem không. Nhưng dường như hợp lý để cho rằng Sem đã truyền lại cho gia đình những điều ông biết về Đức Giê-hô-va. Bằng cách nào đó, sự hiểu biết này đã đến được với Áp-ra-ham và động đến lòng ông. Những gì Áp-ra-ham học được khiến ông yêu mến Đức Giê-hô-va và sự hiểu biết ấy đã giúp ông xây dựng đức tin.

6, 7. Những kinh nghiệm của Áp-ra-ham đã giúp ông củng cố đức tin như thế nào?

6 Kinh nghiệm. Làm thế nào Áp-ra-ham có được kinh nghiệm giúp ông củng cố đức tin nơi Đức Giê-hô-va? Người ta nói rằng suy nghĩ dẫn đến cảm xúc và cảm xúc dẫn đến hành động. Những điều Áp-ra-ham học về Đức Chúa Trời giúp ông có sự kính sợ sâu xa và lòng kính trọng chân thành đối với “Giê-hô-va Đức Chúa Trời Chí-Cao, Chúa-Tể của trời và đất” (Sáng 14:22). Kinh Thánh gọi cảm xúc đó là sự “kính sợ Đức Chúa Trời”, và là điều thiết yếu để xây dựng một tình bạn mật thiết với ngài (Hê 5:7; Thi 25:14). Lòng kính sợ Đức Chúa Trời như thế đã thúc đẩy Áp-ra-ham hành động.

7 Đức Chúa Trời đã chỉ thị cho Áp-ra-ham và Sa-ra rời U-rơ để chuyển đến một vùng đất xa lạ. Họ không còn trẻ và sẽ phải sống trong lều suốt phần đời còn lại. Vì Áp-ra-ham vâng lời, Đức Giê-hô-va đã ban phước và bảo vệ ông. Chẳng hạn, hãy xem một ví dụ. Áp-ra-ham lo sợ rằng người vợ xinh đẹp của ông là Sa-ra sẽ bị cướp đi, còn ông thì bị giết. Dù nỗi sợ ấy hoàn toàn có cơ sở nhưng Áp-ra-ham đã không để cho những mối lo lắng như thế khiến ông bất tuân với Đức Giê-hô-va. Hai lần, Đức Chúa Trời đã can thiệp và bảo vệ Áp-ra-ham cùng Sa-ra, thậm chí ngài làm thế một cách kỳ diệu (Sáng 12:10-20; 20:2-7, 10-12, 17, 18). Những kinh nghiệm ấy đã củng cố đức tin của Áp-ra-ham.

8. Bằng cách nào chúng ta có thể đạt được sự hiểu biết và kinh nghiệm giúp củng cố tình bạn của mình với Đức Giê-hô-va?

8 Chúng ta có thể xây dựng tình bạn với Đức Giê-hô-va không? Hoàn toàn có thể! Sự hiểu biết và kinh nghiệm mà chúng ta cần là điều có thể có được. Áp-ra-ham chỉ có một phần của sự giàu có và khôn ngoan dồi dào mà ngày nay được chứa đựng trong Kinh Thánh (Đa 12:4; Rô 11:33). Lời Đức Chúa Trời chứa đầy những báu vật giúp chúng ta gia tăng sự hiểu biết về đấng là “Chúa-Tể của trời và đất”, cũng như giúp vun đắp lòng kính trọng và tình yêu thương dành cho ngài. Khi những cảm xúc ấy thúc đẩy chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời, chúng ta có được kinh nghiệm vì thấy việc vâng lời ngài mang lại kết quả ra sao. Chúng ta thấy sự khuyên dạy của ngài bảo vệ mình, đồng thời thấy ngài ban phước và thêm sức cho mình. Chúng ta học được rằng việc phụng sự Đức Chúa Trời hết lòng mang lại sự bình an, vui mừng và thỏa nguyện (Thi 34:8; Châm 10:22). Khi chúng ta gia tăng sự hiểu biết và kinh nghiệm như thế, đức tin và tình bạn của chúng ta với Đức Giê-hô-va cũng sẽ lớn mạnh.

BẰNG CÁCH NÀO ÁP-RA-HAM DUY TRÌ TÌNH BẠN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI?

9, 10. (a) Cần điều gì để một tình bạn trở nên mạnh mẽ hơn? (b) Điều gì cho thấy Áp-ra-ham nuôi dưỡng và củng cố tình bạn với Đức Giê-hô-va?

9 Một tình bạn có thể là báu vật quý giá. (Đọc Châm-ngôn 17:17). Tuy nhiên, tình bạn không giống như một vật vô tri vô giác mà chúng ta mua về rồi để ở một nơi nào đó. Đúng hơn, tình bạn giống như một vật sống, cần được chăm lo và nuôi dưỡng để có thể lớn lên và phát triển. Áp-ra-ham đã nuôi dưỡng và duy trì tình bạn với Đức Giê-hô-va. Ông làm thế bằng cách nào?

10 Áp-ra-ham không bao giờ cảm thấy lòng kính sợ và vâng lời Đức Chúa Trời mà ông đã thể hiện trong quá khứ là đủ. Khi đi đến xứ Ca-na-an cùng rất đông những người trong nhà, ông tiếp tục để Đức Giê-hô-va hướng dẫn mình trong việc đưa ra quyết định, từ nhỏ đến lớn. Một năm trước khi Y-sác ra đời, lúc Áp-ra-ham được 99 tuổi, Đức Giê-hô-va đòi hỏi mọi người nam trong nhà Áp-ra-ham phải chịu phép cắt bì. Ông có đặt nghi vấn về mệnh lệnh ấy hoặc tìm cách để tránh vâng theo không? Không, ông đã tin cậy Đức Chúa Trời và vâng lời trong “chánh ngày đó”.—Sáng 17:10-14, 23.

11. Tại sao Áp-ra-ham lo lắng về Sô-đôm và Gô-mô-rơ, và Đức Giê-hô-va đã giúp ông như thế nào?

11 Vì có thói quen vâng lời Đức Giê-hô-va ngay cả trong những điều dường như nhỏ nhặt, Áp-ra-ham đã giữ được tình bạn tốt với Đức Chúa Trời và làm cho tình bạn ấy tiếp tục lớn mạnh. Ông cảm thấy thoải mái trong việc trải lòng với Đức Giê-hô-va và cầu xin sự giúp đỡ của ngài trước những câu hỏi khiến ông bối rối. Chẳng hạn, khi biết Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, Áp-ra-ham lo rằng những người công chính có thể bị diệt cùng với những kẻ gian ác. Có lẽ Áp-ra-ham lo cho gia đình của cháu ông là Lót, lúc đó đang sống tại Sô-đôm. Áp-ra-ham nêu lên các câu hỏi với lòng rất khiêm nhường và tin cậy Đức Chúa Trời, “Đấng đoán-xét toàn thế-gian”. Đức Giê-hô-va đã kiên nhẫn dạy cho Áp-ra-ham hiểu rằng ngài là đấng thương xót như thế nào, ngài đọc lòng mọi người và tìm kiếm những người công chính để gìn giữ, ngay cả trong những thời điểm phán xét.—Sáng 18:22-33.

12, 13. (a) Sau này, sự hiểu biết và kinh nghiệm của Áp-ra-ham đã giúp ông ra sao? (b) Điều gì cho thấy Áp-ra-ham có lòng tin chắc nơi Đức Giê-hô-va?

12 Chắc chắn, mỗi sự hiểu biết và kinh nghiệm mà Áp-ra-ham có đã giúp ông duy trì tình bạn mật thiết với Đức Giê-hô-va. Sau này, khi đối mặt với một thử thách đầy khó khăn là dâng Y-sác làm của lễ theo yêu cầu của Đức Giê-hô-va, Áp-ra-ham đã biết được Bạn trên trời của ông là một đấng như thế nào và có thể suy ngẫm về các đức tính của ngài. Giờ đây, hãy trở lại với câu chuyện về người đàn ông trung thành ấy khi ông đang leo lên dốc núi ở xứ Mô-ri-a. Ông có nghĩ rằng Đức Giê-hô-va sẽ đột nhiên trở nên nhẫn tâm không? Với Áp-ra-ham, đó là điều không thể xảy ra được! Làm sao chúng ta biết?

13 Trước khi chia tay các đầy tớ đi theo cha con ông, Áp-ra-ham nói: “Hãy ở lại đây với con lừa; ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia đặng thờ-phượng, rồi sẽ trở lại với hai ngươi” (Sáng 22:5). Áp-ra-ham có ý gì? Có phải ông đang lừa dối các đầy tớ bằng cách nói rằng Y-sác sẽ trở lại, trong khi Áp-ra-ham biết con mình sẽ được dâng làm của lễ không? Không. Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu được phần nào về điều mà Áp-ra-ham nghĩ đến. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:19). Áp-ra-ham “nghĩ rằng Đức Chúa Trời có thể làm [Y-sác] sống lại”. Đúng vậy, Áp-ra-ham tin nơi sự sống lại. Ông biết rằng Đức Giê-hô-va đã khôi phục khả năng sinh sản của ông và của Sa-ra khi họ đã già (Hê 11:11, 12, 18). Áp-ra-ham nhận biết rằng chẳng có điều gì mà Đức Giê-hô-va không làm được. Vì thế, ông tin chắc là dù chuyện gì xảy ra trong ngày thử thách đó, con trai yêu dấu sẽ trở lại với ông để mọi lời hứa của Đức Giê-hô-va có thể được ứng nghiệm. Không ngạc nhiên gì khi Áp-ra-ham được gọi là “cha của tất cả những người có đức tin”!

14. Anh chị đối mặt với những khó khăn nào khi phụng sự Đức Giê-hô-va, và gương của Áp-ra-ham có thể giúp anh chị ra sao?

14 Còn chúng ta thì sao? Đúng là ngày nay Đức Chúa Trời không yêu cầu chúng ta làm những điều như thế. Nhưng ngài muốn chúng ta vâng lời ngay cả khi thấy khó làm theo những mệnh lệnh của ngài hoặc không hiểu lý do nằm sau những mệnh lệnh ấy. Anh chị có cảm thấy khó vâng theo một điều nào đó mà Đức Chúa Trời đòi hỏi không? Với một số người, đó có thể là công việc rao giảng. Có lẽ họ phải đấu tranh với tính nhút nhát, là điều khiến họ khó nói chuyện với người lạ. Với một số người khác, việc khác biệt với những người xung quanh, chẳng hạn như tại trường học hoặc sở làm, có thể là một thử thách (Xuất 23:2; 1 Tê 2:2). Có bao giờ anh chị cảm thấy giống Áp-ra-ham, như thể anh chị đang leo lên dốc núi ở Mô-ri-a và đối mặt với một thử thách dường như quá sức không? Nếu vậy, gương mẫu của Áp-ra-ham và đức tin của ông có thể giúp anh chị can đảm! Việc suy ngẫm về gương của những người nam và nữ trung thành có thể thúc đẩy chúng ta bắt chước họ và đến gần Đức Giê-hô-va, Bạn của chúng ta.—Hê 12:1, 2.

MỘT TÌNH BẠN MANG LẠI NHIỀU ÂN PHƯỚC

15. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Áp-ra-ham không bao giờ hối tiếc vì đã trung thành vâng lời Đức Giê-hô-va?

15 Anh chị nghĩ Áp-ra-ham có bao giờ hối tiếc vì đã trung thành vâng lời Đức Giê-hô-va không? Hãy lưu ý Kinh Thánh miêu tả thế nào về phần kết của cuộc đời ông: “Người tuổi cao tác lớn và đã thỏa về đời mình” (Sáng 25:8). Khi Áp-ra-ham 175 tuổi, ông không còn sức nữa nhưng có thể nhìn lại đời mình với sự thỏa nguyện vì ông đã sống tốt. Đó là một cuộc đời giữ sự tập trung vào tình bạn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi đọc thấy Áp-ra-ham “tuổi cao tác lớn và đã thỏa về đời mình”, chúng ta không nên kết luận rằng ông đã hoàn toàn thỏa mãn với đời sống của mình và không có ước muốn sống trong tương lai.

16. Áp-ra-ham sẽ được hưởng những niềm vui nào trong địa đàng?

16 Kinh Thánh nói về Áp-ra-ham: “Ông chờ đợi một thành có nền móng thật, mà Đức Chúa Trời chính là đấng thiết kế và xây dựng” (Hê 11:10). Áp-ra-ham tin là một ngày nào đó ông sẽ thấy thành ấy, tức Nước của Đức Chúa Trời, cai trị trái đất. Quả thật, ông sẽ thấy điều đó! Anh chị có thể hình dung Áp-ra-ham sẽ hào hứng thế nào khi sống trong địa đàng và tiếp tục củng cố tình bạn với Đức Giê-hô-va không? Hẳn ông sẽ cảm động biết bao khi biết gương mẫu về đức tin của mình đã giúp các tôi tớ của Đức Giê-hô-va trong suốt hàng ngàn năm sau khi ông chết! Thậm chí trong địa đàng, ông còn được biết rằng cách mà Y-sác trở lại cùng ông là “hình ảnh tượng trưng” cho một điều lớn hơn rất nhiều (Hê 11:19). Ông cũng sẽ biết rằng nỗi đau mà ông trải qua khi chuẩn bị hy sinh Y-sác đã giúp hàng triệu người trung thành hình dung về nỗi đau của chính Đức Giê-hô-va khi ngài hy sinh Con của ngài là Chúa Giê-su Ki-tô làm giá chuộc (Giăng 3:16). Gương của Áp-ra-ham đã giúp tất cả chúng ta biết ơn và quý trọng hơn về món quà giá chuộc, hành động yêu thương cao cả nhất từng được thể hiện trong toàn bộ lịch sử!

17. Anh chị quyết tâm làm gì, và chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?

17 Mong sao mỗi chúng ta quyết tâm noi theo đức tin của Áp-ra-ham. Giống như ông, chúng ta cần sự hiểu biết và kinh nghiệm. Khi tiếp tục học về Đức Giê-hô-va và vâng lời ngài, chúng ta sẽ thấy cách ngài ban phước và bảo vệ chúng ta. (Đọc Hê-bơ-rơ 6:10-12). Nguyện Đức Giê-hô-va là Bạn của chúng ta mãi mãi! Trong bài tới, chúng ta sẽ xem xét thêm về ba gương mẫu trung thành khác, những người đã trở thành bạn thiết của Đức Chúa Trời.

^ [1] (đoạn 3) Ban đầu, người đàn ông này tên là Áp-ram và vợ ông tên là Sa-rai. Nhưng trong bài này, chúng ta sẽ dùng tên mà sau đó Đức Giê-hô-va đã đặt cho họ là Áp-ra-ham và Sa-ra.