Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ê-xê-chi-ên sẵn sàng diễn cuộc vây hãm thành Giê-ru-sa-lem

Noi theo tinh thần của các nhà tiên tri

Noi theo tinh thần của các nhà tiên tri

Anh chị có điểm chung nào với các nhà tiên tri thời xưa không? “Bảng chú giải thuật ngữ” của Bản dịch Thế Giới Mới, ấn bản năm 2013 (Anh ngữ), định nghĩa nhà tiên tri là “một người công bố ý định của Đức Chúa Trời. Các nhà tiên tri đóng vai trò như những người phát ngôn cho Đức Chúa Trời, không chỉ truyền đạt điều ngài báo trước mà cả sự dạy dỗ, mệnh lệnh và sự phán xét của ngài”. Dù không nói ra những lời tiên tri, anh chị nói cho Đức Chúa Trời khi công bố những điều được ghi lại trong Lời của ngài.—Mat 24:14.

Quả là một đặc ân tuyệt vời khi chúng ta được nói cho người khác biết về Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của chúng ta, và dạy họ biết về ý định của ngài dành cho nhân loại! Chúng ta đang tham gia vào công việc này cùng với ‘thiên sứ đang bay giữa trời’ (Khải 14:6). Dù vậy, có lẽ chúng ta phải đương đầu với những thử thách có thể khiến mình không còn xem đây là một đặc ân tuyệt vời nữa. Một số thử thách là gì? Đó có thể là sự mệt mỏi, nản lòng hoặc những cảm xúc tiêu cực. Các nhà tiên tri trung thành vào thời xưa cũng từng đối mặt với những thử thách như thế, nhưng họ không bỏ cuộc. Đức Giê-hô-va đã giúp họ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Hãy xem một vài ví dụ và xem xét cách chúng ta có thể noi gương họ.

HỌ ĐÃ NỖ LỰC HẾT MÌNH

Đôi lúc chúng ta có thể mệt mỏi do các hoạt động hàng ngày và có lẽ cảm thấy không thể tham gia thánh chức. Dĩ nhiên, chúng ta cần nghỉ ngơi; ngay cả Chúa Giê-su và các sứ đồ cũng làm thế (Mác 6:31). Nhưng hãy nghĩ đến nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên ở Ba-by-lôn và nhiệm vụ của ông giữa những người Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù, đến từ Giê-ru-sa-lem. Một lần, Đức Chúa Trời bảo Ê-xê-chi-ên “lấy một viên gạch, đặt trước mặt [ông] và khắc trên đó hình một cái thành, là Giê-ru-sa-lem”. Tiếp theo, Ê-xê-chi-ên thực hiện cuộc vây hãm tượng trưng đối với thành thu nhỏ ấy bằng cách nằm nghiêng mình bên trái 390 ngày, rồi nằm nghiêng mình bên phải 40 ngày. Đức Giê-hô-va nói với Ê-xê-chi-ên: “Ta sẽ dùng dây trói con để con không trở mình từ bên này sang bên kia được, cho đến khi số ngày vây hãm đã trọn” (Ê-xê 4:1-8, NW). Điều đó hẳn đã thu hút sự chú ý của những người Y-sơ-ra-ên bị lưu đày. Trong hơn một năm, Ê-xê-chi-ên phải thực hiện một công việc khiến cơ thể ông vô cùng mệt mỏi. Làm thế nào nhà tiên tri ấy có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình?

Ê-xê-chi-ên hiểu tại sao ông được phái đến với tư cách là một nhà tiên tri. Khi phái Ê-xê-chi-ên đi, Đức Chúa Trời đã phán với ông: “Hoặc [dân Y-sơ-ra-ên] nghe ngươi, hoặc chẳng khứng nghe,... ít nữa chúng nó cũng biết rằng ở giữa mình đã có một đấng tiên-tri” (Ê-xê 2:5). Ông ghi nhớ mục đích của nhiệm vụ mà mình được giao. Vì thế, Ê-xê-chi-ên sẵn sàng diễn cuộc vây hãm tượng trưng đối với thành Giê-ru-sa-lem. Sau này, ông cùng những người đồng hương bị lưu đày nhận được một báo cáo cho biết rằng thành đã bị sụp đổ! Đúng vậy, ông đã chứng tỏ mình là một nhà tiên tri thật và dân Y-sơ-ra-ên nhận ra rằng đã có một nhà tiên tri ở giữa họ.—Ê-xê 33:21, 33.

Ngày nay, chúng ta cảnh báo người ta về sự hủy diệt sắp đến đối với toàn thể thế gian của Sa-tan. Dù có lẽ mệt mỏi về thể chất, chúng ta vẫn dùng sức lực của mình để rao giảng Lời Đức Chúa Trời, thăm lại và điều khiển các cuộc học hỏi Kinh Thánh. Khi những lời tiên tri về thời kỳ cuối cùng của thế gian này thành hiện thực, chúng ta có sự thỏa nguyện vì được làm “một người công bố ý định của Đức Chúa Trời”.

HỌ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI SỰ NẢN LÒNG

Chúng ta nỗ lực hết mình với sự trợ giúp của thần khí Đức Giê-hô-va. Dù vậy, có lẽ đôi lúc chúng ta vẫn bị nản lòng trước phản ứng của người khác về thông điệp mình rao giảng. Hãy nhớ đến gương của nhà tiên tri Giê-rê-mi. Ông đã đối mặt với sự nhạo báng, sỉ nhục và chê cười vì công bố thông điệp của Đức Chúa Trời cho người Y-sơ-ra-ên. Thậm chí có lần Giê-rê-mi nói: “Tôi sẽ chẳng nói đến Ngài nữa; tôi sẽ chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa”. Giê-rê-mi là người có cảm xúc giống như chúng ta. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục công bố thông điệp của Đức Chúa Trời. Tại sao? Nhà tiên tri ấy nói thêm: “Trong lòng tôi như lửa đốt-cháy, bọc kín trong xương tôi, và tôi mệt-mỏi vì nín-lặng, không chịu được nữa”.—Giê 20:7-9.

Tương tự thế, nếu cảm thấy nản lòng vì phản ứng tiêu cực của người khác trước thông điệp mà mình rao giảng, chúng ta có thể chiến thắng cảm xúc đó bằng cách suy ngẫm về thông điệp ấy. Thông điệp này có thể giống như “lửa đốt-cháy, bọc kín trong xương” chúng ta. Việc có thói quen đọc Kinh Thánh hàng ngày có thể duy trì ngọn lửa ấy trong chúng ta.

HỌ ĐÃ CHIẾN THẮNG NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC

Một số tín đồ đạo Đấng Ki-tô cảm thấy bối rối khi được giao cho một nhiệm vụ mà họ chưa hiểu được ngay. Nhà tiên tri Ô-sê có lẽ đã có cùng cảm xúc đó. Đức Giê-hô-va ra lệnh cho ông: “Hãy đi, lấy một người vợ gian dâm, và con-cái ngoại-tình” (Ô-sê 1:2). Hãy hình dung anh chị sẽ cảm thấy thế nào nếu sắp kết hôn nhưng Đức Chúa Trời phán rằng người bạn đời của anh chị sẽ là một người gian dâm! Ô-sê đã chấp nhận nhiệm vụ đó, ông lấy Gô-me làm vợ và bà sinh một con trai. Sau này, vợ ông còn sinh thêm một con gái và một con trai nữa. Dường như hai người con ấy do bà ngoại tình mà sinh ra. Đức Giê-hô-va đã phán với Ô-sê rằng người vợ tương lai của ông sẽ “đuổi theo các nhân tình” của bà. Hãy lưu ý cụm từ số nhiều “các nhân tình”. Rồi sau đó bà ta sẽ cố gắng quay về với Ô-sê. Vậy, nếu anh chị là nhà tiên tri ấy, anh chị có nhận lại người vợ này không? Đó chính là điều Đức Giê-hô-va bảo Ô-sê làm! Thậm chí nhà tiên tri còn mua người đàn bà ấy về bằng giá khá cao.—Ô-sê 2:7, NW; 3:1-5.

Có lẽ Ô-sê đã thắc mắc liệu việc ông thi hành nhiệm vụ này có mang lại điều gì tốt không. Dù vậy, qua việc trung thành diễn vở kịch đó trong đời thực, Ô-sê giúp chúng ta hiểu được nỗi đau mà Đấng Toàn Năng hẳn đã cảm thấy khi dân Y-sơ-ra-ên phản bội ngài. Thực tế, một số người Y-sơ-ra-ên có lòng thành đã quay về với Đức Chúa Trời.

Đức Giê-hô-va không bảo người nào thời nay phải “lấy một người vợ gian dâm”. Dù vậy, chúng ta có thể rút ra bài học nào từ việc Ô-sê sẵn sàng chấp nhận nhiệm vụ như thế không? Một bài học là chúng ta cần sẵn sàng công bố tin mừng về Nước Trời ‘trước công chúng và từ nhà này sang nhà kia’, ngay cả khi đó là thử thách đối với cá nhân mình (Công 20:20). Có lẽ một số khía cạnh của công việc rao giảng về Nước Trời không phải là dễ với anh chị. Có không ít người học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va nói rằng họ thích học Kinh Thánh nhưng sẽ không bao giờ đi rao giảng từng nhà. Nhiều người trong số đó sau này đã bắt đầu làm được điều mà họ từng nghĩ là không thể thực hiện. Anh chị có nhận ra bài học ở đây không?

Chúng ta cũng rút ra một bài học khác từ việc Ô-sê chấp nhận nhiệm vụ khó khăn. Ông đã có thể có nhiều lý do để từ chối đóng vai trong vở kịch tượng trưng liên quan đến vợ mình. Liệu những người khác sẽ biết về nhiệm vụ đó không nếu Ô-sê không ghi lại lời tường thuật này? Chúng ta cũng có thể đối mặt với một tình huống mà mình có cơ hội nói cho người khác biết về Đức Giê-hô-va và không ai biết về cơ hội đó. Em Anna, một học sinh trung học ở Hoa Kỳ, đã ở trong tình huống ấy. Giáo viên của em yêu cầu cả lớp viết bài tiểu luận về đề tài hoặc vấn đề mà các em rất quan tâm, rồi sau đó cố gắng thuyết phục cả lớp. Em Anna đã có thể bỏ qua cơ hội làm chứng này. Tuy nhiên, em cảm thấy đó là một cơ hội đến từ Đức Chúa Trời. Lường trước được phản ứng có thể xảy ra, Anna đã cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và ước muốn nắm lấy cơ hội này dâng trào trong lòng em. Em đã viết một bài tiểu luận có tựa đề: “Sự tiến hóa: Hãy xem xét bằng chứng”.

Các bạn trẻ trong tổ chức noi theo tinh thần của các nhà tiên tri—họ dạn dĩ bênh vực Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa của chúng ta

Khi Anna trình bày bài tiểu luận của mình trước lớp, một bạn nữ tin vào sự tiến hóa đã đặt ra nhiều câu hỏi để bắt bẻ. Anna đã bảo vệ thành công lập trường của mình. Giáo viên của em rất ấn tượng và đã trao tặng Anna phần thưởng cho bài tiểu luận thuyết phục nhất. Từ đó, Anna có thêm các cuộc thảo luận về sự sáng tạo với bạn nữ từng bắt bẻ em. Việc chấp nhận “nhiệm vụ” mà Đức Giê-hô-va giao cho đã mang lại kết quả nào? Anna nói: “Giờ đây, em tự tin rao giảng tin mừng mà không lo sợ”.

Dù chúng ta không phải là những nhà tiên tri theo nghĩa tuyệt đối nhưng qua việc noi theo tinh thần hy sinh của các nhà tiên tri như Ê-xê-chi-ên, Giê-rê-mi và Ô-sê, chúng ta cũng có thể thành công trong việc thực thi ý muốn của Đức Giê-hô-va đối với chúng ta ngày nay! Trong buổi thờ phượng của gia đình hoặc học hỏi cá nhân, sao không đọc về các nhà tiên tri khác vào thời xưa và suy ngẫm về cách mà anh chị có thể noi gương họ?