Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi các bạn trẻ—Các bạn có thể chuẩn bị ra sao cho việc báp-têm?

Hỡi các bạn trẻ—Các bạn có thể chuẩn bị ra sao cho việc báp-têm?

“Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa”.—THI 40:8.

BÀI HÁT: 51, 58

1, 2. (a) Hãy giải thích tại sao báp-têm là một bước nghiêm túc. (b) Một người nên chắc chắn về điều gì trước khi làm báp-têm, và tại sao?

Bạn có phải là một người trẻ đang nghĩ đến việc làm báp-têm không? Nếu vậy thì đây sẽ là đặc ân lớn nhất mà bạn có thể có được. Tuy nhiên, như bài trước đã cho biết, báp-têm là một bước nghiêm túc. Báp-têm biểu trưng cho sự dâng mình, tức lời hứa trang trọng mà bạn hứa với Đức Giê-hô-va: Bạn hứa rằng bạn sẽ phụng sự ngài mãi mãi qua việc đặt ý muốn của ngài lên trên mọi thứ khác trong đời sống. Thật dễ hiểu là bạn chỉ nên làm báp-têm khi đã đủ chín chắn để đưa ra quyết định này, chính bạn có ước muốn làm vậy và bạn hiểu ý nghĩa của sự dâng mình.

2 Nói sao nếu bạn cảm thấy mình chưa sẵn sàng để làm báp-têm? Hay nói sao nếu bạn muốn làm báp-têm nhưng cha mẹ cảm thấy bạn nên đợi một thời gian, có lẽ cho tới khi bạn đã có thêm kinh nghiệm về đời sống của tín đồ đạo Đấng Ki-tô? Dù ở trong trường hợp nào, bạn cũng đừng nản lòng. Thay vì thế, hãy tận dụng cơ hội này để tiến bộ. Nhờ vậy không lâu sau, bạn có thể làm báp-têm. Để thực hiện điều này, hãy xem xét cách bạn có thể đặt những mục tiêu liên quan đến: (1) Niềm tin của bạn, (2) hành động của bạn và (3) lòng biết ơn của bạn.

NIỀM TIN CỦA BẠN

3, 4. Các bạn trẻ có thể rút ra bài học nào từ gương mẫu của Ti-mô-thê?

3 Hãy nghĩ xem bạn sẽ trả lời thế nào cho những câu hỏi sau: “Tại sao tôi tin rằng Đức Chúa Trời hiện hữu? Điều gì giúp tôi tin chắc Kinh Thánh là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn? Tại sao tôi cảm thấy việc sống theo tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời là tốt hơn so với việc theo đuổi lối sống của thế gian?”. Những câu hỏi này không phải được nêu lên để gây ra sự nghi ngờ cho bạn. Thay vì thế, chúng có thể giúp bạn làm theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Chứng minh cho chính mình về ý muốn của Đức Chúa Trời, là ý muốn tốt lành, hoàn hảo và đẹp lòng ngài” (Rô 12:2). Nhưng tại sao các tín đồ đạo Đấng Ki-tô ở Rô-ma cần phải tự chứng minh cho mình về điều mà họ đã chấp nhận?

4 Hãy xem xét một ví dụ trong Kinh Thánh. Ti-mô-thê biết rõ về Kinh Thánh nhờ được mẹ và bà ngoại dạy dỗ “từ thuở thơ ấu”. Dù vậy, sứ đồ Phao-lô khuyến giục Ti-mô-thê: “Hãy tiếp tục giữ những điều con đã học và được giúp để tin” (2 Ti 3:14, 15). Theo một tài liệu tham khảo thì trong nguyên ngữ, cụm từ được dịch là “được giúp” có nghĩa “được thuyết phục và chắc chắn về tính xác thực của một điều gì đó”. Ti-mô-thê đã tự chọn theo sự thật. Chàng chấp nhận sự thật không phải vì mẹ và bà ngoại nói chàng phải làm vậy, nhưng vì chính bản thân đã tự lý luận và được thuyết phục.—Đọc Rô-ma 12:1.

5, 6. Tại sao việc bạn sớm học cách vận dụng “lý trí” trong đời sống là điều quan trọng?

5 Còn bạn thì sao? Có lẽ từ lâu, bạn đã biết sự thật Kinh Thánh. Nếu vậy, sao không đặt mục tiêu tra xét kỹ hơn về những lý do cho niềm tin của bạn? Làm thế sẽ giúp bạn có niềm tin vững chắc hơn và tránh bị lôi kéo bởi áp lực từ bạn bè, bởi những lời tuyên truyền của thế gian và ngay cả bởi cảm xúc của chính bạn.

6 Việc sớm học cách vận dụng “lý trí” trong đời sống sẽ giúp bạn đưa ra những câu trả lời hợp lý khi bạn bè cùng trang lứa nêu những câu hỏi như: “Làm sao bạn biết chắc là có Đức Chúa Trời? Tại sao một Đức Chúa Trời yêu thương lại cho phép sự gian ác xảy ra? Làm sao Đức Chúa Trời có thể luôn hiện hữu?”. Khi bạn đã được chuẩn bị, những câu hỏi như thế sẽ không làm suy yếu đức tin của bạn mà sẽ thúc đẩy bạn học hỏi cá nhân thêm.

7-9. Hãy giải thích cách mà những phần thực hành trực tuyến “Kinh Thánh thật sự dạy gì?” có thể giúp bạn củng cố niềm tin.

7 Việc siêng năng học hỏi cá nhân có thể giúp bạn trả lời các câu hỏi, giải tỏa những nghi ngờ và củng cố niềm tin (Công 17:11). Tổ chức đã cung cấp một số công cụ có thể giúp bạn làm điều này. Nhiều người trẻ nhận thấy việc xem xét sách Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không? và sách mỏng Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọng là điều rất hữu ích. Ngoài ra, những bạn trẻ khác thích thú và được lợi ích từ loạt phần thực hành “Kinh Thánh thật sự dạy gì?” trực tuyến. Có thể tìm thấy những phần này trên trang jw.org/vi, trong mục KINH THÁNH GIÚP BẠN > THANH THIẾU NIÊN. Mỗi phần thực hành ấy được biên soạn nhằm giúp bạn củng cố niềm tin về đề tài nào đó trong Kinh Thánh.

8 Có lẽ bạn sẽ trả lời một cách nhanh chóng cho một số câu hỏi được trình bày trong các phần thực hành này vì bạn đã quen thuộc với Kinh Thánh. Nhưng tại sao bạn chắc chắn với câu trả lời của mình? Các phần thực hành khuyến khích bạn lý luận dựa trên một số câu Kinh Thánh và sau đó viết ra suy nghĩ của mình về những câu ấy. Các phần thực hành này có thể giúp bạn chuẩn bị cách giải thích với người khác về niềm tin dựa trên Kinh Thánh. Phần trực tuyến “Kinh Thánh thật sự dạy gì?” đang giúp nhiều người trẻ củng cố niềm tin của họ. Nếu có thể truy cập, sao không sử dụng các phần thực hành này trong chương trình học hỏi cá nhân của bạn?

9 Bằng cách củng cố niềm tin của mình, bạn đang thực hiện một bước quan trọng để tiến tới việc làm báp-têm. Một bạn nữ ở tuổi thanh thiếu niên nói: “Trước khi quyết định làm báp-têm, em đã học Kinh Thánh và nhận ra đây là tôn giáo thật. Mỗi ngày trôi qua, niềm tin ấy càng thêm vững chắc”.

HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN

10. Tại sao hợp lý để mong đợi rằng một tín đồ đạo Đấng Ki-tô đã làm báp-têm sẽ có những hành động phù hợp với đức tin của người ấy?

10 Kinh Thánh nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gia 2:17). Nếu bạn có niềm tin mạnh mẽ thì thật hợp lý để mong đợi rằng bạn sẽ thể hiện điều đó qua hành động. Những hành động nào? Kinh Thánh nói đến “cách ăn ở thánh khiết và thể hiện lòng sùng kính”.—Đọc 2 Phi-e-rơ 3:11.

11. Hãy giải thích cụm từ “cách ăn ở thánh khiết”.

11 Để cho thấy “cách ăn ở thánh khiết”, bạn phải thanh sạch về đạo đức. Bạn có đang thể hiện điều này không? Chẳng hạn, hãy thử nghĩ về sáu tháng vừa qua. Bạn cho thấy “khả năng nhận thức” của mình đã được luyện tập để phân biệt điều đúng và điều sai như thế nào? (Hê 5:14). Bạn có thể nghĩ về những lần cụ thể mà bạn đã kháng cự cám dỗ hay áp lực từ bạn bè không? Hạnh kiểm tại trường học có minh chứng cho đức tin của bạn không? Bạn có bênh vực đức tin của mình thay vì cố gắng hòa nhập với các bạn cùng lớp để tránh bị chế giễu không? (1 Phi 4:3, 4). Phải thừa nhận rằng không có ai là hoàn hảo. Ngay cả những tôi tớ lâu năm của Đức Giê-hô-va có lẽ đôi lúc cũng cảm thấy nhút nhát và thấy không dễ để công khai bênh vực đức tin của họ. Tuy nhiên, một người dâng mình cho Đức Giê-hô-va sẽ tự hào khi được mang danh ngài, và người ấy thể hiện điều này qua hạnh kiểm của mình.

12. Một số việc “thể hiện lòng sùng kính” là gì, và bạn nên xem những việc này như thế nào?

12 Còn về việc “thể hiện lòng sùng kính” thì sao? Điều này bao gồm những hoạt động của bạn trong hội thánh, chẳng hạn như việc tham dự các buổi nhóm họp và tham gia thánh chức, đồng thời cũng bao gồm các hoạt động thiêng liêng mà người khác không nhìn thấy, như việc cầu nguyện riêng và học hỏi cá nhân. Một người dâng đời sống của mình cho Đức Giê-hô-va sẽ không xem những việc này là gánh nặng. Thay vì thế, người ấy sẽ có thái độ giống như vua Đa-vít khi ông nói: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa, luật-pháp Chúa ở trong lòng tôi”.—Thi 40:8.

13, 14. Điều gì có thể giúp bạn “thể hiện lòng sùng kính”, và một số bạn trẻ đã được lợi ích ra sao khi làm điều này?

13 Để có thể “thể hiện lòng sùng kính”, hãy xem xét một số câu hỏi có thể giúp ích cho bạn. Chẳng hạn như: “Lời cầu nguyện của bạn cụ thể ra sao và cho biết điều gì về tình yêu thương của bạn với Đức Giê-hô-va? Việc học hỏi cá nhân của bạn bao gồm những gì? Bạn có tham gia thánh chức ngay cả khi cha mẹ của bạn không làm vậy?”. [1] Hãy viết ra câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Điều này sẽ giúp bạn đặt các mục tiêu liên quan đến việc cải thiện lời cầu nguyện cũng như việc học hỏi cá nhân và thánh chức.

14 Nhiều người trẻ đang cân nhắc về việc làm báp-têm thấy hữu ích khi viết ra câu trả lời cho những câu hỏi như thế. Một chị trẻ tên là Tilda đã làm vậy và điều này đã giúp chị đặt ra các mục tiêu. Chị chia sẻ: “Tôi đã lần lượt thực hiện được những mục tiêu ấy và sẵn sàng làm báp-têm khoảng một năm sau đó”. Một anh trẻ tên là Patrick đã được lợi ích theo cách tương tự. Anh nói: “Dù đã biết các mục tiêu của mình là gì, nhưng việc viết ra giúp tôi nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành những mục tiêu ấy”.

Bạn sẽ tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va ngay cả khi cha mẹ bạn không làm thế? (Xem đoạn 15)

15. Hãy giải thích tại sao sự dâng mình nên là quyết định cá nhân.

15 Một câu hỏi quan trọng khác là: “Bạn sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va ngay cả khi cha mẹ và bạn bè của mình không còn làm thế không?”. Hãy nhớ rằng, là một tín đồ đã dâng mình và làm báp-têm, chính bạn sẽ tự đứng trước Đức Giê-hô-va. Việc phụng sự của bạn không nên phụ thuộc vào người khác, kể cả cha mẹ của bạn. Cách bạn ăn ở thánh khiết và thể hiện lòng sùng kính chứng minh rằng bạn tự chọn theo sự thật và đang tiến bộ tới bước làm báp-têm.

LÒNG BIẾT ƠN CỦA BẠN

16, 17. (a) Điều gì nên thúc đẩy một người trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô? (b) Lòng biết ơn đối với giá chuộc có thể được minh họa như thế nào?

16 Một người rất thạo Luật pháp Môi-se đã hỏi Chúa Giê-su: “Điều răn nào là quan trọng nhất?”. Chúa Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình và hết tâm trí” (Mat 22:35-37). Qua câu trả lời của ngài, Chúa Giê-su cho biết rằng tình yêu thương hết lòng dành cho Đức Giê-hô-va nên là động cơ cho những việc làm của tín đồ đạo Đấng Ki-tô, bao gồm việc làm báp-têm. Một trong những cách tốt nhất có thể giúp bạn gia tăng tình yêu thương với Đức Giê-hô-va là suy ngẫm về món quà cao quý nhất mà ngài đã cung cấp, đó là sự hy sinh làm giá chuộc của Con ngài. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 5:14, 15; 1 Giăng 4:9, 19). Việc suy ngẫm về giá chuộc và ý nghĩa của giá chuộc đối với bạn sẽ thúc đẩy bạn đáp lại với lòng biết ơn.

17 Cách phản ứng của bạn đối với giá chuộc của Chúa Giê-su có thể được minh họa như sau: Hãy hình dung ai đó cứu bạn khỏi chết đuối. Phải chăng bạn chỉ trở về nhà, lau khô mình và quên đi điều người đó làm cho bạn? Dĩ nhiên là không! Chắc chắn bạn sẽ thấy mang ơn người đã cứu bạn. Thực tế là bạn mắc nợ người ấy mạng sống của mình! Chúng ta mắc nợ Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Ki-tô nhiều hơn thế nữa. Theo một nghĩa nào đó, nếu không có giá chuộc thì mỗi người trong chúng ta đều chìm trong tội lỗi và sự chết. Nhưng nhờ hành động yêu thương cao cả ấy, giờ đây chúng ta có một triển vọng không gì sánh bằng là được sống mãi mãi trong địa đàng!

18, 19. (a) Tại sao bạn không nên sợ thuộc về Đức Giê-hô-va? (b) Việc phụng sự Đức Giê-hô-va làm đời sống bạn tốt hơn như thế nào?

18 Bạn có biết ơn những gì Đức Giê-hô-va làm cho bạn không? Nếu có, việc bạn dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp-têm là điều thích hợp. Hãy nhớ rằng sự dâng mình bao hàm lời hứa trang trọng của bạn với Đức Giê-hô-va: Bạn hứa là sẽ làm theo ý muốn ngài mãi mãi, dù cho bất cứ điều gì xảy ra. Bạn có nên sợ sự cam kết như thế không? Không nên! Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va muốn điều tốt nhất cho bạn và ngài là “đấng ban thưởng cho những ai sốt sắng tìm kiếm ngài” (Hê 11:6). Khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp-têm, đời sống của bạn không trở nên tệ hơn. Trái lại, việc phụng sự ngài sẽ làm cho đời sống bạn tốt hơn. Một anh 24 tuổi, đã làm báp-têm trước tuổi thanh thiếu niên, chia sẻ: “Hẳn là tôi có thể có sự hiểu biết sâu sắc hơn nếu tôi lớn hơn, nhưng quyết định dâng mình cho Đức Giê-hô-va đã giúp tôi tránh theo đuổi những mục tiêu của thế gian”.

19 Đức Giê-hô-va thật khác biệt với Sa-tan làm sao! Sa-tan chỉ quan tâm đến bạn vì mục tiêu ích kỷ của hắn. Sa-tan không mang lại phần thưởng lâu dài cho những người đứng về phía hắn. Thực ra, làm sao hắn có thể làm thế được? Chính Sa-tan không có tin mừng gì để nghĩ đến và cũng không có hy vọng tươi sáng nào trước mắt. Làm sao hắn có thể cho bạn những điều mà hắn không có? Hắn không thể cho bạn điều gì ngoài một tương lai tăm tối giống như tương lai đang chờ đợi hắn!—Khải 20:10.

20. Một người trẻ có thể làm gì để tiến bộ đến bước dâng mình và làm báp-têm? (Cũng xem khung “ Những bài giúp bạn phát triển về thiêng liêng”).

20 Rõ ràng, dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va là quyết định đúng đắn nhất. Bạn đã sẵn sàng để thực hiện bước này chưa? Nếu đã sẵn sàng thì bạn đừng trì hoãn. Mặt khác, nếu bạn cần thêm thời gian thì hãy sử dụng những lời đề nghị trong bài này để tiếp tục tiến đến mục tiêu đó. Sứ đồ Phao-lô đã viết cho những anh em ở Phi-líp: “Chúng ta đã tiến bộ đến mức nào thì hãy tiếp tục tiến bộ như thế” (Phi-líp 3:16). Nếu làm theo lời khuyên này, không lâu nữa bạn sẽ muốn dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp-têm.

^ [1] (đoạn 13) Một số người trẻ đã nhận được lợi ích từ phiếu thực tập nơi trang 308, 309 của sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, Tập 2 (Anh ngữ).