Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va

Hãy chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va

“Đức Giê-hô-va sẽ làm chứng giữa tôi và anh, giữa dòng-dõi tôi và dòng-dõi anh đến đời đời”.—1 SA 20:42.

BÀI HÁT: 125, 62

1, 2. Tại sao có thể nói tình bạn của Giô-na-than với Đa-vít là một ví dụ nổi bật về lòng trung thành?

Giô-na-than hẳn rất kinh ngạc trước cách chàng trai trẻ Đa-vít đối mặt với gã khổng lồ Gô-li-át. Giờ đây Đa-vít đứng trước vua Y-sơ-ra-ên là Sau-lơ, cha của Giô-na-than, với “thủ-cấp của người Phi-li-tin nơi tay” (1 Sa 17:57). Rất có thể Giô-na-than cảm phục Đa-vít vì lòng can đảm của chàng. Rõ ràng Đức Chúa Trời đã ở cùng Đa-vít, và “lòng của Giô-na-than khế-hiệp cùng lòng Đa-vít”. Thực tế, hai người đã lập giao ước với nhau “bởi vì [Giô-na-than] yêu-mến [Đa-vít] như mạng-sống mình” (1 Sa 18:1-3). Trong suốt phần đời còn lại, Giô-na-than đã trung thành với Đa-vít.

2 Giô-na-than luôn gắn bó với Đa-vít dù Đức Chúa Trời đã chọn Đa-vít làm vị vua kế tiếp của nước Y-sơ-ra-ên. Giô-na-than lo lắng cho Đa-vít khi Sau-lơ tìm cách giết chàng. Để khích lệ bạn mình, ông đã đi đến đồng vắng xứ Giu-đa và giúp Đa-vít “vững lòng tin-cậy nơi Đức Chúa Trời”. Giô-na-than nói: “Chớ sợ chi... Anh sẽ làm vua Y-sơ-ra-ên, còn tôi sẽ làm tể-tướng anh”.—1 Sa 23:16, 17

3. Điều gì quan trọng với Giô-na-than hơn việc trung thành với Đa-vít, và làm sao chúng ta biết? (Xem hình nơi đầu bài).

3 Lòng trung thành là điều mà hầu như ai cũng cảm phục. Tuy nhiên, chúng ta sẽ bỏ qua một bài học trọng yếu nếu cảm phục lòng trung thành của Giô-na-than với Đa-vít nhưng không để ý lòng trung thành của ông với Đức Chúa Trời. Tại sao Giô-na-than xem Đa-vít là bạn chứ không phải là địch thủ? Chắc hẳn với Giô-na-than, có một điều quan trọng hơn sự thăng tiến của bản thân. Hãy nhớ rằng ông đã giúp Đa-vít “vững lòng tin-cậy nơi Đức Chúa Trời”. Thế thì, rõ ràng là sự trung thành với Đức Chúa Trời giữ vị trí quan trọng nhất trong lòng Giô-na-than. Quả thật, lòng trung thành với Đức Giê-hô-va chính là nền tảng cho lòng trung thành của ông với Đa-vít. Cả hai người đều trung thành giữ lời thề của họ: “Đức Giê-hô-va sẽ làm chứng giữa tôi và anh, giữa dòng-dõi tôi và dòng-dõi anh đến đời đời”.—1 Sa 20:42.

4. (a) Điều gì sẽ khiến chúng ta thật sự vui mừng và thỏa nguyện? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

4 Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta không đơn thuần cảm phục lòng trung thành của người khác; chính chúng ta cũng trung thành với các thành viên trong gia đình, bạn bè và anh em đồng đạo (1 Tê 2:10, 11). Nhưng lòng trung thành dành cho ai nên có vị trí quan trọng nhất với chúng ta? Đó là lòng trung thành đối với đấng ban cho chúng ta sự sống! (Khải 4:11). Việc giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời mang lại cho chúng ta sự vui mừng và thỏa nguyện thật. Nhưng nếu muốn chứng tỏ lòng trung thành, chúng ta phải gắn bó với ngài ngay cả khi trải qua những thử thách khó đương đầu. Bài này sẽ xem xét làm thế nào gương của Giô-na-than có thể giúp chúng ta chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va trong bốn tình huống khó khăn: (1) Khi cảm thấy một người có uy quyền không đáng được tôn trọng, (2) khi phải chọn trung thành với ai, (3) khi chúng ta bị hiểu lầm hoặc bị xét đoán sai, và (4) khi lòng trung thành mâu thuẫn với lợi ích cá nhân.

KHI CẢM THẤY MỘT NGƯỜI CÓ UY QUYỀN KHÔNG ĐÁNG ĐƯỢC TÔN TRỌNG

5. Tại sao không dễ để dân Y-sơ-ra-ên trung thành với Đức Chúa Trời trong lúc Sau-lơ làm vua?

5 Đức Chúa Trời đã bổ nhiệm cha của Giô-na-than là Sau-lơ làm vua. Nhưng sau này Sau-lơ trở nên bất tuân và Đức Giê-hô-va từ bỏ ông (1 Sa 15:17-23). Vì Đức Chúa Trời không phế truất ngôi vua của Sau-lơ ngay lập tức nên hạnh kiểm xấu của Sau-lơ đã thử thách dân sự mà ông cai trị và tất cả những ai thân cận với ông. Họ đối mặt với thử thách của việc giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời trong khi vua của họ, người ngồi trên “ngôi của Đức Giê-hô-va”, theo đuổi một đường lối ương ngạnh.—1 Sử 29:23.

6. Điều gì cho thấy Giô-na-than đã giữ trung thành với Đức Giê-hô-va?

6 Khi Sau-lơ lần đầu tiên thể hiện tinh thần bất tuân, con trai của ông là Giô-na-than đã chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va (1 Sa 13:13, 14). Nhà tiên tri Sa-mu-ên từng nói: “Đức Giê-hô-va vì cớ danh lớn mình, sẽ chẳng từ bỏ dân-sự Ngài” (1 Sa 12:22). Giô-na-than cho thấy ông tin điều đó khi một đạo quân Phi-li-tin đông đảo với 30.000 cỗ xe đe dọa nước Y-sơ-ra-ên. Sau-lơ chỉ có 600 người, hơn nữa duy nhất ông và Giô-na-than có vũ khí! Dù vậy, Giô-na-than đã tiến đến một đồn quân Phi-li-tin chỉ cùng với người vác binh khí của mình. Giô-na-than nói: “Đức Giê-hô-va khiến cho số ít người được thắng cũng như số đông người vậy”. Hai người Y-sơ-ra-ên ấy đã giết khoảng 20 lính ở đồn quân. Rồi “đất bị rúng-động: ấy như một sự kinh-khiếp của Đức Chúa Trời vậy”. Trong sự hỗn loạn, người Phi-li-tin giết lẫn nhau. Đức tin của Giô-na-than nơi Đức Chúa Trời đã dẫn đến chiến thắng.—1 Sa 13:5, 15, 22; 14:1, 2, 6, 14, 15, 20.

7. Giô-na-than đã đối xử với cha của ông như thế nào?

7 Ngay cả khi mối quan hệ của Sau-lơ với Đức Chúa Trời trở nên suy yếu, Giô-na-than vẫn hợp tác với cha mình bất cứ khi nào có thể. Chẳng hạn, họ đã cùng nhau chiến đấu để bảo vệ dân của Đức Chúa Trời.—1 Sa 31:1, 2.

8, 9. Tại sao khi tôn trọng những người có quyền, chúng ta cho thấy mình đang trung thành với Đức Chúa Trời?

8 Giống như Giô-na-than, chúng ta có thể chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va qua việc vâng phục một cách tương đối các bậc cầm quyền. Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta làm thế, ngay cả khi cảm thấy một người có quyền không đáng được tôn trọng. Chẳng hạn, có thể một viên chức chính quyền tham nhũng nhưng chúng ta vẫn tôn trọng vị trí của người ấy bởi vì chúng ta vâng phục một cách tương đối “các bậc cầm quyền”. (Đọc Rô-ma 13:1, 2). Thật ra, tất cả chúng ta có thể chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va qua việc tôn trọng những ai được ngài ban quyền hành.—1 Cô 11:3; Hê 13:17.

Một cách để chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va là thể hiện sự tôn trọng đối với người hôn phối không cùng đức tin (Xem đoạn 9)

9 Tại Nam Mỹ, chị Olga [1] đã chứng tỏ lòng trung thành với Đức Chúa Trời qua việc thể hiện sự tôn trọng với chồng ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Trong nhiều năm, anh tỏ ra khó chịu vì chị là một Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh gây tổn thương cho chị về cảm xúc, lăng mạ chị, không nói chuyện với chị, dọa sẽ bỏ chị và mang các con đi. Nhưng chị Olga không lấy ác trả ác. Chị đã cố gắng hết sức để làm một người vợ tốt qua việc nấu ăn và giặt quần áo cho chồng cũng như chăm sóc các thành viên trong gia đình anh (Rô 12:17). Mỗi khi có thể, chị đi cùng chồng đến dự các buổi họp mặt của gia đình hoặc đồng nghiệp của anh. Chẳng hạn, khi anh muốn tới một thành phố khác để dự đám tang của cha, chị đã lo toan mọi thứ cần thiết cho chuyến đi và chuẩn bị cho con cái để chúng có thể đi cùng. Chị đợi chồng ở trước cửa nhà thờ cho đến khi buổi lễ kết thúc. Sau nhiều năm, thái độ của anh đã dịu đi nhờ sự kiên nhẫn và tôn trọng của chị Olga. Giờ đây, anh khuyến khích chị đi nhóm họp và đưa chị đến Phòng Nước Trời. Thỉnh thoảng, anh còn tham dự các buổi nhóm họp cùng với chị.—1 Phi 3:1.

KHI PHẢI LỰA CHỌN TRUNG THÀNH VỚI AI

10. Làm thế nào Giô-na-than biết ông cần trung thành với ai?

10 Vì Sau-lơ quyết tâm giết Đa-vít nên Giô-na-than đã phải đối mặt với một quyết định khó khăn. Ông muốn trung thành với cha nhưng đồng thời cũng muốn trung thành với Đa-vít. Tuy nhiên, Giô-na-than biết rằng Đức Chúa Trời ở cùng Đa-vít chứ không ở cùng Sau-lơ. Do đó, Giô-na-than đã đặt lòng trung thành với Đa-vít lên trên lòng trung thành với Sau-lơ. Ông bảo Đa-vít ẩn mình và sau đó nói tốt về Đa-vít trước mặt cha.—Đọc 1 Sa-mu-ên 19:1-6.

11, 12. Làm thế nào tình yêu thương với Đức Chúa Trời giúp chúng ta quyết định trung thành với ngài?

11 Lòng trung thành với Đức Chúa Trời đã giúp một chị người Úc là Alice xác định được mình nên đặt lòng trung thành với những người khác ở vị trí nào. Khi bắt đầu học Kinh Thánh, chị nói cho gia đình biết về những điều tốt mà mình đang học. Sau đó, chị Alice nói với các thành viên trong gia đình rằng chị sẽ không cùng họ cử hành Lễ Giáng Sinh. Chị giải thích lý do nhưng sự thất vọng ban đầu của họ dần dần chuyển thành nỗi giận dữ cay đắng. Họ cảm thấy chị đang quay lưng lại với gia đình. Chị Alice nói: “Cuối cùng, mẹ đã nói rằng mẹ từ mặt tôi. Tôi bị sốc và rất đau lòng bởi vì tôi thật sự yêu thương gia đình. Dù vậy, tôi kiên quyết đặt Đức Giê-hô-va và Con ngài ở vị trí quan trọng nhất trong lòng mình, và tôi đã làm báp-têm tại hội nghị gần nhất”.—Mat 10:37.

12 Nếu không cẩn thận, lòng trung thành với một quốc gia, một trường học hoặc một đội thể thao dần dần có thể bóp nghẹt lòng trung thành của chúng ta với Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, một bạn trẻ tên là Henry thích chơi cờ vua. Trường của Henry có truyền thống đoạt giải vô địch và bạn ấy muốn nỗ lực hết sức. Nhưng Henry thừa nhận: “Dần dần, lòng trung thành của tôi với nhà trường bắt đầu được đặt lên trên lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Những trận cờ vào cuối tuần đã choán lấy thời gian tham gia thánh chức. Thế nên, tôi đã quyết định ra khỏi đội cờ vua”.—Mat 6:33.

13. Lòng trung thành với Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta thế nào để đối phó với các vấn đề gia đình?

13 Đôi khi, việc trung thành với các thành viên khác nhau trong gia đình cùng một lúc có thể là điều khó. Chẳng hạn, một anh tên là Ken chia sẻ: “Tôi muốn thăm người mẹ lớn tuổi của mình thường xuyên và muốn mẹ thỉnh thoảng ở với chúng tôi. Nhưng mẹ và vợ tôi không hòa hợp với nhau. Mới đầu, tôi đối mặt với tình cảnh tiến thoái lưỡng nan vì tôi không thể làm hài lòng người này mà không làm mất lòng người kia. Rồi tôi nhận ra rằng trong tình huống như thế, lòng trung thành khiến tôi đặt nhu cầu của vợ lên hàng ưu tiên”. Thế nên, anh Ken đã tế nhị đưa ra một giải pháp mà vợ thấy thoải mái. Lòng trung thành với Đức Chúa Trời và sự tôn trọng Lời của ngài đã giúp anh can đảm giải thích với vợ lý do mẹ anh cần được tiếp đón tử tế, đồng thời giải thích với mẹ tại sao bà nên tôn trọng vợ anh.—Đọc Sáng-thế Ký 2:24; 1 Cô-rinh-tô 13:4, 5.

KHI CHÚNG TA BỊ HIỂU LẦM HOẶC BỊ XÉT ĐOÁN SAI

14. Sau-lơ đã đối xử không công bằng với Giô-na-than như thế nào?

14 Việc giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va có thể là điều khó nếu chúng ta bị xét đoán sai bởi một người ở vị trí có trách nhiệm. Giô-na-than có lẽ đã phải đối mặt với thử thách ấy. Vua Sau-lơ, người được Đức Chúa Trời xức dầu, biết về tình bạn của con trai ông với Đa-vít nhưng ông không hiểu vì sao Giô-na-than yêu mến Đa-vít. Khi Giô-na-than cố gắng giúp Đa-vít, Sau-lơ đã tức giận và sỉ nhục Giô-na-than. Tuy nhiên, Giô-na-than không trả đũa. Ông đã giữ vững lòng trung thành với Đức Chúa Trời và với Đa-vít, người sau này sẽ trở thành vua của nước Y-sơ-ra-ên.—1 Sa 20:30-41.

15. Nếu một anh đối xử không công bằng với chúng ta, chúng ta nên phản ứng ra sao?

15 Trong các hội thánh của dân Đức Giê-hô-va ngày nay, rất hiếm khi chúng ta bị đối xử bất công. Tuy nhiên, các anh dẫn đầu cũng là người bất toàn và có thể hiểu sai các hành động của chúng ta (1 Sa 1:13-17). Nếu có khi nào bị xét đoán sai hoặc bị hiểu lầm, chúng ta hãy giữ trung thành với Đức Giê-hô-va.

KHI LÒNG TRUNG THÀNH MÂU THUẪN VỚI LỢI ÍCH CÁ NHÂN

16. Trong những tình huống nào, chúng ta phải trung thành với Đức Chúa Trời và không ích kỷ?

16 Sau-lơ khuyến giục Giô-na-than theo đuổi lợi ích riêng (1 Sa 20:31). Nhưng lòng trung thành với Đức Chúa Trời đã thúc đẩy Giô-na-than làm bạn với Đa-vít thay vì tìm kiếm những lợi thế từ việc chính mình được làm vua. Chúng ta sẽ muốn noi theo tinh thần bất vị kỷ của Giô-na-than nếu nhớ rằng một người được Đức Giê-hô-va chấp nhận thì sẽ giữ điều mình “thề-nguyện, dầu phải tổn-hại cũng không đổi-dời gì hết” (Thi 15:4). Giô-na-than đã “không đổi-dời” về lời ông hứa với Đa-vít. Tương tự, chúng ta cũng không nên thất hứa. Chẳng hạn, nếu thấy khó tôn trọng một thỏa thuận kinh doanh hơn dự tính, lòng trung thành với Đức Chúa Trời và sự tôn trọng dành cho Kinh Thánh nên thúc đẩy chúng ta giữ lời. Nói sao nếu hôn nhân của chúng ta trở nên khó khăn hơn so với mong đợi? Tình yêu thương với Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ thôi thúc chúng ta giữ lời thề ước với người hôn phối.—Đọc Ma-la-chi 2:13-16.

Việc tôn trọng các thỏa thuận trong kinh doanh có thể thử thách lòng trung thành của chúng ta với Đức Chúa Trời và sự tôn trọng dành cho Kinh Thánh (Xem đoạn 16)

17. Bài này đã giúp anh chị như thế nào?

17 Khi suy ngẫm về gương của Giô-na-than, chẳng phải chúng ta muốn noi theo lòng trung thành của ông đối với Đức Chúa Trời sao? Chúng ta không muốn theo đuổi những lợi ích cá nhân ích kỷ. Giống như Giô-na-than, hãy chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va qua việc trung thành với dân ngài, ngay cả với những người có thể làm chúng ta thất vọng. Khi trung thành với Giê-hô-va Đức Chúa Trời dù phải đối mặt với các tình huống khó khăn, chúng ta làm ngài vui lòng. Đó là điều mang lại sự thỏa nguyện sâu xa nhất (Châm 27:11). Nếu giữ trung thành với Đức Giê-hô-va, cuối cùng chúng ta sẽ thấy cách ngài giải quyết mọi điều vì lợi ích của những người yêu mến ngài. Bài tới sẽ thảo luận những bài học quý báu mà chúng ta có thể rút ra qua việc xem xét hành động của một số người trung thành và một số người bất trung vào thời Đa-vít.

^ [1] (đoạn 9) Một số tên đã được thay đổi.