Tiếp tục vui mừng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va
Hãy nghĩ về ngày hạnh phúc nhất trong đời anh chị. Đó có phải là ngày kết hôn hoặc ngày mà con đầu lòng của anh chị chào đời không? Hoặc đó có phải là ngày anh chị biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua việc làm báp-têm trong nước không? Có lẽ anh chị xem đó là ngày quan trọng nhất và vui mừng nhất. Các anh em đồng đạo cũng vui mừng biết bao khi được chứng kiến anh chị công khai cho thấy rằng anh chị yêu thương Đức Giê-hô-va hết lòng, hết mình, hết tâm trí và hết sức lực!—Mác 12:30.
Hẳn là anh chị đã trải nghiệm nhiều niềm vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va từ khi làm báp-têm. Tuy nhiên, một số người công bố Nước Trời đã mất đi phần nào niềm vui mà họ từng có. Tại sao điều này lại xảy ra? Chúng ta có những lý do nào để tiếp tục vui mừng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va?
LÝ DO MỘT SỐ NGƯỜI MẤT NIỀM VUI
Thông điệp Nước Trời, với lời hứa rằng Đức Giê-hô-va sẽ sớm kết liễu thế gian gian ác hiện tại và mang lại thế giới mới của ngài, chắc chắn cho chúng ta lý do để vui mừng. Hơn nữa, Sô-phô-ni 1:14 đảm bảo rằng: “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần, đã gần rồi; nó đến rất kíp”. Tuy nhiên, việc phải chờ đợi lâu hơn so với mong đợi có thể khiến chúng ta mất đi niềm vui từng có và không còn sốt sắng phụng sự Đức Chúa Trời như trước.—Châm 13:12.
Việc kết hợp lành mạnh với dân của Đức Chúa Trời giúp chúng ta có động lực để tiếp tục vui mừng phụng sự ngài. Thực tế là hạnh kiểm tốt của các tôi tớ Đức Giê-hô-va có lẽ đã thu hút chúng ta đến với sự thờ phượng thật, đồng thời giúp chúng ta bắt đầu phụng sự Đức Chúa Trời một cách vui mừng (1 Phi 2:12). Nhưng điều gì có thể xảy ra nếu một tín đồ đạo Đấng Ki-tô bị sửa phạt vì không sống đúng theo những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời? Trong những trường hợp như thế, một số người từng được kéo đến sự thật nhờ những hành động tin kính của dân Đức Chúa Trời có thể trở nên nản lòng và không còn niềm vui.
Sự ham mê vật chất cũng có thể khiến chúng ta mất đi niềm vui. Bằng cách nào? Kẻ Quỷ Quyệt dùng thế gian của hắn để khiến chúng ta tin rằng mình cần những thứ mà thực chất không cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ lời của Chúa Giê-su: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh thường chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Đức Chúa Trời lại vừa làm tôi tiền của” (Mat 6:24). Chúng ta không thể có niềm vui trong việc phụng sự Đức Chúa Trời trong khi cố gắng để đạt được tất cả những gì thế gian này có thể cho chúng ta.
‘HỚN-HỞ TRONG ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA SỰ CỨU-RỖI CHÚNG TA’
Việc phụng sự Đức Giê-hô-va không phải là nặng nề đối với những người yêu mến ngài (1 Giăng 5:3). Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su từng nói: “Hãy đến với tôi, hỡi những ai nhọc nhằn và nặng gánh, tôi sẽ cho anh em được nghỉ ngơi. Hãy mang ách của tôi và học theo tôi, vì tôi là người ôn hòa và có lòng khiêm nhường. Anh em sẽ cảm thấy khoan khoái, vì ách của tôi dễ chịu và gánh của tôi nhẹ nhàng” (Mat 11:28-30). Việc mang lấy ách của môn đồ Đấng Ki-tô là điều đem lại sự khoan khoái và niềm vui. Chắc chắn chúng ta cũng có lý do để hưởng được niềm hạnh phúc lớn lao trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Chúng ta hãy cùng xem xét ba lý do quan trọng mà mình có thể ‘hớn-hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi chúng ta’.—Ha 3:18.
Chúng ta phụng sự Đấng Ban Sự Sống, Đức Chúa Trời hạnh phúc (Công 17:28; 1 Ti 1:11). Chúng ta nhận ra rằng nhờ Đấng Tạo Hóa mà mình có sự sống. Vì thế, chúng ta tiếp tục vui mừng phụng sự ngài dù đã báp-têm bao nhiêu năm.
Hãy xem trường hợp của anh Héctor, một người đã phụng sự Đức Giê-hô-va với tư cách là giám thị lưu động trong 40 năm. “Dầu đến buổi già-bạc”, anh vẫn vui thích phụng sự Đức Chúa Trời (Thi 92:12-14). Vợ của anh Héctor mắc bệnh. Điều này khiến anh bị hạn chế trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va nhưng không làm anh mất đi niềm vui. Anh nói: “Mặc dù tôi buồn khi thấy sức khỏe của vợ ngày càng yếu đi và việc chăm sóc cho cô ấy không hề dễ dàng, nhưng tôi không để điều đó khiến mình mất đi niềm vui trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Việc nhận biết mình có sự sống là nhờ Đức Giê-hô-va, đấng tạo ra loài người với một mục đích, cho tôi đủ lý do để yêu thương ngài sâu đậm và phụng sự ngài hết lòng. Tôi cố gắng tiếp tục sốt sắng trong công việc rao giảng cũng như giữ tập trung vào hy vọng Nước Trời để không mất niềm vui”.
Đức Giê-hô-va đã cung cấp giá chuộc, điều đó giúp chúng ta có cơ hội hưởng một đời sống vui thích. Thật vậy, “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến độ đã ban Con một của ngài cho họ, để ai thể hiện đức tin nơi Con ấy sẽ không bị hủy diệt mà được sống đời đời” (Giăng 3:16). Chúng ta có thể được tha tội và đạt được sự sống vĩnh cửu nhờ đức tin nơi sự cung cấp yêu thương của Đức Chúa Trời về giá chuộc của Chúa Giê-su. Đó chẳng phải là lý do tuyệt vời để chúng ta biết ơn sao? Chẳng phải lòng biết ơn đối với giá chuộc nên thúc đẩy chúng ta vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va sao?
Một anh ở Mexico là Jesús nói: “Tôi từng làm nô lệ cho công việc, đôi khi làm việc năm ca liên tiếp mặc dù không bị bắt buộc. Tôi làm thế chỉ để có thêm tiền. Sau đó, tôi biết về Đức Giê-hô-va và việc ngài ban Con yêu dấu cho nhân loại. Tôi có ước muốn mãnh liệt là được phụng sự ngài. Vì thế, tôi đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Sau khi làm việc cho công ty 28 năm, tôi quyết định nghỉ việc và bắt đầu phụng sự trọn thời gian”. Đó là khởi đầu của những năm tháng anh Jesús vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va.
Bông trái mà chúng ta gặt hái không phải là nỗi đau buồn mà là niềm vui lớn. Anh chị có nhớ đời sống của mình như thế nào trước khi được biết Đức Giê-hô-va không? Sứ đồ Phao-lô nhắc những môn đồ ở Rô-ma nhớ rằng họ “từng làm nô lệ cho tội lỗi” nhưng đã trở thành “tôi tớ của sự công chính”. Họ gặt hái bông trái “là sự thánh sạch”, nhờ đó mà cuối cùng họ sẽ có được sự sống vĩnh cửu (Rô 6:17-22). Chúng ta cũng theo đuổi lối sống thanh sạch, không có sự đau buồn do hành động ô uế về đạo đức hoặc bạo lực gây ra. Đó quả là một điều mang lại niềm vui!
Hãy xem trường hợp của anh Jaime, một người vô thần và ủng hộ thuyết tiến hóa. Anh cũng từng tham gia đấu quyền Anh. Khi bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp của đạo Đấng Ki-tô, anh Jaime thấy ấn tượng trước tình yêu thương được thể hiện ở đó. Để từ bỏ lối sống cũ, anh Jaime đã phải xin Đức Giê-hô-va giúp mình tin nơi ngài. Anh nói: “Dần dần, tôi nhận ra sự hiện hữu của một Đức Chúa Trời đầy thương xót và cũng là Cha yêu thương của chúng ta. Việc giữ các tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va đã bảo vệ tôi. Nếu không thay đổi, có thể tôi đã bị giết chết giống như một số bạn cũ của mình, là những người chơi quyền Anh. Những năm tháng hạnh phúc nhất trong đời tôi là thời gian phụng sự Đức Giê-hô-va”.
ĐỪNG BỎ CUỘC!
Anh chị nghĩ chúng ta nên cảm thấy như thế nào trong khi chờ đợi sự kết liễu của thế gian gian ác này? Hãy nhớ rằng chúng ta là những người “theo thần khí mà gieo” và sẽ “gặt sự sống vĩnh cửu”. Thế nên, “chúng ta chớ bỏ cuộc trong việc làm điều lành, vì nếu không thoái chí nản lòng thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt” (Ga 6:8, 9). Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, mong sao chúng ta sẽ chịu đựng, nỗ lực trau dồi những phẩm chất cần thiết để có thể sống sót qua “hoạn nạn lớn” và tiếp tục vui mừng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, ngay cả khi phải đối mặt với những thử thách.—Khải 7:9, 13, 14; Gia 1:2-4.
Hãy tin chắc rằng sự chịu đựng của chúng ta sẽ mang lại phần thưởng, vì Đức Chúa Trời biết rõ công việc cũng như tình yêu thương mà chúng ta dành cho ngài và danh ngài. Nếu tiếp tục vui mừng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ giống như người viết Thi-thiên là Đa-vít. Ông đã nói: “Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi; tôi chẳng hề bị rúng-động, vì Ngài ở bên hữu tôi. Bởi cớ ấy lòng tôi vui-vẻ, linh-hồn tôi nức mừng-rỡ”.—Thi 16:8, 9.