Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va hướng dẫn dân ngài đi theo đường sự sống

Đức Giê-hô-va hướng dẫn dân ngài đi theo đường sự sống

“Nầy là đường đây, hãy noi theo!”.—Ê-SAI 30:21.

BÀI HÁT: 65, 48

1, 2. (a) Lời cảnh báo nào đã cứu mạng nhiều người? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Dân Đức Chúa Trời nhận được sự hướng dẫn nào mà có thể cứu mạng họ?

“DỪNG LẠI, CHÚ Ý, LẮNG NGHE”. Những từ này đã cứu mạng vô số người. Hơn 100 năm trước, các biển báo cỡ lớn với nội dung đó đã được đặt tại những nơi giao nhau với đường ray xe lửa ở Bắc Mỹ. Để làm gì? Để giúp các phương tiện giao thông tránh băng qua đường ray vào lúc không thích hợp, nhờ thế không bị một chiếc xe lửa đang lao với vận tốc cao đâm vào. Đúng vậy, việc để ý đến lời cảnh báo đó đã giúp nhiều người giữ được mạng sống.

2 Đức Giê-hô-va làm một điều còn tốt hơn việc đặt các biển báo an toàn. Đức Giê-hô-va như thể đứng trước dân ngài, hướng họ đến sự sống vĩnh cửu và tránh khỏi các mối nguy hiểm. Hơn thế nữa, ngài hành động giống như một người chăn yêu thương, hướng dẫn và cảnh báo chiên để chúng tránh khỏi những con đường nguy hiểm.—Đọc Ê-sai 30:20, 21.

TỪ LÂU ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐÃ HƯỚNG DẪN DÂN NGÀI

3. Làm thế nào gia đình nhân loại đã bắt đầu ở trên con đường dẫn đến cái chết?

3 Trong suốt lịch sử, Đức Giê-hô-va đã cung cấp những hướng dẫn hoặc chỉ dẫn cụ thể. Chẳng hạn, trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va đã ban chỉ dẫn rõ ràng, có thể dẫn đưa gia đình nhân loại đến sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu (Sáng 2:15-17). Nếu A-đam và Ê-va vâng theo chỉ dẫn này, họ có thể tránh được những hậu quả cay đắng, đó là một đời sống đầy đau khổ và kết thúc bằng cái chết mà không có hy vọng. Nhưng thay vì vâng lời, Ê-va đã nghe theo lời khuyên có vẻ như đến từ một con vật thấp kém. Sau đó, A-đam nghe lời Ê-va, lời của một người phàm. Cả hai người đã quay lưng lại với sự hướng dẫn của Cha đầy yêu thương. Hậu quả là gia đình nhân loại nói chung đã ở trên con đường dẫn đến cái chết.

4. (a) Tại sao cần có thêm sự hướng dẫn sau trận Đại Hồng Thủy? (b) Hoàn cảnh mới tiết lộ điều gì về quan điểm của Đức Chúa Trời?

4 Trong đời Nô-ê, Đức Chúa Trời đã ban sự hướng dẫn giúp bảo toàn mạng sống. Sau trận Đại Hồng Thủy, ngài đưa ra một lệnh cấm cụ thể liên quan đến máu. Tại sao lệnh cấm này là cần thiết? Bởi vì có hoàn cảnh mới. Đức Giê-hô-va sẽ cho phép con người ăn thịt các thú vật như một nguồn thực phẩm. Do vậy, cần có sự hướng dẫn mới: “Các ngươi không nên ăn thịt còn hồn sống, nghĩa là có máu” (Sáng 9:1-4). Hoàn cảnh thay đổi tiết lộ rõ quan điểm của Đức Chúa Trời về sự sống, một điều thuộc về ngài. Là Đấng Tạo Hóa và Đấng Ban Sự Sống, ngài có quyền đặt ra những điều luật về sự sống. Chẳng hạn, ngài ra lệnh rằng không ai được giết người đồng loại. Đức Chúa Trời xem sự sống và máu là thánh khiết và ngài sẽ bắt buộc bất cứ người nào vi phạm luật pháp của ngài về hai điều trên phải chịu trách nhiệm.—Sáng 9:5, 6.

5. Giờ đây chúng ta sẽ xem xét điều gì, và tại sao?

5 Hãy xem xét một vài ví dụ về cách Đức Chúa Trời tiếp tục cung cấp sự hướng dẫn qua nhiều thế kỷ. Điều này sẽ củng cố quyết tâm của chúng ta trong việc đi theo sự dẫn dắt của Đức Giê-hô-va đến thế giới mới.

NƯỚC MỚI, HƯỚNG DẪN MỚI

6. Tại sao dân Đức Chúa Trời cần phải vâng theo luật pháp được ban qua Môi-se, và họ cần có thái độ nào?

6 Trong thời Môi-se, những hướng dẫn rõ ràng về hạnh kiểm đúng đắn và cách thờ phượng là cần thiết. Tại sao? Một lần nữa, điều này liên quan đến sự thay đổi của hoàn cảnh. Hơn hai thế kỷ, con cháu Gia-cốp sống dưới sự cai trị của Ai Cập trong một xứ mà việc thờ phượng người chết và dùng hình tượng rất phổ biến, đồng thời tràn ngập các niềm tin và những thực hành khác bôi nhọ Đức Chúa Trời. Khi dân Đức Chúa Trời thoát khỏi ách áp bức của Ai Cập, việc có thêm những hướng dẫn mới là điều cần thiết. Dân Đức Chúa Trời sẽ không sống như một nhóm người nô lệ mà sẽ sống với tư cách là một nước tự do, chỉ phục dưới Luật pháp của Đức Giê-hô-va. Một số tài liệu tham khảo nói rằng từ “luật pháp” trong tiếng Hê-bơ-rơ liên quan đến một từ gốc có nghĩa “chỉ dẫn, hướng dẫn, chỉ bảo”. Luật pháp Môi-se đã đóng vai trò như một bức tường bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên khỏi những thực hành tôn giáo và đạo đức suy đồi của các nước khác. Khi dân Y-sơ-ra-ên lắng nghe Đức Chúa Trời, cả nước được ngài ban phước. Khi lờ đi luật pháp của ngài, họ đã gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng.—Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:1, 2, 15.

7. (a) Hãy giải thích tại sao Đức Giê-hô-va ban những sự hướng dẫn cho dân ngài. (b) Luật pháp đã là một “người giám hộ” cho dân Y-sơ-ra-ên như thế nào?

7 Những sự hướng dẫn là cần thiết vì một lý do khác. Luật pháp cho biết một bước tiến quan trọng liên quan đến ý muốn của Đức Giê-hô-va. Đó là sự xuất hiện của Đấng Mê-si, Chúa Giê-su Ki-tô. Luật pháp cho biết rõ hơn bao giờ hết rằng dân Y-sơ-ra-ên là bất toàn, đồng thời giúp họ ý thức về sự cần thiết phải có một giá chuộc, tức một của lễ hy sinh hoàn hảo sẽ che lấp trọn vẹn tội lỗi (Ga 3:19; Hê 10:1-10). Hơn nữa, Luật pháp ấy đã giúp bảo tồn dòng dõi dẫn đến Đấng Mê-si và giúp người ta nhận ra ngài khi ngài xuất hiện. Đúng vậy, Luật pháp đã đóng vai trò là một người hướng dẫn tạm thời, hay “người giám hộ”, dẫn đến Đấng Ki-tô.—Ga 3:23, 24.

8. Tại sao chúng ta nên để cho các nguyên tắc của Luật pháp Môi-se hướng dẫn mình?

8 Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta cũng có thể nhận được lợi ích từ những sự hướng dẫn trong Luật pháp được ban cho nước Y-sơ-ra-ên. Như thế nào? Chúng ta có thể dừng lại và chú ý đến những nguyên tắc nằm sau Luật pháp. Dù không ở dưới những điều luật ấy, chúng ta có thể để cho nhiều điều luật trong số đó hướng dẫn mình trong đời sống hàng ngày và trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời thánh khiết, Đức Giê-hô-va. Ngài cho ghi lại những điều luật ấy trong Kinh Thánh để chúng ta có thể học hỏi, được các nguyên tắc hướng dẫn và biết ơn về các tiêu chuẩn đạo đức cao hơn dành cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Hãy lắng nghe điều Chúa Giê-su nói: “Anh em đã nghe lời truyền dạy rằng: ‘Ngươi chớ phạm tội ngoại tình’. Nhưng tôi cho anh em biết, hễ ai cứ nhìn một phụ nữ và sinh lòng tham muốn thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy”. Vậy nên, chúng ta không những cần tránh việc ngoại tình mà còn phải tránh những ham muốn và ý nghĩ vô luân.—Mat 5:27, 28.

9. Hoàn cảnh mới nào khiến sự chỉ dẫn mới của Đức Chúa Trời là cần thiết?

9 Sau khi Chúa Giê-su đến với tư cách là Đấng Mê-si, Đức Giê-hô-va đã ban những chỉ dẫn mới và tiết lộ thêm chi tiết về ý định của ngài. Tại sao? Vì một lần nữa có hoàn cảnh mới. Vào năm 33 CN, Đức Giê-hô-va đã từ bỏ nước Y-sơ-ra-ên và chọn hội thánh đạo Đấng Ki-tô làm dân của ngài.

SỰ HƯỚNG DẪN CHO MỘT NƯỚC THIÊNG LIÊNG MỚI

10. Tại sao hội thánh đạo Đấng Ki-tô được ban những điều luật mới, và chúng khác biệt thế nào so với những điều luật được ban cho dân Y-sơ-ra-ên?

10 Trong thế kỷ thứ nhất, dân Đức Chúa Trời bước vào sắp đặt về đạo Đấng Ki-tô và nhận được những chỉ dẫn mới hoặc chỉ dẫn mở rộng liên quan đến sự thờ phượng và hạnh kiểm. Những tôi tớ trung thành này của Đức Chúa Trời ở dưới một giao ước mới. Luật pháp Môi-se được ban cho một nước là nước Y-sơ-ra-ên theo huyết thống. Ngược lại, nước Y-sơ-ra-ên thiêng liêng sẽ gồm những người đến từ nhiều nước và có gốc gác khác nhau. Quả thật, “Đức Chúa Trời không hề thiên vị, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ ngài và làm điều đúng thì được ngài chấp nhận” (Công 10:34, 35). Khi ở trong Đất Hứa, nước Y-sơ-ra-ên theo huyết thống sống dưới Luật pháp Môi-se, với những điều luật được khắc trên đá. Còn với nước Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, “luật pháp của Đấng Ki-tô” chủ yếu dựa trên các nguyên tắc được khắc vào lòng. “Luật pháp của Đấng Ki-tô” sẽ áp dụng cho các môn đồ của Chúa Giê-su và mang lại lợi ích cho họ ở bất cứ nơi nào họ sống.—Ga 6:2.

11. “Luật pháp của Đấng Ki-tô” sẽ tác động đến hai khía cạnh nào trong lối sống của một tín đồ?

11 Nước Y-sơ-ra-ên thiêng liêng sẽ nhận được lợi ích lớn lao từ sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời qua Con ngài. Không lâu trước khi giao ước mới được thiết lập, Chúa Giê-su đã ban hai mệnh lệnh quan trọng. Trong đó, một mệnh lệnh liên quan đến công việc rao giảng, còn mệnh lệnh kia tập trung vào hạnh kiểm của các môn đồ Chúa Giê-su và cách họ phải đối xử với anh em đồng đạo. Những sự hướng dẫn này dành cho mọi tín đồ. Do đó, chúng áp dụng cho tất cả những người thờ phượng thật ngày nay, dù họ có hy vọng sống trên trời hay trên đất.

12. Đã có điều gì mới về công việc rao giảng?

12 Hãy xem xét công việc rao giảng tin mừng mà Chúa Giê-su giao cho các môn đồ. Phương pháp và phạm vi của công việc rao giảng này là điều mới mẻ. Trong các thế kỷ trước đó, những người thuộc dân ngoại được chào đón khi họ đến Y-sơ-ra-ên để phụng sự Đức Giê-hô-va (1 Vua 8:41-43). Nhưng sau này, Chúa Giê-su ban mệnh lệnh mà chúng ta thấy ở Ma-thi-ơ 28:19, 20. (Đọc). Chúa Giê-su bảo các môn đồ “đi” đến mọi người. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, có bằng chứng ban đầu về kế hoạch được thay đổi của Đức Giê-hô-va, đó là về công việc truyền giáo toàn cầu. Ngài đã ban thần khí cho khoảng 120 thành viên của hội thánh mới, giúp họ có khả năng kỳ diệu là dùng những thứ tiếng khác để nói với những người Do Thái và người nhập đạo Do Thái (Công 2:4-11). Sau đó, khu vực rao giảng được mở rộng sang người Sa-ma-ri. Rồi vào năm 36 CN, khu vực được mở rộng thêm để bao gồm dân ngoại chưa cắt bì. Có thể nói rằng cánh đồng rao giảng đã được mở rộng từ một “hồ” người Do Thái đến một “đại dương” nhân loại.

13, 14. (a) “Điều răn mới” của Chúa Giê-su bao hàm những gì? (b) Chúng ta học được gì từ gương mà Chúa Giê-su đã để lại?

13 Giờ đây, hãy xem xét cách chúng ta đối xử với anh em đồng đạo. Chúa Giê-su đã đưa ra “một điều răn mới”. (Đọc Giăng 13:34, 35). Điều răn này không chỉ kêu gọi chúng ta yêu mến lẫn nhau trong những khía cạnh thông thường của đời sống hàng ngày, mà còn sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống của mình vì anh em. Đó là điều mà Luật pháp Môi-se không quy định.—Mat 22:39; 1 Giăng 3:16.

14 Chúa Giê-su đã nêu gương xuất sắc nhất về điều này. Ngài yêu thương các môn đồ một cách bất vị kỷ. Tình yêu thương như thế đồng nghĩa với việc ngài phải hy sinh mạng sống vì các môn đồ, và Chúa Giê-su đã sẵn lòng làm thế. Ngài cũng mong đợi các môn đồ, trong đó có chúng ta, sẵn lòng làm điều tương tự. Vì anh em đồng đạo, chúng ta có thể phải chịu đựng những khó khăn và thậm chí hy sinh mạng sống.—1 Tê 2:8.

NHỮNG SỰ HƯỚNG DẪN CHO THỜI NAY VÀ XA HƠN NỮA

15, 16. Chúng ta có những hoàn cảnh mới nào hiện nay, và Đức Chúa Trời hướng dẫn chúng ta như thế nào?

15 Đặc biệt kể từ khi “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” được bổ nhiệm, Chúa Giê-su đã cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ cho dân ngài (Mat 24:45-47). Thức ăn này bao gồm những hướng dẫn quan trọng trước các hoàn cảnh mới.

16 Chúng ta đang sống trong giai đoạn mà Kinh Thánh gọi là “những ngày sau cùng”, và ngay trước mắt là cơn hoạn nạn chưa từng có (2 Ti 3:1; Mác 13:19). Hơn nữa, Sa-tan và các ác thần theo phe hắn đã bị quăng từ trời xuống đất. Hậu quả là sự khốn khổ cho các cư dân trên đất (Khải 12:9, 12). Chúng ta cũng được phái đi để thi hành một chiến dịch rao giảng mang tính lịch sử và chưa từng thấy, giúp tin mừng đến với nhiều người và nhiều nhóm ngôn ngữ hơn bao giờ hết!

17, 18. Chúng ta nên phản ứng ra sao trước sự hướng dẫn mà mình được cung cấp?

17 Chúng ta cần sử dụng các công cụ rao giảng do tổ chức của Đức Chúa Trời cung cấp. Anh chị có sẵn sàng làm thế không? Anh chị có để ý sự hướng dẫn được cung cấp qua các buổi nhóm họp về cách chúng ta có thể dùng những công cụ này, cũng như làm thế nào để dùng chúng một cách hiệu quả nhất không? Anh chị có xem những chỉ dẫn ấy là sự hướng dẫn đến từ Đức Chúa Trời không?

18 Thật vậy, để tiếp tục được Đức Chúa Trời ban phước, chúng ta cần chú ý đến mọi sự chỉ dẫn được ban qua hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Việc có tinh thần vâng phục ngay bây giờ sẽ giúp chúng ta làm theo những sự chỉ dẫn trong “hoạn nạn lớn”, khi toàn bộ thế gian gian ác của Sa-tan sẽ bị hủy diệt (Mat 24:21). Sau đó, chúng ta sẽ cần có những sự chỉ dẫn mới cho đời sống trong thế giới mới, trên một trái đất không còn bất cứ ảnh hưởng nào của Sa-tan.

Trong địa đàng, các cuộn sách sẽ được mở ra để cung cấp cho chúng ta những sự chỉ dẫn về đời sống trong thế giới mới (Xem đoạn 19, 20)

19, 20. Các cuộn sách nào sẽ được mở ra, và kết quả là gì?

19 Nước Y-sơ-ra-ên dưới sự lãnh đạo của Môi-se đã cần những sự chỉ dẫn mới, và sau này, hội thánh đạo Đấng Ki-tô dưới “luật pháp của Đấng Ki-tô” cũng vậy. Tương tự, Kinh Thánh cho biết rằng các cuộn sách sẽ được mở ra để cung cấp cho chúng ta những sự chỉ dẫn về đời sống trong thế giới mới. (Đọc Khải huyền 20:12). Rất có thể các cuộn sách này sẽ cho biết những đòi hỏi của Đức Giê-hô-va đối với nhân loại vào lúc đó. Bằng cách học về các đòi hỏi ấy, tất cả mọi người, bao gồm những người được sống lại, sẽ có thể biết về ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho họ. Chắc chắn, các cuộn sách này sẽ giúp chúng ta hiểu biết thêm về lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va. Được hướng dẫn bởi sự hiểu biết ngày càng gia tăng về Lời Đức Chúa Trời cũng như những gì sẽ được tiết lộ trong các cuộn sách mới, dân cư trong địa đàng chắc chắn sẽ đối xử với người đồng loại một cách yêu thương và tôn trọng (Ê-sai 26:9). Hãy hình dung về chương trình giáo dục sẽ được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Vua Giê-su Ki-tô!

20 Sự sống vĩnh cửu đang chờ đợi những người hưởng ứng “mọi điều viết trong các cuộn sách”. Những ai giữ trung kiên với Đức Giê-hô-va trong thử thách cuối cùng sẽ được ngài ghi tên vĩnh viễn vào “cuộn sách sự sống”. Đó có thể là triển vọng của chúng ta! Vậy nếu chúng ta DỪNG LẠI để xem xét Lời Đức Chúa Trời, CHÚ Ý để hiểu ý nghĩa của Lời ấy và LẮNG NGHE bằng cách vâng theo sự hướng dẫn của ngài ngay bây giờ, chúng ta có thể mong đợi được sống sót qua hoạn nạn lớn và vui hưởng một tiến trình học hỏi không bao giờ ngừng về Đức Chúa Trời khôn ngoan tột bậc và đầy yêu thương của chúng ta, Đức Giê-hô-va.—Truyền 3:11; Rô 11:33.