Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Đức Giê-hô-va giúp tôi thành công trong việc phụng sự ngài

Đức Giê-hô-va giúp tôi thành công trong việc phụng sự ngài

Tôi nói với viên sĩ quan rằng tôi từng ngồi tù vì không tham gia chiến tranh. Tôi hỏi anh ta: “Anh định bắt tôi phải vào đó lần nữa sao?”. Cuộc trao đổi ấy diễn ra khi tôi được gọi gia nhập Quân đội Hoa Kỳ lần thứ hai.

Tôi sinh năm 1926 ở Crooksville, bang Ohio, Hoa Kỳ. Bố mẹ tôi không phải là người sùng đạo, nhưng họ đều bảo tám anh em chúng tôi đi nhà thờ. Tôi đã đi nhà thờ Giám Lý Hội. Khi 14 tuổi, tôi được mục sư tặng cho một phần thưởng vì đã không bỏ lỡ buổi lễ nào vào ngày chủ nhật ở nhà thờ trong cả một năm.

Chị Margaret Walker (người thứ hai từ trái sang) đã giúp tôi học sự thật

Trong khoảng thời gian đó, người hàng xóm của tôi tên là Margaret Walker, một Nhân Chứng Giê-hô-va, bắt đầu đến thăm mẹ tôi và nói về Kinh Thánh. Một hôm, tôi quyết định ngồi cùng họ. Mẹ nghĩ là tôi sẽ quấy rầy buổi thảo luận của họ, vì thế mẹ bảo tôi đi ra ngoài. Nhưng tôi vẫn cố gắng nghe các cuộc thảo luận ấy. Sau vài lần viếng thăm, chị Margaret hỏi tôi: “Cậu có biết tên của Đức Chúa Trời không?”. Tôi trả lời: “Ai mà chả biết, đó là Đức Chúa Trời”. Chị ấy nói: “Hãy lấy Kinh Thánh của cậu ra và xem Thi-thiên 83:18”. Tôi làm theo và phát hiện ra tên của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va. Tôi chạy ra ngoài gặp các bạn mình và nói với họ: “Tối nay lúc nào các cậu về nhà, hãy mở Thi-thiên 83:18 trong Kinh Thánh và xem tên của Đức Chúa Trời là gì nha”. Có thể nói rằng tôi đã bắt đầu làm chứng ngay lập tức.

Tôi tìm hiểu Kinh Thánh và đã làm báp-têm vào năm 1941. Không lâu sau, tôi được giao trách nhiệm điều khiển buổi học cuốn sách của hội thánh. Tôi khuyến khích mẹ và các chị em trong gia đình đến và tất cả đều bắt đầu tham dự buổi học cuốn sách mà tôi điều khiển. Tuy nhiên, bố thì không chú ý.

SỰ CHỐNG ĐỐI TRONG GIA ĐÌNH

Tôi được giao thêm trách nhiệm trong hội thánh và sưu tập được các sách thần quyền. Một hôm, bố chỉ vào những cuốn sách của tôi và nói: “Nhìn thấy những thứ kia chứ? Tôi muốn chúng ra khỏi cái nhà này và anh có thể đi cùng với chúng luôn”. Tôi chuyển ra ngoài và thuê một phòng ở Zanesville, Ohio, nhưng tôi thường về thăm nhà để cố gắng khích lệ gia đình.

Bố cố gắng ngăn cản mẹ đi dự các buổi nhóm họp. Thỉnh thoảng, lúc mẹ đang trên đường, bố đuổi theo và kéo mẹ vào tận trong nhà. Nhưng mẹ chạy ra bằng cửa khác để đi nhóm họp. Tôi nói với mẹ: “Mẹ đừng lo, rồi bố sẽ phát mệt khi phải chạy theo mẹ”. Với thời gian, bố bỏ cuộc, không còn cố gắng ngăn cản mẹ nữa. Vì vậy, mẹ tham dự các buổi nhóm mà không cần phải đấu tranh.

Năm 1943, hội thánh địa phương bắt đầu có Trường thánh chức và tôi cũng bắt đầu làm bài giảng dành cho học viên. Lời khuyên mà tôi nhận được sau những phần bài của mình trong trường đã giúp tôi cải thiện kỹ năng ăn nói.

TRUNG LẬP TRONG CHIẾN TRANH

Khi đó, các quốc gia đang tham chiến trong Thế Chiến II. Năm 1944, tôi bị gọi nhập ngũ. Tôi đến trình diện tại đồn Fort Hayes ở Columbus, Ohio, trải qua cuộc kiểm tra về sức khỏe và điền vào giấy tờ. Tôi cũng nói với các quan chức rằng tôi sẽ không đi lính. Họ để cho tôi về. Vài ngày sau, một cảnh sát đến nhà tôi và nói: “Corwin Robison, tôi có lệnh bắt anh”.

Trong phiên tòa sau đó hai tuần, viên thẩm phán nói: “Nếu có thể tự quyết định, tôi sẽ cho anh án chung thân. Anh có gì để nói không?”. Tôi đáp: “Thưa quý tòa, tôi nên được xếp loại là một người truyền giáo. Thềm cửa của mỗi nhà là bục giảng của tôi và tôi đã rao giảng tin mừng về Nước Trời cho nhiều người”. Ông thẩm phán nói với hội đồng xét xử: “Các vị không phải ở đây để quyết định gã trẻ tuổi này có phải là người truyền giáo hay không. Các vị ở đây là để xác định xem có phải anh ta đã từ chối nhập ngũ không”. Chưa đầy 30 phút sau, hội đồng xét xử trở lại với lời tuyên bố: Có tội. Thẩm phán kết án tôi 5 năm tù giam tại nhà tù liên bang ở Ashland, bang Kentucky.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BẢO VỆ TÔI TRONG TÙ

Tôi đã trải qua hai tuần đầu tại nhà tù ở Columbus, Ohio, và ở trong buồng giam ngày đầu tiên. Tôi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va: “Con không thể ở trong một buồng giam suốt 5 năm được. Con không biết phải làm gì”.

Hôm sau, toán gác tù cho tôi ra. Tôi tiến đến một tù nhân cao to và chúng tôi đứng đó, nhìn ra cửa sổ. Anh ta hỏi tôi: “Cậu lùn kia, bị tội gì?”. Tôi đáp: “Tôi là một Nhân Chứng Giê-hô-va”. Anh ta hỏi: “Thật hả? Vậy, sao phải vào đây?”. Tôi trả lời: “Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia chiến tranh và không giết người”. Anh ta nói: “Họ bắt những người khác vào tù vì giết người nhưng cũng tống cậu vào tù vì không giết người. Điều đó có hợp lý không?”. Tôi đáp: “Không”.

Rồi anh ta nói: “Tôi đã ở nhà tù khác 15 năm và tại đó, tôi từng đọc một số ấn phẩm của các cậu”. Nghe vậy, tôi cầu nguyện: “Đức Giê-hô-va ôi, hãy giúp cho người này đứng về phía con”. Ngay lúc đó thì Paul, đó là tên anh ta, liền nói: “Nếu bất cứ người nào trong số này động đến cậu, chỉ cần kêu lên, tôi sẽ xử lý”. Rốt cuộc, tôi không hề gặp vấn đề gì với 50 tù nhân trong khu tôi bị giam.

Tôi nằm trong số những Nhân Chứng bị tù tại Ashland, Kentucky vì giữ trung lập

Khi các viên chức nhà tù chuyển tôi đến Ashland, tôi thấy một số anh thành thục đã ở đó rồi. Việc kết hợp với họ đã giúp tôi và những người khác giữ được tình trạng thiêng liêng mạnh mẽ. Các anh ấy giao cho chúng tôi một phần đọc Kinh Thánh hàng tuần, và chúng tôi chuẩn bị những câu hỏi cùng câu trả lời cho các buổi nhóm được gọi là buổi sinh hoạt Kinh Thánh (Bible Bees). Cũng có một anh được bổ nhiệm làm người phụ trách khu vực. Chúng tôi ở trong một phòng ngủ tập thể rộng lớn với những chiếc giường ngủ nằm sát vách tường. Anh phụ trách khu vực nói với tôi: “Robison, anh phụ trách giường này đến giường này. Bất cứ ai được sắp xếp vào những chiếc giường đó đều thuộc khu vực của anh. Hãy đảm bảo là anh làm chứng cho người ấy trước khi người ấy chuyển đi”. Chúng tôi đã rao giảng một cách có tổ chức như thế.

ĐIỀU TÔI TÌM THẤY BÊN NGOÀI NHÀ TÙ

Thế Chiến II kết thúc năm 1945, nhưng tôi vẫn ở tù một thời gian sau đó. Tôi lo lắng cho gia đình bởi vì bố tôi từng nói: “Nếu tống khứ được anh đi, tôi có thể lo liệu mọi việc”. Sau khi tôi được thả ra, có một điều bất ngờ khiến tôi vui mừng. Bất chấp sự chống đối từ bố, bảy thành viên trong gia đình đều tham dự các buổi nhóm họp và một trong những em gái của tôi đã làm báp-têm.

Đi làm thánh chức với anh Demetrius Papageorge, một anh được xức dầu bắt đầu phụng sự Đức Giê-hô-va từ năm 1913

Khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ năm 1950, tôi được gọi gia nhập quân đội lần thứ nhì và đã trình diện ở đồn Fort Hayes. Sau khi làm bài kiểm tra năng khiếu, một sĩ quan nói với tôi: “Cậu là một trong những người có điểm số cao nhất trong nhóm”. Tôi đáp: “Vậy thì tốt, nhưng tôi sẽ không gia nhập quân đội đâu”. Tôi trích 2 Ti-mô-thê 2:3 rồi nói: “Tôi đã là người lính của Đấng Ki-tô”. Sau một hồi im lặng, ông ta nói: “Anh có thể đi”.

Không lâu sau, tôi tham dự buổi họp dành cho những người quan tâm đến việc phụng sự ở nhà Bê-tên tại hội nghị ở Cincinnati, Ohio. Anh Milton Henschel nói với chúng tôi là nếu một anh muốn làm việc siêng năng cho Nước Trời, tổ chức có thể dùng anh đó tại Bê-tên. Tôi đã nộp đơn và được chấp thuận. Tôi đến nhà Bê-tên Brooklyn vào tháng 8 năm 1954 và đã phụng sự ở nhà Bê-tên kể từ khi đó.

Tôi không bao giờ thiếu việc để làm ở Bê-tên. Trong vài năm, tôi vận hành các lò hơi nước trong xưởng in và tổ hợp văn phòng, làm việc với vai trò là một thợ máy và sửa khóa. Tôi cũng làm việc tại các Phòng hội nghị ở thành phố New York.

Trông nom các lò hơi nước tại tổ hợp văn phòng ở nhà Bê-tên Brooklyn

Tôi yêu thích nề nếp thiêng liêng của đời sống ở nhà Bê-tên, trong đó bao gồm việc tham dự chương trình thờ phượng buổi sáng, Buổi học Tháp Canh của gia đình Bê-tên và tham gia thánh chức với hội thánh. Thật ra, bất cứ gia đình Nhân Chứng Giê-hô-va nào cũng có thể thực hiện những hoạt động này và nên làm thế. Khi cha mẹ và con cái cùng tra xem Kinh Thánh mỗi ngày với nhau, có các Buổi thờ phượng của gia đình đều đặn, tham gia tại các buổi nhóm ở hội thánh cũng như sốt sắng trong công việc rao giảng tin mừng thì cả gia đình hẳn sẽ có được sức khỏe thiêng liêng tốt.

Tôi kết bạn với nhiều anh chị ở nhà Bê-tên và trong hội thánh. Một số người trong vòng họ được xức dầu và đã nhận phần thưởng ở trên trời. Những người khác thì không. Nhưng tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va, gồm các thành viên nhà Bê-tên, đều không hoàn hảo. Nếu có sự tranh cãi với một anh em, tôi luôn cố gắng làm hòa. Tôi nghĩ đến câu Ma-thi-ơ 5:23, 24 và cách chúng ta nên giải quyết những mối bất đồng. Việc xin lỗi không phải là dễ nhưng hiếm khi tôi thấy vấn đề với một người bạn kéo dài sau khi mình đã nói lời xin lỗi.

VIỆC PHỤNG SỰ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA MANG LẠI NHỮNG KẾT QUẢ TỐT

Vì vấn đề tuổi tác, bây giờ tôi khó có thể đi rao giảng từng nhà, nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi đã học một chút tiếng Hoa phổ thông và thích đến nói chuyện với người Trung Quốc trên đường phố. Có những buổi sáng tôi phân phát được 30 hoặc 40 tạp chí cho những người chú ý.

Rao giảng cho người Trung Quốc ở Brooklyn, New York

Tôi thậm chí có một cuộc viếng thăm ở Trung Quốc! Vào ngày nọ, một cô gái trẻ mỉm cười với tôi khi cô ấy phát tờ quảng cáo cho một quầy bán trái cây. Tôi cười lại và mời cô ấy nhận Tháp Canh Tỉnh Thức! bằng tiếng Hoa. Cô ấy nhận và giới thiệu tên là Katie. Sau đó, bất cứ khi nào thấy tôi, Katie đều đến nói chuyện. Tôi dạy cô ấy tên của những trái cây và rau củ trong tiếng Anh và cô ấy lặp lại những từ đó theo tôi. Tôi cũng giải thích những câu Kinh Thánh, và cô ấy nhận sách Kinh Thánh dạy. Nhưng sau vài tuần, tôi không còn gặp lại cô ấy nữa.

Nhiều tháng sau, một cô gái khác phân phát tờ quảng cáo đã nhận những tạp chí mà tôi mời. Tuần kế tiếp, cô ấy đưa điện thoại cho tôi và nói: “Bác có cuộc gọi từ Trung Quốc này”. Tôi đáp: “Bác có quen ai ở Trung Quốc đâu”. Nhưng cô ấy cứ nhất quyết bảo tôi nghe, vì thế tôi đã cầm điện thoại và nói: “Xin chào, đây là Robison”. Giọng ở đầu dây bên kia nói: “Chào bác Robby, cháu Katie đây. Cháu đã trở về Trung Quốc”. Tôi hỏi: “Trung Quốc ư?”. Katie trả lời: “Vâng. Bác Robby, bác có biết cô gái đưa điện thoại cho bác không? Đó là em gái cháu. Bác đã dạy cháu nhiều điều tốt. Xin hãy dạy cho em ấy như đã dạy cho cháu”. Tôi đáp: “Katie, bác sẽ làm những gì có thể. Cám ơn đã cho bác biết cháu đang ở đâu”. Không lâu sau, tôi nói chuyện với em gái của Katie lần cuối cùng. Cho dù hai cô gái ấy ở nơi nào, tôi mong rằng họ sẽ học hỏi thêm về Đức Giê-hô-va.

Tôi đã phụng sự Đức Giê-hô-va được 73 năm. Tôi hạnh phúc vì ngài đã giúp tôi giữ trung lập và trung thành khi ở trong tù. Các chị em trong nhà nói với tôi rằng họ có được sự can đảm vì tôi không bỏ cuộc khi đối diện với sự chống đối của bố. Sau này, mẹ tôi và sáu thành viên khác trong gia đình cũng làm báp-têm. Ngay cả bố cũng dịu xuống và tham dự một vài buổi nhóm họp trước khi qua đời.

Nếu đó là ý định của Đức Chúa Trời thì các thành viên trong gia đình cùng những người bạn của tôi, dù đã qua đời, sẽ được sống lại trong thế giới mới. Hãy hình dung niềm vui của chúng ta khi thờ phượng Đức Giê-hô-va mãi mãi trong tương lai cùng với những người mình yêu mến! *

^ đ. 32 Khi bài này đang được biên soạn để ấn hành, anh Corwin Robison qua đời trong sự trung thành với Đức Giê-hô-va.