Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy cố gắng để hiểu nhu cầu về mặt cảm xúc và thiêng liêng cũng như sự hỗ trợ thực tế mà các anh chị khác đang cần

Anh chị có thể giúp đỡ hội thánh của mình không?

Anh chị có thể giúp đỡ hội thánh của mình không?

Trước khi trở về trời, Chúa Giê-su nói với các môn đồ của ngài: “Anh em sẽ làm chứng về tôi... cho đến tận cùng trái đất” (Công 1:8). Làm sao những tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu có thể hoàn thành được nhiệm vụ này?

Giáo sư trường đại học Oxford là ông Martin Goodman nhận xét rằng: “Vào thời kỳ đầu của đế quốc La Mã, ý thức về sứ mệnh truyền giáo đã tạo nên sự khác biệt giữa các tín đồ đạo Đấng Ki-tô với những nhóm tôn giáo khác, bao gồm cả người Do Thái”. Chúa Giê-su đã đi từ nơi này đến nơi khác để thi hành thánh chức. Theo gương mẫu của ngài, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính hiểu rằng việc rao truyền “tin mừng về Nước Đức Chúa Trời” bao gồm việc tìm những người có ước muốn được biết sự thật Kinh Thánh (Lu 4:43). Đây là một trong những lý do tại sao hội thánh đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất có các “sứ đồ”, từ này có nghĩa đen là những người được phái đi (Mác 3:14). Chúa Giê-su đã ban mệnh lệnh này cho các môn đồ: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ tôi”.—Mat 28:18-20.

Ngày nay, không còn ai trong số 12 sứ đồ của Chúa Giê-su ở cùng chúng ta trên đất, nhưng nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va vẫn thể hiện tinh thần giáo sĩ. Trước lời mời mở rộng thánh chức, họ đáp rằng: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi” (Ê-sai 6:8). Nhiều anh chị trong số họ đã chuyển đến phụng sự ở các nước khác, chẳng hạn như hàng ngàn học viên tốt nghiệp Trường Ga-la-át. Nhiều anh chị thì chuyển tới nơi khác trong nước của họ. Cũng có những anh chị đã học một ngoại ngữ để kết hợp với các hội thánh hoặc nhóm đang chăm sóc nhu cầu của những người nói ngôn ngữ đó. Có lẽ những anh chị học một ngôn ngữ mới hoặc chuyển đến nơi có nhu cầu không phải là những người có hoàn cảnh thuận lợi nhất. Ngoài ra, việc này có lẽ không dễ dàng với họ. Họ cần có tinh thần hy sinh để thể hiện tình yêu thương với Đức Giê-hô-va và người lân cận. Sau khi tính trước những phí tổn, họ đã tình nguyện giúp đỡ người khác (Lu 14:28-30). Các anh chị làm những điều này đang đáp ứng một nhu cầu thực sự.

Tuy nhiên, hoàn cảnh của mỗi người mỗi khác. Không phải bất kỳ ai là Nhân Chứng cũng có thể chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn hoặc học một ngôn ngữ mới. Vậy, chúng ta có thể biểu lộ tinh thần giáo sĩ ngay cả tại chính hội thánh của mình không?

HÃY LÀ MỘT GIÁO SĨ TẠI HỘI THÁNH CỦA ANH CHỊ

Hãy tận dụng hoàn cảnh hiện tại để đáp ứng một nhu cầu thực sự

Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất đã có tinh thần giáo sĩ, nhưng rất có thể phần lớn trong số họ đều ở tại quê nhà của mình. Tuy nhiên, lời khuyến giục mà Ti-mô-thê nhận được vẫn áp dụng cho các tín đồ ấy cũng như cho tất cả tôi tớ của Đức Chúa Trời: ‘Hãy làm công việc của người truyền giảng tin mừng và hoàn thành chức vụ thánh của mình’ (2 Ti 4:5). Dù ở bất cứ nơi đâu, tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải vâng theo mệnh lệnh rao giảng thông điệp Nước Trời và đào tạo môn đồ. Hơn nữa, nhiều khía cạnh của công việc giáo sĩ có thể được thực hiện ngay tại hội thánh của chúng ta.

Chẳng hạn, một giáo sĩ có nhiệm sở tại một nước khác phải thích nghi với hoàn cảnh mới vì ở đó có nhiều điều khác biệt. Còn chúng ta thì sao? Nếu không thể chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn, chúng ta có nên kết luận rằng mình đã biết hết về khu vực rao giảng của hội thánh không? Hay chúng ta sẽ cố gắng tìm những cách mới để chia sẻ tin mừng với người khác? Chẳng hạn, vào năm 1940, các anh em được khuyến khích sắp xếp một ngày trong tuần để rao giảng ngoài đường phố. Anh chị có thể tham gia vào việc này không? Còn việc sử dụng quầy ấn phẩm di động thì sao? Điểm chính ở đây là: Cá nhân anh chị đã thử những cách này để rao giảng tin mừng chưa, dù đây là những cách mới với anh chị?

Khích lệ người khác “làm công việc của người truyền giảng tin mừng”

Việc có thái độ tích cực sẽ giúp chúng ta sốt sắng và hăng hái trong thánh chức. Trong nhiều trường hợp, các anh chị sẵn sàng chuyển đến những nơi có nhu cầu lớn hơn hoặc phụng sự trong cánh đồng ngoại ngữ là những người công bố có kinh nghiệm. Vì thế, họ có thể là ân phước cho nhiều anh chị khác, chẳng hạn như khi họ dẫn đầu trong công việc thánh chức. Ngoài ra, các giáo sĩ thường dẫn đầu trong hội thánh cho đến khi có các anh địa phương hội đủ điều kiện. Nếu anh là một Nhân Chứng đã báp-têm, anh có đang “vươn tới trách nhiệm” và sẵn lòng phục vụ các anh em đồng đạo trong hội thánh của mình không?—1 Ti 3: 1.

HÃY TRỞ THÀNH NGUỒN “AN ỦI KHÍCH LỆ”

Cung cấp sự giúp đỡ thực tế

Ngoài việc sốt sắng tham gia thánh chức và sẵn sàng đảm nhận các trách nhiệm trong hội thánh, chúng ta có thể giúp đỡ hội thánh của mình bằng những cách khác. Bất cứ ai, dù trẻ hay lớn tuổi, nam hay nữ, cũng có thể trở thành nguồn “an ủi khích lệ” cho những anh em đồng đạo đang cần sự giúp đỡ.—Cô 4:11, Bản Diễn Ý.

Để giúp các anh em đồng đạo, chúng ta cần phải biết rõ về họ. Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “hãy quan tâm đến nhau” khi nhóm lại (Hê 10:24). Những lời này hàm ý rằng dù không đi sâu vào đời tư của các anh chị khác, chúng ta nên cố gắng hiểu về họ cũng như những nhu cầu của họ. Họ có thể cần sự giúp đỡ thực tế hay sự hỗ trợ về mặt cảm xúc hoặc thiêng liêng. Việc giúp đỡ anh em đồng đạo không chỉ là trách nhiệm của các trưởng lão và phụ tá hội thánh. Đành rằng trong một số trường hợp, chỉ có các anh trưởng lão và phụ tá mới có thể giúp được họ (Ga 6:1). Tuy nhiên, tất cả chúng ta có thể giúp đỡ các anh chị cao niên, hoặc các gia đình, đang đương đầu với những khó khăn.

Hỗ trợ tinh thần cho những ai đang đối phó với những lo âu trong cuộc sống

Chẳng hạn, vì trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính, anh Salvatore buộc phải bán đi cơ sở làm ăn của mình cùng với nhà cửa và nhiều đồ đạc trong gia đình. Anh không biết gia đình mình sẽ đương đầu với hoàn cảnh này như thế nào. Một gia đình khác trong hội thánh nhận thấy anh cần sự giúp đỡ. Họ đã hỗ trợ anh Salvatore về mặt tài chính, giúp vợ chồng anh tìm việc làm, đồng thời dành nhiều buổi tối lắng nghe và khích lệ cả gia đình anh. Tình bạn giữa họ đã được vun đắp và kéo dài nhiều năm. Dù trải qua khó khăn trong giai đoạn đầu nhưng giờ đây, cả hai gia đình đều có những kỷ niệm đẹp về khoảng thời gian họ kết hợp với nhau.

Với những tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính, tôn giáo không phải là điều giữ cho riêng mình. Chúng ta cần noi gương Chúa Giê-su qua việc cho mọi người biết về những lời hứa tuyệt diệu trong Kinh Thánh. Dù có điều kiện để chuyển đi hay không, chúng ta có thể cố gắng hết mình để làm điều tốt cho mọi người. Chắc chắn chúng ta có thể làm thế trong hội thánh mà mình đang kết hợp (Ga 6:10). Khi làm điều này, chúng ta sẽ cảm nghiệm niềm vui của sự ban cho và sẽ được giúp để “tiếp tục sinh hoa kết quả trong mọi việc lành”.—Cô 1:10; Công 20:35.