Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy noi gương những người bạn thiết của Đức Giê-hô-va

Hãy noi gương những người bạn thiết của Đức Giê-hô-va

“Đức Giê-hô-va kết bạn thiết cùng người kính-sợ Ngài”.—THI 25:14.

BÀI HÁT: 106, 118

1-3. (a) Tại sao chúng ta chắc chắn rằng mình có thể trở thành bạn Đức Chúa Trời? (b) Chúng ta sẽ xem xét về những cá nhân nào trong bài này?

Có ba lần Kinh Thánh cho biết Áp-ra-ham là bạn của Đức Chúa Trời (2 Sử 20:7; Ê-sai 41:8; Gia 2:23). Thực tế, người đàn ông trung thành ấy là người duy nhất được Kinh Thánh nói cụ thể là bạn của Đức Chúa Trời. Vậy chúng ta có nên cho rằng Áp-ra-ham là người duy nhất đã trở thành bạn của Đức Giê-hô-va không? Không, vì Kinh Thánh cho thấy tình bạn với Đức Chúa Trời là điều mà mỗi chúng ta có thể có được.

2 Kinh Thánh có nhiều lời tường thuật về những người nam và nữ trung thành kính sợ Đức Giê-hô-va, đặt đức tin nơi ngài và trở thành bạn thiết của ngài. (Đọc Thi-thiên 25:14). Sứ đồ Phao-lô đã viết về ‘các nhân chứng như đám mây rất lớn’. Tất cả những người ấy chắc chắn đều là bạn của Đức Chúa Trời, dù họ khác biệt nhau rất nhiều.—Hê 12:1.

3 Hãy xem xét về ba người bạn thiết của Đức Giê-hô-va được miêu tả trong Kinh Thánh. Đó là: (1) Ru-tơ, góa phụ trẻ người Mô-áp, trung thành với Đức Chúa Trời; (2) Ê-xê-chia, một vị vua công chính của nước Giu-đa; và (3) Ma-ri, người mẹ khiêm nhường của Chúa Giê-su. Chúng ta có thể học được gì từ cách mỗi người trong số họ vun trồng tình bạn với Đức Chúa Trời?

CÔ ĐÃ THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG TRUNG TÍN

4, 5. Ru-tơ phải đưa ra lựa chọn nào, và tại sao điều này lại khó khăn đến vậy? (Xem hình nơi đầu bài).

4 Hãy hình dung ba góa phụ đang bước trên con đường lộng gió băng qua đồng bằng Mô-áp. Đó là Na-ô-mi và hai con dâu của bà: Ru-tơ và Ọt-ba. Chúng ta thấy Ọt-ba bỏ đi vì cô đã quyết định trở về nhà mình tại Mô-áp. Còn Na-ô-mi quyết tâm đi tiếp đến Y-sơ-ra-ên, quê nhà của bà. Cùng đi với bà có Ru-tơ, người phải đối diện với quyết định có lẽ là quan trọng nhất trong đời mình. Cô có thể trở về nhà, về với dân tộc mình ở Mô-áp hoặc gắn bó với mẹ chồng là Na-ô-mi và đi đến Bết-lê-hem.—Ru 1:1-8, 14.

5 Ru-tơ có thể dễ dàng lập luận rằng mình có một gia đình ở Mô-áp. Mẹ ruột và những người bà con hẳn sẽ tiếp nhận người góa phụ trẻ và chăm sóc cho cô. Mô-áp là quê hương cô. Văn hóa của họ là văn hóa của cô, ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ của cô và dân tộc của họ là dân tộc của cô. Na-ô-mi không thể hứa rằng Ru-tơ sẽ có được những điều thuận lợi như thế ở Bết-lê-hem. Thực tế, bà đã khuyên Ru-tơ ở lại Mô-áp. Na-ô-mi sợ rằng bà không thể tìm cho mỗi con dâu một người chồng, cũng không thể có một mái nhà cho họ. Ru-tơ sẽ làm gì? Hãy lưu ý sự tương phản giữa cô và Ọt-ba, người ‘đã trở về quê-hương và thần của mình’ (Ru 1:9-15). Ru-tơ có muốn trở về với các thần giả của dân tộc mình không? Không.

6. (a) Ru-tơ đã đưa ra lựa chọn khôn ngoan nào? (b) Tại sao Bô-ô nói rằng Ru-tơ đã “núp dưới cánh” Đức Giê-hô-va?

6 Dường như Ru-tơ đã biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời, có lẽ từ người chồng quá cố của mình hoặc từ Na-ô-mi. Đức Giê-hô-va không giống như các thần của Mô-áp. Ru-tơ biết rằng Đức Giê-hô-va xứng đáng để cô yêu mến và thờ phượng. Dù vậy, có sự hiểu biết thôi là chưa đủ. Ru-tơ phải đưa ra lựa chọn. Liệu cô sẽ chọn Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời của mình không? Ru-tơ đã lựa chọn khôn ngoan. Cô nói với Na-ô-mi: “Dân-sự của mẹ, tức là dân-sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi” (Ru 1:16). Thật ấm lòng khi nghĩ về tình yêu thương của Ru-tơ đối với Na-ô-mi, nhưng điều quan trọng hơn nhiều là tình yêu thương của cô dành cho Đức Giê-hô-va. Sau này, một người chủ đất là Bô-ô đã khen Ru-tơ vì cô “núp dưới cánh” Đức Giê-hô-va. (Đọc Ru-tơ 2:12). Có lẽ điều này gợi nhớ đến hình ảnh một chim con núp dưới cánh của chim mẹ khỏe mạnh và có thể bảo vệ nó (Thi 36:7; 91:1-4). Theo cách tương tự, Đức Giê-hô-va đã yêu thương bảo vệ Ru-tơ. Nhờ đức tin của mình, Ru-tơ được ngài ban thưởng và cô không bao giờ có lý do gì để hối tiếc về quyết định của mình.

7. Điều gì có thể giúp ích cho những ai còn do dự trong việc dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va?

7 Nhiều người học về Đức Giê-hô-va nhưng do dự nương náu nơi ngài. Họ trì hoãn việc dâng mình, làm báp-têm và trở thành tôi tớ của Đức Chúa Trời. Nếu đang do dự dâng mình cho Đức Giê-hô-va, bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao? Mỗi người đều phụng sự thần này hay thần khác (Giô-suê 24:15). Tại sao không nương náu nơi Đức Chúa Trời là đấng duy nhất đáng để chúng ta phụng sự? Dâng mình cho Đức Giê-hô-va là một cách tuyệt vời để thể hiện đức tin nơi ngài. Đức Giê-hô-va sẽ giúp bạn sống phù hợp với quyết định ấy và đương đầu với bất cứ thử thách nào có thể xảy đến. Đó là điều ngài đã làm cho Ru-tơ.

“NGƯỜI TRÍU-MẾN ĐỨC GIÊ-HÔ-VA” BẤT CHẤP HOÀN CẢNH XUẤT THÂN

8. Hãy miêu tả hoàn cảnh xuất thân của Ê-xê-chia.

8 Khác với Ru-tơ, người trẻ Ê-xê-chia sinh ra trong một nước đã được dâng cho Đức Giê-hô-va. Nhưng không phải mọi người Y-sơ-ra-ên đều sống phù hợp với sự hiến dâng ấy. Vua A-cha, cha của Ê-xê-chia, là một ví dụ điển hình. Vị vua gian ác này đã đưa vương quốc Giu-đa vào việc thờ thần tượng, thậm chí còn xúc phạm đền của Đức Giê-hô-va ở Giê-ru-sa-lem. Khó có thể hình dung về tuổi thơ của Ê-xê-chia, vì một vài anh em của ông đã chết một cách thảm khốc khi bị thiêu sống làm của lễ dâng cho một thần giả!—2 Vua 16:2-4, 10-17; 2 Sử 28:1-3.

9, 10. (a) Tại sao Ê-xê-chia đã có thể dễ dàng trở nên cay đắng? (b) Tại sao chúng ta không nên cay đắng với Đức Chúa Trời? (c) Tại sao không nên nghĩ rằng hoàn cảnh xuất thân sẽ quyết định loại người mà chúng ta trở thành?

9 Khi lớn lên, Ê-xê-chia đã có thể dễ dàng trở nên một người cay đắng, giận dữ và quay lưng lại với Đức Chúa Trời. Thực tế là có những người trải qua hoàn cảnh ít khó khăn hơn đã nghĩ rằng họ có lý do chính đáng để “oán Đức Giê-hô-va” hoặc cay đắng với tổ chức của ngài (Châm 19:3). Một số người khác tin rằng hoàn cảnh gia đình không mấy tốt đẹp đã đẩy họ vào cảnh có một đời sống tồi tệ, có lẽ lặp lại những lỗi lầm của cha mẹ (Ê-xê 18:2, 3). Những quan niệm như thế có đúng không?

10 Cuộc đời của Ê-xê-chia cho chúng ta câu trả lời rõ ràng: Hoàn toàn không! Không bao giờ có lý do nào là chính đáng để trở nên cay đắng với Đức Giê-hô-va vì ngài không phải là nguồn của những điều xấu xảy ra cho người ta trong thế gian gian ác này (Gióp 34:10). Đúng là cha mẹ có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ trên con cái, dù tốt hay xấu (Châm 22:6; Cô 3:21). Nhưng điều này không có nghĩa là hoàn cảnh gia đình của một người sẽ quyết định lối sống của người ấy. Trái lại, Đức Giê-hô-va đã ban cho tất cả chúng ta một món quà quý giá: Khả năng lựa chọn điều mình sẽ làm và người mà mình sẽ trở thành (Phục 30:19). Ê-xê-chia đã dùng món quà đó như thế nào?

Nhiều người trẻ chấp nhận sự thật bất chấp hoàn cảnh gia đình (Xem đoạn 9, 10)

11. Điều gì giúp Ê-xê-chia trở thành một trong những vị vua tốt nhất của nước Giu-đa?

11 Dù Ê-xê-chia là con trai của một trong những vị vua tồi tệ nhất của nước Giu-đa nhưng khi lớn lên, ông đã trở thành một trong những vị vua tốt nhất. (Đọc 2 Các Vua 18:5, 6). Đúng vậy, cha của ông là một nguồn ảnh hưởng tai hại nhưng cũng có những nguồn ảnh hưởng khác mà Ê-xê-chia có thể lựa chọn theo. Ê-sai, Mi-chê và Ô-sê đều phụng sự với tư cách là những nhà tiên tri trong thời đó. Chúng ta có thể hình dung vua Ê-xê-chia rất chú tâm vào những lời tuyên bố được soi dẫn của những người trung thành ấy. Ông để sự khuyên dạy và sửa sai của Đức Giê-hô-va thấm vào lòng. Vì thế, Ê-xê-chia bắt tay vào việc chỉnh sửa lại những điều sai trái tồi tệ mà cha của ông đã làm. Ông làm thế bằng cách dọn sạch đền thờ, chuộc tội cho dân sự và phá hủy hình tượng các thần giả qua một chiến dịch mạnh mẽ và rộng khắp (2 Sử 29:1-11, 18-24; 31:1). Ê-xê-chia đã thể hiện lòng can đảm và đức tin vững vàng khi đối mặt với những thử thách khó khăn, chẳng hạn như khi Giê-ru-sa-lem có nguy cơ bị vua A-si-ri là San-chê-ríp tấn công. Ê-xê-chia tin cậy nơi sự giải cứu của Đức Chúa Trời, đồng thời củng cố dân sự qua lời nói và gương mẫu (2 Sử 32:7, 8). Sau này, khi Ê-xê-chia cần được sửa sai vì đã tỏ thái độ kiêu ngạo, ông đã hạ mình xuống và ăn năn (2 Sử 32:24-26). Rõ ràng, Ê-xê-chia không để quá khứ hủy hoại đi hiện tại hay cướp mất tương lai của mình. Thay vì thế, Ê-xê-chia cho thấy rằng ông là bạn của Đức Giê-hô-va và là một gương mẫu tốt để noi theo.

12. Giống như Ê-xê-chia, nhiều người ngày nay đã chứng tỏ họ là bạn của Đức Giê-hô-va như thế nào?

12 Vì chúng ta đang sống trong một thế gian vô tình và hung dữ nên không ngạc nhiên gì khi có nhiều em nhỏ phải lớn lên mà không nhận được sự yêu thương và bảo vệ của cha mẹ (2 Ti 3:1-5). Nhiều tín đồ ngày nay có hoàn cảnh gia đình không tốt nhưng họ đã xây dựng tình bạn mật thiết với Đức Giê-hô-va. Giống như Ê-xê-chia, họ cho thấy rằng quá khứ của một người không hẳn sẽ quyết định tương lai của người ấy. Đức Chúa Trời đã tôn trọng chúng ta qua việc ban cho chúng ta món quà tự do ý chí. Chúng ta có đặc ân dùng món quà ấy để “tríu-mến”, hay gắn bó với Đức Giê-hô-va cũng như mang lại sự tôn vinh và vinh hiển cho ngài, giống như Ê-xê-chia đã làm.

“NÀY, TÔI LÀ TÔI TỚ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA!”

13, 14. Tại sao nhiệm vụ của Ma-ri có vẻ quá khó, nhưng nàng đã đáp lại lời của thiên sứ Gáp-ri-ên như thế nào?

13 Nhiều thế kỷ sau thời của Ê-xê-chia, một phụ nữ Do Thái trẻ khiêm nhường, quê ở Na-xa-rét, đã xây dựng một tình bạn có một không hai với Đức Giê-hô-va. Không người nào khác từng nhận được một nhiệm vụ giống như thế. Nàng sẽ thụ thai, sinh ra và nuôi dưỡng Con một của Đức Chúa Trời! Hãy hình dung Đức Giê-hô-va hẳn phải tin cậy con gái của Hê-li là Ma-ri đến mức nào để giao cho nàng một nhiệm vụ như thế. Nhưng lúc đầu, có lẽ viễn cảnh về nhiệm vụ đó đã khiến Ma-ri cảm thấy ra sao?

“Này, tôi là tôi tớ Đức Giê-hô-va!” (Xem đoạn 13, 14)

14 Chúng ta dễ dàng chỉ nghĩ đến đặc ân tuyệt vời của Ma-ri và quên xem xét một số mối quan tâm thực tế mà có thể đã khiến cho người phụ nữ ấy lo lắng. Thiên sứ của Đức Chúa Trời là Gáp-ri-ên nói với Ma-ri rằng nàng sẽ thụ thai một cách kỳ diệu mà không cần đến một người nam nào. Gáp-ri-ên không nói rằng thiên sứ ấy sẽ gặp gia đình và hàng xóm của Ma-ri để giải thích vì sao nàng có thai. Họ sẽ nghĩ gì? Ma-ri hẳn lo lắng về vị hôn phu của mình là Giô-sép. Làm thế nào Ma-ri có thể khiến Giô-sép tin rằng dù đã có thai nhưng nàng vẫn chung thủy? Hơn nữa, việc nuôi dưỡng, chăm sóc và huấn luyện Con một của Đấng Tối Cao quả là một trách nhiệm lớn lao! Chúng ta không thể biết về mọi mối lo lắng có lẽ đã đến dồn dập trong tâm trí Ma-ri khi thiên sứ Gáp-ri-ên nói chuyện với nàng. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng nàng đáp: “Này, tôi là tôi tớ Đức Giê-hô-va! Nguyện điều ấy xảy đến cho tôi như lời người nói”.—Lu 1:26-38.

15. Tại sao đức tin của Ma-ri là điều nổi bật?

15 Chẳng phải đức tin của Ma-ri thật nổi bật sao? Một người tôi tớ thì hoàn toàn nằm trong tay của chủ. Vì thế, Ma-ri đặt sự lựa chọn của bản thân vào tay Chủ mình là Đức Giê-hô-va và tin rằng ngài sẽ chăm sóc cho mình. Ma-ri muốn phụng sự Đức Chúa Trời theo bất cứ cách nào ngài thấy phù hợp. Đức tin của nàng từ đâu mà có? Đức tin không có do bẩm sinh, mà có được nhờ nỗ lực của một người và nhờ Đức Chúa Trời ban phước (Ga 5:22; Ê-phê 2:8). Có bằng chứng cho thấy Ma-ri đã nỗ lực để củng cố đức tin của mình không? Có. Hãy xem xét cách nàng lắng nghe và cách nàng nói.

16. Điều gì cho thấy Ma-ri là người biết lắng nghe?

16 Cách Ma-ri lắng nghe. Kinh Thánh khuyên chúng ta “mau nghe, chậm nói” (Gia 1:19). Ma-ri có phải là một người biết lắng nghe không? Rõ ràng là có. Sách Phúc âm Lu-ca hai lần cho thấy rằng Ma-ri cẩn thận lắng nghe những lời có ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc, và sau đó nàng đã dành thời gian suy ngẫm về những điều mình được nghe. Vào lúc Chúa Giê-su sinh ra, những người chăn chiên khiêm nhường đã cho Ma-ri biết về một thông điệp của thiên sứ. Khoảng 12 năm sau, dù vẫn là một cậu bé, Chúa Giê-su đã nói một điều có ý nghĩa thiêng liêng lớn lao. Trong cả hai trường hợp ấy, Ma-ri đều lắng nghe, ghi nhớ và cẩn thận suy nghĩ về những điều mình được nghe.—Đọc Lu-ca 2:16-19, 49, 51.

17. Chúng ta có thể học được gì từ cách Ma-ri nói?

17 Cách Ma-ri nói. Kinh Thánh không ghi lại nhiều lời nói của Ma-ri. Lời nói dài nhất của Ma-ri được ghi lại ở Lu-ca 1:46-55. Những lời này cho thấy rằng Ma-ri biết rõ Kinh Thánh. Lời ấy có vẻ phần nào tương đồng với lời cầu nguyện của An-ne, mẹ của nhà tiên tri Sa-mu-ên (1 Sa 2:1-10). Dường như Ma-ri đã trích dẫn Kinh Thánh khoảng 20 lần trong lời nói ấy. Rõ ràng, Ma-ri là một phụ nữ không ngần ngại nói về những điều thiêng liêng. Ma-ri thoải mái sử dụng kho báu trong lòng, một kho chứa những sự thật quý giá mà nàng đã học từ Bạn vĩ đại nhất của mình là Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

18. Chúng ta có thể noi theo đức tin của Ma-ri như thế nào?

18 Giống với Ma-ri, đôi lúc chúng ta có thể cảm thấy những nhiệm vụ mà Đức Giê-hô-va giao cho mình có vẻ là một thách đố. Như Ma-ri, chúng ta hãy khiêm nhường đặt mình vào tay Đức Giê-hô-va và tin cậy rằng ngài sẽ hành động vì lợi ích tốt nhất của chúng ta. Hãy noi theo đức tin của Ma-ri qua việc cẩn thận lắng nghe những điều chúng ta đang được học về Đức Giê-hô-va và ý định của ngài, cũng như suy ngẫm về những sự thật thiêng liêng và vui mừng nói cho người khác biết về những điều chúng ta đã học.—Thi 77:11, 12; Lu 8:18; Rô 10:15.

19. Khi noi theo những gương mẫu xuất sắc về đức tin được ghi lại trong Kinh Thánh, chúng ta có thể chắc chắn về điều gì?

19 Rõ ràng là Ru-tơ, Ê-xê-chia và Ma-ri đã được làm bạn với Đức Giê-hô-va, giống như Áp-ra-ham. Họ cùng với tất cả những người hợp thành ‘các nhân chứng như đám mây rất lớn’ cũng như nhiều người trung thành khác trong suốt lịch sử đã có đặc ân tuyệt vời là được làm bạn với Đức Chúa Trời. Mong sao chúng ta tiếp tục noi theo đức tin của những người như thế (Hê 6:11, 12). Khi làm vậy, chúng ta có thể chắc chắn về một phần thưởng lớn lao: Được là bạn thiết của Đức Giê-hô-va mãi mãi!