Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Dân Đức Chúa Trời đã bị Ba-by-lôn Lớn giam cầm khi nào?

Sự giam cầm về thiêng liêng ấy kéo dài từ thế kỷ thứ hai CN cho đến năm 1919. Tại sao quan điểm được điều chỉnh này là xác đáng?

Mọi bằng chứng đều cho thấy rằng sự giam cầm này đã kết thúc vào năm 1919 khi những tín đồ được xức dầu được thu nhóm vào hội thánh được khôi phục. Hãy xem xét điều này: Dân của Đức Chúa Trời được thử thách và tinh luyện trong những năm sau năm 1914, khi Nước Trời được thành lập ở trên trời * (Mal 3:1-4). Sau đó vào năm 1919, Chúa Giê-su đã bổ nhiệm “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” để cung cấp “thức ăn đúng giờ” cho dân sự được tẩy sạch của Đức Chúa Trời (Mat 24:45-47). Đây là năm dân Đức Chúa Trời bắt đầu trở lại với sản nghiệp thiêng liêng mà Đức Chúa Trời ban cho họ. Đó cũng là thời điểm họ được giải thoát khỏi sự giam cầm của Ba-by-lôn Lớn theo nghĩa tượng trưng (Khải 18:4). Nhưng khi nào sự giam cầm ấy đã thật sự bắt đầu?

Trong nhiều năm, chúng ta đã giải thích rằng sự giam cầm này bắt đầu vào năm 1918 và là một giai đoạn ngắn, khi dân Đức Chúa Trời nằm dưới sự kiểm soát của Ba-by-lôn Lớn. Chẳng hạn, Tháp Canh ngày 1-12-1992 nói: “Tuy thế, giống như dân Y-sơ-ra-ên thời xưa bị rơi vào vòng nô lệ của Ba-by-lôn một thời gian, vào năm 1918 dân sự của Đức Giê-hô-va cũng bị nô lệ một phần nào cho Ba-by-lôn Lớn”. Tuy nhiên, việc nghiên cứu sâu thêm cho thấy sự giam cầm này đã bắt đầu sớm hơn nhiều so với năm 1918.

Chẳng hạn, hãy cùng xem xét một trong số những lời tiên tri báo trước về sự giam cầm này và về việc dân Đức Chúa Trời được giải thoát. Lời tiên tri đó được ghi lại nơi Ê-xê-chi-ên 37:1-14. Trong một khải tượng, Ê-xê-chi-ên thấy một trũng đầy những hài cốt. Đức Giê-hô-va giải thích cho Ê-xê-chi-ên rằng những hài cốt ấy tượng trưng cho “cả nhà Y-sơ-ra-ên”. Trong sự ứng nghiệm lớn hơn, lời tiên tri về sự khôi phục này áp dụng cho “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga 6:16; Công 3:21). Tiếp theo, Ê-xê-chi-ên thấy những hài cốt sống lại và trở thành một đội quân lớn. Quả là cách thích hợp để miêu tả sự khôi phục về thiêng liêng của dân Đức Chúa Trời mà đỉnh điểm là các sự kiện xảy ra vào năm 1919! Nhưng làm thế nào khải tượng này cho thấy rằng họ đã bị giam cầm trong một thời gian dài?

Trước tiên, hãy để ý rằng các hài cốt được miêu tả là “khô” hoặc “khô lắm” (Ê-xê 37:2, 11). Điều này cho thấy đó là hài cốt của những người đã chết từ rất lâu. Thứ hai, sự khôi phục được miêu tả là một tiến trình dần dần chứ không phải xảy ra đột ngột: Đầu tiên, “có tiếng ồn, tiếng kêu lách cách và các xương bắt đầu ráp lại với nhau, xương này với xương kia”; tiếp theo “những gân và thịt” được đắp vào; kế đến, các xương, gân và thịt được da bọc lấy; sau đó, “hơi-thở vào trong chúng nó; chúng nó sống”. Cuối cùng, Đức Giê-hô-va đặt những người được sống lại trong đất riêng của họ. Để tất cả những điều này diễn ra, cần phải có một khoảng thời gian.—Ê-xê 37:7, NW; 37:8-10, 14.

Sự giam cầm của nước Y-sơ-ra-ên xưa đã diễn ra trong một thời gian dài, bắt đầu vào năm 740 TCN khi vương quốc phía bắc mười chi phái sụp đổ và nhiều người trong dân sự bị lưu đày. Sau đó vào năm 607 TCN, thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt và người dân thuộc vương quốc Giu-đa ở phía nam cũng bị bắt đi lưu đày. Giai đoạn giam cầm này kết thúc vào năm 537 TCN khi một số người Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem để xây lại đền thờ và tái lập sự thờ phượng thanh sạch tại đó.

Với những chi tiết trong Kinh Thánh kể trên, rõ ràng việc dân Đức Chúa Trời bị Ba-by-lôn Lớn giam cầm hẳn phải kéo dài hơn nhiều so với giai đoạn diễn ra các sự kiện từ năm 1918 đến năm 1919. Sự giam cầm ấy tương ứng với thời gian mà cỏ dại theo nghĩa tượng trưng sẽ lớn lên cùng những người giống như lúa mì, tức là “con cái Nước Đức Chúa Trời” (Mat 13:36-43). Thời kỳ lớn lên này nói về giai đoạn mà những kẻ bội đạo lấn át các tín đồ chân chính. Vì vậy, có thể nói rằng hội thánh đạo Đấng Ki-tô đã bị Ba-by-lôn Lớn giam cầm. Sự giam cầm ấy bắt đầu vào một thời điểm nào đó trong thế kỷ thứ hai CN và tiếp diễn cho đến khi đền thờ thiêng liêng được tẩy sạch trong thời kỳ cuối cùng.—Công 20:29, 30; 2 Tê 2:3, 6; 1 Giăng 2:18, 19.

Trong giai đoạn dài của sự giam cầm về thiêng liêng, hàng giáo phẩm và các đồng minh chính trị của họ, những người mong muốn duy trì quyền lực, đã không cho người dân dưới quyền họ được tiếp cận với Lời Đức Chúa Trời. Có những lúc việc đọc Kinh Thánh trong một ngôn ngữ thông dụng bị xem là tội ác. Thậm chí, một số người vi phạm điều này đã bị thiêu trên cây cột. Bất cứ ai bày tỏ quan điểm trái ngược với sự dạy dỗ của hàng giáo phẩm đều bị đối xử một cách hà khắc, do đó dập tắt mọi nỗ lực truyền bá ánh sáng sự thật.

Còn về sự khôi phục thì sao? Khi nào điều đó xảy ra, và xảy ra như thế nào? Công việc khôi phục về thiêng liêng này là một tiến trình dần dần. Đi kèm với nó là “tiếng kêu lách cách” trong những thế kỷ dẫn đến thời kỳ cuối cùng. Dù những sự dạy dỗ của các tôn giáo sai lầm đã thắng thế trong phần lớn thời gian nhưng một số cá nhân trung thành đã bênh vực sự thờ phượng thật ở một mức độ nào đó trong khả năng của họ. Một vài người trong số đó đã nỗ lực sản xuất Kinh Thánh trong các ngôn ngữ thông dụng. Những người khác đã công bố sự thật mà họ khám phá được từ các trang Kinh Thánh.

Sau đó vào cuối thế kỷ 19, anh Charles Taze Russell và các cộng sự đã hoạt động sốt sắng trong việc khôi phục sự thật Kinh Thánh. Điều này như thể thịt và da theo nghĩa tượng trưng đã bắt đầu được phủ lên bộ xương về thiêng liêng. Tháp Canh Si-ôn (Zion’s Watch Tower) và các ấn phẩm khác đã giúp những người có lòng thành khám phá ra các sự thật trong Kinh Thánh. Sau này, những công cụ như “Kịch ảnh về sự sáng tạo” (Photo-Drama of Creation) năm 1914 và sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn (The Finished Mystery) năm 1917 cũng thêm sức cho dân của Đức Chúa Trời. Cuối cùng, vào năm 1919, dân Đức Chúa Trời đã được ban sự sống về mặt thiêng liêng và được đặt trong đất thiêng liêng mới của họ. Với thời gian, những người có hy vọng sống trên đất đã kết hợp với các tín đồ được xức dầu còn sót lại, và hai nhóm này đã cùng nhau trở thành “một đội quân rất lớn”.—Ê-xê 37:10; Xa 8:20-23. *

Với những thông tin trên, rõ ràng dân của Đức Chúa Trời đã bị Ba-by-lôn Lớn giam cầm qua sự bội đạo phát triển vào thế kỷ thứ hai CN. Đó là một giai đoạn đen tối, tương tự như giai đoạn dân Y-sơ-ra-ên xưa bị lưu đày. Dù vậy, chúng ta thật hạnh phúc khi biết rằng sau khi dân Đức Chúa Trời trải qua sự kìm kẹp về thiêng liêng trong hàng thế kỷ, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà “những kẻ khôn-sáng sẽ được rực-rỡ như sự sáng”, “sẽ có nhiều kẻ tự làm nên tinh-sạch” và họ sẽ “được luyện-lọc”!—Đa 12:3, 10.

Khi Sa-tan cố gắng cám dỗ Chúa Giê-su, có phải hắn thật sự đem Chúa Giê-su đến đền thờ hay hắn đã cho ngài thấy đền thờ trong một khải tượng?

Nói đơn giản, chúng ta không thể biết chắc liệu Chúa Giê-su có thật sự đứng trong đền thờ không, hay ngài chỉ làm thế trong một khải tượng. Các ấn phẩm của chúng ta từng đưa ra cả hai khả năng trên.

Trước tiên, hãy xem xét lời tường thuật của Kinh Thánh. Trong sách Phúc âm do Ma-thi-ơ ghi lại, sứ đồ này được soi dẫn để viết: “Sau đó, Kẻ Quỷ Quyệt đem ngài [Chúa Giê-su] vào thành thánh, đặt ngài đứng trên tường bao quanh đền thờ [“một điểm cao của đền thờ”, Bản Phổ thông]” (Mat 4:5). Lời tường thuật của Lu-ca về cùng sự kiện này nói như sau: “Sa-tan cũng đem ngài vào thành Giê-ru-sa-lem, đặt ngài đứng trên tường bao quanh đền thờ”.—Lu 4:9.

Trong quá khứ, các ấn phẩm của chúng ta lý luận rằng sự kiện này có lẽ đã không xảy ra theo nghĩa đen. Chẳng hạn, số Tháp Canh ngày 1-3-1961 (Anh ngữ) viết: “Có vẻ không hợp lý để giải thích theo nghĩa đen toàn bộ những gì xuất hiện trong lời tường thuật về việc Chúa Giê-su bị cám dỗ tại hoang mạc. Chắc chắn không có ngọn núi nào mà từ đó một người có thể được cho xem thấy ‘mọi nước trên thế gian cùng sự vinh quang của các nước ấy’. Tương tự thế, chúng ta phải kết luận hợp lý rằng Sa-tan đã không đem Chúa Giê-su ‘vào thành thánh’ theo nghĩa đen và đặt ngài ‘trên tường bao quanh đền thờ’. Việc ấy hoàn toàn không cần thiết để sự cám dỗ này có hiệu lực”. Tuy nhiên, trong những số sau này của tạp chí Tháp Canh, chúng ta đã nhận xét rằng nếu Chúa Giê-su làm theo đề nghị của Sa-tan thì điều này có thể dẫn đến việc ngài tự tử.

Một số người nói rằng vì Chúa Giê-su không phải là một người Lê-vi nên ngài không được phép đứng trên nóc thánh điện của đền thờ. Do đó, họ cho rằng có lẽ Sa-tan đã đem Chúa Giê-su đến đền thờ qua một khải tượng. Trước đó hàng thế kỷ, điều tương tự đã xảy ra cho nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên.—Ê-xê 8:3, 7-10; 11:1, 24; 37:1, 2.

Tuy nhiên, nếu cám dỗ này chỉ xảy ra dưới dạng một khải tượng thì sẽ phát sinh những câu hỏi sau:

  • Cám dỗ này có thật hay chỉ là trong tưởng tượng?

  • Những lần khác khi Sa-tan cố cám dỗ Chúa Giê-su, hắn đề nghị Chúa Giê-su biến đá thật thành bánh thật và muốn ngài thật sự quỳ xuống lạy hắn. Vậy, chẳng phải cũng có khả năng là Sa-tan muốn Chúa Giê-su thật sự nhảy xuống từ đền thờ sao?

Mặt khác, nếu Chúa Giê-su đứng trên tường bao quanh đền thờ theo nghĩa đen, những câu hỏi khác sẽ phát sinh:

  • Có phải Chúa Giê-su đã vi phạm Luật pháp khi đứng trên nóc của đền thờ không?

  • Chúa Giê-su đi từ hoang mạc đến thành Giê-ru-sa-lem bằng cách nào?

Việc nghiên cứu sâu thêm giúp chúng ta thấy được một số khả năng có thể giải đáp cho hai câu hỏi cuối.

Thứ nhất, giáo sư Donald Arthur Carson lưu ý rằng từ tiếng Hy Lạp hi·e·ron’, được dịch là “đền thờ” trong cả hai lời tường thuật, “rất có thể ám chỉ toàn bộ công trình xây dựng thay vì nói riêng về tòa nhà dùng làm đền thờ”. Do đó, Chúa Giê-su không nhất thiết phải đứng trên nóc của chính đền thờ. Chẳng hạn, có thể ngài đã đứng ở góc phía đông nam của khu đền thờ. Vị trí đó cao hơn chân thung lũng Kít-rôn khoảng 140m. Công trình phía đông nam có một mái phẳng với lan can, và là chỗ cao nhất trong đền thờ. Một sử gia thời xưa là Josephus nói rằng nếu một người đứng ở vị trí đó và nhìn xuống, người ấy “sẽ chóng mặt” vì độ cao. Là một người không thuộc chi phái Lê-vi, Chúa Giê-su được phép đứng ở vị trí ấy và sẽ không có ai phản đối việc này.

Nhưng làm thế nào Chúa Giê-su có thể được đem đến đền thờ khi ngài đang ở trong hoang mạc? Câu trả lời đơn giản là chúng ta không thể biết chắc. Lời tường thuật ngắn gọn về những sự cám dỗ không cho biết thời gian đó kéo dài bao lâu hoặc Chúa Giê-su đang ở chỗ nào trong hoang mạc. Chúng ta không thể loại bỏ khả năng Chúa Giê-su có thể đã đi bộ trở lại thành Giê-ru-sa-lem, dù việc này có lẽ cần một thời gian đáng kể. Lời tường thuật không nói cụ thể rằng Chúa Giê-su đã ở lại hoang mạc trong suốt thời gian bị cám dỗ. Thay vì thế, Kinh Thánh chỉ nói rằng ngài đã được đem vào thành Giê-ru-sa-lem.

Nhưng nói sao về cám dỗ mà trong đó Chúa Giê-su được cho xem thấy “mọi nước trên thế gian”? Hiển nhiên, ngài đã không thấy mọi nước theo nghĩa đen; không có ngọn núi có thật nào mà từ đó có thể thấy được mọi nước ấy. Vì thế, Sa-tan có lẽ đã dùng loại khải tượng nào đó để cho Chúa Giê-su xem thấy những điều này, tương tự như cách máy chiếu và màn hình có thể được dùng để cho một người thấy các bức ảnh của những nơi khác nhau trên trái đất. Dù Sa-tan có thể đã dùng một khải tượng nhưng Sa-tan thật sự muốn Chúa Giê-su “quỳ xuống lạy” hắn (Mat 4:8, 9). Thế nên, khi Sa-tan đưa Chúa Giê-su đến đền thờ, có thể hắn thật sự muốn ngài liều mạng qua việc nhảy từ đền thờ xuống. Nếu vậy, cám dỗ này sẽ mạnh hơn nhiều so với việc Chúa Giê-su chỉ bị cám dỗ trong một khải tượng.

Như đã nêu ở đầu bài, thực tế là chúng ta không thể võ đoán về việc này. Do đó, chúng ta không thể loại bỏ khả năng Chúa Giê-su đã thật sự đi đến thành Giê-ru-sa-lem và đứng trên tường bao quanh đền thờ. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn một điều: Những cám dỗ này là thật và trong mỗi trường hợp, Chúa Giê-su đều kiên quyết từ chối Kẻ Quỷ Quyệt.

^ đ. 1 Cả Ê-xê-chi-ên 37:1-14 và Khải huyền 11:7-12 đều nói đến một sự khôi phục về thiêng liêng xảy ra vào năm 1919. Tuy nhiên, lời tiên tri trong sách Ê-xê-chi-ên báo trước sự khôi phục về thiêng liêng của toàn bộ dân Đức Chúa Trời sau một giai đoạn bị giam cầm rất lâu. Mặt khác, lời tiên tri trong sách Khải huyền nói đến sự khôi phục về thiêng liêng của một nhóm nhỏ các anh được xức dầu đã đảm nhận việc dẫn đầu sau một giai đoạn tương đối ngắn bị buộc ngưng hoạt động.